PGS TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu BĐKH – ĐH Cần Thơ: Thích nghi và thích ứng tốt hơn

176
Chúng ta đang trong giai đoạn phục hồi, sức mua giảm nhưng cũng có một số điểm tích cực như mọi người chi tiêu hợp lý, không phí phạm tài nguyên. Đây là mặt tích cực về mặt xã hội. Về quản trị, cơ hội để sàng lọc, đánh giá thì giảm phát thải, giảm ô nhiễm.
Biến đổi khí hậu (BĐKH) gây hệ quả xấu cho ĐBSCL. Năm 2016, lao động trẻ tràn lên TP.HCM và các khu công nghiệp ở Đông Nam bộ rất nhiều. Vài năm trở lại đây, nông dân đồng bằng đã thích nghi và ứng phó tốt hơn với vấn đề BĐKH, thiệt hại cho nông nghiệp cũng ít đi. Họ có sự linh hoạt hơn trong cách sản xuất. Nhiều nông dân sáng tạo những mô hình mới thích ứng với điều kiện thay đổi của khí hậu, môi trường.
Hiện nay, tham gia vào nhóm quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL, tôi có đề xuất tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng, bằng cách tạo ra những Hub (trung tâm đầu mối). Sản xuất hướng tới chất lượng, đi vào chế biến sâu hơn là sản xuất thô, phân vùng nào là trung tâm logistics, thủy sản, trái cây… kết nối với TPHCM và miền Đông.
Sau đợt lao động ở thành phố trở về đồng bằng cũng có sự sàng lọc nhiều hơn. Cụ thể, những lao động có tay nghề, có trình độ có xu hướng trở lại làm việc nhiều hơn. Vùng đồng bằng thường được ví như vùng trũng giáo dục, thiếu kỹ năng, tay nghề nhưng có lợi thế về sự linh hoạt, thích ứng của họ. Đây là những gam màu sáng trong bức tranh tối của đại dịch.
NĂNG LƯỢNG SẠCH ĐƯỢC CHÚ Ý NHIỀU HƠN
Theo quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo toàn quốc đến năm 2035, toàn khu vực ĐBSCL sẽ có trên 68.600MW tiềm năng điện gió và hơn 31.500MW tiềm năng điện mặt trời. Các dự án điện đang quy hoạch tại ĐBSCL, nếu triển khai tốt sẽ là nơi cung cấp điện cho các vùng, miền khác.
ĐBSCL hiện có 9 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất lắp đặt đạt 5.499 MW; 1 nhà máy điện từ chất thải đô thị; 1 nhà máy điện gió; 9 nhà máy phát điện từ chất thải nông nghiệp và 8 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 700 MW. Đề xuất quy hoạch ĐBSCL sẽ không đầu tư mới nhiệt điện than.
Trà Vinh là một tỉnh nhiều khó khăn trong khu vực ĐBSCL, bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, hạn hán và xâm nhập mặn hàng năm. Tồn tại nhà máy điện than ở Duyên Hải, nhưng từ 2015 – 2020, Trà Vinh đã cấp chủ trương đầu tư cho 5 dự án điện gió với tổng mức đầu tư khoảng 13.070 tỷ đồng, dự kiến cuối năm 2021 phát điện. Mỗi năm khu vực này cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 850 triệu kWh. Năm 2020, UBND tỉnh tiếp tục đã đề nghị Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thêm 5 dự án điện gió với công suất 826MW vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Đồng thời, tỉnh đề nghị Bộ Công thương 20 dự án điện gió, điện mặt trời và điện khí, công suất 7.508 MW đã trình Bộ Công thương bổ sung
Quy hoạch điện VIII.
Trung bình hàng năm ĐBSCL nhận 2.200 – 2.500 giờ nắng nên tiềm năng khai thác năng lượng mặt trời rất lớn. Tận dụng nắng, gió trước biến đổi khí hậu, các tỉnh ĐBSCL phát triển mạnh năng lượng tái tạo. Cả vùng có đường bờ biển và các hải đảo với chiều dài khoảng 700km, vùng đặc quyền kinh tế biển rộng đến 360.000km2, điều kiện gió biển ven bờ mạnh khoảng 5,5 – 6 m/giây ở độ cao 80m nên có tiềm năng khai thác năng lượng gió đạt từ 1.200 – 1.500 MW. Chính phủ đã có Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg về những cơ chế ưu tiên cho phát triển điện gió.
Trong tổng sơ đồ điện VII, tổng công suất các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo sẽ ở mức 5,6% vào năm 2020 và 9,4% vào năm 2030.
Tháng 9.2010, nhà máy điện gió đầu tiên của khu vực Nam bộ với công suất 99 MW, vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng tại TP Bạc Liêu do công ty TNHH Xây dựng – thương mại – du lịch Công Lý (Cà Mau) khởi công.
Nếu năm 2020, tỉnh Bạc Liêu vượt lên vị trí thứ 3 của vùng ĐBSCL về thu hút vốn FDI, với dự án Nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) vốn 4 tỉ USD thì trong 4 tháng cuối năm 2021 Long An có thêm 1 dự án FDI mới, vốn đăng ký trên 3,1 tỉ USD là dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (vốn Singapore); TP Cần Thơ có dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (vốn Nhật Bản) trên 1,31 tỉ USD… Đây là những dự án vốn FDI “khủng” đầu tư vào vùng ĐBSCL hứa hẹn tạo sức phát triển mới trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế của vùng.
Tỉnh Sóc Trăng vươn lên thu hút nhà đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời và triển khai các đường dây truyền tải điện để phục vụ các dự án này, quy hoạch 20 dự án điện gió, tổng công suất 1.435MW; 8/10 dự án vận hành trong tháng 10.2021, còn lại sẽ đưa vào vận hành trong những năm 2022 – 2023.
Theo Quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cà Mau trở thành một trung tâm nhiệt điện khí của cả nước. Từ khi vận hành vào tháng 5.2007 đến nay, những nhà máy nhiệt điện khí Cà Mau 1 và 2 đã cung cấp 84 tỉ kWh điện, tổng doanh thu đạt hơn 117.000 tỉ đồng, nộp ngân sách địa phương hơn 2.900 tỉ đồng. Cà Mau cũng triển khai thêm hai dự án nhiệt điện khí mới là Nhà máy nhiệt điện khí Cà Mau 3, công suất 1.500MW.
Ngày 28.11.2021, Nhà máy điện gió đầu tiên (V1-3 Bến Tre) hoạt động với công suất 30MW, vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. Được khởi công vào tháng 4.2020, Nhà máy có sản lượng trung bình hơn 90 triệu kWh/năm.
Giai đoạn 2015 – 2020 tỉnh Bến Tre được Bộ Công thương phê duyệt phát triển điện gió với tổng công suất hơn 1.000 MW. Hiện nay có 19 dự án điện gió được triển khai thực hiện tại tỉnh. Đến cuối năm 2021 tỉnh Bến Tre phát triển hơn 150 MW. Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, sẽ triển khai tiếp tục 17 dự án điện gió với tổng công suất hơn 914 MW. Tỉnh Bến Tre xin bổ sung thêm quy hoạch 26 dự án, tổng công suất 6.400 MW, đến năm 2025 tỉnh Bến Tre đạt 1.500 MW sẽ tạo ra sản lượng điện bình quân trên 4,5 tỷ kWh/năm với doanh thu hơn 10.000 tỷ đồng/năm.
Điện gió ngoài khơi là một ngành công nghệ có thể giúp Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch cũng như hướng tới đạt được các mục tiêu đưa mức khí thải ròng về 0 (Net Zero) và chuyển đổi sang năng lượng sạch, bền vững được nêu rõ tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11.2.2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Với các yếu tố công suất cao có thể cạnh tranh với các nhà máy nhiệt điện (khoảng 50%) và khi đạt công suất phụ tải tối đa, điện gió ngoài khơi sẽ mở ra tiềm năng to lớn, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và tạo sự phát triển cho chuỗi cung ứng địa phương tại Việt Nam.
“Chính phủ Việt Nam có thể tăng mục tiêu điện gió ngoài khơi lên 5 GW vào năm 2030”. Ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á (Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu – GWEC) nhận xét và cho biết các nhà máy điện than trên thế giới đang được nhìn nhận lại về tính hiệu quả và chi phí. Các nước trên thế giới và tổ chức tài chính phần lớn đã có tuyên bố dừng đầu tư với điện than. “Kỷ nguyên” xây dựng dự án điện than dựa vào nguồn vốn nước ngoài đã chấm dứt, ông Mark Hutchinson nói.
Từ góc nhìn của tổ chức tín dụng, ông Pattrick R. Jakobsen, Giám đốc thẩm định tín dụng, Tổ chức Tín dụng xuất khẩu Đan Mạch (EKF) cũng cho biết: Hiện nay thu xếp tài chính cho điện than trở thành điều cấm kỵ nên khó có tổ chức tài chính nào cung cấp cho các dự án điện than mới.
Tại hội nghị “Báo cáo và tham vấn quy hoạch ĐBSCL giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050” diễn ra ở TP Cần Thơ, đại diện đơn vị tư vấn Royal Haskoning DHV và Tổ chức GIZ đề xuất, không đầu tư mới các dự án nhà máy nhiệt điện than ở ĐBSCL.