Quà tết Việt 2023: Khởi Sắc Vinh Hoa – Phát Triển Bền Vững

277

QUÀ TẾT VIỆT 2023: NÂNG CẤP VÌ TĂNG TRƯỞNG XANH

Liên minh Hỗ trợ Sản vật Địa phương (bao gồm Phiên chợ Xanh  – Tử tế của trung tâm BSA, Trà Quế Studio và Foodmap.asia) công bố 144 sản vật từ hơn 500 sản phẩm của 40 tỉnh thành cả nước trong dự án Giỏ quà Tết Việt 2023 với chủ đề “Khởi Sắc Vinh Hoa – Phát Triển Bền Vững”. 

Mọi thông vui lòng liên hệ:

Trung tâm BSA – Dự án Phiên chợ xanh tử tế

Số 60/2 Lý Chính Thắng, P. Võ Thị Sáu, Q. 3

Hotline: 098 117 8399 – 093 720 1797

Điểm nhấn lớn nhất của dự án Quà Tết Việt 2023 được ban tổ chức giới thiệu, là sự xuất hiện của nhiều sản phẩm được gọi tên là “đặc sản mới” – nghĩa là cũng những sản vật tinh tuý của từng vùng đất, nhưng sự trưởng thành của các doanh nghiệp phát triển từ tài nguyên bản địa đã giới thiệu với thị trường một phiên bản khác của quà quê lên phố: chế biến theo tiêu chuẩn chất lượng được kiểm định, gia tăng hàm lượng công nghệ và tiệm cận với phong cách sống bền vững, thuận tự nhiên và tạo tác động tích cực cho xã hội, trên nền tư duy lại tính liên kết vùng  và liên kết chuỗi, tính tuần hoàn của nguyên liệu và vật liệu, rút kinh nghiệm tối ưu vận hành để giảm hao phí vật tư nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng một cách linh động. 
Bà Vũ Kim Anh, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp BSA, trưởng ban tổ chức cuộc thi Khởi nghiệp Nông nghiệp Sáng tạo chia sẻ: “Dự án Quà Tết Việt là một sáng kiến để ban tổ chức hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa và sức mạnh công nghệ có cơ hội tiếp cận thị trường một cách chuyên nghiệp thông qua hỗ trợ marketing của Trà Quế và hệ thống logistic, thương mại điện tử của Foodmap.asia. Năm nay, từ 144 dự án tham gia vòng sơ loại của 40 tỉnh thành trên cả nước, chúng tôi chọn được 57 sản phẩm đáp ứng đủ các tiêu chí về chất lượng, mẫu mã và thị hiếu người dùng để đưa vào giỏ quà Tết. Điều đáng mừng, là các đặc sản địa phương đã vượt qua “bức tường” chế biến thô sơ như sấy, ủ hay làm mứt mà đã kết hợp nhiều phương thức chế biến hiện đại để đưa các nguyên liệu cổ truyền thành những món ngon vật lạ. Chẳng hạn sản phẩm Mứt Sâm Ngọc Linh của Kon Tum, Mứt Chôm Chôm Bến Tre hay Kèo biển Quảng Ngãi, Dừa Sáp Trà Vinh…”.
Ông Phạm Ngọc Anh Tùng, nhà sáng lập Foodmap.asia thì nhìn nhận thị trường có nhiều ẩn số: một mặt là các tín hiệu tích cực từ các doanh nghiệp trẻ đang phát triển nhanh và mạnh theo hướng hội nhập toàn cầu, mặt khác là những âu lo của biến động tài chính, tỷ giá… có thể ảnh hưởng lớn tới sức mua. “Nhưng điều làm chúng tôi quyết tâm đẩy mạnh Giỏ Quà Tết năm nay, là sự cam kết đồng hành của các đơn vị thủ công làng nghề, từ đan lát, giỏ mây cho tới làng sen, làng trà. Ai cũng đang nâng cấp sản phẩm mình lên theo hệ thống tiêu chuẩn chung, không chỉ là OCOP mà còn các chuẩn quốc tế về sản xuất, bảo quản”.
Chọn hình ảnh chủ đạo của Giỏ Quà Tết 2023 với linh vật là Mèo Hội Nhập, bà Nguyễn Thị Xuân Yến, giám đốc dự án suốt 8 năm nay cho hay: “Từ ngàn năm nay, Mèo là bạn đồng hành của thương nhân, quý tộc và hoàng gia trong giai đoạn định hình kinh tế thế giới từ thời La Mã tới cận đại. Dấu chân khai phá thế giới mới, hành trình hội nhập toàn cầu của thương nhân Đông – Tây đều có hình bóng của người bạn đồng hành Mèo. Mèo, ở Ai Cập là biểu tượng của quyền lực và sự tự tôn. Mèo, ở Châu Âu là biểu hiện của sự khai phóng, khả năng độc lập trong cuộc sống và các quyết định của mình. Mèo đứng cạnh những thành viên hoàng gia như một sự uy nghiêm vững chắc…”.
Xuân Yến, cũng đồng thời là nhà nghiên cứu phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn nói thêm: “Tự thân bao bì, đóng gói của sản phẩm đặc sản Việt năm nay cũng đã tốt hơn rất nhiều, nên công tác mặc áo mới cho quà quê không còn là trọng tâm duy nhất của dự án mà ưu tiên nhất sẽ là truyền thông quảng bá tích hợp đa kênh để khách hàng tiếp cận được thông tin thức quà ngon; phân tích dữ liệu mua hàng qua mỗi năm để thấu hiểu mong muốn và nhu cầu của khách từ đó tối ưu vận hành không đứt gãy giữa các kênh bán (offline; ecommerce; mạng xã hội…).
Mục tiêu của dự án là vừa nâng cao tinh thần cho nhà sản xuất địa phương hứng khởi vào mùa Tết, vừa là cam kết không suy suyễn của đội ngũ kinh doanh sản vật địa phương an toàn, chuẩn chất và tăng trưởng. Tôi thấy vui vì có nhiều bạn trẻ nhiều dân tộc ít người tham gia với tư duy bền vững, chẳng hạn sản phẩm Khô Heo Mắc Mật của người Tày ở Lạng Sơn, giờ đã kèm theo câu chuyện về canh tác kiểu vườn rừng quốc tế thuận tự nhiên với chính sách ăn của rừng phải trả cho rừng, hay sản phẩm Tôm Rừng Cà Mau đã có màu sắc của việc bảo tồn và phát huy rừng ngập mặn nơi cửa biển…”.
Giỏ quà Tết Việt 2023 có loại hộp giấy khắc âm dương 3D nổi bật hoặc giỏ mây tre của làng nghề truyền thống với nhiều lựa chọn thành phần quà kết hợp với giá bán từ 500.000 đồng / phần quà.

BSA