Núi nợ đè nén phát triển và thu hút đầu tư mới

Các gói cứu trợ nền kinh tế, vay mượn của doanh nghiệp và hộ dân khiến khối nợ toàn cầu chiếm 265% GDP trong năm 2020. Đồ họa: Nikkei Asia
Trung Quốc hiện chiếm đến 63% khối lượng nợ mà các nước ngoài G20 đang vay mượn từ khối G20 trong năm 2019 – theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB). Và nếu tính đến số nợ mà các thành viên G20 vay mượn từ Trung Quốc, con số này thật sự khủng khiếp. Nói cách khác, Trung Quốc đang là chủ nợ chính của thế giới.
Hãng đánh giá tín dụng S&P Global tuần rồi nói khối nợ toàn cầu trong năm 2020 sẽ chạm cột mốc 200.000 tỷ USD, chiếm đến 265% GDP nền kinh tế thế giới. Trước đó, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) nói con số này lên đến 277.000 tỷ USD – ở khối nước phát triển tỷ lệ nợ lên đến 432%. Cả S&P Global và IIF đều chỉ ra lý do: vay mượn của các chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình gia tăng trong mùa dịch!
Nợ phình ra, tăng trưởng bị đe dọa
Tại cuộc họp thượng đỉnh G20 cuối tháng 11 vừa rồi, các nhà lãnh đạo khối này đã thành công trong việc “mời” Trung Quốc tham gia nhóm các nước chủ nợ. Chủ tịch WB David Malpass nói rằng khối nợ này thật sự là nguy cơ lớn đối với các nước nghèo.
Trả lời phỏng vấn của Nikkei Asia, Chủ tịch Malpass nói: “Các nước nghèo nhất đang nợ quá nhiều, dù rằng họ đang cố cắt giảm khối nợ này nhưng nó vẫn gây trở ngại cho năng lực thu hút đầu tư nước ngoài”.
Ông nói rằng khi đại dịch đến, gánh nợ trở nên nặng nề hơn trên vai người dân nước đó. Thách thức là cung cấp các giải pháp “giải vây nợ” – tức giảm giá trị ròng của khối nợ hiện giờ. Điều này cần có sự tham gia của các chủ nợ khu vực công và tư, đặc biệt là chủ nợ công. “Một trong những chủ nợ công lớn nhất là Trung Quốc. Tôi vui mừng vì thấy có sự tham gia tích cực hơn của họ”.
“Bởi vì nguồn lực bắt buộc để trả nợ là những nguồn tài nguyên cần thiết để chống dịch. Có một mối liên hệ rõ ràng giữa tiền trả nợ và khả năng của quốc gia con nợ trong việc hỗ trợ dân chúng của quốc gia này”, ông Malpass nói.
Lý do thứ hai Chủ tịch WB chỉ ra là: Giảm nợ rất cần thiết để tạo môi trường thu hút đầu tư mới. Không có giảm nợ, các nhà đầu tư mới chần chừ, không muốn bỏ vốn. Đất nước đó gặp nguy cơ một loạt các chuỗi tái cấu trúc nợ. “Mỗi lần như vậy rất đắt giá và làm các nhà đầu tư ngần ngại hơn”, ông nói.
Ông Malpass cũng nói rằng các hợp đồng nợ thường không rõ ràng. Các chi tiết hợp đồng, chẳng hạn như lãi suất, lịch trình trả nợ hay tài sản thế chấp cần thiết đều không được công khai. Tài sản thế chấp vốn là thành tố của nền kinh tế đã được để dành cho chủ nợ mà không được xác định rõ.
Hợp đồng vay mượn phải minh bạch
Ông Malpass nhắc lại sự cần thiết của sự minh bạch khi nền kinh tế thế giới bước vào quá trình hồi phục sau dịch trong năm 2021-2022. “Với sự minh bạch, người dân một nước biết được cái gì trong các hợp đồng mà các nhà lãnh đạo nước họ đã ký. Vì thế, sẽ có cách tiếp cận xây dựng hơn với các thị trường tài chính thật sự hữu ích cho sự phát triển quốc gia”, Chủ tịch WB nói.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass: “Sự tham gia của Trung Quốc với tư cách chủ nợ chính trong nhóm chủ nợ là rất khích lệ. Tuy nhiên, lãi suất của Trung Quốc thật sự cao”. Ảnh: Nikkei Asia
Trước dịch, nhiều nước đang phát triển đã tiếp cận được thị trường thị trường tài chính khu vực tư. Với môi trường lãi suất toàn cầu suy giảm, tài chính khu vực tư có sức thu hút và vài quốc gia có thể tiếp cận nguồn tài chính tư, thậm chí trong tình hình suy thoái hiện nay.
“Tuy nhiên, đối với những nước nghèo nhất, họ không thể có điều này. Chẳng hạn, từ trước đến nay chưa có các đợt phát hành trái phiếu ở vùng cận Sahara châu Phi”, ông Malpass nhận định.
Trả lời câu hỏi của Nikkei Asia “Có gì bảo đảm rằng Trung Quốc sẽ thực hiện các điều khoản của thỏa thuận tháng 11? Và điều gì ông quan tâm?”, người đứng đầu WB cho rằng các chủ nợ song phương chính thức cần tham gia đầy đủ thỏa thuận này.
“Tôi rất vui mừng khi thấy Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cho Zambia hoãn trả lãi suất các khoản nợ khi cuộc họp G20 đang diễn ra. Ngân khoản dùng để trả lãi suất lúc này sẽ hỗ trợ đất nước Zambia nhiều. Nhưng lãi suất của Trung Quốc thật sự cao. Tại Ecuador, các khoản nợ của Trung Quốc đều có lãi suất trên 7%. Trong khi đó, các khoản cho vay của WB hiện ở mức rất thấp bởi vì tính ngang với lãi suất Libor hiện ở mức 0,3% mỗi năm, cộng thêm khoản phí”, Chủ tịch Malpass phát biểu.
Ricky Hồ 
Bản tin thị trường – ngày 7/12/2020