Tây Ban Nha thử nghiệm chế độ 4 ngày làm việc mỗi tuần

568
Tiêu điểm:
Tây Ban Nha thử nghiệm chế độ 4 ngày làm việc mỗi tuần
Nếu số giờ làm việc giảm 35-40%, GDP sẽ tăng 1,5%. Nhân viên sẽ sử dụng ngày nghỉ để đến ngân hàng (có nhiều tiền hơn?) và đến bác sĩ khám sức khỏe. Doanh số của doanh nghiệp có thể tăng 20%. Nghe rất lý tưởng và kế hoạch thử nghiệm của Tây Ban Nha đang được thế giới để ý.
Kế hoạch này cho phép người lao động làm ít giờ hơn mà không bị giảm lương. Dự án sẽ kéo dài 3 năm, trị giá 50 triệu euro, cho phép các công ty quan tâm tham gia thử nghiệm với rủi ro tối thiểu. Chi phí của các công ty sẽ được bảo hiểm ở mức 100% trong năm đầu tiên, 50% trong năm thứ hai và 33% trong năm thứ ba. Việc thử nghiệm đặt mục tiêu có sự tham gia của 3.000 – 6.000 công nhân thuộc 200 công ty trên khắp Tây Ban Nha.
Như vậy, Tây Ban Nha sẽ là nước đầu tiên ở châu Âu và trên thế giới thử nghiệm 32 giờ làm việc mỗi tuần. Chính phủ Tây Ban Nha đã chấp thuận đề nghị của đảng cánh tả Más País, cho phép người lao động có ba ngày nghỉ cuối tuần. Nhưng nhà chức trách nước này cũng có ý khuyến khích “làm việc từ nhà”, thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để hạn chế sự lây lan của Covid-19.
“Dự án sẽ cho phép chúng ta xem xét tăng tính cạnh tranh và năng suất của người lao động và doanh nghiệp Tây Ban Nha. Không có chuyện Tây Ban Nha sử dụng ngân quỹ của châu Âu để người dân làm việc ít giờ đi”, Hector Tejero, thành viên đảng Más País, giải thích.
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cũng cảnh báo rằng một quy định không thể là mọi giải pháp áp dụng ở tất cả các lĩnh vực kinh tế. “Có những ngành công nghiệp hay lĩnh vực kinh tế mà việc giảm giờ làm không gia tăng hay mang lại năng suất lao động”, bản báo cáo của Trường Kinh doanh ESADE nhấn mạnh.
Một nghiên cứu đăng trên Cambridge Journal of Economics vào đầu năm nay đã dự báo nếu số giờ làm việc được giảm khoảng 35-40% trong năm 2017, GDP có thể tăng 1,5% và gần 560.000 người có việc làm. Công ty Software Delsol của Tây Ban Nha trong năm 2020 đã đầu tư 400.000 euro trong một dự án nhằm giảm số giờ làm việc cho 190 nhân viên của công ty. Software Delsol nhận ra rằng tỷ lệ người vắng mặt giảm 28% trong khi nhân viên sử dụng ngày nghỉ của họ để đến ngân hàng hoặc đi khám sức khỏe. Doanh số của hãng phần mềm tăng 20% trong năm 2020 và không nhân viên nào nghỉ việc, Cambridge Journal of Economics đăng tải.
Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng các nền kinh tế đang bị tổn thương sau đại dịch và Tây Ban Nha cần phải giải quyết vấn đề nan giải của nền kinh tế nước này khi tỷ lệ thất nghiệp luôn cao nhất châu Âu và tiền lương ở Tây Ban Nha thấp hơn các nước trong khối EU.
Trong khi đó, đảng cầm quyền Más País nói rằng tốt nhất là “thử nghiệm trước và sau đó quyết định sẽ mở rộng quy mô như thế nào hoặc có thể sẽ không thực hiện dự án này”.
Không chỉ riêng ở Tây Ban Nha, ý tưởng giảm giờ làm cho người lao động xuống còn 4 ngày/tuần đang được nghiên cứu và thử nghiệm tại một số quốc gia khác. Tuy nhiên, đó chỉ là ý tưởng. Một số nước Bắc Âu, New Zealand và Úc đã bắt đầu áp dụng cơ chế 36 giờ làm việc mỗi tuần. Và thành công của các nền kinh tế này là tùy thuộc vào ý thức của người dân, hơn là việc giảm giờ làm sẽ tăng năng suất lao động. Trong khi đó, người Tây Ban Nha lại nổi tiếng ham vui và không theo quy củ giờ giấc.
Bản Tin Thị Trường
1/ Hôm nay, siêu tàu Ever Given đã dần xoay khỏi vị trí mắc cạn và bắt đầu chuyển động, sau gần một tuần chặn ngang kênh đào Suez gây tắc nghẽn tuyến vận tải biển quan trọng trong giao thương Á-Âu. Theo một nguồn tin giấu tên thuộc công ty Shoei Kisen, 11 tàu lai dắt đã dần đưa Ever Given khỏi vị trí mắc cạn nhưng tàu chưa hoàn toàn di chuyển bình thường được. Trong khi đó, giới chức quản lý kênh đào phía Ai Cập cho biết tàu Ever Given đã xoay trở lại đúng hướng di chuyển “tới 80%”. Đây là những thông tin rất được mong đợi sau gần 1 tuần xảy ra sự cố khiến hoạt động giao thương đi qua Kênh đào Suez hầu như tê liệt, hơn 300 tàu khác bị tắc nghẽn ở 2 đầu kênh đào dài khoảng 190 km này. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ khi nào nhà chức trách Ai Cập sẽ cho khôi phục hoạt động qua kênh đào.
Việc tàu viễn dương siêu lớn Ever Given mắc cạn và chặn tuyến giao thông đường biển huyết mạch Á-Âu là kênh đào Suez (Ai Cập), đã gây lo ngại cho các nhà cung ứng và chế biến rang xay cà phê toàn cầu. Giá cà phê phái sinh robusta tại London đóng cửa phiên ngày 26/3 tăng 34 USD/tấn chốt tại mức 1.399 USD. Thị trường cà phê nguyên liệu tại các tỉnh Tây Nguyên, vùng sản xuất trọng điểm của Việt Nam dịp cuối tuần nhảy một lúc 0,5 triệu đồng/tấn lên quanh mức 33 triệu đồng/tấn. Theo Tổng cục Hải quan ước tính trong hai tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê Việt Nam chỉ đạt 4,72 triệu bao (bao=60 kg) trị giá 496 triệu USD, giảm 14,7% về lượng và 11,5% về giá trị. Dịch Covid-19 chưa kết thúc, nảy sinh cú “sốc” thiếu containers rỗng và chỗ trên tàu dẫn đến giá cước cao ngất ngưởng, đã hạn chế phần nào sức bán cà phê của Việt Nam ra thị trường thế giới.
Bộ Công thương Việt Nam trước đó cũng cảnh báo hàng xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu có thể bị ảnh hưởng thời gian tới.
Việc tàu viễn dương siêu lớn Ever Given mắc cạn và chặn tuyến giao thông đường biển huyết mạch Á-Âu là kênh đào Suez
2/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 54,9 – 55,3 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cuối tuần rồi, chênh lệch hai đầu vẫn là 400.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.731,8 USD/ounce, giảm nhẹ 1,5 USD/ounce, tương đương 0,09% so với chốt phiên trước. Theo BizLive, nhiều quỹ đầu tư đã liên tiếp bán vàng trong thời gian gần đây khi đồng USD tăng vọt.
3/ Nhiều hộ dân trồng điều trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang trong giai đoạn thu hoạch đầu vụ. Tuy nhiên, mưa liên tục và giá thu mua hạt điều tươi thấp hơn so với niên vụ 2020 khiến người dân lo lắng. Theo những hộ dân trồng điều, từ đầu tháng 3 giá thu mua hạt điều tươi đầu vụ là 28.000-29.000 đồng/kg. Đến cuối tháng, giá xuống hơn 20.000 đồng/kg. Nhiều hộ dân có vườn điều ít ra bông đợt đầu lo lắng sẽ tiếp tục thất thu như vụ mùa năm ngoái. Tỉnh Bình Phước hiện có diện tích 137.000 ha, điều thuộc nhóm dẫn đầu về cây trồng chủ lực và mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân ở tỉnh này. Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên vụ điều năm nay tiếp tục dự báo còn nhiều khó khăn. Nông dân trồng điều mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ giá để tăng giá điều thô.
4/ Theo khảo sát giá đất tại các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn vừa được Công ty DKRA Việt Nam công bố cho thấy giá đất đã tăng mạnh, hiện đạt giá đỉnh 45 – 92 triệu đồng/m2 tùy theo khu vực, sau khi có thông tin các huyện này lên quận. Theo đó, tại các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn tính đến tháng 3-2021, dữ liệu thị trường cho thấy giá đất huyện ven đô vẫn tăng ở biên độ phổ biến 3 – 20% so với hồi cuối năm ngoái, bất chấp đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong đợt bùng phát thứ ba.
5/ Báo cáo cập nhật vào tháng 3/2021 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) riêng về Việt Nam cho thấy những dữ liệu và dự báo đáng chú ý. Theo báo cáo này, quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã gia tăng mạnh mẽ trong năm 2020 và dự báo tiếp tục vượt xa mốc 100 tỷ USD trong năm 2021. Theo đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đến cuối năm 2020 đã đạt 94,8 tỷ USD, đánh dấu chuỗi gia tăng mạnh mẽ kể từ năm 2016, và sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2021 với dự kiến đạt 113,7 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối quốc gia có những cấu phần khác nhau, bao gồm cả vàng, được xác định và đánh giá lại tại các thời điểm. Với Việt Nam, đà tăng mạnh những năm vừa qua ghi nhận chủ yếu từ hoạt động mua ròng ngoại tệ mà Ngân hàng Nhà nước thực hiện…
6/ Theo Cục Đầu tư nước ngoài, 3 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng khá mạnh, sau hai tháng đầu năm liên tiếp sụt giảm. Trong con số 10 tỷ USD này, vốn đăng ký mới đạt 7,2 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ, vốn điều chỉnh đạt 2,1 tỷ USD, tăng 97,4% so với cùng kỳ. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 5 tỷ USD (chiếm 49,6%). Theo số liệu, Singapore hiện là quốc gia đổ nhiều vốn FDI nhất vào Việt Nam với gần 4,6 tỷ USD, thứ hai là Nhật Bản với gần 2,1 tỷ USD, Hàn Quốc đứng thứ 3 với 1,2 tỷ USD.
7/ Kể từ tháng 7/2021 tới, du khách sẽ có thể bay trực tiếp đến đảo Phuket mà không cần phải cách ly với điều kiện phải chứng minh được rằng mình đã tiêm vaccine Covid-19. Tuy nhiên giới chức Thái Lan cũng đang tính đến các biện pháp khác với việc du khách sẽ bị buộc phải chứng minh không những họ đã tiêm vaccine Covid-19 mà vẫn phải xét nghiệm PCR khi đến, đồng thời họ sẽ bị buộc phải tải ứng dụng mà chính phủ Thái Lan cung cấp để phục vụ cho quá trình truy dấu. Giám đốc Cơ quan Quản lý Du lịch Thái Lan, để có thể thực sự mở cửa được ngành du lịch, Phuket sẽ cần đạt miễn dịch cộng đồng bằng cách tiêm được vaccine Covid-19 cho khoảng 70% dân số trên đảo.
Kể từ tháng 7/2021 tới, du khách sẽ có thể bay trực tiếp đến đảo Phuket mà không cần phải cách ly – Ảnh: The Phuket News
8/ Nhà sản xuất bột gỗ lớn nhất Suzano Sa, nguyên liệu cần có để làm giấy vệ sinh, đã cảnh báo rằng nhu cầu tăng cao về container vận chuyển có thể làm chậm trễ quá trình giao hàng cho các nhà phân phối. Tình trạng kênh đào Suez bị tắc nghẽn cũng đang khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Giám đốc điều hành công ty nhận định nếu vấn đề trở nên tồi tệ hơn, tình trạng thiếu giấy vệ sinh trên toàn thế giới sẽ là điều không thể tránh khỏi. Công ty cũng đã phải đẩy lùi các lô hàng dự kiến ban đầu từ tháng 3 sang tháng 4. Các nhà phân tích cho rằng nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu container vận chuyển toàn cầu là vì gia tăng xu hướng mua sắm trực tuyến cũng như bùng nổ nhu cầu xuất khẩu của Trung Quốc.
9/ Honda đã hoàn tất giao dịch bán nhà máy Swindon ở Anh cho Panattoni, công ty lớn nhất châu Âu chuyên về xây dựng bất động sản công nghiệp. Theo đó, từ 2019, Honda đã lên lịch trình đóng cửa nhà máy lắp ráp xe ở Swindon, một phần trong chiến lược tái cơ cấu toàn cầu của hãng xe này. Nhà máy này hiện đang trong giai đoạn lắp ráp những chiếc Honda Civic cuối cùng, dự kiến ​​kết thúc vào tháng 7 tới. Honda sẽ ngừng hoạt động nhà máy sau khi quá trình sản xuất Civic hiện tại kết thúc và sẽ bàn giao nó cho Panattoni vào mùa xuân năm 2022. Honda Civic thế hệ tiếp theo sẽ được lắp ráp tại nhà máy ở Yorii (Nhật Bản) để được hưởng mức thuế bằng 0 và nâng cao hiệu suất khai thác nhà máy này.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Vertiv ra mắt Hệ thống UPS cỡ trung thế hệ tiếp theo cho các ứng dụng quan trọng ở Đông Nam Á, Úc và New Zealand