Nước bền của anh Chín Vui

43
Anh Chín Vui (giữa) kết nối mạng học phương pháp sản xuất hữu cơ với Mekong Organic, Úc.
Tin vui sốt dẻo, HTX Tấn Đạt vừa lập kỷ lục mới với bốn chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), tiêu chuẩn châu Âu (Organic EU), Organic JAS của Nhật và giờ đây (12/2022) là Canada Organic Regime.
Dù chưa xuất gạo sang Canada, nhưng tui muốn tiếp cận tiêu chí, để khi cần thì mình đáp ứng. Đầu vụ mình đã báo cho họ, kết quả mẫu kiểm định từ phòng Lab của Indonesia. Úc cũng vậy, nếu họ có văn phòng chứng nhận ở Việt Nam, tui cũng sẽ tiếp cận, anh Chín Vui kể chuyện.
HTX Tấn Đạt ở ấp Kinh, xã Trung Ngãi, Vũng Liêm có 106 ha, trong đó có 30 ha sản xuất lúa đạt chứng nhận hữu cơ. Nếu so các tiêu chuẩn quốc tế thì Organic JAS của Nhật là gắt nhất, bốn lần “vượt vũ môn” nên Vĩnh Long đang lên kế hoạch và giao cho Chín Vui dẫn dắt Liên hiệp HTX đẩy diện tích hữu cơ lên 300 ha; nghĩa là anh phải gấp hoàn thành mục tiêu hữu cơ hóa 100 ha theo cam kết với các thành viên HTX Tấn Đạt.
Hiện nay, HTX có 100 thành viên chính thức, trên 1.000 thành viên liên kết (không góp vốn) ở các huyện Vũng Liêm, Long Hồ, Tam Bình và Trà Ôn. Làm hữu cơ không thể hấp tấp được. Càng phải tính cho sâu để anh em cùng làm với mình. Nông dân cho HTX thuê đất, rồi “làm công” cầm chắc lợi gấp 3 lần so với khi chưa làm lúa hữu cơ. HTX chỉ giữ lợi nhuận 1 phần. Như vậy mỗi niên vụ, Chín Vui phải đạt lợi nhuận gấp 4 lần so với cách làm… “vô cơ”.
Trồng lúa vô cơ chỉ bón chừng 300-500 ký phân bón trong khi hữu cơ cần cả tấn rưỡi, hai tấn phân mỗi hecta. Chi phí cho hữu cơ tăng rất cao, vậy làm kiểu nào để có lời? Lại nữa, ba năm đầu sâu bệnh dữ lắm. Tui tự chế thuốc sinh học để trừ, nhưng áp lực vẫn rất lớn. Từ từ, hệ sinh thái phục hồi, đa dạng sinh học có ưu thế, sâu bệnh, côn trùng phá hại ít hơn, chi phí giảm từ từ. Hiện nay, từng khu có đê bao, hễ tới mùa thì bơm rút nước để nền đất cứng cho máy xuống thu hoạch không bị lún. Mai mốt sẽ mua xe hút lúa chở về sấy, xay chà, đóng gói, giao hàng… rút ngắn chuỗi cung ứng, chi phí sẽ giảm sâu hơn.
Nhà nước dự toán đầu tư 20 tỷ cho cơ sở hạ tầng. Máy móc có một số rồi, cần trang bị lò sấy tháp, xe chở lúa về… nhà nước sẽ đầu tư thêm hệ thống bơm, máy móc 8 tỷ trong tổng đầu tư 30 tỷ cho mô hình 300 ha. HTX đối ứng khi mua sắm trang thiết bị, tự sáng chế lắp đặt cải tiến thiết bị kèm theo – vị chi khoảng 3 tỷ đồng.
Quy hoạch vùng đê bao rồi sẽ làm những công đoạn như ủ phân, phục hồi nguồn lợi từ bờ thửa, mương vườn bằng cách trồng dược liệu, nuôi thủy sản và sẽ trồng một vụ đậu nành hữu cơ thay cho một vụ lúa.
Chín Vui đã trải qua thời ve sầu thoát xác, tuy vẫn là “từ từ” nhưng anh định vị chỗ đứng cho gạo trắng, gạo hồng ngọc, gạo tím hữu cơ – giống thuần mềm cơm, không cần phải ngâm gạo như trước nữa. Chưa kể bột gạo lứt hồng ngọc, bột gạo tím, trà dạng hạt, túi lọc.
Mai mốt sẽ nhập máy về làm bánh gạo kiểu Hàn Quốc. Tận dụng tấm, gạo gãy làm bánh. Sáng ra uống trà, cà phê, thức ăn – nước uống kiểu thực dưỡng… lúa gạo được đầu tư làm thực phẩm không bỏ gì.
Thị trường mua tấm ST 25 ngàn đồng/kg bán lại 35-40 ngàn đồng, gạo ST mua 45 ngàn bán lại 65 ngàn, gạo tím lấy 60 bán 85 ngàn đồng/kg. HTX bán cám 12 ngàn đồng/kg để doanh nghiệp làm thức ăn cho cá tra; trấu 3.000 đ/kg không đủ bán cho người làm nấm cấy phôi.
Chín Vui, dân ngành y, nghỉ việc về nhà lo gia đình, bỗng chốc trở thành nhà sản xuất hữu cơ kiểu mẫu. Ít ai nghĩ ông nông dân ngang hông này lại dũng cảm thuê đất làm lúa hữu cơ để chứng minh rằng cứ theo con đường hóa học không thể nào mạnh giỏi.
Chín Vui nói: “Đi làm về, ngày nào cũng mở mạng, 9 giờ tối thức tới khuya tìm đọc để biết đường tính chứ cũng lâu lâu rồi một doanh nghiệp đòi hợp tác trồng 50 ha đậu bắp. Mình thiết kế vùng trũng, gò có đê bao đàng hoàng nhưng họ nói hợp đồng năm nào hay năm nấy… Làm hữu cơ là đi nước bền, nói vậy mình không làm được.”