Samsung đầu tư 5 tỉ đô la cho nỗ lực “xanh” hóa nhà máy trên toàn cầu

80
Nhà máy của Samsung ở thành phố công nghiệp Gumi, tỉnh Bắc Gyeongsang. Đầu năm 2022, báo chí Hàn Quốc đã đưa tin là Samsung sẽ dời hai dây chuyền sản xuất smartphone Galaxy từ hai tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên của Việt Nam về Gumi. Tập đoàn Hàn Quốc sau đó đã bác bỏ tin này. Ảnh: Bloomberg

Samsung sẽ đầu tư 7.000 tỉ won (5 tỉ đô la) cho các sáng kiến xanh. Tập đoàn đồng thời kêu gọi chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết chi phí cao của năng lượng sạch khi gã khổng lồ ngành điện tử tìm cách giảm bớt và loại bỏ hẳn lượng khí phát thải vào năm 2050.

Trong tuyên bố hôm 15-9, Samsung cho biết các nhà máy sản xuất đồ điện tử gia dụng ở nước ngoài sẽ chuyển sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2027. Công ty đặt mục tiêu vận hành các dây chuyền sản xuất chất bán dẫn hoàn toàn bằng năng lượng sạch trong năm 2050.

Mục tiêu sử dụng 100% năng lượng sạch ở nước ngoài

Lượng khí phát thải của Samsung đã gia tăng đáng kế trong những năm gần đây khi tập đoàn mở rộng các dây chuyền sản xuất chip nhớ vốn tiêu tốn nhiều năng lượng. Tập đoàn đã có kế hoạch giảm bớt khí thải trong Phạm vi 1 và 2 theo biểu đồ của Greenhouse Gas Protocol. Tuy nhiên, Samsung đã phớt lơ các mục tiêu giảm ô nhiễm trong Phạm vi 3 như các doanh nghiệp cùng ngành khác, dù rằng tập đoàn có tuyên bố “có ý định đặt mục tiêu Phạm vi 3 trong tương lai”.

Tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc đặt mục tiêu chuyển hoàn toàn các nhà máy ở nước ngoài sang năng lượng tái tạo trong vòng năm năm tới, nhưng lại nói rằng “vẫn chưa thể theo đuổi mục tiêu tương tự như vậy” đối với các nhà máy chip trong nước vốn tiêu thụ nhiều năng lượng nhất và chiếm phần lớn sản lượng chip. Samsung giải thích là do sự hạn chế của nguồn điện sạch ở Hàn Quốc – nơi đang phụ thuộc lớn vào nguồn nhiên liệu hóa thạch

Samsung đã bị các nhà đầu tư và các nhà hoạt động môi trường chỉ trích trong một thời gian dài vì đã chậm chạp trong tiếp cận với các nỗ lực chống biển đối khí hậu so với các doanh nghiệp cùng ngành như Apple. Tháng 10 năm ngoái, “quả táo cắn dở” nói rằng họ đã cắt giảm 40%  lượng khí thải trong năm năm qua và đang thúc ép các nhà thầu, chính cũng như phụ, chỉ sử dụng sử dụng năng lượng tái tạo .

Kim Soojin, người đứng đầu nhóm chiến lược về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) tại Samsung Electronics, nói với hãng tin Bloomberg: “Giảm thiểu rủi ro khí hậu là một thách thức đặc biệt đối với danh mục kinh doanh phức tạp chúng tôi. Là nhà sản xuất nhiều loại thiết bị điện tử với chuỗi cung ứng ngày mở rộng của công ty, Samsung đang đối diện với áp lực môi trường ngày càng gia tăng”.

Trong chiến lược mới được công bố ngày 15-9, Samsung đã đưa ra kế hoạch chi tiêu cho quá trình thu giữ và lưu trữ carbon, các biện pháp giảm tiêu thụ nước và thải khí trong quá trình sản xuất chất bán dẫn. Tập đoàn nói kế hoạch này nhằm tăng cường hiệu quả năng lượng của các sản phẩm và cải tiến việc thu gom rác thải điện tử để tái chế. Trong khi cắt giảm lượng khí thải trực tiếp là một ưu tiên, bà Kim nói, Samsung cũng sẽ xem xét việc sử dụng các khoản tài trợ bù đắp cho các doanh nghiệp tham gia thị trường carbon một cách tự nguyện.

Là nhà sử dụng điện lớn nhất tại Hàn Quốc, thách thức chính của Samsung vẫn là lưới điện quốc gia, với nhiên liệu hóa thạch chiếm hơn 65% sản lượng điện vào năm 2021. Các kế hoạch sản xuất năng lượng tái tạo có thể bị thu hẹp bởi nội các chính phủ của Tổng thống Yoon Suk Yeol đang hào hứng với kế hoạch dài hơi nhằm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.

Trong báo cáo bền vững mới nhất, Samsung cho biết các hoạt động sản xuất của tập đoàn đã tiêu thụ 32.322 GWh năng lượng trong năm 2021, bao gồm 25.767 GWh điện – tương đương toàn bộ mức tiêu thụ điện của Slovakia. Trong khi đó, sản lượng điện từ gió, năng lượng mặt trời và thủy điện của Hàn Quốc chỉ đạt 31.323 GWh trong cùng năm – theo dữ liệu của BloombergNEF tổng hợp. Samsung nói lượng khí thải của công ty đã tăng lên trong những năm gần đây là do hệ quả trực tiếp từ việc lắp đặt các dây chuyền sản xuất chất bán dẫn mới.

Hỗ trợ chính sách giúp tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp

Cạnh tranh về năng lượng tái tạo có khả năng gia tăng ở Hàn Quốc khi tất cả các tập đoàn chủ chốt của nước này đã cam kết sử dụng năng lượng sạch cho toàn bộ quá trình vận hành. Theo dữ liệu của BloombergNEF, hiện giá than và khí đốt tại Hàn Quốc vẫn rẻ hơn so với sản xuất điện mặt trời và điện gió.

Samsung sẽ yêu cầu nội các của Tổng thống Yoon hỗ trợ nhiều hơn nữa. “Chúng tôi dự định kiến nghị lên chính phủ các quan ngại của ngành chip về giá năng lượng tái tạo đang ở mức cao hơn giá điện thông thường và yêu cầu chính phủ hỗ trợ về mặt chính sách đối với các sáng tạo có liên quan đến tiết kiệm năng lượng”, bà Kim nhấn mạnh.

Theo chiến lược khí hậu mới, Samsung sẽ tham gia sáng kiến RE100 mà trong đó các thành viên cam kết với mục tiêu lớn nhất là sử dụng 100% năng lượng tái tạo.

Các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu của Samsung đã lên tiếng.

Quản lý 80 tỉ đô la tài sản trên thế giới, Quỹ hưu trí KLP lớn nhất của Na Uy đang sở hữu số số lượng lớn cổ phiếu của tập đoàn. Kiran Aziz, người phụ trách bộ phận đầu tư có trách nhiệm của KLP, phân tích: “Samsung đưa ra những cam kết như thế này có thể là bước đi đúng hướng. Nhưng những mục tiêu năm 2050 mơ hồ khiến các cổ đông nảy ra nhiều câu hỏi. Mức phát thải trong Phạm vi 3 rất quan trọng và việc thiếu một mục tiêu lại chỉ ra điểm yếu hay sơ hở của tuyên bố của Samsung”.

Giá cổ phiếu của Samsung đã giảm tới 1,1% trong phiên giao dịch hôm 15-9.

“Chính phủ Hàn Quốc không hỗ trợ nhiều cho các công ty, khiến toàn bộ nền kinh tế có nguy cơ mất khả năng cạnh tranh công nghiệp. Với tầm ảnh hưởng to lớn của tập đoàn, Samsung nên là người đóng vai trò vận động và thúc đẩy chính phủ thay đổi thay đổi chính sách”, Giáo sư Hong Jong Ho thuộc Trường Nghiên cứu Môi trường tại Đại học Quốc gia Seoul nhấn mạnh.

Bảng phân loại khí thải của Greenhouse Gas Protocol

Theo Greenhouse Gas Protocol – tổ chức quốc tế ra các quy chuẩn về thước đo và quản lý khí thải, lượng khí phát thải của một tập đoàn hay công ty được chia thành ba Phạm vi (Scope):

Phạm vi 1: Lượng khí thải trực tiếp từ nhà máy và đội xe của doanh nghiệp.

Phạm vi 2: Lượng khí thải gián tiếp từ các hoạt động thượng nguồn của quy trình sản xuất, từ các hoạt động tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ, vốn vay, các hoạt động có sử dụng năng lượng, vận tải và phân phối, rác thải trong quá trình vận hành, quá trình đi công tác và đi lại hàng ngày của nhân viên, các tòa nhà văn phòng.

Phạm vi 3: Lượng khí thải gián tiếp từ các hoạt động hạ nguồn của doanh nghiệp, gồm vận tải và phân phối, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm đã mua hay lắp ráp linh kiện, xử lý rác thải quá trình sản xuất, văn phòng nhà xưởng, các hãng con hay đơn vị mua nhượng quyền, và hoạt động đầu tư.

Nguồn: Bloomberg, GHG Protocol

Ricky Hồ / BSA

Ngành công nghiệp chuối thế giới chống chọi với bệnh héo lá Panama