Sáng tạo xanh – Đưa khoai mì vào ẩm thực Việt

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Nhiên Đặng Khánh Duy chia sẻ tại tọa đàm. Bên phải là Chủ tịch HỘi DN HVNCLC - bà Vũ Kim Hạnh
Về làm rể Tây Ninh từ năm 2012, bắt đầu gắn với cây khoai mì ở xưởng chế biến của gia đình, ít ai ngờ chỉ sau gần 10 năm, Đặng Khánh Duy, đã biến cây khoai mì từ cây xóa đói giảm nghèo thành cây làm giàu, không chỉ cho bản thân mình mà cho cả địa phương.
“Nghĩ tới Tây Ninh, nghĩ tới Núi Bà Đen, tòa thánh Cao Đài, hồ Dầu Tiếng, bây giờ thì tôi mới biết thêm Tây Ninh còn là vùng nguyên liệu sản xuất ra bánh tráng không nhúng nước Tân Nhiên” – bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, chia sẻ mở đầu tọa đàm “Sáng tạo xanh – Đưa khoai mì vào ẩm thực Việt”, sáng 31/7.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, chế biến xưa nay vẫn được coi là một mặt yếu của Việt Nam. Tuy nhiên, từ khi chúng ta đưa ra công thức phát triển tài nguyên bản địa, áp dụng công nghệ mới, thì đã có sự biến chuyển. Nếu bây giờ cạnh tranh về công nghệ với Pháp, Mỹ thì chúng ta thua rồi, nhưng ở Mỹ đâu có trồng khoai mì, hay Pháp làm gì có dừa sáp? Vậy đó là cơ hội của chúng ta.
“Tôi rất mừng là xuất hiện một tầng lớp doanh nhân trẻ say mê đi khai thác các tài nguyên bản địa của quê hương mình. Họ vừa nghiên cứu thị trường, vừa đưa các sản phẩm bản địa vào thị trường, làm sao để thuyết phục người tiêu dùng chấp nhận và yêu thích sản phẩm bản địa của quê hương mình. Chỉ bằng cách khai thác tài nguyên bản địa quê hương như thế, các bạn trẻ đã tạo ra rất nhiều các sản phẩm mới và đi thẳng vào các công nghệ chế biến, biến các sản phẩm thô sơ bản địa thành các sản phẩm đặc sắc không chỉ bán trên thị trường trong nước mà còn xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới. Đặng Khánh Duy, với sản phẩm bánh tráng không nhúng nước Tân Nhiên là một điển hình như vậy” – bà Vũ Kim Hạnh nói.

Sáng 31/7, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (Trung tâm BSA) cùng Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chương trình Chuẩn hội nhập, tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: “Sáng tạo xanh – Đưa khoai mì vào ẩm thực Việt”. Tọa đàm với sự tham gia của các diễn giả: Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao (thứ 2 từ trái sang); Bà Bùi Thị Sương – Nghệ nhân ẩm thực (thứ 3 tưừ trái sang); Ông Đặng Khánh Duy – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Nhiên (bìa trái); Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Tân Nhiên (thứ 2 từ phải sang). Điều phối buổi toạ đàm là bà Hồ Đức Minh (bìa phải).
Đặng Khánh Duy – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Nhiên, sinh năm 1988 tại một vùng nông thôn của tỉnh Đồng Nai. Về làm rể Tây Ninh từ năm 2012. Duy cho biết, anh gắn bó với xưởng sản xuất của gia đình từ năm 2012 đến năm 2018. “Trong suốt quá trình làm trong nhà máy bột mì như vậy, có thể nói tôi rất hiểu về khoai mì, các tính chất của bột khoai mì, thế cho nên khi hai vợ chồng nghĩ đến chuyện khởi nghiệp, làm gì đó, tôi nghĩ ngay đến cây khoai mì” – Đặng Khánh Duy chia sẻ.
Tây Ninh vốn nổi tiếng với nghề sản xuất bánh tráng, nhưng trước đây bánh tráng thường sản xuất bằng bột gạo, mà theo Đặng Khánh Duy, bột gạo rất giòn, khác hẳn với bột khoai mì, bột khoai mì có độ dẻo lớn hơn rất nhiều. “Tại sao mình lại không thử lấy bột khoai mì để làm bánh tráng?”.
Nghĩ là làm. Năm 2018, vợ chồng Duy dồn toàn bộ vốn liếng và cùng với sự hỗ trợ của gia đình, họ bắt tay đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm dây chuyền sản xuất, tuyển công nhân…Sau rất nhiều thất bại, cuối cùng Duy cũng có thể làm ra được sản phẩm bánh tráng từ khoai mì như ý, trắng trong, mỏng và có thể cuốn trực tiếp mà không cần phải nhúng nước.
Tọa đàm thu hút đông đảo sự quan tâm của báo giới và các doanh nghiệp.
Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp gian nan, Duy kể: “Tôi còn nhớ khi đó, bánh tráng họ đòi hỏi phải trắng, không có màu mà không sử dụng hóa chất. Thời gian đầu, một mình tự làm, tự tráng bánh, kể cả khi các công nhân về hết vẫn một mình hì hục làm, hì hục nghiên cứu thử nghiệm hết cách này đến cách khác. Đến khi khuya về nhà thì cả người nồng chua mùi “bột mì lên men”, đến mức ôm con ngủ mà nó chê nó không cho ôm”.
Nhưng đó là “sự thất bại” đáng giá, sản phẩm bánh tráng không nhúng nước của Tân Nhiên đã thực sự là một “đột phá”. Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương rất tâm đắc với phẩm chất “không cần nhúng nước” của bánh tráng Tân Nhiên, bởi với kinh nghiệm đầu bếp của mình, đây là một điểm cộng cực lớn. Bà Sương kể: “Tôi còn nhớ có một lần ở Mỹ, có một bữa tiệc mà chúng tôi phải cuốn 500 gỏi cuốn. Nhưng “phiền phức” hơn là cuốn đến đâu thì các đầu bếp Tây họ ăn hết đến đó vì họ nói món ăn lạ mà ngon quá, nên tôi cuốn hoài không xong đến muốn khóc luôn. Do đó, đối với chúng tôi bánh tráng mà không nhúng nước là một ưu điểm rất lớn”.
Đồng ý với nhận định này, ông Nguyễn Ngọc Sơn – Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Tân Nhiên, cho biết, quả thật chỉ nói về bánh tráng siêu mỏng không nhúng nước thì tôi đã có thể tự tin mang bánh tráng Tân Nhiên đi chào hàng cho bất cứ đối tác nước ngoài nào. “Ngoài các tiêu chuẩn về chất lượng đương nhiên phải có thì tiêu chuẩn mỏng không nhúng nước của mình làm mình tự tin lắm. Tôi hay nói hình tượng là bánh tráng của Tân Nhiên có thể cuốn cả thế giới. Bởi vì bánh tráng của chúng tôi mỏng, không phải nhúng nước mà cuốn rất dễ dàng” – ông Nguyễn Ngọc Sơn nói.
Bà Vũ Kim Hạnh tiết lộ, ngay trong buổi kết nối doanh nghiệp chiều thứ 2, 29/7, tại Trung tâm BSA, đã có hai đơn vị đã đặt hàng của Tân Nhiên để xuất đi Mỹ.
Nhưng thành tựu này không phải tự nhiên mà có. Luôn tự nhận rằng mình là “tay ngang” không phải dân kỹ thuật, cũng không phải dân thực phẩm, nên thất bại nhiều lắm và cũng phải hỏi kỹ lắm. “Gặp cái gì mình cũng hỏi, gặp cái gì cũng muốn tìm hiểu. Tìm hiểu đi tìm hiểu lại nhiều khi làm cho người ta khó chịu” – Đặng Khánh Duy chia sẻ.
Kể lại chuyện xây nhà máy đầu tiên theo tiêu chuẩn ISO, Đặng Khánh Duy nói: “Ý định ban đầu chúng tôi muốn làm ra thực phẩm sạch cho nên trước khi xây nhà máy chúng tôi đã đi tham khảo rất nhiều các nhà máy, các mô hình khác nhau. Đến khi xây nhà máy chúng tôi cố gắng khắc phục tất cả các nhược điểm của đi quan sát các nhà máy. Nhưng đến khi mời các chuyên gia ISO đến thì họ lắc đầu, sai hết, lại phải đập bỏ sửa lại năm lần bảy lượt mới xong”.
Đến khi làm ISO xong rồi thì Đặng Khánh Duy lại muốn nâng chuẩn lên dù FSSC. “Dù lúc đó Tân Nhiên chưa có ý định làm xuất khẩu. Mục tiêu của mình chỉ làm tốt thôi, nhưng khi có đối tác xuất khẩu thì vô tình lại là một lợi thế cho Tân Nhiên, bởi vì khi các đối tác nước ngoài tìm đến thì các sản phẩm của Tân Nhiên đã đáp ứng được tất cả các điều kiện cho xuất khẩu” – Đặng Khánh Duy nói.
Rất tâm đắc với suy nghĩ đường xa này của CEO Tân Nhiên, bà Vũ Kim Hạnh đánh giá: “Tân Nhiên là doanh nghiệp có ý thức rất sớm về tiêu chuẩn an toàn. Nếu không có tiêu chuẩn an toàn thì dù có làm marketing tốt cỡ nào cũng không thể xuất khẩu ra thế giới được”.
Xuất phát điểm từ một cơ sở sản xuất với quy mô nhỏ lẻ năm 2018, đến 6/2020 quy mô của Tân Nhiên được mở rộng, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương, cũng như góp phần mở ra đầu ra tiêu thụ cho cây khoai mì. Tại Tây Ninh, diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 341.897,0 ha, trong đó có 61.000 ha đất sản xuất khoai mì, (chiếm 23%).
Từ năm 2020, bánh tráng siêu mỏng Tân Nhiên đã đi khắp thế giới. Trong nước sản phẩm của Tân Nhiên đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Đặc biệt, quy trình sản xuất bánh tráng Tân Nhiên đạt tiêu chuẩn cao nhất FSSC 22000 của Sáng kiến An toàn Thực phẩm Toàn cầu (GFSI), đây là tấm vé để Tân Nhiên đi ra thế giới. Hiện tại Tân Nhiên đã có mặt tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và sắp tới là Mỹ
Bên cạnh bánh tráng, Tân Nhiên đang phát triển rất nhiều sản phẩm khác, như muối, bánh tráng trộn và hiện diện trên khắp các siêu thị trong và ngoài nước. Đặc biệt, mới đây Tân Nhiên đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ tại Nhật Bản. “Để đạt được chứng nhận này chúng tôi đã phải bắt đầu quá trình chuẩn bị từ 3-4 năm trước” – Đặng Khánh Duy cho biết.
Những sản phẩm phát triển từ khoai mì của Tân Nhiên

Một số hình ảnh tại nhà máy sản xuất bánh tráng Tân Nhiên:

Khoai mì, từ lâu đã trở thành một nguyên liệu quen thuộc trong ẩm thực Việt Nam. Từ những món ăn dân dã ở các vùng quê đến những món tráng miệng tinh tế trong các nhà hàng sang trọng. Tinh bột khoai mì dùng trong chế biến các loại bánh, kẹo; có thể được lên men để sản xuất các loại nước giải khát, rượu, và sản phẩm lên men khác; hay sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Thời gian qua, sản xuất, chế biến và tiêu thụ mì đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Ngày 17/4/2024, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 1115/QĐ-BNN-TT phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, mục tiêu đến năm 2030 sản lượng mì tươi cả nước đạt khoảng 11,5-12,5 triệu tấn; trong đó, sản lượng mì tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính,…) chiếm khoảng 85%; diện tích trồng mì sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng đạt 40-50%; diện tích trồng mì áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%; kim ngạch xuất khẩu mì và các sản phẩm từ mì đạt 1,8-2,0 tỷ USD.
Tầm nhìn đến năm 2050 ngành hàng mì của Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, 70-80% diện tích trồng mì áp dụng quy trình canh tác bền vững, sản lượng mì tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính,…) chiếm trên 90%, kim ngạch xuất khẩu mì và các sản phẩm từ mì đạt khoảng 2,3-2,5 tỷ USD.

Theo BSA Media
Ngày đăng: 31/7/2024