Phụ nữ khởi nghiệp có thuận lợi như nam giới?

624
Cuộc thi Dự án khởi nghiệp do BSA tổ chức đã bước qua năm thứ 7. Sân chơi này đã và đang tạo ra một lứa doanh nông mới với nhiều khát vọng, đam mê và… tử tế, trong đó có nhiều người nữ. Ảnh BSA
Đoạt giải cao tại các cuộc thi khởi nghiệp gần đây do BSA (Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ kinh doanh) tổ chức phần lớn là nữ giới. Giám khảo của các cuộc thi này nói rằng nữ tính tạo nhiều lợi thế hơn trong giao tiếp xã hội. Mọi chuyện còn lại, trong khởi nghiệp không có chuyện phân biệt giới tính, ưu ái dành riêng cho phái nào.
“Chăm chút cho sản phẩm và cộng đồng bằng sự tinh tế” Đạo diễn Nguyễn Mỹ Khanh
Người phụ nữ trong sản xuất kinh doanh giống như người mẹ, người vợ lo bữa con cho chồng con. Họ chăm chút cho bữa cơm gia đình sao thì chăm chút sản phẩm của họ như vậy. Chưa kể để giữ hòa khí và vui vẻ, họ luôn làm hài lòng các thành viên bằng tình thương, sự tinh tế sẵn có. Cũng tâm tính này họ ứng xử với khách hàng như vậy. Họ thêm chút này, chút kia, gia tăng dịch vụ cho đối tác luôn trong tấm thế rất sẵn sàng và vui vẻ.
Tôi từng tham gia các tổ chức thiện nguyện và được cử đi xin tài trợ. Nhiều người nghĩ phụ nữ nếu gặp chủ doanh nghiệp, doanh nhân là nam giới thì sẽ dễ dàng thuyết phục và “xin” hơn. Nhưng thực tế lại khác. Khi gặp doanh nhân nữ, chúng tôi trò chuyện dễ dàng và thân tình, họ quyết định cho đi rất nhanh và có tính lâu dài hơn, nhất là với các chương trình dành cho trẻ em và người nghèo khó. Ở họ, lòng trắc ẩn và sự cảm thông với những thân phận bất hạnh luôn tràn đầy.
Trở lại với startup do nữ giới thành lập và điều hành. Tôi cho rằng các bạn đều chăm chút và đưa ra những sản phẩm có giá trị hiện thực, thực tế hơn, đặc biệt là tính cộng đồng rất cao. Bên cạnh đó là sự chăm sóc của các bạn không những với người tiêu dùng mà còn với nhân viên của mình cũng rất là tinh tế.
“Điểm mạnh của phụ nữ khởi nghiệp là sự bền bỉ” – Ông Hoàng Sơn Công – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp
Thứ nhất họ có sự bền bỉ, ít khi bỏ cuộc. Thứ hai họ đi từ chậm đến nhanh dần, từ nhỏ đến lớn. Chính vì sự tỉ mỉ nên góc độ rủi ro không cao. Thứ ba, bản thân họ rất hiểu tiêu dùng bản thân và thuận lợi với việc đặt mình vào vị trí người tiêu dùng. Thứ tư, các câu chuyện đời của họ, thường là có chiều dài lịch sử và sự giao tiếp cộng đồng rộng lớn từ gia đình đến chợ đến nơi làm việc và rộng ra là mạng lưới hội, nhóm. Vì thế, câu chuyện khởi nghiệp của họ tác động rất lớn đến xã hội. Họ khởi nghiệp vì con, vì gia đình, vì cộng đồng của họ… Thứ năm, thông thường họ rất ý thức gầy dựng niềm tin vào thương hiệu của mình bằng những câu chuyện thường thức, đời sống mà họ đang trải nghiệm. Họ có nhiều thuận lợi trong việc chia sẻ và kết nối. Họ luôn tìm cách chứng minh và tương tác với cộng đồng, nhất là cộng đồng online.
Nhưng họ cũng có những nhược điểm. Theo tôi, khó khăn thứ nhất, tỉ lệ phụ nữ thành công trong công nghệ rất ít vì họ phải chịu nhiều áp lực vừa gánh vác gia đình và  vừa làm kinh tế. Rủi ro thứ hai với phụ nữ khởi nghiệp chính là “truyền thống Á Đông” khiến họ khó khăn trong việc tìm kiếm động lực từ gia đình. Vì  nếu họ đã có người yêu hoặc chồng thì phần lớn nam giới không muốn người phụ nữ phải gánh vác hoặc về sau người đàn ông sẽ rơi vào trạng thái tự ti nếu vợ mình thành công. Vì vậy, phía sau sự thành công của họ luôn là sự đánh đổi và hy sinh. Thứ ba là bất tiện trong giao tiếp xã hội. Phụ nữ thuận lợi trong chia sẻ câu chuyện, nhưng trong giao tiếp để kinh doanh thì có phần hạn chế như đi đêm hôm hay giao lưu với đối tác… Chưa kể họ có ý thức phải tự bảo vệ danh dự, phẩm hạnh của họ nên phải luôn đề phòng. Đóng khung vào hạn chế này nên vùng giao tiếp  của họ sẽ hạn chế.
Ngoài ra theo tôi, phụ nữ khởi nghiệp có thành công cũng tùy theo lĩnh vực. Ví dụ phụ nữ chiếm ưu thế nhiều hơn trong lĩnh vực sản xuất và có những mối tin tưởng bền vững thì sẽ thành công. Còn lĩnh vực thương mại thì có lẽ không bằng nam giới.
“Khởi nghiệp không có phân biệt giới tính” – Chuyên gia tư vấn chiến lược và thương hiệu Trần Anh Tuấn, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Pathfinder
Theo lý thuyết về kinh doanh, phụ nữ có lợi thế về giao tiếp nên kỹ năng networking trong kinh doanh tốt hơn vì họ tạo được sự tin tưởng. Đó là lợi thế nói chung, cho nên tỉ lệ thành công trong vấn đề giao tiếp của phụ nữ là chiếm ưu thế hơn cả.
Cái quan trọng nhất của người nữ mà tôi nhận ra là sự kiên nhẫn: Họ chịu khó lắng nghe, nhẹ nhàng và chịu đựng còn nam giới thì nóng tính hơn. Tuy nhiên điều này cũng là tương đối thôi vì trong thực tế thì mỗi người phong cách khác nhau, Cũng có những người nữ ào ào… cũng có những nam giới biết… chịu đựng.
Chuyện kinh doanh khởi nghiệp thì tôi không phân biệt nam nữ. Vì vậy, xin trả lời chung cho các bạn về những tố chất đặc trưng của bạn trẻ khởi nghiệp cần có.
Thông thường có ba bước trong kinh doanh: tạo dựng mối quan hệ, tạo sự ưa thích và gắn kết. Với tôi nếu là nữ giới thì có cái thuận lợi ở bước đầu: tạo mối quan hệ, tuy cái đó không hẳn là trăm phần trăm đúng.
Nhưng bạn trẻ khởi nghiệp dù là nam hay nữ thì cần phải nắm rõ hai điều cần nhất. Đó là phát triển cá nhân – tức là định vị bản thân sau đó mới là phát triển sản phẩm. Mà hai cái này đều phải học đến nơi đến chốn.
Tố chất căn bản của người khởi nghiệp là lì lợm. Nghĩa là thất bại không nản và quyết tâm theo đuổi đến cùng.
Hơn lúc nào hết, các bạn khởi nghiệp luôn cần ý thức học những kiến thức mới. Nhưng ngay từ đầu, các bạn phải học về tinh thần doanh nhân, môn học này xây dựng cả những có yếu tố phát triển con người, định vị bản thân. Học tinh thần doanh nhân là để nhận thức về sản phẩm của mình là góp phần phát triển xã hội. Dựa trên những điều này mới mong có thể xây dựng chương trình khởi nghiệp toàn diện.
Tại sao nhà khởi nghiệp lại thất bại khi đã trình bày rất nhiều thứ tiếp thị sản phẩm của họ? Câu trả lời là vì nhà đầu tư không chọn dự án mà chọn con người. Điều cốt lõi cho việc nhà đầu tư có cấp vốn hay không là do thái độ của người đó. Thái độ, hành vi, giá trị của bản thân anh là gì? Thế giới hiện nay họ dạy tinh thần doanh nhân là để giải quyết vấn đề xã hội chứ không dạy kiếm tiền. Mà tôi cũng ít có dịp để chia sẻ với các bạn trẻ khởi nghiệp về vấn đề này. Tại vì có nhiều bạn nghĩ đó là lý thuyết hay “dạy đời” trong khi họ chỉ cần kiếm tiền.
Cuối cùng là vấn đề định vị giá trị bản thân. Nếu không định vị bản thân thì khởi nghiệp, các bạn sẽ thất bại trong khâu định vị sản phẩm. Nếu các bạn được học tử tế, sẽ biết rõ việc khởi nghiệp bắt nguồn từ tinh thần doanh nhân và trong đó bắt đầu chính là từ định vị bản thân.
Một điều nữa mà tôi nhận thấy có nhiều bạn đến với khởi nghiệp chỉ là thái độ chỉ muốn “xin” chớ không có tư duy “cho là nhận”. Trong khi đó tư duy “cho trước nhận sau” chính là tinh thần kinh doanh toàn cầu. Muốn khởi nghiệp, hãy ý thức rõ mình đang tạo ra một giá trị cho xã hội chứ không phải tìm cách chỉ nhận lấy lợi nhuận. Muốn vậy phải học cách ứng xử, thái độ học hỏi và biết cách cho đi bởi khi nhận rồi thì phải biết cách chia sẻ cho những người khác. Vì lý thuyết marketing toàn cầu bây giờ cũng là như vậy: Cho trước nhận sau. Đây là triết lý kinh doanh hiện nay của cả thế giới với sứ mệnh của doanh nhân là: Cho giá trị chứ không phải là anh sẽ mở ra được bao nhiêu thị trường trị giá bao nhiêu tỉ đô…
Ngay cả một số bạn khởi nghiệp đưa ra các sản phẩm và có nói đến việc bảo vệ môi trường cũng có hai dạng: bám theo xu hướng này để lấy được vốn đầu tư (đóng giả cũng có), còn lại là người thực tâm muốn làm. Nhưng nếu thực sự muốn làm thì phải được học hành bài bản, chính thức để nhận thức rõ về việc mình làm và quyết tâm theo đuổi đến cùng. Vì khi bạn được mặc áo giáp để khoác lên mình sứ mệnh to lớn mà mình không có nền tảng và nội lực thì bạn sẽ đuối sức và bỏ ngang vì không đủ sức để gánh trên mình những thứ mà mình… không thật có.
Vì vậy, nếu chúng ta chưa có một giáo trình hay cẩm nang khởi nghiệp hoàn chỉnh thì tất cả đều đang là theo “phong trào” và phụ thuộc vào “hên xui”. Các bạn may mắn gặp được thầy tốt và chịu học hỏi để phát triển thì các bạn thành công nhưng nếu đi đường dài thì… chưa biết.
Ngân Hạnh