Richard Moore: Mở rộng không gian sáng tạo

    98
    Nếu đội, nhóm hoặc bất kỳ thành viên nào trong nhóm chưa quen với việc brainstorming, cách thức đơn giản này sẽ giúp mọi người bắt nhịp nhanh hơn.
    Trong hai bài viết trước của loạt bài về phương pháp sáng tạo, tôi đã mô tả cách định hình những phương pháp sáng tạo thông qua các bước xác định rõ vấn đề và sau đó là các bước đánh giá, chọn lọc ý tưởng tốt nhất. Chúng ta đã tìm hiểu một vài phương pháp “Tư duy trong giới hạn”, giúp tìm ra giải pháp tốt, chủ yếu bằng việc xác định rõ vấn đề hay bóc tách từng yếu tố trong vấn đề đó. Thông thường như vậy là đã đủ, song, để tìm ra một giải pháp thực sự độc đáo và hiệu quả, chúng ta cần thêm nhiều ý tưởng độc đáo hơn nữa. Với các phương pháp được miêu tả trong bài viết này, chúng ta sẽ bắt đầu “kéo giãn” các khung sáng tạo một chút.
    Tư duy phi tuyến tính
    Các bước trước và sau khi định hình ý tưởng đều mang tính logic. Nhưng nếu chỉ bám theo tư duy logic trong chính bước hình thành ý tưởng, chúng ta sẽ tự giới hạn mình trong thứ mà Edward de Bono – bậc thầy về tư duy sáng tạo nổi tiếng thế giới gọi là “Tư duy tuyến tính”, nghĩa là tư duy theo chiều dọc. Thay vào đó, ông mang đến một khái niệm mới gọi là “Tư duy ngoại biên” hay “Tư duy phi tuyến tính”. Về bản chất, phương pháp tư duy này mở rộng trọng tâm, giúp ta hướng tới càng nhiều cách tiếp cận khác nhau càng tốt, để sau đó sàng lọc, lấy những gì tinh tuý nhất. Đó là một nguyên tắc đơn giản mà tôi đã áp dụng khá thành công trong những ngày đầu khởi nghiệp. Tư duy phi tuyến tính chính là cốt lõi của hầu hết các phương pháp sáng tạo phổ biến ngày nay.
    Brainstorming
    Vậy, phương pháp nào có thể giúp ta thu thập được thật nhiều ý tưởng? Một trong số các phương pháp phổ biến chính là “Brainstorming” – thuật ngữ thường được sử dụng thay thế cho việc “lên ý tưởng”, nhưng thực chất đây là một dạng sáng tạo ý tưởng theo nhóm. Được “mã hoá” lần đầu tiên vào năm 1914 bởi Alex Osbom, giám đốc điều hành công ty quảng cáo BBD&O. Một buổi brainstorming thực thụ thường bắt đầu bằng việc đặt vấn đề và sau đó tuân theo bốn quy tắc sau:
    – Không phê phán, không chỉ trích. Nhằm khai thác nguồn lực sáng tạo một cách thoải mái tự do, tất cả các ý tưởng đưa ra đều được xem là có giá trị. Việc phân tích đánh giá chỉ nên diễn ra sau quá trình tư duy sáng tạo, không bao giờ được can thiệp giữa chừng.
    – Lấy số lượng làm chất lượng. Càng có nhiều ý tưởng được đưa ra, càng nhiều khả năng có thể chọn được hướng sáng tạo tốt để triển khai sâu hơn.
    – Mượn ý tưởng. Đây là điều hết sức bình thường và mọi người được khuyến khích để phát triển thêm trên nền ý tưởng của người khác trong buổi làm việc nhóm.
    – Ý tưởng càng mới lạ càng tốt. Việc “chế ngự” một ý tưởng hoang dại, mới lạ sẽ dễ hơn việc cố gắng nuôi dưỡng một ý tưởng nghèo nàn, buồn tẻ.
    101 Biến thể của Brainstorming
    Đây là cách rất hay để minh chứng cho một đội nhóm thấy họ có thể tăng mức hiệu quả sáng tạo như thế nào. Phương pháp này sử dụng cùng một cách brainstorming như trên, nhưng với một thách thức là làm sao sáng tạo được 101 ý tưởng chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ. Thoạt tiên, điều này nghe có vẻ không khả thi, nhưng tôi chưa bao giờ thấy một nhóm nào thất bại cả.
    Biến thể của Brainstorming theo vòng tuần tự
    Nếu đội, nhóm hoặc bất kỳ thành viên nào trong nhóm chưa quen với việc brainstorming, cách thức đơn giản này sẽ giúp mọi người bắt nhịp nhanh hơn. Người điều phối chọn ra một thành viên nêu ý tưởng trước cả nhóm, viết ý tưởng ra và gắn nó lên tường/bảng. Sau đó, người ngồi kế bên sẽ tiếp nối, và cứ thế theo thứ tự. Sau vài vòng, mọi thành viên có thể phát biểu và đưa ra ý tưởng bất kỳ nào mà không cần theo tuần tự như lúc đầu nữa.
    Brainwriting – Viết ý tưởng trong im lặng
    Sáng tạo ý tưởng nhóm trong im lặng thoạt nghe có thể nhàm chán, nhưng sự thật không hẳn vậy. Việc tìm kiếm ý tưởng vẫn đầy thách thức, và chỉ trong vòng 30 phút phải làm sao sáng tạo các ý tưởng thật hay. Tôi nhận thấy có kỹ thuật Brainwriting – Viết ý tưởng trong im lặng – rất hiệu quả, sử dụng các mảnh giấy ghi chú với một bảng có ba hàng và ba cột để các mảnh giấy ghi chú có thể dán vào vừa vặn. Bắt đầu bằng một vấn đề, chỉ trong vòng năm phút mỗi thành viên nhóm tự im lặng đưa ra ba ý tưởng riêng của mình bằng cách gắn giấy ghi chú lên hàng trên cùng, và sau đó các bảng được phân chia một cách ngẫu nhiên cho vòng tiếp theo. Mỗi người lại tiếp tục nghĩ đến một cách tiếp cận khác cho mỗi ý tưởng trong bảng và viết nó vào ngay bên dưới tại hàng thứ hai. Tiếp tục lặp lại bước trên cho hàng thứ ba. Sau đó ba ý tưởng liên quan đến nhau từ ba cột dọc sẽ được tập hợp thành cụm và dán lên tường/bảng để lựa chọn ra các ý tưởng tốt nhất.
    Phân cụm
    Bước cuối cùng được nhắc đến ở trên, được tích hợp trong quá trình Brainwriting, là một ví dụ cho bước hội tụ (Tư duy tổng hợp), sử dụng để tổng hợp, đánh giá các ý tưởng được tạo nên bởi hầu hết các phương pháp phân kỳ (Tư duy phân tích). Trước khi lựa chọn ra những ý tưởng tốt nhất, ta nên tập hợp chúng thành cụm. Sử dụng các mảnh giấy ghi chú giúp cho việc này trở nên dễ dàng hơn. Chỉ cần lưu ý phân nhóm các cụm ý tưởng khác biệt một cách rõ ràng và không cố ép đưa ý tưởng vào một cụm vốn không thực sự liên quan. Lựa chọn ý tưởng tốt nhất của từng cụm, và sau đó chọn phương án tốt nhất của nhóm ý tưởng tốt nhất.
    Trong bài viết cuối ở kỳ sau, chúng ta sẽ xem xét một vài phương pháp sáng tạo ý tưởng dạng kết hợp và các cách thức sáng tạo “vượt ra ngoài giới hạn”; qua đó tôi sẽ mô tả phương pháp mà tôi đánh giá là tốt nhất trong số các phương pháp hội tụ tổng hợp.

    Richard Moore: Từ ý tưởng đến câu chuyện thành công

    Richard Moore/BSA 
    —————-
    Richard Moore là giám đốc ý tưởng và điều hành của Richard Moore Associates, đơn vị cung cấp Chiến lược thương hiệu, nhận diện thương hiệu, truyền thông tích hợp thương hiệu và các dịch vụ Ứng dụng tư duy thiết kế với quy trình rút gọn.
    Để tìm hiểu thêm về bất kỳ phương pháp sáng tạo nào trong loạt bài này, xin vui lòng tham
    khảo tại bit.ly/2CUR0tp