Richard Moore: Từ ý tưởng đến câu chuyện thành công

111
Việt Nam – “Con hổ mới của Châu Á” là cụm từ được sử dụng rộng rãi vào năm 1994 khi tôi bắt đầu làm việc tại đây.
Đến nay, phần lớn những dự đoán ngày đó đối với Việt Nam đã trở thành hiện thực; tuy nhiên có thể thấy những sáng kiến đổi mới sản phẩm chủ yếu vẫn là học hỏi và điều chỉnh từ nơi khác. Nếu muốn thực sự phát huy được tiềm lực, Việt Nam cần có sự đổi mới sáng tạo trong tư duy phát triển hàng hóa, sản phẩm. Nền tảng của tư duy đó chính là khả năng phát triển những ý tưởng mới lạ và độc đáo trên thị trường.
Với vai trò giám đốc sáng tạo của một công ty quảng cáo tại New York, tôi đã nghĩ mình biết rất rõ việc sáng tạo ý tưởng là như thế nào, suy cho cùng đây chính là công việc của tôi. Nhưng đến năm 2013, tôi bắt đầu nghiên cứu sâu thêm và tìm hiểu được hơn 70 phương pháp sáng tạo ý tưởng khác nhau; và từ đó tới nay tôi vẫn chia sẻ nội dung này qua nhiều buổi hội thảo giảng dạy tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trong các bài viết số tới, tôi sẽ chia sẻ thêm về các phương pháp sáng tạo hiệu quả nhất và những điều cần biết để có ý tưởng và biến chúng thành những câu chuyện thành công.
Ý tưởng mới chỉ đơn giản là liên kết những thứ đã có theo một cách mới. Ngoại trừ một số ít các ý tưởng độc đáo, khác lạ được hình thành nhờ trí tuệ nhân tạo AI, phần lớn ý tưởng vẫn là do con người sáng tạo nên theo các cách thức liên kết mới.
Để sáng tạo ý tưởng, trí óc chúng ta cần xác định vấn đề rồi tìm cách giải quyết. Giải pháp tìm được chính là nhờ kết nối vô vàn những ký ức trong đời sống được lưu lại trong bộ nhớ con người. Chức năng tìm kiếm của não bộ sẽ rà soát các khớp thần kinh và lọc ra các cách kết hợp có thể giúp giải quyết vấn đề. Người ta ước tính rằng chúng ta có chừng 1000 tỷ các khớp nối thần kinh khác nhau kết hợp trong não bộ cho những tìm kiếm như vậy; do đó để quá trình tìm kiếm và kết nối phức tạp này mang lại hiệu quả, chúng ta cần có phương pháp.
Một trong những phương pháp sáng tạo phổ biến nhất hiện nay là CPS – Giải quyết Vấn đề Sáng tạo (Creative Problem Solving). Hiện nay khi áp dụng CPS, người ta thường chia bước đầu thành ba bước nhỏ: Nghiên cứu Khách quan, Nghiên cứu Thông tin Thực tế và sau đó là Xác định Vấn đề – làm rõ vấn đề cần giải quyết.
Xác định mục tiêu là bước đầu tiên cần thiết để xem xét vấn đề một cách khái quát và khơi mở cho các ý tưởng độc đáo hình thành, tránh việc sáng tạo bị thu hẹp và quá tập trung vào một vấn đề mà rất có thể chưa được xác định đúng. Một phương pháp khái quát với ma trận 2×2 và được biết đến rộng rãi từ nhiều năm qua là phân tích SWOT (Thế mạnh, Điểm yếu, Cơ hội và Thách thức). Bạn có thể dễ dàng tìm thấy những mô tả về SWOT trên internet.
Bước tiếp theo – Nghiên cứu Thông tin Thực tế có phạm vi rộng hơn những gì bạn thường nghĩ. Thông tin thực tế bao gồm những điều chúng ta biết được từ các nguồn tài liệu chính thống, từ quan sát trực tiếp nhờ vận dụng các giác quan như cảm xúc, liên tưởng và linh cảm, và cuối cùng là các câu hỏi mở rộng đặt ra trong quá trình nghiên cứu. Một cách rất hiệu quả để sắp xếp thông tin là Phương pháp 5W1H, trong đó sử dụng các câu hỏi Who (Ai), What (Cái gì), Where (Ở đâu), When (Khi nào), Why (Tại sao), và How (Thế nào).
Sau khi được trang bị đầy đủ mục tiêu và thông tin thực tế, chúng ta đã sẵn sàng cho bước “Đặt vấn đề” theo phương pháp CPS. Đây là bước duy trì tư duy mở nhờ đặt câu hỏi “Bằng cách nào chúng ta có thể…” Tôi nhận thấy cách đặt câu hỏi như vậy là phương pháp tốt nhất để đào sâu gốc rễ của vấn đề, người ta gọi đây là phương pháp “Leo thang” (Laddering). Đầu tiên hãy hình dung ra chiếc thang và bước đặt vấn đề chính là nấc thang trung tâm. Sau đó, chúng ta nâng nấc thang này lên bằng cách sử dụng cụm từ “tại sao” để mở rộng góc nhìn của vấn đề. Ví dụ, có thể mở rộng vấn đề “Chúng ta có thể tăng thị phần bằng cách nào” thành câu hỏi rộng hơn “Tại sao chúng ta muốn tăng thị phần?” Câu trả lời có thể là để tăng doanh số, để xây dựng uy tín hoặc hơn thế. Bất kỳ phản hồi nào cũng có thể mở rộng nhiều lần bằng cách sử dụng câu hỏi “tại sao”, mỗi lần ta lại điều chỉnh phạm vi vấn đề gần sát hơn thực tế cần nghiên cứu.
Việc đặt vấn đề hay điều chỉnh mở rộng vấn đề ở trên sẽ khả thi hơn bằng cách thêm từ “Làm thế nào”. Ví dụ “Làm thế nào để tăng uy tín của thương hiệu?”, câu trả lời có thể là sử dụng KOL trên mạng xã hội, nâng cấp nhận diện thương hiệu hay cũng có thể là tổ chức một chương trình thiện nguyện. Bất kỳ ý tưởng nào cũng đều có thể mở rộng hơn nữa thành hướng giải quyết cụ thể bằng cách lặp lại câu hỏi “Làm thế nào”. Câu đặt vấn đề cuối cùng sẽ là tiêu chí để hình thành bước tìm kiếm ý tưởng tiếp theo.
Cũng như rất nhiều người, tôi vẫn thường áp dụng phương pháp CPS trước khi lên ý tưởng. Bên cạnh đó, tôi cũng sử dụng phương pháp Tư duy Thiết kế (Design Thinking) – một quy trình sáng tạo thịnh hành từ đầu những năm 2000, khi các tập đoàn lớn sử dụng để tìm kiếm các ý tưởng sản phẩm mới độc đáo. Phần chính của phương pháp này về cơ bản giống với CPS, song các bước khởi đầu có sự khác biệt khá lớn. Trong bài viết tháng tới, trước khi giới thiếu một số phương pháp hữu ích giúp khơi mở các ý tưởng mới, tôi sẽ miêu tả sâu hơn về Tư duy Thiết kế và thực tiễn ứng dụng tôi đã triển khai cho một thương hiệu đồ gia dụng Việt Nam trong năm qua. Tôi cũng sẽ giải thích tại sao doanh nghiệp Việt cần Tư duy Thiết kế để phát huy tiềm năng và sáng tạo ra những sản phẩm uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.
Richard Moore
Ông Richard Moore là Giám đốc Ý tưởng & Điều hành Richard Moore Associates – Đơn vị tư vấn tại Hà Nội và TP.HCM chuyên sâu về Chiến lược Thương hiệu, Nhận diện Thương hiệu, Truyền thông Thương hiệu Tích hợp, và Ứng dụng Tư duy Thiết kế với quy trình rút gọn.