Ông Trần Phong Lan – Giám đốc Công ty Cổ phần DANNYGREEN: Làm Nông nghiệp công nghệ cao cần có những mô hình thành công để chứng minh

Ông Trần Phong Lan
Trong suốt 9 năm qua, ông Trần Phong Lan – Giám đốc Công ty Cổ phần DannyGreen đã đầu tư vào các farm thông qua công ty Seagull ADC, để làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, và cho ra thị trường nhiều dòng sản phẩm chất lượng cao như dưa lưới và bí hạt đậu.
Ông Trần Phong Lan cho hay, trong suốt thời gian đó, phải đi tìm nguồn đất phù hợp để làm, tới hiện tại, diện tích đất canh tác của DannyGreen đã đạt 100 héc ta.
Đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo ông Lan, điều đầu tiên phải trả lời câu hỏi: Ứng dụng công nghệ cao là ứng dụng như thế nào?
Theo ông, ứng dụng công nghệ cao không có nghĩa chỉ có nhà màng, hệ thống tưới tiêu tự động là đủ, mà phải hiểu về phân bón, môi trường, sâu bệnh… mới làm ra sản phẩm đạt chất lượng.
“Không đơn giản chúng ta dựng nhà màng lên, có hệ thống tưới tiêu là ra được sản phẩm tốt. Sản phẩm tốt cần sự hiểu biết sâu rộng về nông nghiệp, về giống cây trồng, vùng đất phù hợp…”, ông Phong Lan cho biết.
Nói về quá trình làm nông nghiệp công nghệ cao, ông Lan cho hay đã xây dựng khái niệm “hữu cơ ứng dụng công nghệ cao”. Ông giải thích rằng, lâu nay nhiều người quan niệm, trồng hữu cơ là rau phải xấu, phải lủng lỗ vì sâu ăn… Thực sự không phải vậy.
Theo ông Phong Lan, “rau ứng dụng công nghệ cao rất đẹp mắt, màu mỡ, ngon,… an toàn bằng việc đưa rau vào hệ thống nhà màng, có kiểm soát các vấn đề sâu bệnh”.
Về những đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, việc làm nhà màng vẫn có sâu bệnh, bởi sâu vẫn có thể từ đất chui lên, hay môi trường ẩm… nên phải kiểm soát thông qua hệ thống quạt để thông thoáng, điều chỉnh độ ẩm…. đưa phân vào trong hệ thống tưới nhỏ giọt…, đó là những việc mà ông Trần Phong Lan đang áp dụng hiện nay.
Được biết, ngoài dưa lưới và bí hạt đậu, hiện nay DannyGreen đang nghiên cứu và phát triển những giống cây mới như cà chua, dưa leo… để đảm bảo cung cấp ra thị trường an toàn, sạch, tiến tới là sản phẩm hữu cơ.
“Chúng tôi đang triển khai việc đưa cây xoài cát Hòa Lộc, Cát Chu vào trồng trong nhà màng. Làm điều này để ngăn chặn việc trái xoài bị mưa gió lớn làm hư bông, trái, và ngăn chặn một số sâu bệnh. Đó là việc ứng dụng công nghệ để ngăn chặn một số yếu tố gây hại”, ông Phong Lan kể.
Tuy nhiên, ông Phong Lan cho rằng, việc đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao sẽ là một thách thức rất lớn với những người nông dân, bởi cần có nguồn vốn, nguồn đất lớn đảm bảo sạch…
Ông Phong Lan phân tích, “Như hệ thống nhà màng trồng dưa lưới, bí của DannyGreen hiện nay khoảng trên dưới 5 tỉ VNĐ/héc ta. Một số hệ thống nhà màng trồng cây ăn trái, có thể chi phí rẻ hơn, nhưng cũng khoảng từ 2 – 3 tỉ VNĐ/héc ta. Đó là số tiền lớn, tính ra 1.000 mét vuông phải đầu tư khoảng 200 – 300 triệu VNĐ. Với nông dân đó là điều khó”.
Và quan trọng hơn, ông Lan cho rằng, không phải là cứ dựng nhà màng lên, có hệ thống tưới là có chất lượng cây tốt. Phải có hệ thống tưới phân ra sao, kiểm soát sâu bệnh như nào…. phải có đội ngũ kỹ sư theo dõi hàng ngày. Bên cạnh đó, người nông dân Việt Nam lại có vấn đề về diện tích đất, họ chỉ có diện tích nhỏ, đầu tư lại cao như thế, trong khi làm ra sản phẩm lại không bán với giá cao được.
Cuối cùng, theo quan điểm của mình, ông Trần Phong Lan cho hay, cần có những doanh nghiệp làm nông nghiệp một cách bài bản, có mô hình thành công, để chứng minh cho người nông dân, ngân hàng  mô hình này thành công, chứng minh cho người tiêu dùng mô hình này đảm bảo ra chất lượng tốt, thì  có thể kết nối một cách bền vững.
“Còn nếu như hiện nay mạnh ai nấy làm, các doanh nghiệp phân phối chỉ đóng vai trò thu mua thì rất khó khăn. Nên cần những doanh nghiệp đầu tàu, để có sự bền vững và khu vực tiêu thụ”, ông Phong Lan khẳng định.
Và cần lắm những kỹ sư thực thụ
Trong khi đó, theo ông Lê Dưỡng – Chủ tịch HĐTV Công ty Union Trading, một đơn vị nhiều năm trồng trái chuối ứng dụng kỹ thuật cao, ngoài những yếu tố trên thì ông quan tâm đến một số điểm khác.
Đó là những kỹ sư thực thụ, lành nghề, bởi hiện nay kỹ sư nông nghiệp ở Việt Nam mới được đào tạo chung chung, không đào tạo theo chuyên ngành, họ không kết hợp được phân thuốc, thổ nhưỡng, khí hậu…
“Đây là lý do nhiều vườn trồng lớn của Trung Quốc có mặt ở Việt Nam, họ đem theo những kỹ – sư lao động chuyên canh từng loại cây trồng từ Trung Quốc sang, vì chỉ có họ mới biết rõ đặc thù, đặc tính của từng loại cây, từng thời điểm sinh trưởng để chăm sóc như thế nào…”, ông Dưỡng cho biết.

Ông Lê Dưỡng
Đồng quan điểm với ông Trần Phong Lan, ông Lê Dưỡng cũng cho rằng, làm nông nghiệp kỹ thuật cao phải đầu tư công nghệ, con người…, nên đòi hỏi phải có lượng đất ít nhất là 30 héc ta trở lên mới làm được. Đó là nền tảng cho việc ổn định sản lượng nguồn nguyên liệu, không chỉ theo mùa mà phải quanh năm!
“Công ty chúng tôi đang trồng hơn 150 héc ta chuối Nam Mỹ trên Bình Phước, hiện đang mở rộng đầu tư vào các tỉnh, trong đó có An Giang với khoảng 150 héc ta, Quảng Ngãi khoảng 45 héc ta với mô hình liên kết giữa công ty với HTX, nông dân có đất để tạo ra vùng nguyên liệu và thói quen chăm sóc nông nghiệp kỹ thuật cao cho nông dân”. Ông Dưỡng chia sẻ và cho biết: “Chúng tôi cũng đang tính toán việc chế biến chuối, làm bột chuối nghiền, cấp đông làm nguyên liệu trong kem… hay chuẩn bị bột nêm, làm mì chuối, vì chúng tôi biết trẻ em ít ăn chuối, thích ăn mì… Đó là động lực cho công ty làm chế biến sâu hơn trong thời gian tới đây”.
Bài, ảnh: Trần Quỳnh