Phát triển kinh tế tuần hoàn: Sự cần thiết của một mô hình phát triển mới bền vững cho ĐBSCL

337
TS Nguyễn Hồng Quân cùng nhóm các nhà nghiên cứu: Nguyễn Minh Tú, Đặng Kim Khôi, Thạch Phước Hùng, Nguyễn Kiều Lan Phương
Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là mô hình phát triển bền vững dựa trên mục tiêu tận dụng các nguồn chất thải và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, duy trì việc sử dụng lâu dài các nguồn nguyên vật liệu, và tái tạo các hệ sinh thái tự nhiên (MacArthur Foundation, 2019). Trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn nông nghiệp, các nguyên tắc KTTH tập trung vào các nguyên tắc giảm thiểu các nguồn đầu vào bằng cách sử dụng các nguồn dinh dưỡng từ tự nhiên (như tận dụng phù sa từ nước lũ, sử dụng thức ăn tự nhiên cho chăn nuôi…) hoặc các mô hình canh tác khác, tái chế và tái sử dụng chất thải (biogas, ủ phân sinh học), cũng như tận dụng các phụ phế phẩm từ hoạt động sản xuất nông nghiệp (Toop et al., 2017). Mô hình KTTH do đó khác biệt với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống dựa trên việc khai thác tài nguyên, sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ (MacArthur Foundation, 2019).
Hiện trạng và tiềm năng áp dụng KTTH trong các lĩnh vực nông nghiệp chính vùng ĐBSCL
Đối với ngành nông nghiệp ĐBSCL, việc áp dụng các nguyên tắc KTTH sẽ mang lại nhiều tác động to lớn về mặt kinh tế và môi trường do quy mô sản xuất nông nghiệp của khu vực, cũng như tiềm năng rất lớn trong việc tận dụng và giảm thiểu các nguồn đầu vào, xử lý và tái chế chất thải và nước thải, tận dụng phụ phế phẩm để gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp.
ĐBSCL có hệ sinh thái đa dạng (nước lũ, đất ngập nước, rừng ngập mặn) có thể tận dụng để cung cấp các nguồn đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, ngoài ra các hệ sinh thái đất ngập nước và rừng ngập mặn còn có thể được tận dụng để xử lý chất thải trong hoạt động nuôi trồng thủy sản (Thư và cộng sự, 2021). Lĩnh vực sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL hàng năm thải ra môi 20 triệu tấn rơm rạ, 4 triệu tấn trấu và 2 triệu tấn cám (MONRE, 2014).
Việc tận dụng được các nguồn phụ phế phẩm này có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo ở ĐBSCL. Ngoài ra, các hoạt động chăn nuôi ở ĐBSCL thải ra môi trường 2,78 triệu tấn chất thải mỗi năm, chủ yếu từ các hoạt động chăn nuôi lợn, gia cầm và gia súc (Tung, 2017). Việc tận dụng các nguồn chất thải này chỉ mới dừng lại ở áp dụng các mô hình biogas, ủ phân compost, hoặc sử dụng trực tiếp. Đối với lĩnh vực sản xuất thủy sản, ĐBSCL có diện tích và sản lượng tôm và cá tra lớn nhất cả nước, và là địa bàn của nhiều nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu. Do đó tiềm năng của việc tận dụng các chất thải từ hoạt động nuôi trồng và chế biến là rất lớn.
Lĩnh vực trồng trọt
Lĩnh vực lúa gạo, cây ăn trái và hoa màu là một trong các ngành hàng sản xuất nông nghiệp chủ lực ở ĐBSCL. Một số mô hình sản xuất theo hướng KTTH đã được áp dụng từ lâu ở nước ta và ĐBSCL, như mô hình vườn-ao-chuồng, mô hình kết hợp giữa nông nghiệp-thủy sản, nông lâm kết hợp như mô hình lúa-tôm, tôm-rừng… Đối với mô hình lúa-tôm, cây lúa tận dụng nguồn chất thải từ con tôm và tạo môi trường sinh thái cho tôm trú ẩn. Do đó đã tận dụng được nguồn đầu ra làm phân bón để đóng các chu trình dinh dưỡng, gia tăng hiệu quả sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Trong sản xuất lúa và cây ăn trái, một số mô hình canh tác dựa vào tự nhiên như lấy nước phù sa cho đồng ruộng, sử dụng phân bón sinh học từ phụ phế phẩm (rơm, rạ), hoặc tận dụng tro trấu để sản xuất than sinh học, năng lượng tái tạo là các mô hình sản xuất theo hướng tuần hoàn đã được triển khai ở ĐBSCL. Một số mô hình canh tác theo hướng giảm thiểu nguồn đầu vào như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, VietGAP đã góp phần giảm lượng phân bón, giống và hóa chất sử dụng trong canh tác lúa.
Hiện nay nông dân ở ĐBSCL vẫn còn sử dụng một lượng lớn phân bón và thuốc trừ sâu vượt mức khuyến cáo cho sản xuất lúa (MONRE, 2014). Ngoài ra các chất thải nhựa như túi bọc trái cây, bao bì và chai lọ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (lên đến 10 ngàn tấn đối với chai, lọ và 102 ngàn tấn đối với bao bì phân bón trên cả nước) và cần được thu gom và tái chế, tái sử dụng phù hợp nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế phát thải các chất độc hại ra môi trường, cải thiện hiệu quả kinh tế từ hoạt động tận dụng các sản phẩm này (MONRE, 2014).
Lĩnh vực thủy sản
Tôm và cá tra là hai mặt hàng có giá trị kinh tế và xuất khẩu cao và có tiềm năng rất lớn trong việc tận dụng phụ phế phẩm từ quá trình chế biến. Tuy nhiên các mô hình canh tác này sử dụng một lượng lớn đầu vào (thức ăn, hóa chất xử lý, thuốc thủy sản) và ô nhiễm môi trường rất lớn trong suốt quá trình chuẩn bị ao nuôi, nuôi trồng và chế biến sản phẩm.
Hoạt động nuôi cá tra thải ra môi trường hơn 10 tỷ tấn nước thải và hơn 37 triệu tấn chất thải hàng năm (Cong, 2017). Đối với tôm, lượng chất thải hàng năm khoảng 5.345–7.157 m3 tùy theo mật độ nuôi (Cong, 2017). Việc tận dụng các nguồn đầu vào cho các mô hình này hiện nay vẫn còn hạn chế, vì các mô hình canh tác theo hướng thâm canh thường sử dụng các sản phẩm công nghiệp nhằm đạt hiệu quả tối ưu về chuyển hóa thức ăn. Một số giải pháp kinh tế tuần hoàn như xử lý và tận dụng nước thải, chất thải nhằm sản xuất năng lượng tái tạo, phân bón sinh học đã được thử nghiệm và mang lại hiệu quả ở quy mô trang trại.
Ngoài ra việc chế biến các sản phẩm từ tôm và cá tra thải ra môi trường một khối lượng lớn chất thải và phụ phế phẩm. Các phụ phế phẩm này nếu được tận dụng sẽ góp phần gia tăng chuỗi giá trị sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.  Hiện tại đã có một số công ty (công ty Vinafood, công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn) đã tập trung chiết xuất các chất dinh dưỡng có giá trị như Chitosan, Peptide, Omega-3 trong đầu tôm, vỏ tôm, đầu cá, xương, mỡ cá tra thành các sản phẩm thương mại có giá trị kinh tế cao.
Lĩnh vực chăn nuôi
Chất thải, nước thải và mùi hôi từ hoạt động chăn nuôi là các vấn đề môi trường nghiêm trọng. Lượng chất thải từ hoạt động chăn nuôi thải ra môi trường hàng năm ở ĐBSCL hơn 445 ngàn tấn (Tung, 2017). Chất thải chăn nuôi hiện đang xử lý bằng nhiều cách khác nhau, như ủ phân compost, ủ biogas, sử dụng trực tiếp làm thức ăn cho cá hoặc cây trồng, và thải trực tiếp ra môi trường. Ở khu vực phía Nam, hiện tại có 53% số trang trại chăn nuôi lợn đã áp dụng mô hình biogas cho trang trại của mình. Ngoài ra, chất thải từ chăn nuôi gà có thể bán trực tiếp cho các hộ thu mua dựa vào hàm lượng dinh dưỡng cao (Tung, 2017). Một số giải pháp tận dụng nguồn đầu vào trong đã được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực chăn nuôi lợn, gia súc, gia cầm, bằng cách sử dụng phụ phẩm trồng trọt, thủy sản làm thức ăn cho lợn, gia cầm.
Một số mô hình chăn nuôi lợn đã sử dụng các đệm lót sinh học sản xuất từ rơm rạ, góp phần tận dụng phụ phế phẩm từ cây lúa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các đệm lót sinh học sau khi sử dụng và bao bì còn được thu gom và tái chế. Một số mô hình còn sử dụng ruồi lính đen để phân hủy chất thải hữu cơ, và sử dụng các ấu trùng của ruồi để nuôi gia cầm, góp phần hạn chế sử dụng các nguồn thức ăn bên ngoài chuỗi sản xuất.
Một số tập đoàn sản xuất lớn như Vinamilk còn áp dụng các quy trình khép kín trong các khâu sản xuất, từ việc tận dụng chất thải trong chăn nuôi bò sữa để sản xuất biogas, sử dụng phân bón sinh học từ quá trình phân hủy này để bón lại cho đồng cỏ, và sử dụng năng lượng tái tạo từ quá trình ủ biogas để cung cấp cho các hoạt động của nhà máy[1]. Các mô hình này đáp ứng các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn trong việc hạn chế nguồn đầu vào, tái chế, tái sử dụng nguồn tài nguyên và chất thải, và tận dụng phụ phế phẩm từ các nguồn đầu ra.
Ngoài chế biến thực phẩm, bánh kẹo, nước giải khát, cây dừa và các sản phẩm từ dừa còn được sử dụng trong một số lĩnh vực khác, cơ bản đáp ứng mô hình của kinh tế tuần hoàn như: ngành xây dựng, kỹ nghệ chế tác, mỹ phẩm… có khả năng thu hồi và tái chế. Các sản phẩm từ dừa phục vụ cho ngành xây dựng rất đa dạng như: cột trụ, xà gỗ, ván gỗ, ván lót sàn nhà; vách ngăn, vật liệu cách âm, nhà gỗ dừa… Các sản phẩm chế tác từ gỗ dừa và gáo dừa rất phong phú từ đồ nội thất, các sản phẩm nhà bếp đến khăn, giấy có khả năng thay thế sản phẩm được sản xuất bằng vật liệu nhựa, túi nylon. Trong ảnh: Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và Bí Thư tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ tại Mekong Connect 2021. Ảnh B.S.A 
Các nhân tố ảnh hưởng, giải pháp và lộ trình thực hiện KTTH và chuyển đổi mô hình nông nghiệp vùng ĐBSCL
Có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng và chuyển đổi thành công các mô hình KTTT, bao gồm các yếu tố về khoa học và công nghệ, cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, thể chế, quy chuẩn, cũng như tính khả thi của giải pháp và mong muốn thực hiện của các bên liên quan… Các nhân tố này liên quan đến nhiều cấp độ khác nhau, bao gồm ở cấp quốc gia và cấp vùng như quy định về quản lý đất đai, hệ thống thủy lợi, cũng như các yếu tố ở cấp nông hộ như điều kiện kinh tế tài chính, giáo dục, đất đai, nhận thức của người dân… Giải quyết các thách thức này đòi hỏi những giải pháp đa ngành với nhiều cách tiếp cận khác nhau, bao gồm các giải pháp công nghệ, kinh tế, quản lý và chính sách.
Các nhân tố công nghệ và kỹ thuật
Các thành tựu khoa học công nghệ liên quan công nghệ sản xuất, thương mại điện tử, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp sẽ góp phần thay đổi cách thức sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hiện nay ĐBSCL vẫn còn là vùng trũng về áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ (VCCI, 2020). Hiện nay có nhiều giải pháp về công nghệ đã được thực hiện nhằm tận dụng các phụ phế phẩm thành than sinh học, năng lượng tái tạo, biogas.
Ngoài ra các giải pháp công nghệ cao như AI hoặc IoT có thể giúp việc giám sát chất lượng môi trường, quá trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, từ đó giảm góp phần cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ví dụ như ứng dụng AgriNet Uganda Ltd giúp liên kết các bên tham gia chuỗi giá trị với thông tin tiếp thị, tài chính nông nghiệp theo thời gian thực, thông tin thị trường nông sản tùy chỉnh trên điện thoại di động, bảng thông tin và e-mail…
Tambero là một hệ thống miễn phí sử dụng các ý tưởng và xu hướng sáng tạo như mã QR để theo dõi thông tin về thửa đất và gia súc trong điện thoại di động. Nó được sử dụng ở 89 quốc gia, hầu hết trong số họ ở Nam Mỹ, Châu Á và Châu Phi (Palmer, 2012). Việc áp dụng các công nghệ và dịch vụ để theo dõi thị trường ở thời gian thực và truy xuất thông tin bằng điện thoại di động cho thấy vai trò của ICT trong việc thúc đẩy mô hình KTTH trong nông nghiệp, giúp kết nối các bên liên quan trong chuỗi giá trị, theo dõi sức khỏe cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ các hoạt động này.
Các nhân tố liên quan đến thể chế và chính sách
Các quy định về quản lý đất đai và chuyển đổi mô hình nông nghiệp: ĐBSCL hiện có hơn 4 triệu ha đất lúa (TCTK, 2019b). Về cơ bản các quy định về quản lý đất đai hiện tại vẫn ưu tiên canh tác lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Việc chuyển đổi đối với diện tích đất lúa sang các mô hình canh tác thủy sản, cây ăn trái vẫn chưa được khuyến khích. Một số các chính sách gần đây như Nghị quyết 120 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, nông nghiệp thông minh với biến đổi khí hậu (climate-smart agriculture) đã mở ra cách tiếp cận mới theo hướng ưu tiên nhiều hơn đối với sản xuất thủy sản, cây ăn trái, và khuyến khích áp dụng các giải pháp sản xuất theo hướng bền vững hơn về môi trường.
Các chính sách này sẽ ảnh hưởng đến việc đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi và hạ tầng sản xuất nông nghiệp, cũng như xu hướng áp dụng các giải pháp KTTH trong nông nghiệp ở vùng ĐBSCL. Đối với hoạt động chăn nuôi, một số quy định về phân vùng chăn nuôi tập trung cũng đã được áp dụng nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và hoạt động dân sinh (Tung, 2017).
  • Xây dựng khung pháp lý, tiêu chuẩn liên quan đến KTTH: Hiện tại các nguyên tắc của KTTH đã được đề cập trong nhiều văn bản, nghị quyết của nhà nước. Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng đã xác định xây dựng nền kinh tế xanh, KTTH là định hướng phát triển cho Việt Nam trong thời gian tới. Hiện tại đã có một số đề án nông nghiệp tận dụng các phụ phế phẩm để sản xuất thức ăn chăn nuôi, như được đề cập trong đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi giai đoạn 2021 -2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Tuy nhiên những tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến KTTH và văn bản hướng dẫn sẽ cần được xây dựng và hoàn thiện trong thời gian tới.
  • Các hiệp định, tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế: Các quy định về tiêu chuẩn xuất khẩu đối với các mặt hàng thủy sản, các chứng nhận sản xuất sạch (hữu cơ, sinh thái) sẽ ảnh hưởng lớn đến việc chuyển đổi sang các mô hình sản xuất sạch hơn, trong đó có các mô hình sản xuất theo hướng KTTH. Một số hiệp định quốc tế giữa Việt Nam và quốc tế như Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 01/8/2020 với khoảng 85% loại thuế quan được cắt giảm sẽ tác động rất lớn lên sản xuất nông nghiệp vùng  ĐBSCL, đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như lúa, thủy sản và cây ăn trái (VCCI, 2020).
  • Vai trò của các bên liên quan: cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, bao gồm vai trò điều phối của chính quyền trung ương thông qua các quy định và chính sách, địa phương trong việc giám sát và triển khai thực hiện, cũng như vai trò của hiệp hội và các tổ chức nghề nghiệp, doanh nghiệp, hợp tác xã, trường đại học và các viện nghiên cứu trong việc xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ và thúc đẩy việc áp dụng và nhân rộng các mô hình KTTH trong nông nghiệp.
Các nhân tố liên quan đến điều kiện kinh tế-xã hội của nông hộ và chất lượng nguồn nhân lực
Chất lượng nguồn nhân lực và nguồn lực thực hiện ở cấp độ nông hộ là nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định năng lực sản xuất nông nghiệp và khả năng áp dụng các giải pháp, mô hình canh tác bền vững. ĐBSCL có số lượng dân số hơn 17 triệu người (với mật độ dân số tương thấp thấp, 423 người/km2), cung cấp nguồn nhân lực dồi dào cho hoạt động sản xuất, trong đó có hoạt động nông nghiệp. ĐBSCL có lực lượng lao động trên 15 tuổi hơn 10 triệu người, trong đó 56,9% đang làm việc trong các ngành kinh tế. Tuy nhiên chỉ có 13,3% trong số này đã qua đào tạo, so với tỉ lệ 22,8% của cả nước.
Thu nhập bình quân đầu người vùng ĐBSCL còn tương đối thấp với chỉ 3,9 triệu đồng/người/tháng, so với mức gần 4,3 triệu đồng của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo (5,6%), tuy thấp hơn mức trung bình chung của cả nước, vẫn còn khá cao so với Đồng bằng sông Hồng (2,4%) và Đông Nam Bộ (0,6%) (TCTK, 2019c).
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 cũng sẽ mang đến nhiều thách thức cho phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL. Suy giảm chuỗi cung ứng, số lượng lao động di cư hồi hương do ảnh hưởng bởi đại dịch sẽ tạo nhiều áp dụng lên việc giải quyết việc làm và suy giảm nguồn kiều hối do các đối tượng này mang lại (VCCI, 2020). Các yếu tố này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến quá trình tiếp nhận kỹ thuật và chuyển đổi sang các mô hình sản xuất mới theo hướng KTTH ở cấp độ nông hộ, đặc biệt là các mô hình đòi hỏi nguồn lực tài chính và kỹ thuật cao.
Lộ trình thực hiện
Việc áp dụng các mô hình KTTH trong nông nghiệp sẽ có nhiều khác biệt giữa các lĩnh vực sản xuất về yêu cầu và mức độ tuần hoàn trong các khâu của quá trình sản xuất, công nghệ được sử dụng, cũng như mong muốn và tính khả thi của từng giải pháp. Do đó các giải pháp KTTH nên được tiến hành theo lộ trình thực hiện cụ thể cho  từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội.
Về mặt công nghệ và kỹ thuật, trước mắt cần tập trung hoàn thiện các giải pháp ứng dụng các mô hình KTTH trong tất cả các khâu từ quản lý đầu vào, trong quá trình sản xuất, cũng như xử lý nước và chất thải và tận dụng các phụ phẩm trong khâu chế biến và tiêu thụ. Các giải pháp này nhắm tới mục tiêu nâng cao toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất, hỗ trợ, liên kết xây dựng các mô hình thí điểm và mô hình doanh nghiệp ứng dụng KTTH nhằm góp phần lan tỏa các mô hình hiệu quả ra cộng đồng. Song song đó cần đẩy mạnh công tác đào tạo, chuyển giao kiến thức các mô hình KTTH và giải pháp phát triển bền vững ngành nông nghiệp.
Về mặt thể chế và quản lý nhà nước, cần có bộ tiêu chí về áp dụng KTTH trong ngành nông nghiệp, xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn về công nghệ (sinh học, kỹ thuật nuôi, chế biến), kinh tế và thị trường, quản lý và chính sách nhằm triển khai và quản lý hiệu quả các mô hình KTTH trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra cần tăng cường quan hệ, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong ứng dụng KTTH nhằm tận dụng các tiến bộ khoa học công nghệ và nền tảng KTTH từ các quốc gia phát triển, các quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam cho việc chuyển giao KTTH ở Việt Nam.
Cuối cùng, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và nhận thức thông qua các chương trình đào tạo về KTTH, các chương trình truyền thông thông qua các quỹ tài trợ hoặc tổ chức thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.
Nghị quyết 120 của Chính phủ ban hành vào năm 2017 nhấn mạnh đến việc phát triển sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên trên tinh thần xem ĐBSCL như một thể thống nhất. Các giải pháp canh tác nông nghiệp theo hướng KTTH, giảm thiểu sử dụng nguồn đầu vào, tái chế, tái sử dụng các nguồn chất thải và tận dụng các nguồn đầu ra là xu hướng phát triển phù hợp cho các ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL trong thời gian tới.
Các giải pháp này không chỉ góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn đóng góp vào việc gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp trên cùng một đơn vị diện tích canh tác và giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ các hoạt động nông nghiệp. Tuy nhiên việc áp dụng các mô hình KTTH trong sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL cũng sẽ gặp nhiều thách thức, trong đó có các vấn đề liên quan đến nguồn lực và mong muốn triển khai, công nghệ và tính khả thi của giải pháp, cũng như thể chế và vai trò tham gia của các bên liên quan.
Do đó cần xây dựng lộ trình triển khai cụ thể, trong đó nhấn mạnh vai trò của nhà nước trong việc quản lý, ban hành các quy chế và tiêu chuẩn liên quan đến KTTH và sự liên kết các bên liên quan trong việc nghiên cứu, thực hành và nhân rộng các mô hình KTTH hiệu quả.