Sumitomo đầu tư hàng chục triệu USD vào ứng dụng y tế số Insmart tại Việt Nam

394
Tiêu điểm

Sumitomo đầu tư hàng chục triệu USD vào ứng dụng y tế số Insmart tại Việt Nam

Tập đoàn thương mại Sumitomo của Nhật Bản sẽ đầu tư hàng chục triệu USD vào liên doanh y tế tại Việt Nam với tham vọng cung cấp dịch vụ y tế số cho thị trường Đông Nam Á.
Insmart là công ty liên doanh giữa Việt Nam và Malaysia đã hoạt động trên 20 năm tại Việt Nam. Hiện Insmart là một sàn trung gian liên kết giữa công ty bảo hiểm và đơn vị cung cấp dịch vụ y tế như bệnh viện, phòng khám… Sàn trung gian sẽ xử lý những công việc cho hãng bảo hiểm như đánh giá xem liệu chi phí y tế có phù hợp với các giấy tờ và chế độ thanh toán. 
Insmart đồng thời cung cấp rất nhiều dịch vụ cho người tiêu dùng trong đó có bao gồm lên đơn thuốc trực tuyến cũng như làm tham chiếu cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ y tế, hồ sơ y tế cá nhân và thông tin y tế thông qua ứng dụng trên smartphone.
Nikkei Asia nói hiện Insmart có trên 1,5 triệu khách hàng, chiếm 60% thị phần dịch vụ y tế trung gian tại Việt Nam.
Lĩnh vực y tế công tại nhiều nước Đông Nam Á còn một số hạn chế về quy mô, bảo hiểm y tế tư nhân đã phát triển mạnh. Nhiều công ty cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có vai trò như bên trung gian giữa công ty bảo hiểm và các tổ chức y tế cũng như cung cấp dịch vụ cho người bệnh.
Nhu cầu chăm sóc y tế tại Đông Nam Á được dự báo sẽ gia tăng do quy mô dân số gia tăng, tỷ lệ người già ngày càng tăng. Thị trường quản lý trung gian dịch vụ y tế được dự báo sẽ tăng trưởng 20% tại Việt Nam và 10% tại Malaysia.
Sumitomo dự kiến mở rộng các dịch vụ của ứng dụng Insmart bao gồm tư vấn y tế từ xa (telemedicine) gồm khám bệnh, kê đơn và giao vận thuốc và thiết bị y tế đến tận nhà của bệnh nhân.
Không có quá nhiều đất để phát triển ở Nhật Bản, các doanh nghiệp và tập đoàn nước này đã đầu tư vào lĩnh vực y tế tại Đông Nam Á. Trong năm nay, Mitsui&Co đã đầu tư vào MiCare HealthTEC Holdings, doanh nghiệp y tế lớn tại Malaysia đồng thời có hoạt động tại Thái Lan và Philippines.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,75 – 57,45 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với hôm trước. Chênh lệch giá hai đầu như cũ là 700.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.826,5 USD/ounce, giảm 1,1 USD, tương đương 0,06% so với chốt phiên trước. Diễn biến của giá vàng trong thời gian gần đây có liên quan trực tiếp đến thay đổi của tỷ giá của đồng USD cũng như lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ.
2/ Theo Tổng cục Hải quan, giá hạt tiêu xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong tháng 8/2021 đạt 3.736 USD/tấn. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 1/2018, tăng 3,4% so với tháng 7/2021 và tăng mạnh 49,4% so với tháng 8/2020. Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, giá hạt tiêu xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt 3.321 USD/ tấn, tăng 51,1% so với cùng kỳ năm 2020. Được biết, giá hạt tiêu xuất khẩu tăng mạnh đã đóng góp rất lớn vào mức tăng chung của toàn ngành hạt tiêu Việt Nam. Đây được coi là tín hiệu rất tích cực trong bối cảnh giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản khác giảm và xuất khẩu tiêu đang gặp nhiều khó khăn bởi tình trạng cước vận chuyển tăng quá cao cộng với tác động của dịch Covid-19. Ngoài ra, tính chung 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu ước đạt trên 197 ngàn tấn, trị giá 654,6 triệu USD, giảm 2,3% về lượng, nhưng tăng 47,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Giá hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh trong 8 tháng qua.
3/ Theo IHS Markit, tình trạng suy thoái trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã trở nên trầm trọng hơn trong tháng 8 khi bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát ở mức độ tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Những biện pháp hạn chế dẫn đến đóng cửa tạm thời một số doanh nghiệp, các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại nhằm cố gắng kìm hãm sự lây lan dịch bệnh khiến sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động mua hàng và việc làm đều giảm nhanh hơn. Theo đó, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng, Purchasing Managers Index (PMI), của Việt Nam đã giảm còn 40,2 điểm trong tháng 8 so với 45,1 điểm của tháng 7, cho thấy sức khỏe của lĩnh vực sản xuất suy giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020. Ngoài ra, tháng 8 cũng ghi nhận mức giảm gần kỷ lục của hoạt động mua hàng trong bối cảnh đóng cửa công ty tạm thời và yêu cầu sản lượng giảm.
4/ Theo thương vụ Campuchia tại Việt Nam cho biết, 8 tháng đầu năm 2021, Campuchia đã xuất khẩu nông sản được 5,54 triệu tấn sang 66 nước, tăng 89,68% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, nhiều mặt hàng nông sản của Campuchia xuất sang Việt Nam đã tăng mạnh và chiếm đa số. Theo đó, thóc, hạt điều, tiêu, trái cây của Campuchia xuất sang Việt Nam tăng mạnh, có sản phẩm chiếm 99% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Tiêu biểu, mặt hàng thóc của Campuchia, trong 8 tháng, đã xuất sang Việt Nam 2,38 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn, tương đương tăng 85,93% so với cùng kỳ năm 2020. Theo Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), Campuchia đang là một quốc gia có sức cạnh tranh mạnh mẽ về nông sản trong khu vực Đông Nam Á. Người dân ở quốc gia này trồng nông sản cho năng suất cao và chất lượng ngày càng cải tiến nên được nhiều quốc gia ưa chuộng.
5/ Theo WSJ, hãng hàng không Philippine Airlines sẽ nộp đơn xin phá sản tại Mỹ. Theo đó, hoạt động kinh doanh của hãng đã chịu ảnh hưởng nặng nề trong thời gian qua do các biện pháp hạn chế đi lại, ngành du lịch suy giảm mạnh tại Philippines do đại dịch Covid-19. Được biết, hãng hàng không này đã đạt được thỏa thuận với các chủ nợ và sẽ sớm nộp hồ sơ xin bảo hộ phá sản theo chương 11 của Luật Phá sản Mỹ tại tòa án ở New York. Như vậy, hãng hàng không Philippine Airlines sẽ trở thành hãng hàng không thứ 4 nộp hồ sơ xin bảo hộ phá sản tại Mỹ tính từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Trước đó, các hãng hàng không khác đã làm tương tự bao gồm Latam Airlines Group SA, Mexico’s Grupo Aeroméxico SAB, và Colombia’s Avianca SA.
6/ Ngân hàng Indonesia (BI) và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã chính thức triển khai hôm 6-9 các giao dịch thanh toán bằng đồng nội tệ (LCS) giữa hai nước bằng đồng nội tệ rupiah và nhân dân tệ (NDT). Thỏa thuận LCS  giữa hai ngân hàng trung ương sẽ giúp các giao dịch thương mại giữa hai nước được thực hiện bằng đồng nội tệ của mỗi bên. Thỏa ước này bao gồm sử dụng báo giá tỷ giá hối đoái trực tiếp và nới lỏng các quy định nhất định trong giao dịch ngoại hối giữa đồng nội tệ rupiah và NDT. Để hỗ trợ việc vận hành khuôn khổ LCS sử dụng đồng rupiah và NDT, hai ngân hàng trung ương đã chỉ định một số ngân hàng thương mại ở các quốc gia tương ứng hoạt động như các đại lý tiền tệ chéo được chỉ định (ACCD).
7/ Theo Reuters, nền tảng mua bán xe cũ Carsome Group, nền tảng kinh doanh xe hơi cũ tại Đông Nam Á đã trở thành kỳ lân công nghệ lớn nhất Malaysia sau khi huy động thành công 170 triệu USD trong vòng gọi vốn mới từ các nhà đầu tư trong đó có nhà sản xuất chip MediaTek của Đài Loan (Trung Quốc), qua đó nâng mức định giá trị lên 1,3 tỷ USD. Được biết, ngoài Malaysia, Carsome cũng hoạt động tại Indonesia, Thái Lan và Singapore và đang tăng cường phát triển các trung tâm bán lẻ và mở rộng các dịch vụ của mình, trong đó có chính sách hoàn tiền trong năm ngày và bảo hành một năm. Công ty đã đặt mục tiêu tăng doanh thu gấp ba lần lên gần 1 tỷ USD, và 100.000 xe giao dịch hàng năm nay, và dự kiến sẽ kinh doanh có lãi vào năm 2022. Tháng trước, Carsome đã hợp tác với Catcha Group để mua lại đối thủ iCar Asia (hiện tại đang niêm yết trên sàn chứng khoán Australia) trong một thương vụ trị giá 200 triệu USD.
Startup của Malaysia, Carsome được định giá 1,3 tỷ USD và nguồn vốn mới sẽ được sử dụng để mở rộng hoạt động bán lẻ và cho vay mua xe. Ảnh: Reuters
8/ Chính phủ Trung Quốc mới đây đã thông báo sẽ mở thêm một sàn giao dịch chứng khoán mới tại Bắc Kinh, theo đó gia tăng ảnh hưởng của thành phố thủ đô nước này trong thế giới tài chính và kinh doanh. Theo đó, sàn giao dịch mới này sẽ là nơi tập trung cổ phiếu của các công ty dịch vụ và sáng tạo. Tuy nhiên, vẫn chưa có chi tiết chính xác về thời gian cụ thể sàn mới sẽ chính thức thành lập và đi vào hoạt động. Trung Quốc hiện có hai sàn giao dịch chứng khoán tại đại lục, một ở Thượng Hải và một ở Thẩm Quyến, đều cách xa Bắc Kinh. Động thái mở sàn chứng khoán mới của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Chính phủ nước này đang đẩy mạnh chiến dịch kiểm soát các doanh nghiệp tư nhân lớn trong nhiều lĩnh vực, từ công nghệ cho tới giáo dục. Ngoài ra, các công ty Trung Quốc cũng đang gặp nhiều trở ngại pháp lý trong việc niêm yết cổ phiếu để huy động vốn tại Mỹ.
9/ Theo hãng tư vấn kinh doanh nông nghiệp Safras & Mercado, nông dân Brazil hiện có xu hướng tích trữ đậu tương hoặc bán cầm chừng với kỳ vọng giá của loại ngũ cốc này trên thị trường thế giới sẽ còn tăng hơn nữa, trong bối cảnh nguồn cung trên toàn cầu sụt giảm đáng kể. Ngoài ra, một lý do khác cho việc tích trữ đậu tương là do nông dân Brazil lo ngại hiện tượng thời tiết La Niña sẽ hạn chế sản lượng trong vụ mùa sắp tới ở khu vực Nam Mỹ. Cùng với đó, căng thẳng chính trị trong nước có thể làm suy yếu đồng nội tệ real trong những tháng tới. Đuợc biết, nông dân Brazil hy vọng những yếu tố trên sẽ buộc các doanh nghiệp xuất khẩu và ngành công nghiệp chế biến phải trả cho họ nhiều tiền hơn. Điều này đã làm dấy lên lo ngại trên thị trường quốc tế về vấn đề lạm phát lương thực toàn cầu, trong bối cảnh giá đậu tương và ngô thế giới trong tháng 8/2021 đã đạt mức cao kỷ lục trong 8 năm qua.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Lưu trữ sản phẩm ưa thích với tính năng mới của NTJ website