Ngoằn ngoèo trên nhiều con hẻm nhỏ, nơi các dãy nhà trọ nằm quay mặt vào nhau san sát, là hàng trăm hoàn cảnh của những người lao động khó khăn trên địa bàn quận 8. Điểm mà đoàn thiện nguyện Vòng Tay Việt – Sài Gòn đến là số nhà 35/45/16/10E đường Cao Lỗ, phường 4, quận 8. Trong căn phòng trọ thuê này, chỉ có hai mẹ con em Lê Ngọc Minh Anh, học sinh lớp 10A1, trường THPT Lương Văn Can sinh sống. Cách đây hơn 1 tháng, ba của Minh Anh vẫn còn ở cùng gia đình, cuộc sống vẫn êm đềm, hạnh phúc…. nhưng tất cả về người cha của em giờ đây chỉ là hũ tro cốt, được đặt tạm trên chiếc bàn nhỏ sát khu vực nấu ăn.
Những nỗi đau đến quá đột ngột
Có mặt trong đoàn ghé thăm nhà em Minh Anh, có thầy giáo Nguyễn Tấn Sỹ, hiệu trưởng trường THPT Lương Văn Can, quận 8, nơi Minh Anh đang theo học.
Thầy Sỹ cho biết, toàn trường có 11 em học sinh mồ côi cha hoặc mẹ vì Covid-19, trong đó riêng trường hợp của Minh Anh là mới vào lớp 10. Thời gian mới vào lớp 10 em cũng chưa đi học được vì khi dịch xảy ra cho đến nay các em chỉ học online.
Gia đình Minh Anh, hiện đang ở nhà thuê. Mẹ em phụ bán hàng, tiền công chỉ khoảng 7 triệu đồng, những tháng gần đây không có thu nhập vì dịch. Cha em làm việc trên sà lan, nhưng nghỉ việc từ 6 tháng nay. Và đến nay thì mất vì Covid-19. “Chúng tôi sẽ có những hỗ trợ về một số mặt khác để Minh Anh giảm bớt những chi phí khi tới trường”, thầy hiệu trưởng nói.
Mỗi lần có ai đó đến thăm, thắp nén nhang cho chồng mình, chị Nguyễn Phượng Ngọc Khánh, mẹ của Minh Anh lại rớm nước mắt chia sẻ về sự ra đi đột ngột người chồng của mình.
“Anh vào bệnh viện cấp cứu được hơn 5 giờ đồng hồ thì mất, mọi người trong gia đình quá bàng hoàng, nhất là hai con, cũng không rõ nguồn lây bệnh từ đâu. Khi anh thấy mệt trong người đi cấp cứu thì mới biết bị nhiễm Covid-19”, chị Ngọc Khánh nói.
“Bé Minh An rất buồn, thấy mẹ buồn thì an ủi, động viên mẹ rất nhiều, nói là mẹ ơi mẹ cố gắng lên, giờ chỉ còn mẹ là chỗ dựa cho con thôi”, chị Ngọc Khánh rơm rớm nước mắt kể lại.
Về phần mình, Minh Anh cho biết, ước mơ của em là học thật giỏi để sau này sang Mỹ du học, kiếm tiền lo cho gia đình.
“Dì của em bên Mỹ, có hứa sẽ giúp đỡ em nếu em học giỏi sẽ đưa em qua Mỹ học thêm để có công việc tốt hơn sau này”, Minh Anh nói.
Đến thăm gia đình em Lưu Tuyết Nghi, học sinh lớp 11A1, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên quận 8. Dưới Nghi còn hai em nhỏ đang học cấp 1, cha và mẹ em ly hôn nhiều năm nay, nên 4 mẹ con về nhà ngoại ở cùng người cậu. Năm Nghi 12 tuổi mẹ em mất vì ung thư, từ đó dì hai (không lập gia đình) và người cậu đứng ra lo lắng, chăm sóc cho các em. Nhưng Covid-19 đến, người dì hai mà em coi như mẹ bị nhiễm bệnh, trong 7 ngày đã vĩnh viễn ra đi trong sự bàng hoàng của các em.
“Nghi rất ít nói, kể từ sau mẹ mất vì ung thư, đến nay dì mất vì Covid-19 em càng buồn hơn. Những ngày này tôi luôn động viên Nghi gắng học hết lớp 12, để sau này còn có việc ổn định lo cho em của mình. Hiện nay 3 chị em Nghi do tôi đứng ra chăm sóc, nuôi dưỡng”, anh Huỳnh Bảo Long – cậu ruột, người đang nuôi ba chị em Nghi cho hay.
Bên trong căn nhà chưa đầy 10 mét vuông….
Của địa chỉ 21/15, đường Nguyễn Ngọc Phương, phường 21, quận Bình Thạnh, là nơi sinh sống của em Lâm Thành Triệu, học sinh lớp 10A4 trường THPT Nguyễn Trường Tộ, cùng gia đình. Căn nhà chật hẹp đến mức hai người đi qua lại tránh nhau cũng khó, con hẻm vào cũng thế, chỉ vừa cho một người dắt xe qua. Đoàn năm người của chương trình Vòng Tay Việt – Sài Gòn không thể vào trong nhà, phải đứng ở ngoài cổng trò chuyện cùng em Triệu và mẹ của em.
Cha Triệu trước đây làm bảo vệ, lương thấp, mẹ em buôn bán hàng rong, nay thứ này, mai thứ khác, từ trái cây, bánh tráng… trên một số tuyến đường để lo cho hai anh em Triệu cái ăn, cái học. Cuộc sống vốn thiếu trước hụt sau là thế, nhưng Co vid-19 đến, như một trận cuồng phong, quét qua gia đình em và lấy đi mạng sống người cha, khi ông mới 48 tuổi.
“Chồng tôi bị Covid-19 từ ngày 9/7 đến ngày 18 thì mất. Trước khi vào viện những ngày đầu anh rất khỏe, còn điện thoại về nói là đang phụ giúp cho những người bị bệnh nặng. Vậy mà chỉ sau vài ngày chính anh là người chuyển nặng và mất luôn trong bệnh viện”, chị Ngô Thị Thúy, mẹ em Triệu nói trong nước mắt.
Trò chuyện cùng chị Thúy, qua lời tâm sự của mình, dường như chị đang oán trách bản thân mình, vì theo chị cho biết, mình là người đi bán hàng rong và bị nhiễm bệnh đầu tiên và lan sang cả gia đình.
“Tôi hiện nay chỉ mong muốn Triệu học hết lớp 12 rồi thi vào một trường đào tạo nghề nào đó để học lấy cái nghề nuôi bản thân sau này, vì em không được thông minh, nhanh nhẹn, nên phải tìm một nghề phù hợp với em”, Chị Thúy cho hay.
Rất nhiều và rất nhiều các em học sinh THPT mà chúng tôi tiếp xúc ở quận 8 trong ngày 9/10 đều có những ước mơ, khát vọng của mình. Có em mong muốn theo ngành sư phạm, em thì mong sau này thi vào trường kinh tế, học về marketing, làm diễn viên, em lại mong muốn nhỏ nhoi là làm một người bán quán cơm theo nghề cha. Cũng có em muốn học giỏi vào trường y, để chữa bệnh cứu người… Nhưng khi các em mất đi cha, hoặc mẹ, những ước mơ đó sẽ trở nên khó khăn hơn cho người còn lại đang chăm sóc các em.
Bài, ảnh: Trần Quỳnh