Những người khởi nghiệp từ Trung tâm BSA đưa nông sản ra thế giới trong đại dịch

172

Tối ngày 16/09/2021 vừa qua, Dự án Sáng tạo Khởi nghiệp (SKC) thuộc Trung tâm BSA tổ chức chương trình workshop trực tuyến, với chủ đề: Câu chuyện thương hiệu nông sản và con đường xuất khẩu. Tại đây, những người trẻ khởi nghiệp trong mạng lưới SKC đã kể những câu chuyện, hành trình đưa sản phẩm của mình ra thế giới giữa lúc dịch Covid-19 bùng phát mạnh nhất.

Câu chuyện mật hoa dừa Sokfarm sang Nhật Bản

Cuối tháng 8/2021, anh Phạm Đình Ngãi – Co Founder mật hoa dừa Sokfarm (Trà Vinh) – Quán quân cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp năm 2020 (do Trung tâm BSA tổ chức), đã đưa thành công sản phẩm của mình sang thị trường Nhật Bản theo đường chính ngạch. Từ thành công của mình, Phạm Đình Ngãi đã đúc kết một số điều cần lưu ý, khi một doanh nghiệp khởi nghiệp muốn vào thị trường Nhật Bản.

Trong 6 tháng liên tục Phạm Đình Ngãi cùng bà xã mình làm việc online liên tục với đối tác từ Nhật Bản để xúc tiến việc đưa hàng sang

Ngãi kể, năm 2019 khi mật hoa dừa Sokfarm mới ra thị trường, tham gia một lễ hội thuần chay và quen được một người Nhật Bản. Doanh nhân này hiện làm là tổng đại lý sản phẩm của Sokfarm tại thị trường Nhật Bản.

Yếu tố đầu tiên theo Phạm Đình Ngãi, khi đó ý tưởng đưa sản phẩm vào thị trường Nhật Bản, phải luôn tìm hiểu về thị trường, thị hiếu của người Nhật cũng như của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật.

“Khi đó tôi mới biết, người Nhật thích dùng những sản phẩm thô, còn thiên nhiên, chưa chế biến sâu. Mặt khác họ cũng quan tâm đến vấn đề môi trường, tính cộng đồng và sản xuất xanh, tính bền vững. Và cũng biết được số lượng người Việt đông thứ hai trong cộng đồng người nước ngoài tại Nhật Bản”, Ngãi chia sẻ.

“Nếu vào được thị trường Nhật Bản sẽ tự tin vào Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore… dễ dàng hơn”, Ngãi nói.

Sáu tháng liên tục sau đó, các cuộc gặp trực tuyến giữa Sokfarm và đối tác Nhật Bản luôn tục diễn ra.

“Qúa trình này tôi nhận ra, sản phẩm mật hoa dừa Sokfarm phù hợp cho những món ăn của người Nhật Bản. Vì nó giúp món ăn thẩm thấu nhanh hơn và vị ngọt thanh”, Ngãi cho biết.

Phạm Đình Ngãi chia sẻ rằng, những hình ảnh đối tác, khách hàng Nhật Bản qua xem xét, đánh giá, tìm hiểu sản phẩm, luôn được anh giữ lại, để khi tiếp xúc với khách hàng tiếp theo đưa ra cho họ xem như một minh chứng về quá trình làm việc…

Yếu tố thứ hai, thị trường Nhật Bản quan tâm đến thực phẩm sạch, nhưng có những kiểu khác nhau, có đơn vị quan tâm sạch phải có các chứng nhận, cũng có đối tác không quan tâm nhiều đến chứng nhận quốc tế.

“Mà họ quan tâm đến việc lấy sản phẩm của mình đi kiểm nghiệm tại một trung tâm do họ chỉ định ở Việt Nam. Nếu đạt được tất cả các tiêu chí đưa ra thì họ đồng ý”, Ngãi cho biết.

Người sáng lập mật hoa dừa Sokfarm nói tiếp, sản phẩm mật hoa dừa Sokfarm, đối tác Nhật Bản chỉ chấp nhận trung tâm kiểm định MekongLAB ở Cần Thơ và họ kiểm định 354 chỉ tiêu các loại.

Lý giải các chỉ tiêu kiểm định, Ngãi cho hay, do sản phẩm mật hoa dừa Sokfarm chỉ có một nguyên liệu duy nhất, còn đối với các sản phẩm có từ 2 – 3 nguyên liệu, kiểm định lên tới cả 1000 chỉ tiêu.

Yếu tố thứ ba, theo Phạm Đình Ngãi, với những đơn vị khởi nghiệp mới xuất khẩu, vấn đề giấy tờ rất khó khăn, để sản phẩm có mặt tại thị trường Nhật Bản, cần chọn một công ty về vận chuyển có văn phòng ở Việt Nam và Nhật Bản.

“Khi đó mình lấy sản phẩm gởi cho văn phòng bên Nhật, họ sẽ lấy sản phẩm của mình ra hải quan hỏi, kiểm tra… tất cả các thông tin liên quan. Khi đó mình mới ký với đối tác xuất hàng”, Ngãi chia sẻ.

Ngoài ra, khi doanh nghiệp khởi nghiệp xuất hàng qua Nhật Bản, các điều khoản thanh toán cũng cần được quan tâm, tính toán sao cho hợp lý, vì khởi nghiệp ít vốn, nên phải cẩn thận để tránh rủi ro.

Tham dự các hội chợ chuyên ngành quốc tế online

Sau những chuyến hàng đi Nhật Bản, Hà Lan, Phạm Đình Ngãi đang tính đưa sản phẩm sang những thị trường khó tính khác ở khu vực và thế giới

Giữa lúc dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Việt Nam, khu vực và thế giới, nhưng Phạm Đình Ngãi vẫn tham gia các hội chợ chuyên ngành quốc tế. Như tại Hội chợ ngành dừa quốc lần thứ 49 ở thủ đô Jakarta, Indonesia, mật hoa dừa Sokfarm tham gia triển lãm online trên đó. Kết thúc hội chợ này, Sokfarm nhận được gần 500 email từ đối tác, khách hàng trên khắp thế giới gởi về tìm hiểu sản phẩm.

“Trước đây mình nghĩ dịch bệnh khắp nơi làm sao tham gia hội chợ được, nhưng bây mọi thứ đã thay đổi, một hội chợ quốc tế như thế mà họ cũng làm online được thì không lý do gì mình không chuyển đổi và tham gia”, Ngãi khẳng định.

“Doanh nghiệp khởi nghiệp thuộc lĩnh vực, ngành nghề nào thì nên tham gia trong những hiệp hội đó, bởi ở đó có nhiều thông tin chuyên ngành liên quan đến sản phẩm, thị trường, kiến thức, xu thế riêng biệt…”, Ngãi cho hay.

Bên cạnh đó, mật hoa dừa Sokfarm cũng tích cực tham gia các hoạt động thể hiện tính trách nhiệm xã hội. Như tháng 9/2021 Sokfarm tham gia chương trình hoạt động xã hội của đại sứ quán Canada. Nhằm tạo ra những giá trị cho quê hương, cho những người tham gia trong cộng đồng, nhất là người dân tộc Khmer bản địa ở Trà Vinh…

Mai mối đưa hàng cùng đi Hà Lan

Ngay trong tháng 9/2021, nhờ sự “mai mối” của Nguyễn Ngọc Hương – sáng lập Bột rau sấy lạnh Quảng Thanh, mật hoa dừa Sokfarm đã thành công khi xuất khẩu 50 thùng sản phẩm qua thị trường Hà Lan, và đi chung cùng một đơn hàng với bột rau má Quảng Thanh. Nguyễn Ngọc Hương là quán quân cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp năm 2019, cũng như Phạm Đình Ngãi quán quân năm 2020 và các bạn trong các cuộc thi khởi nghiệp của Trung tâm BSA tổ chức 7 năm qua luôn có những hỗ trợ, chia sẻ với nhau trong suốt hành trình phát triển sản phẩm của mình.

Hoạch định khâu phân phối trong thời gian giãn cách xã hội

Từ thực tế doanh nghiệp khởi nghiệp của mình, Phạm Đình Ngãi cho rằng, doanh nghiệp sản xuất trong mùa dịch có rất nhiều mối lo, nhất là khâu phân phối sản phẩm khi các nơi phong tỏa, giãn cách.

“Chúng tôi lên kế hoạch nhờ kho hàng của các nhà phân phối ở địa phương. Khi đó mình chủ động gom hàng lên kho nhà phân phối, khi khách hàng ở địa phương đó đặt hàng thì nhờ nhà phân phối giao, không bị động trong việc cung ứng hàng hóa cho người tiêu dùng. Tức là mình phải chuẩn bị hàng hóa cho đủ, phân tán hàng hóa ở nhiều nơi, nhiều địa điểm để dễ bề giao hàng”, Ngãi cho hay.

Đưa sợi tơ từ lá dứa đi Châu Âu

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Hạnh – sáng lập thương hiệu DUHAPU – Chủ trang trại Dứa Hạnh Phúc (Nghệ An), cho biết, đầu tháng 9 vừa qua trong cuộc triển lãm với tên gọi, GWAND SUSTAINABLE FESTIVAL lần thứ 12, ở Lucern, Thụy Sỹ, sợi tơ dứa của công ty cũng được khách hàng đặc biệt quan tâm và đã có những đơn hàng đầu tiên.

Hạnh cho biết, sản phẩm sợi lá dứa trên được hình thành từ sự hợp tác giữa Hạnh, chị Vũ Thị Liễu – Trưởng bộ môn công nghệ, hay chị Rachen Nguyễn.

Bà Rachel Nguyễn (đầm trắng) – GĐ phát triển KD tại EU Công ty CP nghiên cứu SX&PT sợi ECO trong hội thảo giới thiệu sợi tơ lá dứa ở Thụy Sĩ vừa qua
Đã có đơn hàng từ châu Âu với sợi lá dứa của Hạnh và các cộng sự

Sợi tơ làm từ lá dứa được thị trường châu Âu đánh giá cao bởi tính thân thiện môi trường, bền vững và giá trị cộng đồng cho người dân bản địa

Sau những nghiên cứu, thử nghiệm ban đầu từ năm 2017, Hạnh quyết định đầu tư cho việc làm sợi lá dứa, bằng việc trang bị máy móc, công nghệ phù hợp. Làm sao khi đưa lá dứa vào máy, phần thịt sẽ bị lóc ra, còn lại phần tơ dứa. Máy được thiết kế khéo léo, các lưỡi dao nếu bén quá sẽ bị đứt sợi, còn cùn quá sẽ không ra được sợi từ lá dứa…

“Chiếc máy như thế tách được 2kg sợi khô từ 100kg lá dứa tươi. Năng suất này tương đương hơn 20 người làm bằng phương pháp thủ công. Giá bán mỗi kg sợi tơ lá dứa dao động khoảng 800 ngàn đồng mỗi ký”, Hạnh cho biết.

Nếu như trước đây sau khi thu hoạch, người dân thường đốt lá dứa đi làm phân, thì nay Hạnh đã tạo ra thêm một sản phẩm mới, có giá trị cao và giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do đốt là dứa.

Những sợi tơ từ lá dứa ứng dụng làm ra nhiều sản phẩm khác nhau, nhất là trong ngành dệt may và thủ công mỹ nghệ, làm ra sản phẩm quần áo, khăn, túi sách, đồ trang trí…

 Trần Quỳnh