“Say nắng” ở Đài Loan

1836
Tượng Nữ hoàng ở công viên địa chất Dã Liễu, Đài Bắc. Ảnh: TL

Mới ở Đài Loan mấy ngày, tôi đã “say nắng”. Có cái gì gần gũi và rất dễ thân quen. Không kiểu cách, đỏng đảnh mà nền nã, tinh tươm, lịch lãm. Với tôi, Đài Loan là mô hình hướng tới của Sài Gòn, chứ không phải Singapore, Hồng Kông, Tokyo, Bangkok hay các thành phố châu Âu.

Từ tiểu thuyết bước ra

Đài Loan không nằm trong kế hoạch ngao du thiên hạ của tôi. Tôi chỉ biết Đài Loan lờ mờ qua các tiểu thuyết của nữ sĩ Quỳnh Dao trước 1975 và các bộ phim chuyển thể sau này như Hoàn Châu cách cách. Dù được mệnh danh là 1 trong 4 con rồng châu Á (sau Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông) nhưng những tin tức không mấy tốt đẹp về các cô dâu Việt ở xứ Đài, đặc biệt là sự cố Formosa ở Hà Tĩnh càng tạo thêm thành kiến với du khách Việt về Đài Loan. Tôi đến Đài Loan có phần ngẫu hứng, theo sự rủ rê của anh bạn đồng nghiệp Angus Tsai, giám đốc King Tours Taiwan.

Một góc hồ Nhật Nguyệt ở Cao Hùng – Vũ Linh Phương

Có thể do sự khác biệt giữa ngộ nhận và thực tế nên đến Đài Loan tôi như người say nắng khi gặp phụ nữ đẹp. Dù là bay đêm khuya khoắt nhưng người Việt đi Đài nhộn nhịp như trẩy hội. Bất chấp việc một số người Việt trốn ở lại, Đài Loan vẫn rộng cửa đón khách Việt.

Điều kiện thị thực khá đơn giản, có thể làm qua mạng và Việt Nam là 1 trong 8 quốc gia được miễn lệ phí, không bị làm khó dễ hoặc đưa vào blacklist như vài nước Asean. Với diện tích chỉ bằng 1/9 (nhỏ hơn Trung Quốc 265 lần) dân số gần 1/4 Việt Nam, nhưng Đài Loan là nước đầu tư vào Việt Nam đáng nể, chỉ xếp sau Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.

Là đảo cao thứ 4 thế giới, hơn 200 đỉnh núi cao trên 3.000 m, cao nhất là Ngọc Sơn 3.952. Khí hậu bán sơn địa, nóng lạnh không quá chênh lệch, bình quân từ 25 – 28 độ C. Cả động thực vật lẫn hải sản đều phong phú. Bề ngang rộng nhất chỉ 144 km và chiều dài 400 km, bờ bển dài 1.813 km. Thời Minh, Đài Loan được gọi là Đại Viên, Taian hoặc Tayan (người ngoại lai). Thời nhà Thanh, Đài Loan trở thành danh xưng cho đến nay. Từ ngày 7/12/1949, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch rút đến Đài Loan, đóng đô ơ Đài Bắc…

Không hào nhoáng nhưng lịch lãm

Đài Loan không hào nhoáng và hiện đại như Singapore, Hồng Kông nhưng lịch lãm hơn hẳn. Đường sá không bay lượn, ấn tượng nhưng an toàn, không có kẹt xe, cũng không thấy các loại hung thần trên đường phố. Ô tô cá nhân, xe buýt, xe gắn máy sát cánh giao thông.

Trạm xe buýt, tàu điện đều giản dị, thoải mái và tiện lợi. Buổi tối xe cứ đậu ngoài đường, có khi lấn hết hè phố mà không cần trông giữ. Khuyến khích người dân dùng giao thông công cộng (giá rất rẻ), có rất nhiều xe đạp dùng chung. Ai cần cứ bỏ thẻ vào, lấy xe, nửa giờ đầu miễn phí, còn sau đó thì trả khoảng 1USD. Dùng xong lại để vào điểm qui định. Mọi thứ quản lý bằng máy tính, thuận tiện, dễ sử dụng.

Giàu như Đài Loan, xe máy vẫn phổ biến vì đó là phương tiện chiếm không gian và gây ô nhiễm ít hơn. Tất cả ô tô, xuống khách là phải tắt máy để bảo vệ môi trường, khách lên đủ, mới mở máy. Xe không có phụ xế dọn dẹp, trước mỗi ghế ngồi luôn có túi nhỏ để bỏ rác và khách phải tự giữ vệ sinh.

Nhà cửa dân dã, mộc mạc nhưng tươm tất sạch sẽ từ trong nhà ra ngoài phố, đặc biệt là việc tuân thủ thuật phong thủy. Vẫn có những nhà cơi nới, cũ kỹ nhưng bên trong luôn gọn gàng, sạch đẹp. Không thấy cảnh “cờ liên hiệp quốc” (underwear) phất phới như chung cư người Hoa ở các nước. Không có nhiều nhà chọc trời tua tủa thường gặp nhưng Đài Loan có những dấu ấn tự hào về kiến trúc mà Tapei 101 là điển hình. Trước 2004, là tòa nhà cao nhất, thang máy nhanh nhất thế giới.

Chùa Phật Quang Sơn trong ngày đại lễ ở Cao Hùng – TL

Hiện Tapei 101 chỉ chịu nhường vị trí số 1 cho Buji Khalifa ở Dubai (UAE). Bề ngoài có vẻ bình thường nhưng bên trong thì trên cả tuyệt vời. Từ tầng 5 lên tầng 89, chỉ mất 39 giây, là điểm ngắm toàn cảnh Đài Bắc. Nên đi vào xế chiều để ngoạn cảnh ban ngày, đợi hoàng hôn và chiêm ngắm đêm Đài Bắc, lung linh, rực rỡ. Myanmar, dù ăn trầu nhiều nhất thế giới nhưng hiếm gặp các vườn cau. Đài Loan chỉ xếp thứ 2, lại có những vườn cau trầu bạt ngàn, có quả đồi toàn cau. Những vườn cau mênh mông, thân thon nhỏ, cao vài chục mét, làm sao hái xuể?

Đài Loan là vương quốc của hơn 300 Chợ Đêm với vô vàn món ngon đường phố, nhiều nhất là hải sản tươi sống BBQ. Buổi sáng, các chợ đêm đóng cửa. Chỉ rục rịch chuẩn bị vào đầu giờ chiều và hoạt động từ 17 giờ đến 3 – 4 giờ sáng. Món ngon thì vô kể. Các loại trà sữa mà phổ biến nhất là trà sữa trân châu và hồng trà bong bóng.

Các loại đậu hủ, đậu hủ thối (mùi khó chịu nhưng ăn được là ghiền), trứng chiên hàu, ức gà chiên, gà rán mặn, bánh bao chiên, mì hàu, cơm thịt hầm, bánh tro, nhục viên, mì đam tử, mì thịt bò, phá lấu, xá xíu, mì lạnh, mì gánh rong, biển thực, trứng linh chi, canh huyết, trứng ếch, canh cá viên, khỉ tôm, bánh thái dương, tiểu long bao, bánh dứa, các món chay…với nhiều cách quảng cáo và PR độc đáo.

Chỉ ngửi cũng đủ no. Chợ đêm còn bán quần áo, hàng lưu niệm, mỹ phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, cao ngựa và thực phẩm chức năng, hàng tiêu dùng; thượng vàng hạ cám. Tha hồ săm soi, ngắm nghĩa, trả giá mà không sợ bị đốt phong long.

Chợ nhưng không quá ồn ào, không quá tất bật vội vã; cứ thảnh thơi như cách sống chậm của người dân xứ Đài. Có những nhà hàng mang tên lạ như Toillet, Kitty, Nhà tù, Bệnh viện, Airbus 380… Có nhiều làng đậm nét văn hóa, không đụng hàng như làng cổ Thập Phần (Đài Bắc), Cửu Phần (Tân Bắc), làng Mèo Houdong (Cơ Long), làng Bích họa Rainbow – cầu Vồng (Đài Trung), làng Lukang với kiến trúc hình ống, có hẻm “Sờ ngực” vì chỉ rộng chừng nửa mét (Đài Trung)… Long Sơn tự (Đài Bắc), Văn Võ miếu và Quang Sơn tự (Cao Hùng), Xuân Thu các…là những đền chùa linh thiêng, bề thế.

Đài Tưởng niệm Tôn Trung Sơn (1866 – 1925) và Tưởng Giới Thạch (1887 – 1975), Bảo tàng Cung điện Hoàng Gia với gần 700.000 hiện vật, công viên Địa chất Dã Liễu (Đài Bắc)… là những nơi không thể bỏ qua khi đến xứ Đài.

Đài Loan sống chậm và thân thiện. Không thấy cảnh ăn xin, bán hàng rong, cũng hiếm thấy trẻ con và hàng quán ăn nhậu. Học sinh tự đi đến trường chứ ít thấy cha mẹ đưa đón. Có mấy việc kiêng kỵ khi đến Đài Loan là không – cắm đũa vào chén cơm – tặng đồng hồ – dùng số 4 – che dù trong nhà – viết tên bằng màu đỏ – vỗ vai người khác vào ban đêm – chỉ vào mặt trăng. Mới ở Đài Loan mấy ngày, tôi đã “say nắng”. Có cái gì gần gũi và rất dễ thân quen. Không kiểu cách, đỏng đảnh mà nền nã, tinh tươm, lịch lãm.

Với tôi, Đài Loan là mô hình hướng tới của Sài Gòn, chứ không phải Singapore, Hồng Kông, Tokyo, Bangkok hay các thành phố châu Âu.

Một góc phố ở Đài Bắc với những xe đạp công cộng. Ảnh Vũ Linh Phương

Trái gì cũng to

Các suối nước nóng, công viên quốc gia Alishan và hồ Nhật Nguyệt (Cao Hùng), núi Hehuan và Taroko Gorge Park, vùng ngập nước Gamei (Đài Trung)… cũng rất tuyệt vời. Đất đai khô cằn, hơn 70% là đồi núi nhưng nông nghiệp Đài Loan vượt trội nhờ thành tựu kỹ thuật. Thứ gì cũng to. Xoài và khổ qua nặng hơn ký, dưa hấu cả chục ký, bí đao và bí đỏ nặng vài chục ký… Được Lonely Planet bình chọn vào top 10 điểm đến châu Á năm 2016 và National Geographic đánh giá trong top 10 điểm du lịch mùa đông tốt nhất thế giới, đặc biệt là du lịch MICE, các loại hình sinh thái nghỉ dưỡng rừng và biển, du lịch gia đình. Du lịch Đài Loan quanh năm đều tốt, đẹp nhất là vào đầu mùa thu, trời mát như Đà Lạt hoặc vào cuối Xuân để ngắm hoa anh đào.


Lịch sử và những con số

Một ngôi nhà trong làng bích họa Rainbow ở Đài Trung

Năm 1554, tàu của Bồ Đào Nha đi qua vùng biển này, thủy thủ nhìn từ xa thấy Đài Loan rất đẹp nên hô “Ilha Formosa!”, nghĩa là hòn đảo xinh đẹp. Trước thập niên 1950, châu Âu vẫn gọi Đài Loan là “Formosa”. Hơn 8.000 năm trước, người Nam Đảo đã có mặt ở Đài Loan. Người Hán bắt đầu định cư vào thế kỷ XIII. Đài Loan liên tục bị xâm chiếm bởi Tây Ban Nha (1626), Hà Lan (1642), Nhật Bản (1894 – 1945). Năm 1908 tuyến đường sắt Bắc – Nam Đài Loan thông suốt, giao thông xuyên Đài chỉ mất một ngày. Hiện nay tàu cao tốc chạy cách giờ, mất 90 phút.

Sau khi độc lập (1949), được Mỹ viện trợ, Đài Loan tạo nên kì tích, tăng trưởng kinh tế chỉ đứng sau Nhật Bản, được xếp vào nhóm 4 con rồng châu Á. Năm 1971, Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết 2758, thừa nhận chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nên Đài Loan mất ghế ủy viên thường trực, gặp nhiều khó khăn trong bang giao quốc tế.

Quốc hoa của Đài Loan là hoa Mai trắng, có nơi gọi là hoa mận, hoa mơ. Hoa có 3 lớp và 5 cánh, tượng trưng cho thuyết Tam Dân và Ngũ Quyền của Tôn Trung Sơn, Quốc phụ của cả Đài Loan lẫn Trung Quốc. Tam Dân là “Dân tộc Tự quyết – Dân quyền Tự do – Dân sinh Hạnh phúc”. Ngũ Quyền là “Hành pháp – Lập pháp – Tư pháp – Khảo thí – Giám sát”. Đài Loan là quốc gia đầu tiên cho phép hôn nhân đồng giới.

Năm 2014, GDP bình quân đầu người theo sức mua tương đương hơn 46.000 USD, xếp thứ 17 thế giới . Đài Loan xuất siêu khủng nên dự trữ ngoại hối khổng lồ, chỉ đứng sau Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Hệ thống công lộ, cầu và đường hầm dài khoảng 47.000 km, đường sắt dài 1.067 km. 98% dân Đài Loan là người Hán, 2% là thổ dân với 16 dân tộc. Có khoảng nửa triệu lao động nước ngoài (Việt Nam chừng 200.000) và hơn 400.000 hôn nhân với nước ngoài (Việt Nam khoảng 150.000), tạo nên lớp cư dân mới.

Đài Loan là quốc gia có tỷ suất sinh thấp nhất thế giới, số người từ 65 tuổi trở lên chiếm trên 10% dân số, tuổi thọ bình quân gần 80 tuổi. Nhiều bạn trẻ không thích lập gia đình, hoặc có gia đình nhưng không muốn có con. Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo ở Đài Loan hòa quyện với tín ngưỡng dân gian bên cạnh Tin Lành và Công giáo.

Đài Loan cấm hút thuốc lá tại công sở, trường học, nhà hàng, ga tàu hỏa và nhiều nơi khác. Hút thuốc không đúng chỗ, bị phạt 10.000 Đài tệ (khoảng 300 USD). Chính phủ Đài Loan vận động người dân, nhất là các trường học dùng trà thay bia rượu trong tiệc tùng, chiêu đãi. Trà Đài Loan nổi tiếng khắp thế giới, từ Olong cho tới các loại trà sữa. Giáo dục Đài Loan tổng hợp tinh hoa của Nhật Bản, Mỹ và truyền thống Trung Hoa với 6 năm tiểu học, 6 năm trung học, 4 năm đại học. Năm 2018, Đài Loan chính thức đưa tiếng Việt vào dạy trong các trường phổ thông như ngoại ngữ thứ hai. Các nhà vệ sinh và Wifi ở Đài Loan đều phổ cập và miễn phí.

Nguyễn Văn Mỹ – M.T.G