Tân thủ tướng Nhật Bản và chính sách kinh tế “Suganomics”

248
Ông Yoshihide Suga đã đánh bại cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida (trái) cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba (phải) để trở thành chủ tịch của đảng cầm quyền Dân chủ Tự do và trở thành tân thủ tướng
Chánh văn phòng nội các Toshihide Suga chính thức được bầu chọn làm chủ tịch đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP) sau khi đánh bại cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba và cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida. Với kết quả này, ông Suga sẽ trở thành vị thủ tướng kế tiếp của Nhật Bản sau khi Quốc hội nước này bỏ phiếu thông qua vào ngày 16/9 sắp tới.
Tiếp nối chính sách của ông Shinzo Abe
Là cánh tay phải của cựu thủ tướng Shinzo Abe trong suốt 8 năm ông Abe tại vị, ông Suga đã giành được sự ủng hộ của hai phe trong đảng LDP – phe do Bộ trưởng Tài chính Taro Aso dẫn đầu gồm 98 thành viên và phe do Tổng thư ký LDP Toshihiro Nikai gồm 47 thành viên.
Trong chương trình ứng cử, ông Suga tuyên bố sẽ thành lập cơ quan chính phủ phụ trách vấn đề số hóa của đất nước, tăng tính cạnh tranh của khu vực viễn thông vốn do nhà nước kiểm soát. Vị tân thủ tướng 71 tuổi được đánh giá là sẽ tiếp tục các chính sách kinh tế của nội các dưới thời ông Abe. “Tôi muốn tiếp tục thực hiện chính sách kinh tế Abenomics và củng cố chính sách này”, ông Suga phát biểu. Ông cũng bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn với chính sách quản lý tiền tệ cực kỳ thông thoáng của Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Huruhiko Kuroda.
Ông Suga hầu như chắc chắn sẽ giành được sự ủng hộ của Thượng nghị viện và Hạ nghị viên – vốn do liên minh cầm quyền kiểm soát – trong cuộc bỏ phiếu ngày 16/9 sắp tới. Dự kiến, ông sẽ làm thủ tướng cho đến tháng 9/2021 khi đảng LDP bầu chọn lãnh đạo mới.
Tuy nhiên, ông Suga vẫn được đánh giá là thiếu kinh nghiệm chính trị quốc tế. Đây là điều mà các nhà quan sát cho là quan trọng trong việc lèo lái nước Nhật ra khỏi khủng hoảng Covid-19, khẳng định vị thế của xứ sở mặt trời mọc trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc và có thể là chính sách của vị tân tổng thống sau cuộc bầu tháng 11 tới ở Mỹ.
Hướng về Đông Nam Á
Tân thủ tướng Yoshihide Suga cam kết mở rộng cửa với nhân tài và du khách nước ngoài, đặc biệt là từ các nước Đông Nam Á
Với vị trí Chánh văn phòng nội các của cựu thủ tướng Shinzo Abe trong 7 năm 8 tháng, ông Suga mỗi ngày họp với ông Abe hai lần.
Hai cột trụ chính của Abenomics – chính sách tiền tệ thông thoáng và gói kích thích tài chính to lớn – được chờ đợi tiếp tục sẽ là cột trụ trong chính sách kinh tế Suganomics của tân thủ tướng Nhật Bản. Vì thế, các nhà phân tích tin rằng sẽ không có những thay đổi to lớn trong các vị trí nội các dưới thời ông Suga.
Nhưng có lẽ sự khác biệt lớn nhất giữa ông Abe và ông Suga sẽ là chính sách tài khóa. Không giống như ông Abe vốn dựa vào các cố vấn tài năng, chẳng hạn như Etsuro Honda, để thực hiện chính sách tiền tệ thông thoáng thì ông Suga chưa có nhân vật nào giành được sự tin tưởng của ông.
Thay vào đó, ông tìm kiếm các ý kiến từ các nhân vật có tiếng nói trên thương trường như Chủ tịch Suntory Holdings Takeshi Niinami, Chủ tịch Future Yasufumi Kanemaru và ông David Atkinson, CEO của hãng thủ công và đồ trang trí Konishi. Ông Atkinson đã giúp ông Suga vạch ra đường hướng lôi kéo đầu tư nước ngoài vào Nhật Bản. Bên cạnh đó, Atkinson còn đề nghị cải cách để tăng năng suất lao động ở Nhật Bản, chẳng hạn như nâng lương tối thiểu và sáp nhập các doanh nghiệp cỡ nhỏ và trung.
Ông Suga cũng giữ khoảng cách với những nhân vật ủng hộ tăng chi tiêu công, như cựu cố vấn Satoshi Fujii của ông Abe, người đã từng kêu gọi đầu tư mạnh vào hạ tầng để đối phó các thảm họa thiên nhiên. Ông có xu hướng sẽ thắt chặt chi tiêu công trong tài khóa sắp tới. Vì thế, tân thủ tướng được dự báo là sẽ có chính sách trung dung hơn: một chính sách tài khóa mạnh mẽ kết hợp với cải tổ chi tiêu công.
Nhưng về tổng thể, Nikkei Asian Review bình luận, tân thủ tướng Yoshihide Suga có nhiều lý do chính đáng để theo đuổi chính sách kinh tế Abenomics – di sản của thủ tướng vừa từ nhiệm Shinzo Abe.
Với tính cách cân bằng, ông Suga sẽ xem lại hoạt động của tất cả các bộ và cơ quan nhà nước và có thể sẽ đẩy mạnh việc giảm rườm rà thủ tục hành chính, giảm kiểm soát của chính phủ trung ương như là chiến lược tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản.
Dân số Nhật Bản đang già đi và ông Suga chắc chắn sẽ tiếp tục mở cửa để đón lao động nước ngoài có tay nghề cao và đồng thời tăng cường thu hút du khách nước ngoài, đặc biệt là từ Việt Nam và các nước Đông Nam Á.
Nhật Bản đón 31,88 triệu lượt khách nước ngoài trong năm ngoái. Ông Suga hy vọng sẽ đẩy con số này lên 60 triệu lượt sau khi thoát khỏi khủng hoảng Covid-19. Đất nước này cũng hy vọng tăng xuất khẩu nông sản ra nước ngoài, phần lớn đến châu Á, đạt con số 5.000 tỉ yen, tương đương hơn 47 tỉ đô la, từ mức 1.000 tỉ yen hiện nay.
Ông cũng tiếp tục đường hướng ngoại giao của thủ tướng tiền nhiệm và tập trung vào liên minh Nhật – Mỹ. Ông đã nhấn mạnh chủ trương “đa dạng hóa các cơ sở sản xuất của Nhật Bản và đặt ở nhiều nước, không phụ thuộc vào Trung Quốc”.
Ông cũng nhìn xa hơn về những cải tổ sau đại dịch Covid-19. “Điều cốt lõi là cải tổ toàn bộ mạng lưới bảo hiểm xã hội. Nền tảng của một đất nước là tự chủ, hỗ trợ lẫn nhau và hỗ trợ từ chính phủ. Chúng ta sẽ tiếp tục xây dựng một đất nước mà mọi người dân đều tin tưởng vào tương lai của đất nước đó”, ông Suga trả lời phỏng vấn của Nikkei Asian Review trước khi trở thành tân thủ tướng.
Ricky Hồ (Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)
Bản tin thị trường – ngày 14/9/2020