Quy hoạch tích hợp ĐBSCL – Góc nhìn từ chuyên gia quốc tế (phần 1)

128
Tính dễ tổn thương do biến đổi khí hậu – nước biển dâng của khu vực ĐBSCL – là không thể “chống lại”. Cho nên, trước xu hướng đó, cần phải dựa trên các kịch bản dự báo khác nhau để lập quy hoạch mới và có hướng đầu tư thích ứng theo cách “ít hối tiếc” và “không hối tiếc”. Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, bà Carolyn Turk đề xuất và đánh giá: Quy hoạch vùng ĐBSCL được xây dựng dựa trên nguyên tắc bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, phát triển cân bằng và bảo vệ môi trường.

Ông Ian Hamilton, chuyên gia đánh giá BĐKH, đại diện Royal Haskoning DHV: Thay đổi cơ cấu nông nghiệp, lấy chất lượng, thu nhập làm chỉ tiêu

hiến lược quy hoạch vùng ĐBSCL được thiết kế để vừa “quản lý thách thức” vừa “tạo ra giá trị” nhắm đến mục tiêu bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, thúc đẩy sự phát triển khu vực cân bằng hơn và cải thiện môi trường.
Tầm nhìn tổng thể của quy hoạch là “cộng đồng thịnh vượng và phát triển, cùng nhau biến thách thức thành cơ hội, sử dụng và bảo vệ tài nguyên ĐBSCL”. Để đạt được điều này, cần một cách tiếp cận tổng hợp nhằm tối đa hóa lợi ích đối với từng trụ cột của phát triển bền vững (kinh tế, xã hội và môi trường), nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của vùng. Do đó, có 4 yếu tố tổng hợp của chiến lược phát triển vùng là:
1 – Nông nghiệp: Thúc đẩy và hỗ trợ sản xuất số lượng lớn cây trồng có giá trị cao hơn, chất lượng tốt dựa trên sự phù hợp về đất đai và nguồn nước, bằng cách nới lỏng các hạn chế sử dụng đất, hỗ trợ nhiều hơn cho nông dân và thúc đẩy các phương thức canh tác hiệu quả hơn, bền vững hơn.
2 – Các trung tâm đầu mối nông – công nghiệp: Thu gom và tổng hợp các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản địa phương tại các cơ sở tiểu vùng, thông qua phát triển các trung tâm chế biến, được bố trí hợp lý ở các trung tâm tỉnh, cùng với dịch vụ và các ngành công nghiệp phụ trợ khác.
3 – Giao thông: Cải thiện theo từng giai đoạn đường bộ, vận tải thủy nội địa và cảng, cũng như hậu cần khu vực để hỗ trợ các trung tâm chế biến và cải thiện khả năng tiếp cận tổng thể trong khu vực để mang lại lợi ích cho các ngành khác (bao gồm cả công nghiệp).
4 – Quản lý nước – bảo vệ vùng nước ngọt lõi và các vùng ven biển, cải thiện chất lượng nước (đặc biệt liên quan đến nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản), thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai.
ĐBSCL sản xuất khoảng 24 triệu tấn lúa mỗi năm. Quy hoạch vùng ĐBSCL dự kiến giảm lượng lúa còn khoảng 16 triệu tấn vào năm 2050, trong khi vẫn đáp ứng các mục tiêu an ninh lương thực quốc gia.
Sản xuất lúa gạo vẫn sẽ được chú trọng, cùng với nuôi trồng thủy sản nước ngọt, trong các khu vực canh tác nhỏ hơn ở phía tây bắc của vùng có thể đảm bảo nước ngọt quanh năm. Điều này sẽ cho phép nông dân trồng các loại cây khác có giá trị cao hơn – chẳng hạn như trái cây và rau – và cũng có thể hưởng lợi từ việc mở rộng diện tích được sử dụng để nuôi trồng thủy sản. Theo thời gian, tổng diện tích trồng lúa trong toàn vùng sẽ giảm từ 2,3 đến 1,4 triệu ha. Thay đổi cây trồng và chế biến sẽ tăng thu nhập khoảng 11,4 tỷ USD/năm vào năm 2030 và 21,1 tỷ USD/năm vào năm 2050 (theo giá năm 2018).
Sự chuyển đổi nông nghiệp này đã bắt đầu khi nông dân nhận thức được lợi nhuận từ các cây trồng khác cao hơn. Diện tích trồng lúa đã giảm cả trên phạm vi cả nước và trong vùng kể từ năm 2013 mặc dù năng suất tiếp tục tăng do đầu vào cho sản xuất cũng tăng lên. Trong khi đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản cả nước tăng khoảng 67% trong giai đoạn 2009 – 2019. ĐBSCL đóng góp 70% tổng sản lượng gia tăng này.
Vùng này đang sản xuất nhiều trái cây và rau màu hơn, ví dụ: sản lượng khoai lang trong vùng đã tăng gấp đôi từ năm 2009 – 2019 lên khoảng 556.000 tấn, chiếm 40% tổng sản lượng cả nước so với 23% trước đây. Chiến lược của quy hoạch vùng ĐBSCL là khuyến khích và hỗ trợ nông dân trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Đặc biệt là ở các vùng ranh nước lợ. Điều này đòi hỏi các tỉnh phải cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất khỏi trồng lúa và nông dân được cung cấp đầy đủ dịch vụ hỗ trợ từ trồng trọt đến thu hoạch; sau đó liên kết họ với chế biến tại địa phương để đảm bảo mang lại nhiều lợi ích hơn từ giá trị gia tăng.
Cách tiếp cận được đề xuất về quản lý tài nguyên nước đi ngược lại với quy hoạch tài nguyên nước hiện tại, vốn hướng tới việc mở rộng dần vùng nước ngọt vĩnh viễn theo hướng đông nam để hỗ trợ nông nghiệp nước ngọt (tức là bằng cách xây dựng ngày càng nhiều hệ thống đê và cống).
Vùng ĐBSCL cần lấy chất lượng, thu nhập, lợi nhuận ổn định làm những chỉ tiêu chính thay vì chạy theo số lượng.

Quy hoạch tích hợp ĐBSCL – Góc nhìn từ chuyên gia quốc tế (phần 2)

Ngọc Bích ghi (Theo Kỷ yếu Mekong Connect 2020)