Sam Huynh – Nữ kỹ sư Việt kiều “ngổ ngáo” nhưng giàu tình người

1374
Với Sam Huynh, những lời tranh luận không làm cô lùi bước

Không ai ngờ Sam Huynh, một phụ nữ Việt kiều Mỹ có vẻ ngoài “dân chơi”, lại là một kỹ sư đi tiên phong trong việc sử dụng công nghệ khung xương trợ lực, giúp người tàn tật hoặc bị liệt có thể phục hồi khả năng vận động.

Sam Huynh hiện là một trong những nhà sáng chế trẻ tuổi đang thu hút sự chú ý của dư luận Mỹ, vì cô đã có một hành trình khoa học đầy kỳ thú, dù chưa tới tuổi 30.

Sam Huynh chào đời và lớn lên tại thị trấn sa mạc Belen 7.000 dân ở bang New Mexico, với cha người Việt còn mẹ là người Campuchia. Người cha tên Thanh Huynh từng là một trong những nhân vật giang hồ ở miền Nam Việt Nam trước ngày 30/4/1975, nhiều lần vào tù ra khám trước khi di cư sang Mỹ. Người mẹ Kimeon Beard Huynh từng là một trẻ mồ côi thoát được tội ác diệt chủng của chế độ Khmer Đỏ Pol Pot, đã tìm đến biên giới Thái Lan và từ đó tìm đường di cư qua Mỹ.

Họ là gia đình người châu Á duy nhất tại Belen, một thị trấn buồn tẻ ngoài tiếng còi hụ của một đoàn tàu chở hàng và những ngọn núi sa mạc bao quanh.

Nhưng là cô bé giàu trí tưởng tượng và có tham vọng, Sam Huynh dễ dàng tìm ra những dự án để nuôi dưỡng sự ham học của mình. Từ nhỏ, Sam Huynh đã thể hiện một niềm đam mê khác thường đối với các loại máy móc. Cô bé lớn lên trong một nông trại có nhiều xe máy cày cùng ông ngoại cô (cha nuôi bà Kimeon) là một tay cao bồi chăn bò Mexico dày dạn kinh nghiệm. Ông ngoại thường xuyên hướng dẫn Sam Huynh cách sửa chữa các loại máy móc nông nghiệp, cùng nhau cưỡi ngựa.

Vào trung học, Sam Huynh thích tham gia những cuộc đua xe trên sa mạc và để kiếm tiền tiêu vặt, cô đi làm ở một xưởng cơ khí, nơi cha cô đang làm thợ. Tại đây, Sam Huynh tiếp tục trau dồi kỹ năng cơ khí.

Hiện tại, Sam Huynh đang tập trung thiết kế bộ khung cho phần thân trên trước tiên, sau đó sẽ hướng tới bộ khung dành cho toàn cơ thể.

Tiếng gọi từ trái tim “Người Sắt”

Đến tuổi học đại học, Sam Huynh quyết định nộp đơn vào Học viện Kỹ thuật Rochester (RIT) ở New York, thuộc nhóm những trường kỹ thuật tốt nhất nước Mỹ. Nhờ ham học giỏi, cô may mắn nhận được một suất học bổng từ chương trình học bổng của tỷ phú Bill Gates.

Lúc còn theo học cử nhân, Sam Huynh trong độ tuổi 20 xuất sắc giành được một suất thực tập tại công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk, nơi cô tham gia thiết kế các động cơ tên lửa. Sau đó, cô tiếp tục làm việc tại công ty xe hơi Tesla cũng của Musk, với vị trí kỹ sư thiết kế. Những dự án lớn mà Sam Huynh từng tham gia gồm mẫu xe hơi Tesla Model S và động cơ tên lửa Draco.

Đến năm 2012, một biến cố lớn làm thay đổi cuộc đời Sam Huynh. Một người bạn học thân thiết của cô là Taylor Hattori bị tai nạn xe đạp, khiến anh bị liệt toàn thân từ cổ trở xuống. Với quyết tâm giúp bạn mình lấy lại được khả năng vận động cơ thể, Sam Huynh từ bỏ công việc ở Tesla và sự nghiệp đang thăng tiến năm 2012 để theo đuổi giấc mơ mới: chế tạo một bộ khung xương trợ lực (exoskeleton).

Gặp Hattori lần đầu sau khi anh bị tai nạn, Sam Huynh đã nói: “Tớ sẽ quay lại Los Angeles và tớ sẽ tìm ra cách để giúp cậu”. Hattori đáp lại: “Tớ không muốn trở thành đề tài luận văn của cậu đâu” và Sam Huynh trả lời: “Chả sao cả, vì bây giờ chuyện này không chỉ là về một mình cậu nữa rồi”.

Trở lại Los Angeles, Sam Huynh theo chương trình cao học tại Trường Kỹ thuật Viterbi của Đại học Nam California (USC), nơi có nhiều giáo sư hàng đầu nước Mỹ về khoa học vật liệu. Sau khi hoàn tất khóa học thạc sĩ tại đây, cô tiếp tục học lên tiến sĩ y sinh để phát triển công nghệ khung xương trợ lực cùng với giáo sư Terence Sanger. Một bài báo của trường USC đã gọi Sam Huynh là “Người Sắt” (Iron Woman).

Trở lại Los Angeles, Sam Huynh theo chương trình cao học tại Trường Kỹ thuật Viterbi của Đại học Nam California

Ngổ ngáo và giàu lòng nhân ái

Việc xuất thân từ một gia đình khó khăn, cuộc sống buồn tẻ thời thơ ấu đã dạy Sam Huynh học được tính kiên nhẫn. Ngày nay, cô để nửa đầu cạo trọc, nửa bên kia để mái tóc nhuộm, không thích mặc đồng phục kỹ sư ngoài những chiếc quần jean bụi đời và mang giày bốt nữ.

Một vị giáo sư bảo trợ Sam Huynh từng cho cô biết vì sao ông nghĩ cô thành đạt: “Nói thẳng nhe, tại cô trông như một cái giẻ rách”.

Sam Huynh muốn xây dựng một bộ khung xương trợ lực dựa trên các linh kiện giá vài trăm USD để thật nhiều người có thể sử dụng nó. Các bộ khung xương trợ lực hiện có trên thị trường thường có giá khoảng 40.000 USD (có lúc lên tới 120.000 USD), hầu hết là sử dụng động cơ điện. Bộ khung xương trợ lực mà Sam Huynh đang thiết kế thì dùng công nghệ cơ bắp khí nén, có thể tiếp nhận được tín hiệu từ các cơ bắp của người sử dụng, cho phép người chuyển động tự nhiên hơn.

Hiện tại, Sam Huynh đang tập trung thiết kế bộ khung cho phần thân trên trước tiên, sau đó sẽ hướng tới bộ khung dành cho toàn cơ thể.

Công trình nghiên cứu của Sam Huynh dựa trên một nguyên lý tâm lý học gọi là cơ chế thần kinh mềm dẻo (neuroplasticity), nghĩa là các mạch thần kinh trong não của một người có thể thay đổi tùy theo các hoạt động cơ bắp và trí óc của người đó. Như vậy, trong trường hợp não bị chấn thương, chẳng hạn do đột quỵ hoặc bị chấn thương cột sống, thì nó có thể bù đắp lại bằng cách tạo ra các mạch thần kinh mới ở các vùng khác. Bằng cách tập luyện thường xuyên, các bệnh nhân có thể hồi phục lại những khả năng vận động đã bị mất do chấn thương.

Những bộ khung xương trợ lực có thể đẩy nhanh quá trình này và đã có những trường hợp bệnh nhân hồi phục được một phần khả năng vận động sau khi sử dụng khung xương. Tuy nhiên, đây cũng là một ý tưởng đang gây nhiều tranh cãi trong giới y khoa.

Theo một số người ủng hộ như nữ Giáo sư Iona Novak, trưởng bộ phận nghiên cứu tại Viện Bại Não (Cerebral Palsy Institute) ở Đại học Sydney (Úc), các bộ khung xương trợ lực có tiềm năng rất lớn trong việc khôi phục chức năng vận động. Tuy nhiên, bà Novak cũng cho rằng lĩnh vực này mới ở giai đoạn khởi đầu và cần có thêm nhiều nghiên cứu để chứng minh rõ ràng hơn.

Với Sam Huynh, những lời tranh luận không làm cô lùi bước. Cô nói: “Tôi không nghĩ là không có gì mà tôi sẽ không làm vì Taylor. Nếu anh ấy bảo tôi nhảy đi, tôi sẽ cố nhảy cao gần 2m trước khi hỏi anh ấy là vì sao lại làm thế”.

Bích Ngọc (theo Thời Đại/Quarzt)