Nữ tiến sĩ Nguyễn Minh Hiền: Vì những tấm ảnh cộng hưởng từ “biết nói”!

7981
TS Nguyễn Minh Hiền cùng GS.TS Gary Glover tại hôi nghị quôc tê ISMRM hàng đầu trong lĩnh vực cộng hưởng từ

(Vietnamtimes) – “Tôi vận hành máy cộng hưởng từ để thu thập tín hiệu phát ra từ các hạt nhân cấu tạo nên cơ thể con người và sau đó phát triển các thuật toán xử lý tín hiệu tiên tiến nhằm mục đích khôi phục ảnh nội soi. Công việc này với tôi vô cùng thú vị. Thú vị ở chỗ có thể nhìn vào bên trong cơ thể con người, để chẩn đoán, giúp bệnh nhân sớm tìm ra bệnh và điều trị kịp thời”.  

Tiến sĩ (TS) Nguyễn Minh Hiền đã chọn công việc thầm lặng nhưng ý nghĩa như thế sau khi về nước làm khoa học và giảng dạy tại Đại học Việt Đức (Vietnamese – German University (VGU).

Đam mê vì sức khỏe cộng đồng

TS Nguyễn Minh Hiền tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật điện và Kỹ thuật máy tính tại Đại học Illinois, TP Urbana-Champaign, Mỹ. Năm 2010, sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ, cô cũng đã từng có thời gian công tác, làm việc dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các giáo sư hàng đầu của Đại học Standford – đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực y học và cộng hưởng từ thế giới.

Trong số đó có nhóm cộng sự của giáo sư Gary Glover thuộc trường Đại học Standford, nhà khoa học nổi tiếng thế giới, cũng là một trong những nhà sáng lập và phát triển kỹ thuật cộng hưởng từ tại Hoa Kỳ.

Về nước năm 2012, sau gần 2 năm làm việc tại Viện Điện tử – Viễn thông, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chọn công việc giảng dạy tại Trường Đại học Việt Đức, TS Nguyễn Minh Hiền dành thời gian còn lại để theo đuổi các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực xử lý tín hiệu cộng hưởng từ.

TS Nguyễn Minh Hiền cùng sinh viên trong một giờ thực hành

Cô giải thích rằng, công việc này với cô vô cùng thú vị. Thú vị ở chỗ có thể nhìn vào bên trong cơ thể con người, để chẩn đoán, giúp bệnh nhân sớm tìm ra bệnh và điều trị kịp thời. “Tôi điều khiển, vận hành máy cộng hưởng từ để thu thập tín hiệu phát ra từ các hạt nhân cấu tạo nên cơ thể con người. Sau đó, phát triển và sử dụng các thuật toán khôi phục ảnh tiên tiến nhằm mục đích cho ra đời dãy ảnh nội soi chất lượng cao”.

Lĩnh vực TS Hiền theo đuổi đặc biệt ở chỗ là sự giao thoa giữa khoa học cơ bản, kỹ thuật, công nghệ thông tin cho ra những ứng dụng thực tiễn, gắn liền với đời sống. Chính vì tính đa dạng, đa ngành để nắm được các nguyên lý vận hành máy, nguyên lý tạo ra ảnh nội soi thông qua việc tác động từ trường cường độ cao, vô số khả năng sử dụng các ảnh nội soi chụp được cho các ứng dụng kỹ thuật y sinh, quả không phải là điều dễ dàng.

“Những thách thức và các vấn đề còn mở trong công nghệ cộng hưởng từ đã mang lại nhiều nguồn cảm hứng và sáng tạo cho tôi. Với những sáng tạo mới trong ngành xử lý tín hiệu cộng hưởng từ, hy vọng, tương lai gần, các thiết bị chụp cộng hưởng từ rẻ hơn, chất lượng hình ảnh nội soi cao, giúp chẩn đoán sớm được những sai lệch trong cơ thể người, mang đến những dự đoán chính xác trong việc chữa trị, phẫu thuật, góp phần nâng cao sức khỏe cho cộng đồng”, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hiền cho biết thêm.

Theo TS Hiền, giỏi toán, vật lý, tư duy logic, lập trình và nhận thức sáng tạo là những tố chất cần thiết để theo đuổi con đường khoa học ở lĩnh vưc kỹ thuật điện và công nghệ thông tin

Giấc mơ 10 năm

Tại Việt Nam, kỹ thuật cộng hưởng từ hiện đang được áp dụng trên các thiết bị cộng hưởng từ nhập ngoại đắt đỏ. Trong khi đó, hướng nghiên cứu phát triển kỹ thuật và công nghệ cộng hưởng từ chỉ mới nhen nhúm được bắt đầu tại Việt Nam. Như chúng ta đã biết, MRI là kỹ thuật hình ảnh hiện đại, mang lại nhiều tiện ích đối với y học. Nhiều nơi trên thế giới đã có những nghiên cứu ứng dụng công nghệ cộng hưởng hạt nhân từ để sớm phát hiện và chẩn đoán các khối u, từ đó chẩn đoán các tế bào ung thư. Hệ thống này khi áp dụng vào phòng mổ cũng giúp các cuộc phẫu thuật nhanh và chính xác hơn, tính an toàn cũng đặc biệt cao hơn.

Kỹ thuật y sinh nói chung và lĩnh vực cộng hưởng nói riêng đang là xu hướng phát triển tất yếu của công nghiệp tại các quốc gia phát triển như: Hoa Kỳ, các quốc gia ở châu Âu, Úc hay láng giềng của chúng ta như Singapore.

“Tôi hy vọng trong vòng 10 đến 20 năm nữa, tại Việt Nam, chúng ta cũng sẽ có nhiều nhà khoa học, các kỹ sư làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật cộng hưởng từ, nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển kỹ thuật công nghệ chung của Việt Nam, đồng thời, mở rộng ứng dụng thực tiễn trong cuộc sống”, cô Hiền giải thích.

Tại khuôn viên Đại học Stanford vào dịp Tết năm 2013

Đường xa không mỏi chân hồng

TS Nguyễn Minh Hiền là một trong số rất ít nhà khoa học nữ của Việt Nam theo đuổi lĩnh vực xử lý ảnh cộng hưởng từ (Magnetic Resonance Imagine – MRI) hiện nay.

Và câu chuyện bắt đầu từ TP Dubna, cách thủ đô Moscow 125 km về hướng bắc, cạnh sông Volga, Nga. Đó là nơi gắn liền với nhiều ký ức tuổi thơ tươi đẹp của cô Hiền khi cô đến xứ sở bạch dương từ quyết định của người cha.

Cha cô, người bảo vệ luận án Tiến sĩ Khoa học Toán Lý tại Khoa Vật lý Các môi trường Đông đặc của Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân Dubna năm xưa đã quyết định mang cả gia đình sang Nga. Chính ông là người truyền cảm hứng, khơi gợi đam mê để đưa cô đến với lĩnh vực khoa học kỹ thuật.

Và một học kỳ tại một trường Đại học quốc tế ở thành phố Dubna là nền tảng quan trọng để cô trở về và bước chân vào Đại học Bách khoa Hà Nội, tiếp tục học ngành mình đã chọn để rồi sau đó cô sang Mỹ học tập, nghiên cứu với học bổng được tài trợ bởi Quỹ Giáo dục Việt Nam VEF (Vietnam Education Foundation).

TS Nguyễn Minh Hiền cùng các đồng nghiệp tại Đại học Stanford

TS Hà Thúc Viên, quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Đức (Vietnamese – German University) nơi TS Hiền công tác, chia sẻ: “Sự thông minh thiên phú, cùng với nền tảng đào tạo tốt từ những trường danh tiếng ở nước ngoài, lại được công tác đúng lĩnh vực, chuyên ngành tại Việt Nam hiện nay đã giúp cô Hiền có điều kiện phát huy hết khả năng của mình. Chúng tôi đặc biệt ấn tượng về Tiến sĩ Hiền bởi tinh thần cầu tiến, ham học hỏi và hết lòng, đầy trách nhiệm trong công việc”.

Cũng theo TS  Hà Thúc Viên, cô Hiền là một trong những nhà khoa học nữ thành công tại Đại học Việt Đức khi để lại nhiều dấu ấn bởi tài năng và cá tính. “Điều đó xóa đi quan niệm rằng khoa học – công nghệ – kỹ thuật không phù hợp lắm với phụ nữ” TS Viên nhận định.

Nói về chuyện phụ nữ lại đam mê kỹ thuật, TS Hiền giải thích: “Nam giới giải quyết các công nghệ phần cứng tốt hơn nữ giới. Tuy nhiên, kỹ năng lập trình và tư duy phát triển các thuật toán xử lý tín hiệu đòi hỏi sự chu đáo, chi tiết, tính kiên trì… thì nữ giới vẫn có thể đảm nhiệm tốt. Trong nghề tôi chọn, phần dành cho lập trình và phát triển kỹ thuật lấy mẫu tín hiệu cùng các thuật toán xử lý tín hiệu cài đặt trên máy cộng hưởng từ có phần lớn hơn. Đây cũng là sự phù hợp với khả năng tư duy của tôi”.


Vì sự phát triển một ngành học mới tại Đại học Việt Đức – VGU

Ngoài nghiên cứu khoa học, điều phối viên ngành học, tiến sĩ Nguyễn Minh Hiền cũng là giảng viên cao cấp của ngành Kỹ thuật điện và Công nghệ Thông tin EEIT.

Đây là ngành học trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ sở chuyên môn và kỹ thuật cơ bản để thích ứng với những công việc khác nhau trong lĩnh vực rộng của ngành điện, điện tử, viễn thông và công nghệ máy tính.

EEIT cũng là ngành đầu tiên được mở ra tại Trường Đại học Việt Đức VGU. Chương trình đào tạo được xây dựng trên nền tảng giáo dục Đức, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, với phần thực hành tăng cường chiếm gần 70 % các môn học tại đây. 

Theo TS Hiền, giỏi toán, vật lý, tư duy logic, lập trình và nhận thức sáng tạo là những tố chất cần thiết để theo đuổi con đường khoa học ở lĩnh vưc kỹ thuật điện và công nghệ thông tin.

Cùng với đó là những đam mê, sự tò mò thích khám phá tìm hiểu cách thức hoạt động của các hệ thống và thiết bị điện, điện tử là những yếu tố góp phần thành công cho những ai nhen nhúm trên bước đường này.

Hồng Chi – Ảnh nhân vật cung cấp
  (Theo Thời Đại)