Tăng huyết áp ở trẻ em: Những điều cần biết

392
Tình trạng tăng huyết áp khi trẻ dưới 10 tuổi thường do một bệnh lý khác gây ra. Các bệnh lý thường liên quan gồm dị tật tim, bệnh thận, bệnh di truyền hoặc rối loạn hormone.. Ảnh TL (minh họa)

Tăng huyết áp là một trong những căn bệnh phổ biến và nguy hiểm hàng đầu hiện nay. Trái với quan điểm của nhiều người cho rằng tăng huyết áp chỉ xảy ra ở người lớn tuổi, thực tế có tình trạng tăng huyết áp ở trẻ em và số lượng cũng không hề hiếm.

Tăng huyết áp ở trẻ em được định nghĩa khi huyết áp bằng hoặc cao hơn 95% số trẻ cùng tuổi, cùng giới tính và chiều cao. Không có một con số cụ thể vì huyết áp bình thường sẽ thay đổi khi trẻ lớn lên.

Tình trạng tăng huyết áp khi trẻ dưới 10 tuổi thường do một bệnh lý khác gây ra. Các bệnh lý thường liên quan gồm dị tật tim, bệnh thận, bệnh di truyền hoặc rối loạn hormone.

Các yếu tố gây tăng huyết áp ở trẻ cũng có thể giống người lớn, gồm thừa cân, chế độ ăn uống thiếu cân bằng, và thiếu vận động. Nguyên nhân chính xác gây tăng huyết áp vẫn chưa được hiểu rõ.

Hậu quả của tăng huyết áp trẻ em

Tăng huyết áp ở trẻ không được điều trị sẽ dẫn đến tăng huyết áp lúc trưởng thành.

Một triệu chứng phổ biến liên quan đến tăng huyết áp ở trẻ là chứng ngưng thở khi ngủ, có thể dẫn đến tình trạng thiếu oxy não và nhiều biến chứng khác. Vì vậy, hãy chú ý đến những rối loạn nhịp thở khi trẻ ngủ, đây có thể là một dấu hiệu chỉ điểm tình trạng tăng huyết áp trẻ em, đặc biệt ở trẻ thừa cân.

Nếu tăng huyết áp không được điều trị thì đến lúc trưởng thành, trẻ có thể có nguy cơ cao gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng do tăng huyết áp như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận và bệnh thận.

Khi nào gặp bác sĩ

Tình trạng tăng huyết áp ở trẻ em thường ít khi có triệu chứng, nếu trẻ không gặp vấn đề sức khỏe thì ít khi bạn đưa trẻ đi kiểm tra huyết áp. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết huyết áp của trẻ cần được kiểm tra định kỳ từ khi trẻ được 3 tuổi.

Theo một báo cáo mới đây (12/7/2016) trên tạp chí y khoa The New England Journal of Medicine, dù đã khuyến cáo là cần kiểm tra huyết áp trẻ định kỳ, vẫn có rất nhiều trẻ tăng huyết áp không được chẩn đoán. Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát hiện sớm tình trạng tăng huyết áp ở trẻ.

Năm 2013, Hội Học thuật Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) đã khuyến cáo kiểm tra huyết áp định kỳ cho trẻ từ 3 tuổi để phát hiện sớm và phòng ngừa bệnh tim mạch cho trẻ. Nếu trẻ có một nguy cơ khác làm tăng nguy cơ tăng huyết áp (như sinh non, sinh nhẹ cân, bệnh tim bẩm sinh và một số bệnh lý thận) thì nên khám tầm soát tăng huyết áp sớm hơn.

Khi được phát hiện tăng huyết áp, các bác sĩ có thể đưa ra phương án điều trị tùy theo tình trạng bệnh. Trị liệu bằng cách thay đổi lối sống hoặc điều trị bằng thuốc.

Phòng ngừa tăng huyết áp trẻ em

Phòng bệnh luôn tốt hơn là chữa bệnh. Tăng huyết áp ở trẻ cũng có thể phòng ngừa tương tự như ở người lớn, bắt đầu từ sự thay đổi lối sống.

  • Kiểm soát cân nặng của trẻ: nếu trẻ đang thừa cân, hãy giảm cân nặng của trẻ phù hợp với chiều cao và độ tuổi, từ đó đưa huyết áp về mức bình thường.
  • Một chế độ ăn cân bằng: khuyến khích trẻ ăn bữa sáng lành mạnh gồm chất sơ và tránh các sản phẩm nhiều bột đường cũng như các loại nước ngọt nhiều năng lượng. Ăn đủ trái cây và rau xanh, sử dụng các nguồn tinh bột từ gạo nguyên cám là những biện pháp hữu hiệu phòng tránh tăng huyết áp. Trẻ sẽ không ăn thứ gì bạn không mua, vì vậy hãy luôn cân nhắc khi mua thức ăn cho gia đình mình.
  • Giảm lượng muối: cắt giảm lượng muối (sodium) trong chế độ ăn sẽ giúp làm giảm huyết áp. Trẻ từ 4-8 tuổi không nên ăn hơn 1,2 gram muối mỗi ngày, trẻ lớn hơn thì không ăn quá 1,5 gram muối mỗi ngày. Tránh cho trẻ ăn các loại snack có nhiều muối. Chú ý lượng muối trong khi nấu nướng, lượng muối trong các thực phẩm đóng hộp.
  • Khuyến khích trẻ vận động thể lực: Hầu hết trẻ cần ít nhất 30-60 phút vận động mỗi ngày. Hạn chế trẻ ngồi lì trước ti-vi hoặc máy vi tính, không xem ti-vi khi trẻ dưới 2 tuổi, và không quá 2 tiếng mỗi ngày khi trẻ lớn hơn.
  • Trẻ sẽ khó tạo dựng được lối sống nếu chỉ mình chúng phải thực hiện, hay nói cách khác, cả gia đình bạn phải cùng cố gắng. Anh em của trẻ phải sống lành mạnh, và bậc cha mẹ phải làm gương để trẻ dễ dàng thay đổi lối sống của mình.

Nam Du (theo NEJM, mayoclinic)