“Ở nhà, uống trà” – thói quen mới góp phần làm dậy sóng thị trường trà

290
Công nhân đưa lá trà nguyên liệu lên xe tải ở một trang trại bang Assam, Ấn Độ - Ảnh: Zuma Press
Thời gian ở nhà nhiều hơn và làm việc trực tuyến lâu hơn trong dịch Covid-19 khiến mọi người tìm đến tách trà nhiều hơn trước. Ngoại trừ nước lã, đây là loại thức uống được tiêu thụ nhiều nhất trên toàn cầu với số lượng lớn hơn bất kỳ loại đồ uống nào. Tuy nhiên, nguồn cung lá trà nguyên liệu hiện đang giảm do thời tiết xấu tại các khu vực sản xuất, tình trạng thiếu hụt lao động, cảng biển đóng cửa và hàng loạt vấn đề hậu cần khác.
Trà nguyên liệu tăng 50%
Thức uống phổ biến nhất thế giới đang trở nên đắt đỏ hơn vì nhiều nguyên do.
Hồi tháng 3 này, giá lá trà nguyên liệu bán buôn xuống mức kỷ lục chỉ còn 2,13 đô la một ký – mức thấp kỷ lục trong hơn một thập kỷ qua do tình trạng cung vượt cầu. Giá trong tháng 8 vừa rồi là 3,16 đô la, tăng 50% so với giá tháng 3 và ngang bằng với mức giá tháng 11-2017 do Ngân hàng Thế giới ghi nhận.
Các cửa hàng ở Mỹ bắt đầu nâng giá bán. Theo hãng nghiên cứu thị trường Nielsen, giá trà cô đặc bán theo chai đã tăng trung bình 9,6% so với một năm trước đó, trong khi giá trà đóng gói túi lọc đã tăng 1,7%. Và giá các loại trà giải khát được đóng chai, lon hay gói giấy vẫn đang ổn định.
El Mamoun Amrouk, chuyên gia kinh tế trong nhóm nguyên liệu thô và các sản phẩm nhiệt đới tại Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), nhận xét: “Diễn biến này là hệ quả của nguồn cung”. FAO trước đây đã cảnh báo rằng biến đổi khí hậu đang đe dọa đến diện tích sinh thái nông nghiệp cần thiết cho sản xuất lá trà. Bên cạnh đó, mức tiêu thụ toàn cầu đang ngày một tăng lên khi ngày càng có nhiều người tin tưởng vào đặc tính chống oxy hóa và các lợi ích sức khỏe khác của trà.
Hái trà bằng tay ở một đồn điền trà tại bang Assam, Ấn Độ vào đầu tháng 9-2020 – Ảnh: Zuma Press
Theo hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International, mỗi ngày có 3,7 tỉ tách trà được tiêu thụ trên thế giới. Còn Hiệp hội Trà Mỹ (TeaUSA) nói hơn một nửa dân số nước Mỹ đang uống trà vào một ngày bất kỳ nào đó. Phần lớn người uống trà tại đây thích trà đen và hầu hết thích uống dưới dạng trà lạnh. Đây là loại thức uống khá phổ biến ở thế hệ “millennials” – sinh vào năm 2000.
Đại dịch Covid-19 đã khiến lượng trà tiêu thụ tại các nhà hàng và quán cà phê sụt giảm mạnh, nhưng những người phải ở nhà nhiều hơn hiện đang pha và uống trà nhiều hơn trước.
Sản lượng giảm do hạn hán và dịch bệnh
Trà thường được trồng nhiều nhất trên các sườn đồi bậc thang ở các vùng núi có khí hậu nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới. Theo các dữ liệu từ FAO và cơ sở dữ liệu Comtrade của Liên Hiệp Quốc thì Trung Quốc, Ấn Độ, Kenya và Sri Lanka là những nhà sản xuất hàng đầu của thế giới. Trong khi hầu hết trà được bán tại Mỹ được trồng ở Argentina.
Ở Sri Lanka và Ấn Độ, phần lớn lá trà được hái bằng tay trước khi được sấy khô và đóng gói để bán. Các công nhân thường tập trung hái những lá non, nhỏ và ngon hơn so với những lá già và thô hơn. Lá trà thường mất khoảng hai tuần để phát triển trước khi sẵn sàng cho thu hoạch. Màu sắc của lá trà tùy thuộc vào công nghệ xử lý và chế biến.
Sri Lanka là nước xuất khẩu trà lớn thứ ba trên thế giới. Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu trà Sri Lanka, đợt hạn hán nghiêm trọng đầu năm nay tại đất nước này khiến sản lượng trong 7 tháng đầu năm 2020 giảm 15% so với một năm trước. Lượng xuất khẩu vì thế cũng sụt giảm 10%.
Dilhan Fernando, giám đốc điều hành của hãng trà Dilmah Tea của Sri Lanka, cho biết rằng các đồn điền trồng trà tại quốc gia này đang mừng khấp khởi bởi lượng mưa nhiều hơn trong những tuần gần đây. “Mưa đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ có cơ hội gia tăng sản lượng trà đáng kể”, ông Fernando nói với Wall Street Journal.
Tại quốc gia láng giềng Ấn Độ, sản lượng trà cũng đã suy giảm đáng kể. Đất nước này đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, khi các quy tắc giãn cách xã hội đã ngăn cản người lao động ra đồng thu hoạch. Thêm vào đó, các dịch vụ vận tải nội địa đã bị gián đoạn và cảng hàng hóa ngưng hoạt động đã dẫn đến xuất khẩu và vận chuyển bị đình trệ.
Theo Hội đồng Trà Ấn Độ – một ủy ban do chính phủ điều hành, sản lượng trà suy giảm 22% xuống 509.000 tấn trong 7 tháng đầu năm 2020. Vào tháng 8, giá trà tại một buổi đấu giá ở Kolkata đã đạt mức cao kỷ lục. Theo nhà cung cấp dữ liệu Mintec, thiếu hụt sản lượng sẽ còn gia tăng thêm nữa do lũ lụt nghiêm trọng tại Assam ở đông bắc Ấn Độ, nơi sản xuất phần lớn lượng trà của cả nước.
Việt Nam xuất 77.234 tấn trà trong năm 2018, xếp hàng thứ 5 trên thế giới – Nguồn: FAO
Tính đến tuần rồi, Ấn Độ ghi nhận khoảng 5,7 triệu trường hợp nhiễm Covid-19, cao thứ hai trên thế giới chỉ sau Hoa Kỳ. Nhiều khu vực tại Ấn Độ vẫn đang đóng cửa, đồng nghĩa với việc nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và các hoạt động di chuyển trên toàn quốc bị hạn chế.
Một số nhà phân tích trong ngành cho rằng giá trà sẽ ngừng leo thang khi sản lượng tại Sri Lanka và Kenya được cải thiện.
Joshua Kaiser, người sáng lập Rishi Tea and Botanicals, một công ty thu mua lá trà trực tiếp từ người trồng, nhận định rằng nguồn cung quá mức trước đó buộc một số công ty phải bán tống bán tháo số lượng lớn lá trà với giá thấp hơn giá thành sản xuất. “Tuy nhiên, bây giờ chúng ta đang thấy chi phí sản xuất thực tế đang chảy qua thị trường, đến từng tách trà”, ông Kaiser phát biểu, ám chỉ các chi phí này đang bị đẩy về phía người uống trà.
Lê Hiếu – Ricky Hồ (Theo TBKTSG)
9g ngày 1/10, Livestream: Cùng doanh nghiệp “Go Online”