Nông nghiệp Việt Nam phải “truy xuất được nguồn gốc” nếu muốn vào châu Âu

    Ngày 25/ 9, tại TPHCM, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM phối hợp cùng trường Đại học Văn Hiến, tổ chức hội thảo: “Tận dụng EVFTA trong bối cảnh Covid-19 – Cơ hội và thách thức cho ngành nông nghiệp, dệt may và da giày”.
    Tại đây, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều nội dung nhằm giúp doanh nghiệp Việt đang có ý định vào thị trường châu Âu có thể thành công.
    Tiến sĩ Từ Minh Thiện, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến cho rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam có khá nhiều cơ hội khi tham gia vào thị trường này. Nhưng theo ông Thiện, muốn vậy doanh nghiệp Việt Nam phải có những thay đổi.
    Hội thảo thu hút sự tham gia chia sẻ của nhiều chuyên gia trong ngành
    Ứng dụng số hóa
    Theo ông Thiện, doanh nghiệp Việt Nam cần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, chẳng hạn như công nghệ blockchain để truy suất nguồn gốc, phải đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, và các điều kiện khi vào châu Âu, bởi mặt hàng này, đối tác quan tâm nguồn nguyên liệu đầu vào đạt đúng theo tiêu chuẩn.
    Những nông sản có lợi thế là gạo, trái cây, rau củ, thịt, đường…nhưng doanh nghiệp nên thúc đẩy ngành nông sản chế biến sâu, bởi nó mang lại nhiều giá trị hơn.
    Tiến sĩ Từ Minh Thiện, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến chia sẻ tại hội thảo
    Mặt khác, khi Covid-19 đang diễn ra, doanh nghiệp cần xem xu hướng đầu tư, kinh doanh ở thị trường châu Âu thay đổi ra sao để đưa ra những giải pháp phù hợp.
    Nói thêm về việc vấn đề số hóa, ông Thiện dẫn chứng, nếu doanh nghiệp ứng dụng platform, điều này giúp tạo ra tương sự tác giữa người mua, người bán. Hiện nay dịch Covid-19, việc tiếp cận thị trường khó, thông qua platform sẽ dễ dàng tiếp cận hơn với người mua hàng.
    “Nếu doanh nghiệp số hóa được nguồn cung, sẽ tạo được niềm tin từ đối tác, khách hàng, giúp doanh nghiệp nắm rõ, hoạch định được việc sản xuất sản phẩm. Phía người mua cũng nắm được những phần cơ bản của doanh nghiệp, từ đó thiết lập được chuỗi cung ứng của họ”, ông Thiện nói.
    Để nông nghiệp tốt hơn nữa, theo ông Thiện, phải nâng tầm công nghệ chế biến và công nghệ bảo quản sau thu hoạch, bởi hàng năm Việt Nam thiệt hại từ khâu bảo quản, chế biến từ 25 – 30%.
    Ông nói: “Nếu làm tốt Việt Nam có thể tiết kiệm được khoảng 15 – 20% sản lượng thất thoát”
    “Mặt khác, xuất khẩu qua châu Âu, đi bằng đường biển là chính, lên đến kệ siêu thị cũng mất hơn 1 tháng, nên làm sao sản phẩm phải còn nguyên chất lượng, hình dáng, mùi vị, hương vị… “
    “Do đó ứng dụng những công nghệ bảo quản tốt hiện nay trở thành vấn đề quan trọng để doanh nghiệp tiến vào thị trường châu Âu”.
    Cuối cùng, ông Thiện cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, chuỗi cung ứng ở nhiều quốc gia bị gãy, giờ đây họ đang thiết lập lại, nên Việt Nam cần cố gắng tận dụng cơ hội này để tham gia vào trong đó.
    Doanh nghiệp cần nói lên những khó khăn của mình để được tư vấn
    Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM
    Tại hội thảo, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM cho rằng, doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội lớn từ thị trường châu Âu sau khi EVFTA thông qua là thế, nhưng để biến nó thành thực tế, cần rất nhiều yếu tố khác.
    Ông Phạm Bình An liệt kê một vài nội dung như:
    “Hàng hóa doanh nghiệp có xuất xứ theo đúng yêu cầu từ bên nhận hàng để được hưởng thuế hay không, có làm theo các phom mẫu được quy định hay không?…
    “Tìm nguồn hàng ở đâu để đảm bảo yêu cầu. Chưa kể đến những vấn đề nhiều doanh nghiệp Việt chưa thực sự quan tâm là vấn đề phát triển bền vững, châu Âu lại coi trọng…”
    Tức là có rất nhiều việc cần làm để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn này, ông An nhấn mạnh.
    Ông An cho rằng, cần có những hộ trợ doanh nghiệp về thông tin để doanh nghiệp biết và thực hiện, hỗ trợ các nguồn cung nguyên liệu theo yêu cầu từ châu Âu, hỗ trợ, hướng dẫn để doanh nghiệp thay đổi cách quản lý, nhất là về tiêu chuẩn.
    Để tận dụng tốt hơn, theo ông An, doanh nghiệp cần có tiếng nói theo nhu cầu của từng nhóm ngành hàng, từng thị trường.
    Ông An nói, “từ đây, các cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng mới biết rõ hơn để có những hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời”.

    Bài, ảnh: Trần Quỳnh