
Startup Ocean Eyes của Nhật Bản dùng công cụ AI và dữ liệu vệ tinh để giúp các đoàn tàu cá của Indonesia truy tìm nguồn cá.
Có trụ sở tại Tokyo, Ocean Eyes sử dụng AI để ước tính các yếu tố như nhiệt độ nước biển và dòng thủy triều dựa trên dữ liệu từ vệ tinh thời tiết Himawari của Nhật Bản. Hệ thống có thể dự đoán điều kiện trước tới 14 ngày, ngay cả ở những khu vực không thể quan sát trực tiếp bằng vệ tinh do có mây che phủ.
Dữ liệu được cập nhật theo giờ và được sử dụng để tạo bản đồ luồng cá, giúp ngư dân tiết kiệm thời gian và nhiên liệu.
Được thành lập vào năm 2019, Ocean Eyes có nguồn gốc từ Đại học Kyoto. Startup đã nhận được tài trợ từ Kyoto University Innovation Capital, bộ phận đầu tư mạo hiểm của trường. Ocean Eyes đặt mục tiêu mở rộng hoạt động kinh doanh sang các quốc gia Đông Nam Á khác như Malaysia và Philippines.
Ngư dân thường dựa vào kinh nghiệm và trực giác, nhưng Ocean Eyes tin rằng AI có thể giúp ích. Đây là lần đầu tiên Ocean Eyes bước ra thị trường nước ngoài. Giám đốc Hidekazu Kasahara của Ocean Eyes nói rằng việc sử dụng công nghệ thông tin trong đánh bắt cá ở Indonesia có hiệu quả thấp hơn ở Nhật Bản.
Indonesia có ngành đánh bắt cá phát triển mạnh mẽ với hơn 10.000 hòn đảo, với hơn 7,7 triệu tấn hải sản đánh bắt hàng năm, xếp thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc. Năm 2019, ước tính có hơn 935.000 tàu cá ở Indonesia, trong đó 96% là tàu nhỏ hơn 10 GT (gross tonnage – tổng dung tịch), 4% còn lại là tàu cỡ trung bình (10-30 GT) và tàu công nghiệp (trên 30 GT). Hầu hết đoàn tàu cá Indonesia là đánh bắt gần bờ.
Nhưng trong những năm gần đây, nhiệt độ nước biển tăng cao và các kiểu thời tiết thay đổi được cho là nguyên nhân khiến sản lượng đánh bắt cá tăng chậm.
Sản lượng đánh bắt cá ngừ, tôm và các loại hải sản khác có liên quan chặt chẽ đến nhiệt độ nước. Do đó, có nhu cầu về một dịch vụ có thể xác định được ngư trường tối ưu.
Theo Nikkei Asia, Jakarta Post
Ricky Hồ / BSA Media