
Tập đoàn Sea của Singapore công bố mức lợi nhuận ròng 444 triệu USD trong năm 2024, tăng gấp ba lần con số của năm 2023, nhờ mảng cho vay tiêu dùng SeaMoney là lực đẩy chính. Đây là năm thứ hai liên tiếp Sea đạt lợi nhuận ròng.
“Chúng tôi vẫn tự tin về khả năng tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2025”, Chủ tịch kiêm CEO Forrest Li phát biểu trong một thông cáo hôm 4-3.
Ngay sau tin này, giá cổ phiếu của Sea đã tăng 10%.
Garena, hãng con chuyên trò chơi điện tử của Sea, đạt lợi nhuận hoạt động là 978 triệu USD trong năm ngoái, giảm 17% so với năm trước đó. Sàn thương mại điện tử Shopee, nguồn doanh thu lớn nhất của Sea từ trước đến nay, báo cáo khoản lỗ 139 triệu USD trong năm qua do chi phí tiếp thị và các chi phí khác gia tăng trong bối cảnh cạnh tranh.
Các dịch vụ cho vay tiêu dùng và tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm cả người bán hàng trên sàn Shopee, là lực đẩy của SeaMoney. Tính đến tháng 12, các khoản vay chưa thanh toán ở mức 5,1 tỉ USD, tăng 64% so với năm trước so với một năm trước.
Sea đang tận dụng cơ sở người dùng rộng lớn của Shopee và Garena để mở rộng dịch vụ tài chính trên sáu thị trường chính của họ ở Đông Nam Á, cũng như Đài Loan và Brazil. SeaMoney ra mắt các dịch vụ tài chính vào năm 2014 và liên tục mở rộng các dịch vụ fintech.

Sea hy vọng các dịch vụ tài chính sẽ tạo lực đẩy cho mảng thương mại điện tử, với các thanh toán liền mạch và dịch vụ trả góp tiện lợi. Các sản phẩm “mua trước trả sau” BNPL cũng giúp doanh số của các gian hàng trên Shopee gia tăng.
Sea đã đầu tư rất nhiều cho mảng tài chính. Năm 2024, chi tiêu bán hàng và tiếp thị cho SeaMoney đã tăng 156% lên 298 triệu USD, mức tăng cao nhất trong số ba đơn vị cốt lõi của tập đoàn. Trong khi đó chi phí tiếp thị của Shopee tăng 18% và Garena tăng 12%.
CEO Li tuyên bố rằng Sea hy vọng mảng cho vay SeaMoney sẽ phát triển “nhanh hơn một cách có ý nghĩa” so với giá trị hàng hóa gộp của Shopee (GMV), dự kiến sẽ tăng khoảng 20% mỗi năm.
Tuy nhiên, duy trì sự tăng trưởng giữa lúc quản lý rủi ro tín dụng chưa kiện toàn là một thách thức lớn của Sea, đặc biệt là ở các thị trường như Indonesia, nơi cho vay kỹ thuật số đang bùng nổ và người tiêu dùng đang phải đối mặt với mức nợ gia tăng.
Tại Việt Nam, Sea đã có hợp tác với ví điện tử VNPay trong giai đoạn 2015-2017. Sau đó, tháng 6-2021 Shopee mua lại ví điện tử AirPay và đổi tên thành ShopeePay. Tháng 9-2022, Shopee cùng TPBank và VBBank ra mắt dịch vụ mua trước trả sau SPayLater. Tiếp đó, Shopee hợp tác với ngân hàng TPBank và ra mắt dịch vụ vay tiêu dùng SEasy dành cho người bán hàng trên sàn này. Mức vay từ 10 triệu đến 500 triệu với thời hạn thanh toán trong 3, 6 hay 12 tháng.
Shopee Việt Nam chiếm thị phần áp đảo trên thị trường mại điện tử Việt Nam, đạt lợi nhuận khủng trong giai đoạn 2022-2024. Tuy vậy, hãng không nói rõ về mảng dịch vụ tài chính kết hợp với các ngân hàng Việt Nam.
Theo Nikkei Asia, Shopee, BSA Media
Ricky Hồ / BSA Media