Tam mã xứ vạn đảo, tứ mã xứ ta

    147
    Hôm 17.5 vừa rồi, hai công ty lớn, Gojek và Tokopedia, đã công bố hợp nhất tạo ra một công ty mẹ có tên là GoTo Group, bao gồm mọi thứ dịch vụ thời thượng hiện nay: gọi xe, giao đồ ăn, thanh toán kỹ thuật số và mua sắm trực tuyến. Ba con ngựa chiến: Go To Group, Grab và Sea đang bắt đầu cuộc đua mới ở Đông Nam Á. Tại Việt Nam, đã có thêm con ngựa chiến thứ tư – Be Group.
    Ở Indonesia, Gojek hiện có hơn 2 triệu tài xế xe ôm và taxi, trong khi Tokopedia là một trong những công ty thương mại điện tử hàng đầu của Indonesia. Ở quốc gia có dân số đông thứ tư thế giới với 17.000 hòn đảo, Tokopedia đang cạnh tranh với Sea, công ty đang điều hành một sàn thương mại điện tử được truy cập nhiều nhất ở Indonesia. Theo cơ quan nghiên cứu công nghệ Ipsos Indonesia, ShopeePay cũng là dịch vụ thanh toán kỹ thuật số được sử dụng nhiều nhất của xứ vạn đảo.
    Với thị trường Việt Nam, Gojek vừa cho biết công ty sẽ bổ sung dịch vụ gọi xe ô tô và thanh toán điện tử vào hoạt động của mình tại Việt Nam, một trong những thị trường quan trọng cốt lõi trong cuộc chiến với đối thủ Grab của Singapore. Dịch vụ gọi xe ô tô mà Gojek vừa bổ sung lại đã được Grab và Be triển khai từ trước. Cả ba công ty khởi nghiệp đều bắt nguồn từ dịch vụ gọi xe, nhưng sau đó đã mở rộng sang nhiều dịch vụ khác, chẳng hạn như giao hàng và thanh toán điện tử.
    Grab đã làm dậy sóng vào tháng 4 khi công bố kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua SPAC (công ty được thành lập với mục đích đặc biệt để sáp nhập) tìm kiếm mức định giá 39,6 tỷ USD. Điều này đã gây áp lực và tạo nên Go To Group với thương vụ hợp nhất này có giá trị khoảng 18 tỷ USD.
    Be sẽ đạt lợi nhuận trong năm nay
    Khi cuộc chiến diễn ra ngày càng gay gắt khắp Đông Nam Á, với thị trường gần 100 triệu dân, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Điều này đã mở ra cho các hãng hướng kinh doanh phủ rộng trên toàn quốc, không bị hạn chế ở một số địa phương như đề án thí điểm chỉ có Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh.
    Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang có nhiều ứng dụng gọi xe như FastGo, Aber, inDriver… Đặc biệt là Be Group bởi đây là ứng dụng “thuần Việt” đang cạnh tranh để giành thị phần với hai gã khổng lồ từ bên ngoài – Grab và Gojek.
    CEO Be Group Nguyễn Hoàng Phương cho biết công ty của bà sẽ không bước vào “cuộc chiến về giá” với các đối thủ, mà tập trung vào chất lượng và quan hệ đối tác doanh nghiệp. Bà cho biết Be đã hòa vốn vào năm 2020 và hiện đặt mục tiêu thu lợi nhuận vào năm 2021, một kỳ tích chưa từng có trong dịch vụ gọi xe. “Be Group sẽ đầu tư tiền một cách khôn ngoan thay vì tiêu tiền bừa bãi như các đối thủ khác”, bà Phương nhấn mạnh.
    Be hiện là đối tác với VPBank nhằm vận hành ngân hàng số có tên Cake, đồng thời chấp nhận thanh toán trong ứng dụng Zalo và MoMo, hai ví điện tử của Việt Nam.
    Grab có ví điện tử Moca và đã sắp xếp hợp lý hoạt động kinh doanh ở Đông Nam Á để tập trung vào fintech, vận tải và giao hàng. Đối với Gojek Việt Nam, dịch vụ thanh toán điện tử cũng sẽ có sẵn trong thời gian ngắn tới. Và ai cũng biết, ngay khi Gojek vội vã đổi tên từ Go Việt thành Gojek là đã bộc lộ ý định là muốn trở thành siêu ứng dụng tại Việt Nam như ở Indonesia. Bởi Việt Nam là thị trường lớn bên ngoài “đại bản doanh” ở Indonesia mà lại còn có tốc độ phát triển đáng kinh ngạc trong tất cả các thị trường bên ngoài mà Gojek đang hoạt động.

    Cuộc đua giữa bốn ngựa chiến
    Theo báo cáo e-Conomy SEA, năm 2020, thị trường vận tải và giao đồ ăn nhanh của Việt Nam đạt 1,6 tỷ USD, ước tính tăng trưởng hàng năm đạt mức 34% đến năm 2025.
    Tập đoàn công nghệ Grab đã bổ sung sáu dịch vụ, chẳng hạn như dịch vụ tài chính kỹ thuật số, kể từ năm 2019 và đang gấp rút đưa chúng vào các quốc gia như Philippines và Thái Lan. Grab cũng đạt được giấy phép ngân hàng số ở Singapore trong năm ngoái cùng với Sea và hai tổ hợp công ty khác. Dự kiến trong năm 2022, ngân hàng số này sẽ đi vào hoạt động trước tiên tại Singapore.
    Cơ cấu cổ phần của GoTo thậm chí còn phức tạp hơn. Sau khi hợp nhất, các cổ đông của Gojek nắm giữ khoảng 58% cổ phần của tập đoàn mới, theo hồ sơ gửi lên chính quyền vào giữa tháng 5 này, trong khi Tokopedia có 42%. SoftBank của Nhật Bản và Alibaba Group Holding của Trung Quốc, những cổ đông lớn nhất trong Tokopedia trước khi sáp nhập, hiện nắm giữ cổ phần hàng đầu trong GoTo, lần lượt là 15,3% và 12,6%.
    Gojek và Tokopedia cũng tính đến gã khổng lồ công nghệ Google của Mỹ và quỹ Temasek của chính phủ Singapore trong số các cổ đông của họ. Các nhà đầu tư khác vào Gojek bao gồm Facebook, đã đầu tư vào chi nhánh thanh toán của công ty; công ty cổ phần tư nhân toàn cầu KKR; tập đoàn Astra International của Indonesia; và gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent.
    Cuộc đua tam mã ở Indonesia, phải chăng song trùng thời gian với cuộc đua tứ mã tại Việt Nam – gồm Grab, Gojek, Be và Sea, với đại diện là Shopee?
    Vũ Khánh (Theo TGHN)
    An toàn mua sắm với ưu đãi 5% từ NTJ