Startup fintech Kredivo bước vào mảng cho vay trực tuyến tại Việt Nam

563
Ngay trong ngày 27/8, Kredivo Vietnam đã đưa lên YouTube hai clip giới thiệu dịch vụ cho vay trong 5 phút và trả tiền điện nước trong 30 ngày.
Tiêu điểm

Startup fintech Kredivo bước vào mảng cho vay trực tuyến tại Việt Nam

Sàn tài chính công nghệ Kredivo của Indonesia chính thức bước vào mảng cho vay trực tuyến tại Việt Nam thông qua đối tác Phoenix Holdings – theo thông cáo báo chí của Kredivo hôm 27-8.
Sự kiện Kredivo bước vào thị trường Việt Nam được các nhà phân tích chú ý bởi đây được xem là “sự tập trung đúng đắn có thể giúp họ khai thác được thị trường tín dụng khi mọi người gặp khó khăn hơn sau mùa dịch” – một nhà phân tích nói với BSA Online / Thế Giới Hội Nhập.
Kế hoạch vào Việt Nam diễn ra trước khi công ty mẹ của Kredivo là FinAccel chuẩn bị niêm yết lần đầu (IPO) trị giá đến 2,5 tỷ USD trên thị trường Nasdaq. Đầu tháng này, FinAccel nói rằng họ sẽ sáp nhập với công ty vỏ bọc theo hình thức SPAC (công ty được sáp nhập với mục đích đặc biệt) và phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán New York trong quý 1-2020.
Kredivo sẽ cung cấp dịch vụ “mua trước, trả sau” hay BNPL có thể thích hợp với người tiêu dùng Việt Nam không có tài khoản ngân hàng, không có hợp đồng lao động và những người gặp khó khăn tài chính khi các xí nghiệp phải đóng cửa để phòng dịch trong ba tháng qua.
Hôm nay trên YouTube, Kredivo đã giới thiệu hai clip về hai dịch vụ của công ty: vay cá nhân chỉ trong vòng 5 phút và dịch vụ trả tiền điện nước sau 30 ngày, không lãi suất. 
Kredivo nói họ sẽ dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích rủi ro từ khách hàng trước khi phát hành thẻ tín dụng số cho khách mà không tính thêm khoản phụ phí hay lãi suất nào. Tự xưng là nền tảng “mua trước trả sau” lớn nhất ở xứ vạn đảo, Kredivo nói đang có kế hoạch mở ngân hàng số trong tương lai.
Theo kế hoạch của FinAccel, Việt Nam là thị trường nước ngoài đầu tiên mà Kredivo xâm nhập, kế đến là Thái Lan và Philippines. “Việt Nam là lựa chọn hợp lý, nếu xét đến tỷ lệ phát hành thẻ tín dụng tương đối thấp và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu”, CEO Valery Crottaz của Kredivo phát biểu.
Công ty dịch vụ tài chính Viet Credit thuộc Phoenix Holdings – do vợ chồng doanh nhân Nguyễn Thanh Phượng và Nguyễn Bảo Hoàng sở hữu và quản lý – sẽ giúp Kredivo vận hành tại thị trường Việt Nam.

Hội đồng quản trị của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã chấp thuận và phê duyệt việc SHB bán 100% vốn điều lệ của SHB Finance cho đối tác là Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan. Theo đó, SHB dự kiến chuyển nhượng ngay 50% vốn SHB Finance cho Krungsri và chuyển nhượng tiếp 50% còn lại sau 3 năm. Giá trị thương vụ hiện vẫn không được tiết lộ, nhưng SHB cho biết thỏa thuận sẽ đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho cổ đông của SHB cũng như nâng cao năng lực tài chính và vị thế của SHB.  Trong khi đó, theo tiết lộ trước đó của Krungsri, thì ngân hàng này sẽ chi 5,1 tỷ baht Thái, tương đương 156 triệu USD cho thương vụ, tức tương đương hơn 3.500 tỷ đồng. Được biết, Krungsri là tập đoàn tài chính lớn thứ 5 tại Thái Lan về tổng tài sản, dư nợ, tiền gửi.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,4 – 57,1 triệu đồng/lượng, tăng nhẹ 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.798,6 USD/ounce, tăng 8,1 USD, tương đương 0,45% so với chốt phiên trước.
2/ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa phê duyệt khoản vay trị giá 58 triệu USD để nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của cơ sở hạ tầng giao thông và cấp nước ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam, đặc biệt là ở các khu vực vùng sâu vùng xa, nơi có nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số. Theo đó, dự án có mục tiêu cải thiện điều kiện sống của các cộng đồng dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa của Việt Nam, với liên kết tốt hơn các địa điểm sản xuất ở nông thôn, vùng sâu xa với các thị trường và các dịch vụ y tế, giáo dục và thị trường. Ngoài ra, dự án cũng sẽ mở rộng khả năng tiếp cận nguồn cấp nước sạch và tưới tiêu. Được biết, gói tài trợ này bao gồm 58 triệu USD các khoản vay thông thường của ADB và khoản viện trợ không hoàn lại 2 triệu USD từ Quỹ Công nghệ cấp cao của ADB.
Ảnh minh họa: Internet
3/ Theo Bộ Công Thương cho biết, Bộ Kinh tế Mexico đã nhận đơn của ngành sản xuất trong nước yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Việt Nam. Do Việt Nam và Mexico cùng là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nên các sản phẩm thép mạ của Việt Nam đang được hưởng thuế suất ưu đãi 0% khi xuất khẩu sang Mexico. Được biết, đây là vụ việc khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại đầu tiên của Mexico đối với Việt Nam. Trong năm 2020, Mexico nhập khẩu khoảng 220 triệu USD sắt thép các loại từ Việt Nam, tăng khoảng 70% so với năm 2019. Theo quy định, Cơ quan điều tra Mexico sẽ xem xét việc tiến hành khởi xướng điều tra vụ việc trong vòng tối đa 30 ngày kể từ ngày nhận đơn kiện đầy đủ.
4/ Tôm hùm là món ăn xa xỉ dành cho giới nhà giàu. Tuy nhiên, hiện nay, giá loại hải sản cao cấp này đang chạm đáy, không còn đắt đỏ như trước.Theo đó, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại, giá tôm hùm ở thủ phủ tôm hùm Vạn Ninh, Khánh Hòa liên tục giảm và chưa có dấu hiệu chững lại. Chẳng hạn, tôm hùm loại 3 (550-700g), trước đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ 4 có giá hơn 2,3 triệu đồng/kg, tuy nhiên sau đó rớt dần xuống 1,6 triệu đồng/kg và hiện chỉ còn khoảng 1,2 triệu đồng/kg. Theo tìm hiểu, giá tôm hùm giảm mạnh một phần là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc vận chuyển tôm để xuất sang Trung Quốc đang gặp trở ngại vì cần nhiều loại thủ tục để lưu thông bằng phương tiện đường bộ. Trước đây, tôm hùm được vận chuyển bằng xe ô tô xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc với chi phí vận chuyển khoảng hơn 20.000 đồng/kg. Nhưng giờ tôm hùm được chở bằng máy bay sang Trung Quốc nên chi phí vận chuyển tăng lên 300.000 đồng/kg.
5/ Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã nâng lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong 15 tháng sau khi duy trì lãi suất này ở mức thấp kỷ lục trong nhiều tháng. Theo đó, việc nâng lãi suất lần này đã khiến cho Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc trở thành ngân hàng trung ương đầu tiên tại châu Á rút đi chính sách kích thích kinh tế được đưa ra trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Quyết định rút bớt đi chính sách hỗ trợ lãi suất được coi như cách để làm giảm đi tình trạng nợ nần của các hộ gia đình và làm dịu đà tăng trưởng  nóng của thị trường bất động sản ngay cả khi mà số lượng các ca nhiễm Covid-19 tăng cao đang gây ra nhiều thách thức với quá trình phục hồi kinh tế. Hàn Quốc hiện đang đẩy mạnh kích thích tài khóa và đang tính tăng ngân sách bổ sung sau khi tung ra hai gói kích thích tài khóa vào năm nay.
6/ Theo WSJ, đồ điện tử trên toàn cầu có nguy cơ sẽ đắt đỏ hơn khi TSMC tăng giá chip loại tiên tiến nhất khoảng 10%, loại thấp hơn khoảng 20%. Được biết, TSMC có thể bắt đầu tăng giá chip từ cuối năm nay hoặc năm sau. Chip tiến tiến nhất thường được sử dụng cho thiết bị động, còn chip kém tiên tiến hơn dùng cho xe hơi. Với TSMC, việc tăng giá có hai mục đích. Trong ngắn hạn, giá cao hơn đẩy nhu cầu xuống và bảo toàn nguồn cung cho những khách hàng không còn lựa chọn nào khác. Còn trong dài hạn, doanh thu cao hơn sẽ giúp TSMC đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất mới. Theo công ty nghiên cứu Đài Loan TrendForce, TSMC chiếm hơn một nửa thị trường chất bán dẫn toàn cầu về doanh thu và sản xuất hơn 90% chip tiên tiến nhất thế giới.
7/ Picsart, một ứng dụng chỉnh sửa ảnh và video, đã được định giá hơn 1 tỷ USD sau khi quỹ đầu tư tư nhân Vision 2 (thuộc tập đoàn SoftBank) đã dẫn dắt nhóm các nhà tài trợ trong vòng gọi vốn mới nhất trị giá 130 triệu USD. Picsart cho biết số tiền huy động được từ vòng gọi vốn mới nhất sẽ được sử dụng để mua lại, phát triển các công cụ người dùng và để mở rộng công nghệ dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI). Với hơn 150 triệu người dùng hoạt động hàng tháng trên 180 quốc gia, Picsart đã huy động được 195 triệu USD vốn kể từ khi ra mắt vào năm 2012 và ghi nhận doanh thu hàng năm hơn 100 triệu USD. Ngoài ra, theo công ty phân tích dữ liệu SensorTower, Picsart cũng nằm trong số 20 ứng dụng hàng đầu về lượt tải xuống trên toàn thế giới trên Google Play trong quý I/2021.
Picsart, một ứng dụng chỉnh sửa ảnh và video, đã được định giá hơn 1 tỷ USD. Ảnh: Bnes
8/ Theo WSJ, châu Âu đang hiện đang trở thành một điểm sáng của hàng không thế giới, trong khi đó, biến thể Delta với tốc độ lây lan nhanh đã bắt đầu gây khó khăn cho việc đi lại tại Mỹ và Trung Quốc. Theo đó, lĩnh vực du lịch hàng không châu Âu cuối cùng đã phục hồi nhờ vào một loạt vé giá rẻ và việc triển khai tương đối suôn sẻ của hệ thống chứng nhận tiêm chủng trên toàn châu lục. Theo số liệu của hãng tư vấn hàng không Cirium, vào tuần trước các chuyến bay trong châu Âu chỉ còn giảm 29% so với cùng kỳ năm 2019, là mức giảm ít nhất kể từ tháng 3/2020, thời điểm các hãng bắt đầu giảm chuyến bay sau làn sóng dịch Covid-19 đầu tiên. Sự phục hồi ở châu Âu diễn ra trong bối cảnh các hãng hàng không giảm giá, tăng công suất và mở các đường bay mới. Các hãng cũng đang tuyển thêm phi công và tiếp viên để đáp ứng nhu cầu du lịch bị dồn nén trong giai đoạn mùa hè.
9/ Theo công ty tư vấn Nomisma, xuất khẩu rượu vang của Italy đã phục hồi, vượt mức trước đại dịch trong nửa đầu năm 2021. Theo đó, xuất khẩu rượu trong 6 tháng đầu năm 2021 cao hơn 6,8% so với  cùng kỳ năm 2019, thời điểm xuất khẩu giảm do đại dịch Covid-19 tác động đến hoạt động kinh tế. Nomisma cũng cho biết xuất khẩu rượu vang Italy sang Trung Quốc đã đứng đầu, với mức tăng 36,8% so với giai đoạn 6 tháng đầu năm 2020. Tiếp theo là Nga với mức tăng 29,4% và Đức tăng 9,3%. Theo một số chuyên gia tong ngành dự đoán, ngành rượu cuối cùng đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng chưa từng có do đại dịch gây ra.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Từ “khủng hoảng nhãn” ở Campuchia, nghĩ về “số phận” nông sản Việt