Sấy thăng hoa – giữ lại tinh hoa của sự sống

    Trong trang trại của Vinamit ở Đà Lạt
    Ông vua sấy trái cây Việt Nguyễn Lâm Viên nói về nghề của mình: “Chiến lược phát triển cho 30 năm tới của Vinamit đã được chuẩn bị để không chỉ hỗ trợ [công nghệ] về mặt thực phẩm mà còn có thể hỗ trợ cho cả nền nông nghiệp”.
    Công nghệ sấy thì Việt Nam khá thông thạo. Một phương pháp thường nghe nói gần đây: phương pháp sấy thăng hoa – là công nghệ là nền tảng để ông chế tạo ra thiết bị sấy mới này – đã ra đời cách đây cả 70 năm rồi. Nhưng sấy sao để có thể giữ được “sự sống”, giữ nguyên các dược tính và tất cả những vitamin, vi lượng ở trong sản phẩm đó, giúp cho nông sản sau chế biến vẫn “như mới hái từ trên cây về” thì đó mới là điều cốt yếu.
    Mật dừa nước đông khô chế biến bằng công nghệ sấy thăng hoa
    Trước đây, người ta chỉ sấy thăng hoa các vật thể rắn thông thường, còn những sản phẩm lỏng như nước từ trái cây hay cây cỏ dược tính cao thì gần như chưa có ai làm cả. Muốn sấy đông khô một sản phẩm như nước trái cây thì cũng giống như phải sấy một viên nước đá, làm sao để sấy xong mà nước rút hết nhưng viên đá vẫn còn hình dáng ban đầu.
    Nhằm đảm bảo điều kiện thí nghiệm cũng như đểể đẩy nhanh thời gian tìm ra công nghệ mới, công tác R&D (nghiên cứu và phát triển) được ông Viên kết hợp với các nhà khoa học bên Đài Loan thực hiện để đánh giá tính khả thi, rồi sau đó cho chạy pilot (thử nghiệm quy mô lớn) và thiết kế, chế tạo toàn bộ thiết bị ở Việt Nam. Trong thiết kế chế tạo chiếc máy sấy đông khô ấy, ông Viên phải kết hợp rất nhiều ứng dụng công nghệ và kỹ thuật, từ điện khí lạnh cho tới điện toán, chân không, mà yếu tố quyết định là bộ dữ liệu chuẩn.
    Dữ liệu chuẩn là “điểm đông” của một sản phẩm cần sấy, từ đó thiết lập tác động bức xạ nhiệt phù hợp để giữ lại được các enzyme, vi khuẩn sống. Điểm đông cũng như các thành phần chất bên trong từng loại trái cây thì hoàn toàn khác nhau, phải tự nghiên cứu và ghi chép lại cẩn thận. Việc áp dụng tự động hóa và công nghệ IoT (Internet vạn vật) là con đường duy nhất. Nêu không làm IoT thì chắc chắn rất khó để làm được hoặc không bao giờ làm chuẩn xác được.
    Từng nắm đất, từng nguồn nước được ông Nguyễn Lâm Viên coi sóc cặn kẽ
    Năm bằng sáng chế do Hoa Kỳ cấp cho ông có bốn bằng về phát minh máy thiết bị sáng chế (US10966439 B2, US10921058 B2, US10451346 B1 và US10676797 B1) trong đó có một bằng về sáng chế công nghệ mới là sấy đông khô nước mía.
    “Tôi đã có trên tay chính thức là 5 bằng. Số còn lại thì danh sách gần như đầy đủ đã nhận được rồi, đang chuyển về dần, coi như các bằng ‘bao vây’ của từng loại sản phẩm, tính chi tiết cho từng loại nguyên liệu của Việt Nam thì cũng có đến 250 bằng sáng chế, nếu tính vừa của Mỹ, của Trung Quốc và Việt Nam nữa”, ông Viên nói.
    Phát minh lõi quan trọng nhất là công nghệ sấy đông khô giữ trọn vẹn sự sống trong sản phẩm sau khi sấy. Phát minh này làm cái dù cho các phát minh xung quanh.
    Cái dù thứ hai là bằng sáng chế cho các sản phẩm lên men. Cái dù thứ ba là các vi khuẩn có ích được phát hiện mới tại Việt Nam trong suốt quá trình hoạt động của Vinamit với chuỗi hoạt động từ trồng trọt tới bảo quản, chế biến và được sấy đông khô theo phát minh số 1. Cái dù thứ ba này chính là công trình đóng góp lớn của các kỹ sư sinh học trẻ hiện đang quản lý hơn một chục trang trại canh tác sạch và hữu cơ của Vinamit.
    Khi có ba cái dù làm trục chính thi các sản phẩm “bao vây” khác xung quanh ba trục chính này dễ dàng được chấp nhận.
    Bên cạnh các bằng sáng chế từ Hoa Kỳ, ông cũng nộp một số đơn xin cấp bằng sáng chế/giải pháp hữu ích tại Việt Nam và một số đơn sáng chế quốc tế (PCT) có chỉ định vào hàng chục quốc gia khác nhau cho giải pháp công nghệ liên quan đến chế biến nông sản.
    “Nước mía nguyên bản” cho con gái…
    Ý tưởng chế thức uống đông khô xuất phát từ tin nhắn của cô con gái định cư ở Hoa Kỳ. Sophie nói với ông, đồng nghiệp ở bệnh viện cô làm khoe vừa đi chợ Việt Nam, được uống nước mía thỏa thích. Ông Viên kể: “Con bé nhắn cho tôi: ‘Con thèm nước mía quê nhà quay quắt. Nhớ những lần về nhà, ba thường chở con ghé quán quen. Mía vừa róc ra, bỏ lên quay, ép lấy nước uống liền. Nguyên chất, ngọt lịm mà thơm lạ lùng. Chiều nay, con lén mẹ lái xe 45 phút đi kiếm thức uống tuổi thơ. Cũng nước mía mới ép, mà sao không ngon như ở nhà, ba ơi…”.


    Tin nhắn của con gái khiến ông mất ngủ nhiều đêm, luôn nghĩ cách làm thế nào có thể gửi cho con những ly nước mía tươi ngon, nguyên chất. Mấy tháng tiếp theo, Sophie liên tục gửi ông các tài liệu về xu hướng thức uống mới ở Mỹ – loại nước trái cây tươi, trọn vẹn dưỡng chất, prebiotic, các khoáng chất, vitamin, lợi khuẩn và giữ nguyên màu, mùi, vị. “Sophie nhấn mạnh loại nước ấy không phụ gia thực phẩm, chất bảo quản, tạo màu, tạo mùi, tương tự ly nước mía con bé nói ‘thèm muốn khóc'”, Chủ tịch Vinamit chia sẻ.

    Thế là, ông Viên bắt đầu chặng đường khá gian nan, giải nhiều bài toán để tạo ra “nước mía nguyên bản cho con gái”.
    Theo TGHN
    NTJ: Lựa chọn trang sức thế nào cho bé yêu?