Shein và Temu liên tục kiện tụng nhau trên đất Mỹ

Từ cuối năm ngoái, Shein và Temu đã nhiều lần đưa nhau ra tòa, cáo buộc nhau về các hành vi vi phạm pháp luật. Ảnh: The China Project

Các vụ kiện tụng giữa hai nền tảng thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc là cuộc chiến không hồi kết trên đất Mỹ.

Hôm 19-8, Shein một lần nữa đệ đơn kiện Temu, cáo buộc đối thủ “làm hàng giả, đánh cắp bí mật thương mại và gây nhầm lẫn cho khách hàng với mô hình kinh doanh bất hợp pháp”.

Trong đơn khiếu nại được đệ trình lên tòa án liên bang tại Washington hôm 19-8, gã khổng lồ thời trang nhanh Shein tuyên bố rằng Temu, nền tảng xuyên biên giới của gã khổng lồ thương mại điện tử PDD Holdings của Trung Quốc, đã “khuyến khích người bán trên sàn này vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác, bán hàng giả hoặc hàng kém chất lượng nhằm giảm thiểu tổn thất lớn mà Temu đang trợ cấp cho người bán. Temu đã sử dụng mô hình kinh doanh bất hợp pháp để xây dựng một cỗ máy làm hàng giả và vi phạm khổng lồ tại Mỹ. Điều này phải bị ngăn chặn”, đơn kiện của Shein viết.

Shein cũng cáo buộc rằng ít nhất một nhân viên của Temu đã đánh cắp bí mật thương mại liên quan đến các mặt hàng bán chạy nhất của Shein để người bán trên sàn Temu có thể và bán các sản phẩm đó trên Temu.

Temu đã phản bác mạnh mẽ các cáo buộc của Shein. “Sự táo bạo này thật không thể tin được. Shein, bị chôn vùi dưới núi vụ kiện quyền sở hữu trí tuệ (IP), lại có can đảm bịa đặt những lời buộc tội chống lại những người khác vì chính hành vi sai trái mà họ liên tục bị kiện”, một phát ngôn viên của Temu nói.

Shein trước đây đã từng bị Uniqlo, H&M và Levi Strauss kiện với những cáo buộc tương tự.

Động thái mới nhất của Shein diễn ra khi cả hai gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc này đều phải đối mặt với vô số rào cản về mặt pháp lý trong bối cảnh họ đang tiến vào nhiều thị trường nước ngoài hơn. Cả Shein và Temu bị giám sát liên tục về một loạt các vấn đề như sử dụng lao động cưỡng bức, an toàn sản phẩm, vi phạm IP, lỗ hổng thuế và vi phạm quyền riêng tư tại Mỹ và EU. Đầu tháng 8, nhà chức trách Hàn Quốc đã tuyên bố rằng tìm thấy các chất độc hại trong các sản phẩm của Shein và Temu.

Được thành lập doanh nhân Xu Yangtian thành lập tại thành phố Nam Kinh của Trung Quốc vào năm 2008, Shein đã trở thành gã khổng lồ toàn cầu chuyên bán quần áo giá rẻ nhưng hợp thời trang cho những khách mua trẻ Gen Z (sinh năm 1996-2012) trên toàn thế giới. Shein hiện nắm giữ thị phần lớn nhất trên thị trường thời trang nhanh tại Mỹ.

Hầu hết quần áo của Shein được sản xuất tại Trung Quốc, nhưng hãng không bán bất kỳ sản phẩm nào tại đó. Công ty đã chuyển trụ sở chính đến Singapore vào năm 2021 và Xu đã đổi quốc tịch của mình thành Singapore.

Tạp chí công nghệ The Information trước đây đã đưa tin rằng Shein đã ghi nhận tổng doanh thu là 32,2 tỷ USD trong năm 2023, với mức tăng trưởng là hàng năm là 40%. PDD Holdings, hãng mẹ của Temu, đã ghi nhận mức tăng trưởng nhanh hơn nhiều là 84%, với doanh thu hàng năm là 35 tỷ USD.

PDD Holdings đã ra mắt nền tảng Temu tại Hoa Kỳ vào tháng 9-2022, khi nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phải chịu đựng tình trạng lạm phát gia tăng. Sau chiến dịch tiếp thị mạnh mẽ, ứng dụng này đã nhanh chóng leo lên vị trí hàng đầu trong các cửa hàng ứng dụng về lượt tải xuống. Temu hiện đang giao hàng đến 76 quốc gia và lãnh thổ, trong khi Shein giao hàng cho khách hàng ở khoảng 150 quốc gia.

Từ cuối năm ngoái, Shein và Temu đã nhiều lần đưa nhau ra tòa, cáo buộc nhau về các hành vi vi phạm pháp luật. Hồi tháng 12-2023, Temu đã kiện Shein vì vi phạm bản quyền và cáo buộc đối thủ đã áp dụng “chính sách đe dọa kiểu mafia” đối với các nhà cung cấp để họ tiếp tục bán sản phẩm độc quyền trên nền tảng của Shein.

Ricky Hồ / BSA Media 

Trái cây Thái Lan vào Trung Quốc bằng tuyến đường thủy sông Mekong