Quy hoạch tích hợp ĐBSCL – Góc nhìn từ chuyên gia quốc tế (phần 2)

167
Ông Koos Neefjes, cố vấn cao cấp về BĐKH – đại diện Royal Haskoning DHV – Hà Lan: Phân vùng tài nguyên nước
Hệ thống đê bao rộng khắp đã được phát triển trong nhiều năm qua để bảo vệ vùng ven sông và ven biển khỏi lũ lụt. Sự phát triển theo tiếp cận quy hoạch này phải được nhìn nhận trong bối cảnh không chắc chắn về dòng chảy từ thượng nguồn do xây dựng đập bên ngoài Việt Nam và tác động ngày càng tăng do biến đổi khí hậu. Đặc biệt là xâm nhập mặn. Các đề xuất của Quy hoạch vùng ĐBSCL là tạo ra 4 vùng tài nguyên nước chính:
1 – Vùng nước ngọt. Vùng nước ngọt vĩnh viễn sẽ giảm đáng kể nhưng phải đảm bảo cung cấp nước ngọt quanh năm cho nông dân ở phía bắc của vùng
2 – Vùng nước ngọt lợ xen kẽ. Vùng này sẽ trở nên lớn hơn. Công tác quản lý sẽ không còn tập trung vào việc cung cấp nước ngọt cho nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản quanh năm mà sẽ quản lý mặn và chất lượng nước tốt hơn phù hợp với sự biến động theo mùa và nhu cầu của nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản nước ngọt trong khu vực.
3 – Vùng ven biển mặn lợ. Khu vực này sẽ được mở rộng để tạo điều kiện cho nuôi trồng thủy sản có lợi nhuận và bền vững với môi trường. Việc phân vùng sẽ hỗ trợ việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng nước lợ có hệ thống và các hệ thống quản lý nước liên quan
4 – Vùng biển. Vùng này vẫn được giữ nguyên như quy hoạch trước đây, nhưng các phương thức quản lý và quy định phải được điều chỉnh để đảm bảo tính bền vững lâu dài của các dịch vụ hệ sinh thái liên quan đến nghề cá và đa dạng sinh học.
ĐBSCL có 13 tỉnh thành – với mô hình chính quyền riêng biệt – không có cơ quan quản lý quy hoạch chung cả vùng, chưa kể một số tỉnh thành còn tổ chức tiểu vùng khác nhau. Do đó, không có khung pháp lý chính thức nào để điều phối các dự án ngành từ các Bộ trên cơ sở liên tỉnh. Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL được thành lập gần đây, không chắc được giao quyền hạn hay ngân sách đầu tư vùng để thực sự phát triển các dự án liên tỉnh. Để hiện thực hóa cách tiếp cận tổng hợp trong quy hoạch và hoạch định chính sách, cần phải sửa đổi khung pháp lý sao cho phù hợp với Luật Quy hoạch, trong đó đưa quy hoạch vùng vào các cấu trúc và hệ thống chính trị, kế hoạch và ngân sách. Tái cơ cấu để cho phép phân quyền nhiều hơn là công việc phức tạp và đòi hỏi ý chí chính trị. Chính quyền Trung ương sẽ phải phân cấp và giao một số quyền hạn cho cấp tỉnh hoặc cấp khu vực, nhưng vẫn có đủ quyền lực để chỉ đạo và giám sát tiến độ.
Quy hoạch vùng ĐBSCL sẽ yêu cầu giám sát tiến độ và cập nhật khi cần thiết. Tốt nhất, quy hoạch nên được đánh giá giữa kỳ 5 năm một lần, đặc biệt là để đánh giá các khoản đầu tư của kế hoạch 5 năm tới. Về trách nhiệm, các cấp chính quyền sẽ đưa ra khuôn khổ và định hướng.
Tuy nhiên, điều quan trọng là Quy hoạch vùng ĐBSCL phải được hỗ trợ – tham gia bởi khu vực tư nhân, những người sẽ đầu tư vào các trung tâm đầu mối, trung tâm hạ tầng dịch vụ và mạng lưới giao thông. Ngoài ra, nông dân phải được thuyết phục về việc chuyển đổi nông nghiệp trong khu vực của họ và được hỗ trợ đầy đủ để họ có thể thích ứng với các kỹ thuật và yêu cầu thực hành mới. Việc khuyến khích đầu tư và tham gia có thể đòi hỏi một loạt sáng kiến nằm ngoài phạm vi của quy hoạch vùng, bao gồm các khuyến khích tài chính và cách tiếp cận khu vực để tiếp thị và thu hút đầu tư thích hợp.
Hơn mười năm qua, tỷ lệ người dân lần lượt rời bỏ quê nhà ra đi tìm kế sinh nhai mới cứ gia tăng dần theo từng năm trong các thống kê mới nhất và đã trở thành một hiện tượng xã hội, vì nguồn lao động trẻ trong vùng đang thiếu hụt rất đáng lo ngại. Ngay cả năng suất và sản lượng lúa và cá da trơn đường như đã đạt đến ngưỡng giới hạn lớn nhất về mặt sinh học nhưng sức khỏe lớp thổ nhưỡng, kể cả các vi sinh vật hữu ích trong đất, đang suy kiệt dần, cho dù có đủ phân bón hóa học vẫn được người nông dân tiếp tục gia tăng
bỏ xuống đồng ruộng.
Thực chất, các dinh dưỡng trong đất nuôi cho cây là một quá trình tích lũy hằng trăm năm, hàng ngàn năm từ những hạt phù sa do dòng nước nổi hằng năm bồi tụ, nhưng chỉ vài thập kỷ khai thác kiểu thâm canh tăng vụ, chúng ta đã cưỡng bức rút hết nỗ lực bồi đắp của thiên nhiên, mà không tạo điều kiện cho đất nghỉ ngơi, hồi phục.
Đã đến lúc chúng ta nhận thấy chính sách can thiệp thô bạo vào tự nhiên để bắt nguồn lợi đất, nước và vi sinh vật hữu ích cho mục tiêu tăng số lượng lương thực, chủ yếu là lúa gạo, không còn ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh các tác động bất lợi của hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng ngày một rõ rệt và gia tăng cả tần số và cường độ theo dạng biến động thời tiết và thiên tai cực đoan. Thêm vào đó, sự hình thành chuỗi các dự án đập – hồ chứa thủy điện trên cả dòng chính và dòng nhánh ở thượng nguồn, đặc biệt tập trung ở Trung Quốc và Lào khiến dòng phù sa giảm sút đe dọa lớn đến sự ổn định nền và gia tăng biến dạng, xói lở bờ sông, lòng dẫn và vùng bờ dọc ven biển.
Tóm lại, ba đe dọa lớn thách thức sự phát triển bền vững của vùng châu thổ chính gồm hai yếu tố ngoại vi là biến đổi khí hậu và chuỗi đập thủy điện ở thượng nguồn và một yếu tố nội tại do các hoạt động của con người ở chính bên trong đồng bằng.
Ba yếu tố cùng tác động, nếu không có giải pháp hữu hiệu để hạn chế thì nguy cơ đảo lộn tiến trình kiến tạo đồng bằng sẽ trở thành quá trình biến dạng và tan rã vùng đất thấp trũng về mặt địa hình, phẳng gần như đồng nhất về mặt địa mạo và non yếu, rời rạc về mặt địa chất.
Vùng châu thổ Cửu Long phải chuyển mình dưới những tác động thay đổi bất lợi, cần phải có những cải cách về cơ cấu kinh tế, cải tổ chính sách đầu tư song hành với các yêu cầu chuyển đổi hệ thống sản xuất theo hướng thuận thiên, xem trọng tất cả các nguồn tài nguyên nước ngọt, nước lợ và nước mặn.
Bất kỳ quyết định gì cho vùng châu thổ từ nay và trong tương lai cũng phải xem xét đến các yếu tố chọn lựa theo nguyên tắc “không hối tiếc” hoặc “ít hối tiếc”. Bài học vội vã áp đặt các quyết định duy ý chí chủ quan, thiếu xem xét các tác động sinh thái lâu dài trong quá khứ đã để lại những hệ quả mà việc khắc phục bây giờ rất khó khăn. Các hệ sinh thái, tính đa dạng sinh học về loài thực và động vật phải được bảo tồn, phục hồi và mở rộng trở lại. Điều này sẽ thúc đẩy và tạo điều kiện tốt cho việc chống đỡ thiên tai, hạn chế các tác động bất lợi của khí hậu mà còn thúc đẩy sự trở lại tốt hơn cho môi trường sống.
Đây là tiền đề và xem như là các yếu tố hạ tầng xanh, thúc đẩy cho các hoạt động du lịch tự nhiên và tạo nên động lực, tăng tính hấp dẫn cho các nguồn đầu tư. Các dòng ngân sách quốc gia cần phải gia tăng đầu tư cho vùng châu thổ, nên đặt ưu tiên cho các hệ thống giao thông, cầu đường hiện đại vốn rất yếu kém nhiều năm qua. Việc phục hồi, lưu trữ và hấp thụ các nguồn tài nguyên nước mưa và nước lũ, giảm dần sử dụng nước ngầm là một chiến lược cần quan tâm. Điều này bảo đảm cho vấn đề cấp nước sinh hoạt an toàn, kể cả một phần nào đó dành cho chăn nuôi, cây trái, và hoa màu, đặc biệt cho vùng ven biển vào mùa khô hạn và nước mặn xâm nhập sâu.
Trong chiến lược vươn tầm cho vùng châu thổ theo hướng phát triển bền vững, ngoài việc vận động chính sách cải tổ phù hợp cho hệ thống quản trị đồng bằng theo một tầm vĩ mô thì ở các tầm vi mô ở đơn vị nhỏ hơn đến từng nông hộ, người nông dân cũng phải chuyển mình theo các thay đổi với sự đồng hỗ trợ của các tổ chức xã hội, các nhà khoa học và doanh nghiệp. Người nông dân không chỉ là người sản xuất nông nghiệp thuần túy như bao đời nay, mà họ phải dần dần trở thành những nhà nông doanh (agro-businessmen).
Vấn đề này không thể một sớm một chiều để biến một người chỉ biết trồng lúa thâm canh thành một người biết canh tác đa canh, nắm bắt thị trường, biết gia tăng giá trị hàng nông sản và thích ứng tốt các diễn biến bất lợi của thời tiết – thiên tai.
Bao giờ cũng vậy, chuyển mình thay đổi trong các thử thách là một quá trình lột xác với nhiều
đau đớn, rủi ro.
Việc quan tâm đến các nhóm yếu thế trong xã hội để họ có một điều kiện sống tốt hơn, tư vấn cho họ những quyết định hợp lý và tạo điều kiện tốt cho họ trụ được trong thử thách, cũng là một tinh thần của ý nghĩa “không để bất kỳ ai bị bỏ lại” mà Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi các quốc gia lưu ý trong việc phát triển bền vững. Vùng châu thổ sông Cửu Long phải tiếp tục được tồn tại và phát triển vì một tương lai phồn thịnh, an toàn và bền vững hơn, đồng hành với các tiến bộ khoa học và công nghệ.
Ngọc Bích ghi (Theo Kỷ yếu Mekong Connect 2020)