Nỗ lực mới để niêm yết lần đầu trên sàn Nasdaq của VNG sẽ “mã đáo thành công”?

337
Hình ảnh Chủ tịch kiêm CEO VNG Lê Hồng Minh và Phó Chủ tịch Nasdaq Bob McCooey trên Quảng trường Thời Đại. Ảnh: Nasdaq
Tiêu điểm

Nỗ lực mới để niêm yết lần đầu trên sàn Nasdaq của VNG sẽ “mã đáo thành công”?

Tập đoàn VNG, đơn vị sở hữu ứng dụng nhắn tin Zalo, đang cân nhắc kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua việc sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC).
Hãng tin Bloomberg nói VNG đang làm việc với các cố vấn tài chính để tổ chức thảo luận với các SPAC nhằm tìm ra một thoả thuận hợp lý và tiềm năng. Nếu đạt được thoả thuận với công ty “vỏ bọc”, VNG sẽ là công ty mới nhất tại Đông Nam Á góp mặt trong danh sách những doanh nghiệp muốn niêm yết tại Mỹ thông qua thoả thuận mua bán, sáp nhập.
Bloomberg cũng ước định giá trị thị trường khởi điểm của VNG sẽ từ 2-3 tỷ USD. Tuy vậy, năm 2019 khi quỹ đầu tư Temasek của Chính phủ Singapore đầu tư vào VNG, Temasek đã định giá VNG khoảng 2,2 tỷ USD. Lúc đó, Zalo còn rất yếu, không có vị thế như bây giờ bởi đã vượt qua Facebook là mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin được nhiều người Việt Nam sử dụng nhất. Như vậy, một số chuyên gia nhận định rằng Zalo không thể nằm trong phân đoạn 2-3 tỷ USD được.
Tuy nhiên, đây cũng không phải lần đầu VNG để lộ ý đồ IPO trên sàn Nasdaq. Năm 2017, Chủ tịch kiêm CEO VNG Lê Hồng Minh đã đến New York và tiến hành ký thỏa thuận với Phó Chủ tịch Nasdaq Bob McCooey về việc đưa VNG lên sàn. Tuy nhiên, điều khó hiểu là đã bốn năm qua, vụ IPO của VNG vẫn đang dậm chân tại chỗ.
Sáp nhập nhanh với SPAC để sớm tiến hành IPO trên Nasdaq là cách thức được các công ty công nghệ các nước ưa chuộng bởi công ty vỏ bọc không có quá nhiều giao dịch, nên thời gian kiểm toán rất nhanh chóng. Tuy nhiên, các vụ IPO qua SPAC hiện đang bị chính phủ Mỹ “dòm ngó” và siết chặt các quy định. Tập đoàn mới GoTo – sáp nhập giữa hai công ty công nghệ tỷ đô của Indonesia là Gojek và Tokopedia – đã phải dời lịch IPO đến tháng 12 năm nay, thay vì tháng 7, do việc siết chặt quy định của phía Mỹ.
Việc niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore (SGX) thông qua hình thức công ty vỏ bọc SPAC cũng được doanh nghiệp công nghệ ở Việt Nam và Đông Nam Á quan tâm, nhưng thường đặt ở vai trò thứ yếu.
Trước VNG, công ty bất động sản trực tuyến của Singapore PropertyGuru Pte đồng ý thoả thuận SPAC trị giá 1,8 tỷ USD vào tháng 7. Traveloka của Indonesia cũng đang đàm phán để gây quỹ niêm yết thông qua sáp nhập. Trong số các doanh nghiệp Việt Nam, hãng xe VinFast cũng đang có những động thái để tiến hành niêm yết tại Mỹ.
Tuy nhiên, quá trình IPO của các doanh nghiệp Việt Nam và Đông Nam Á trên sàn chứng khoán New York chắc chắn sẽ kéo dài thêm nhiều tháng như GoTo hoặc có khi dài hơn như ý định IPO của VNG vào năm 2017.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,4 – 57,1 triệu đồng/lượng, không đổi so với hôm trước, chênh lệch giá hai đầu vẫn giữ 700.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.755,9 USD/ounce, tăng 4,1 USD, tương đương 0,23% so với chốt phiên trước. Được biết, trong trạng thái giá trong nước chênh rất cao so với giá vàng thế giới quy đổi, thì các đầu mối kinh doanh trong nước đã tiếp tục giãng rộng chênh lệch giá mua bán.
2/ Infographic: Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nữ giới chịu tác động từ tình trạng mất việc làm vì đại dịch Covid-19 nặng nề hơn so với nam giới.
3/ Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, nửa đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường Australia đạt 88,7 triệu USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là thị trường ghi nhận mức tăng trưởng tốt nhất trong số các thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam. Theo đó, mặc dù giá tôm nhập khẩu từ Việt Nam vẫn cao hơn so với các nước đối thủ từ 1-2 USD/kg nhưng tôm Việt Nam đang cạnh tranh rất tốt tại thị trường Australia. Nước này hiện cũng đang đẩy mạnh tiêm vaccine cho người dân nên dự kiến xuất khẩu tôm sang thị trường này từ nay đến cuối năm vẫn tăng trưởng tốt. Hiện tại, nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào Australia đã tăng 93%, trong khi từ Thái Lan và Trung Quốc giảm lần lượt 4% và 31%.
4/ Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 80,85 nghìn tấn thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 187,13 triệu USD, tăng 154,8% về lượng và tăng 144,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Nga là thị trường lớn nhất cung cấp thịt heo cho Việt Nam. Tính trung bình mỗi kg thịt heo nhập khẩu về Việt Nam có giá hơn 2,3 USD/kg (chưa tính thuế phí), tương đương hơn 50.000 đồng/kg. Mặc dù quy mô chăn nuôi heo của Việt Nam đã gần phục hồi bằng mức trước dịch tả heo, nhưng Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục nhập khẩu thịt heo do vẫn còn thâm hụt cung cầu. Dự báo, trong quý III/2021 sản lượng thịt heo sẽ đạt khoảng 884 ngàn tấn, tăng 4,5%.
5/ Ngày 13/8, tổng giám đốc Công ty cổ phần cảng An Giang (cảng Mỹ Thới) đã cho biết rằng nhiều ngày qua, lượng gạo xuất khẩu tại cảng hiện đang ở khoảng 5.600 tấn/ngày, số thùng container tăng gấp 3 lần sau khi cảng Cát Lái (TP.HCM) bị ứ đọng. Nếu bình thường, cảng Mỹ Thới đóng thùng container gạo đi xuất khẩu chỉ 20 thùng, còn bây giờ đã tăng lên gần 100 thùng container/ngày, ước khoảng 2.600 tấn gạo. Được biết, có 2 nguyên nhân dẫn đến số lượng container tăng đột biến là do doanh nghiệp không vào cảng Cát Lái đóng thùng container xuất khẩu và một số cảng khác như Thốt Nốt, Cái Cui (Cần Thơ) không cho công nhân di chuyển khi thực hiện chỉ thị 16, dẫn đến các doanh nghiệp tìm về cảng Mỹ Thới tấp nập hơn.
6/ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã được The Asian Banker, tổ chức xếp hạng tài chính hàng đầu châu Á, trao tặng 2 giải thưởng: Ngân hàng thanh toán xuất sắc nhất Việt Nam 2021 và Ngân hàng được yêu thích nhất Việt Nam 2021. Được biết, đây là năm thứ ba liên tiếp The Asian Banker trao giải thưởng Ngân hàng thanh toán xuất sắc nhất Việt Nam đến Techcombank, ghi nhận những thành tựu của ngân hàng trong việc xây dựng giải pháp đáp ứng khả năng xử lý thanh toán quy mô lớn cho khách hàng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Techcombank cũng đã được The Asian Banker trao tặng đến 5 giải thưởng uy tín gồm Ngân hàng bán lẻ được tin dùng nhất, Ngân hàng có sản phẩm đầu tư tốt nhất 2021,  Ngân hàng cung cấp giải pháp vay mua nhà tốt nhất năm 2021.
7/ Theo WSJ, Thượng viện Mỹ đã chính thức thông qua gói hỗ trợ 3.500 tỷ USD. Đây là bước đầu tiên trong quá trình đầy gian nan của Đảng Dân chủ để có được gói hỗ trợ quy mô cực kỳ lớn dành cho giáo dục, y tế, biến đổi khí hậu và nhiều khoản chi khác mà không cần đến sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa. Gói hỗ trợ này dự kiến sẽ chi tiêu tiền cho người thất nghiệp, hỗ trợ chăm sóc trẻ mầm non, hỗ trợ 2 năm theo học tại trường cao đẳng cộng đồng, đồng thời mở rộng chăm sóc y tế cho nhiều đối tượng khác. Gói cũng sẽ cố gắng giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu thông qua nhiều sáng kiến thuế cũng như chương trình nhằm tăng tỷ lệ điện từ các nguồn năng lượng sạch của Mỹ lên ngưỡng 80% vào năm 2030.
8/ Tập đoàn sản xuất đồ thể thao Adidas (Đức) cho biết đã bán lại thương hiệu Reebok, mà tập đoàn đã mua cách đây 15 năm, cho tập đoàn Authentic Brands Group (Mỹ) với giá khoảng 2,5 tỷ USD. Theo đó, việc bán lại Reebok cho Authentic Brands Group là nhằm giúp tập đoàn cắt giảm gánh nặng tài chính và tập trung đầu tư, nghiên cứu sản phẩm cốt lõi, giúp hình ảnh thương hiệu được cải thiện và thu hẹp khoảng cách với Nike ở thị trường Bắc Mỹ. Năm 2006, Adidas đã mua lại Reebok với giá 3,8 tỷ USD cùng hy vọng có thể cạnh tranh với Nike tại thị trường Bắc Mỹ. Được biết, Authentic Brands Group hiện sở hữu một số thương hiệu lừng lẫy trong đó có các tên tuổi thời trang JCPenney, Forever21, Brooks Brothers cũng như tạp chí thể thao Sports Illustrated.
Ảnh minh họa: Internet
9/ Sở Thuế Nam Phi (SARS) dự định sẽ siết chặt chính sách đánh thuế các tài sản kỹ thuật số như tiền điện tử, theo đó mức thuế áp dụng với những tài sản này có thể lên đến 45%. Theo đó, SARS sẽ căn cứ kê khai của người nộp thuế về mục đích sở hữu tài sản kỹ thuật số để xác định đó là một dạng thu nhập hay một dạng vốn. Theo đó, với những người đăng ký sở hữu tài sản kỹ thuật số như một dạng thu nhập, mức thuế áp dụng tối đa có thể lên tới 45%, trong khi mức thuế đối với những sở hữu dạng vốn tối đa là 18%. Cũng giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, nhà chức trách Nam Phi gần đây thể hiện quan điểm sát sao hơn về việc quản lý và đánh thuế các tài sản điện tử. Hồi tháng 6 vừa qua, Ngân hàng Dự trữ Nam Phi (SARB) thông báo các nhà đầu tư tiền điện tử ở quốc gia này sẽ không được phép sử dụng các giao dịch xuyên biên giới hay chuyển ngoại tệ để mua tài sản kỹ thuật số.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Bản tin hội nhập, từ 5/8 – 12/8/2021