Phất lên từ ‘nguồn lực tại gia’

    455
    “Giá mà ai cũng chịu khó suy nghĩ về nguồn lực tại gia, cùng làm cho cái xóm nhỏ này nhiều khu vườn khoáng đạt, ai nấy thân thiện, môi trường trong lành, món ngon khác biệt, nhiều màu sắc để du khách tới chơi thì vui biết chừng nào!”, chị Chín Hồng ao ước. Trong ảnh: vợ chồng Chín Hồng chăm chỉ món ngon đón khách “tới chơi”. Ảnh: VA

    Lần đầu có người đặt câu hỏi: Tại sao hai ông bà có nguồn lực tại gia hiếm có lại bỏ phế mọi thứ đi làm phu cho công trình xây dựng? Có khu vườn đẹp sao không mở cửa cho khách tới chơi?

    Vợ chồng anh Phạm Văn Hoàng – Lâm Thị Khuya bằng thực tế đã trả lời câu hỏi này.

    Hồi xưa, từ đêm hội bánh dân gian ở chợ cổ (bến Ninh Kiều, Cần Thơ) tới lễ hội bánh dân gian lần đầu tiên tổ chức ở Phú Mỹ Hưng, TP.HCM, chị Chín góp mặt với 20 loại bánh cổ truyền. Trong tay có một khu vườn nho nhỏ, tay nghề xây cất của anh Chín, sở trường làm bánh dân gian, đâu có ai ngờ một người từng khéo léo, giỏi giang làm nhiều món ngon cho các kỳ lễ hội như chị Khuya lại lủi thủi theo chồng làm phụ việc ngoài công trình.

    Tên là Khuya nên chị Chín Hồng (Lâm Thị Khuya) luôn thức hôm, dậy sớm từ 3 giờ sáng. Có điều bất ngờ, lúc trước làm bánh đưa ra chợ bán đã khó, bây giờ bán tại nhà lại dễ, nhờ cách tính toán “khởi nghiệp” cho khách tới chơi của hai vợ chồng. So với lúc mới khởi động ý tưởng này từ tháng 3/2017, tới nay khu vườn 13 công đất của Chín Hồng tươm tất hơn nhiều. Anh Chín dụng công cất những chòi lá gọn gàng. Mùa này việc sên bùn cho những liếp cây ăn trái, lót gạch lối ra vườn tạm ổn; gian bếp cũng rộng thoáng hơn nhiều.

    Năm tháng sau khi quyết định chuyển đổi, vợ chồng Chín Hồng vay thêm 200 triệu đồng để “o bế” khu vườn. Phía sau vườn là con kênh, khách Tây thích ngồi trên xuồng máy đuôi tôm đi từ Ninh Kiều vô Phong Điền ngắm nhìn sinh cảnh miệt vườn. Phía trước là con đường lầy lội một đoạn. Anh Chín cùng chòm xóm góp tiền đổ bêtông (250.000 đồng/m, đoạn chạy qua nhà 35m), một tuần nữa đường đổ bêtông xong, khu vườn này có hai mặt tiền hướng ra  đường và con kênh đang sóng sánh mùa nước nổi.

    “Bơm cát xong, tui sẽ cất nhà làm bánh ướt, khách có thể xay bột, cùng làm bánh, cùng trò chuyện”, anh Chín thấy vui vì sau khi chuyển đổi cách “kinh doanh nông nghiệp”, thấy khoẻ cái đầu do không phải bán trái cây chạy chợ, giá cả bấp bênh. Ngay khi giá vú sữa ngoài chợ còn 12.000 đồng/kg thì ở đây khách sẵn sàng mua 20.000 đồng/kg. Chín đứa học trò trong xóm có việc làm vào mùa hè, và tuy số lượng chưa nhiều nhưng  nhà vườn, người chăn nuôi trong xóm yên chí nuôi gà vịt, trồng rau trái không dùng thuốc cung cấp cho vườn Chín Hồng. Có một bà thím đổ bánh xèo “quá ngon luôn”, tay nghề “thượng thặng” nhưng lâu nay chẳng có việc gì để làm, nay có thể thi triển tài năng…

    Bắt đầu có những đáp số rõ ràng khi hai vợ chồng chuyển hướng, có thể xem là may mắn đã mỉm cười, dù ban đầu vợ chồng Chín Hồng ném đá dò đường cầu may xem ai sẽ “tới chơi”. Bạn bè, khách quen sau khi tới chơi một lần, tâm thế của hai vợ chồng là cứ như tiếp người thân tới chơi, thân thiện, hoà nhã chấp nhận có chi dùng nấy. Vậy mà tết năm ngoái, người tới chơi rất đông, kéo dài dòng người cho tới tháng 8.

    Chỉ là dòng người tới chơi, nhưng anh Chín phải làm những khu trồng rau trái không hoá chất, tự làm hố rác nông nghiệp để làm phân bón hữu cơ, tự lo việc sên mương lấy bùn vun bón cho vườn cây, khai thông hơn một cây số đường nước để khách bơi xuồng tuỳ thích. Công việc còn lại, khá vất vả là làm gì khi cây trái vườn nhà bị hụt ba tháng, dù một vài chủ vườn lân cận đồng ý để anh dẫn khách tới tham quan hoặc hợp tác bán trái cây nghịch vụ.

    Tấm danh thiếp 9 Hồng gởi du khách cũng đơn giản chỉ để nghe những cú điện thoại đặt trước, nhắc lại: “Ngày mốt có 80 người, nhớ làm món chay cho 14 người, đừng phiền…”. Vẫn giọng  hiền lành, chất phác, anh Chín trả lời: “Chị em không mà phiền gì chị…”. Cũng chỉ là bữa cơm miệt vườn, những chiếc bánh gia truyền, tưởng như ai cũng có thể làm, nhưng hai vợ chồng khiến ai nấy muốn tới chơi lần nữa, đơn giản vì nét chất phác, hồn hậu của nhà vườn.

    Con đường vào khu vườn này, ngày xưa không đèn đường, trước nhà chỉ treo một bóng leo lét. 7 giờ tối nhà nhà đóng cửa, 8 giờ không còn tiếng xe. Bây giờ có nhiều khu vườn mở cửa đón khách, riêng “Vườn 9 Hồng” có lợi thế nhiều loại bánh ngon, rau lành, canh thảo dược… Ngày trước còn lúng túng, chứ bây giờ mỗi ngày 250 – 300 người tới chơi thì việc tiếp đón nhuần nhuyễn rồi.

    Có lúc chị Chín không tự tin vào nghề làm bánh dân gian thượng thặng của mình chỉ vì suy nghĩ an phận ở làng quê, vô tình chôn sống những ước mơ ẩn khuất. Mùa này khách tới chơi nhiều hơn, nhưng mấy bữa trước xảy ra gay cấn giữa
    mấy đứa nhỏ ở hai khu vườn cùng đón du khách làm anh em ruột phải phiền lòng, vợ chồng Chín Hồng buồn hiu khi nói về việc này.

    “Giá mà ai cũng chịu khó suy nghĩ về nguồn lực tại gia, cùng làm cho cái xóm nhỏ này nhiều khu vườn khoáng đạt, ai nấy thân thiện, môi trường trong lành, món ngon khác biệt, nhiều màu sắc để du khách tới chơi thì  vui biết chừng nào!”, chị Chín Hồng ao ước.


    Câu chuyện bên bàn ăn

    Hôm cuối tháng 7, tôi lần đầu tiên đến vườn Chín Hồng, nhằm vào mùa nước son cá bống trứng cuối tháng 7/2017. Cá bống vừa mua được tại chợ Phong Điền. Sẵn rủ Ba Cát nhậu kể chuyện hớt cá nghe, Đỗ Khuê lại chợt nghĩ đến mượn vườn Chín Hồng nhờ chiên cá. Lúc đó mới nghe danh chị Khuya tên tuổi nổi như cồn ở miệt này. Một nơi mà Đỗ Khuê cho rằng có bà con xa lắc với Huế, vì vừa có tên Phong Điền vừa có sông Trường Tiền. Chuyện làm ăn “khởi nghiệp” của chị Chín coi bộ phất lên thấy rõ. Khách đông nườm nượp, lại có cả khách miệt ngoải ồn ồn ào ào vừa từ dưới mương tát cá lóc lên, quần áo lấm lem. Lúc đó, ngoài vườn, có người đang quơ củi và bã mía nướng cá lóc. Thế là câu chuyện tranh luận “nướng cá lóc để đầu quay xuống hay quay lên” nổ ra. Anh Chín một hai phải quay xuống. Theo anh, “có như thế con cá mới không còn máu bầm trong người vì máu đã chảy ra hết”. Nhưng dân miệt Ô Môn lại cho rằng phải quay đầu cá lên, vì lửa bên trên nóng hơn, mà đầu cá lại khó chín. Tôi nói với anh Chín, vườn anh còn thiếu “những câu chuyên bên bàn ăn” hầu khách. Vì vừa ăn mà vừa “đàm thương” (xu hướng của thời đại tiếp thị số) những câu chuyện miệt vườn, như chuyện cá lóc nướng quay đầu lên hay xuống vừa kể thật thú vị. Mỗi người anh em góp một ý kể cả chuyện chê cái bánh xèo lớn quá nhìn đã phát ơn, sao không làm hai loại vừa nhỏ vừa lớn. Nhiều góp ý về việc bán cái “nguồn lực” nhà quê địa phương cho khách. Anh chị Chín vui vẻ nói sẽ tìm mọi cách thực hiện lần lần…

     Vân Anh (Theo TGTT)