Tesla ra mắt taxi tự lái CyberCab tại Los Angeles

Nguyên bản taxi tự lái CyberCab của Tesla không có vô lăng và bàn đạp. Ảnh: Reuters

Tesla ra mắt mẫu xe taxi robot, hai cửa màu bạc được mong đợi từ lâu có tên CyberCab tại sự kiện We, Robot ở Los Angeles tối 10-10.

Đây là cột mốc quan trọng đối với hãng xe này khi đang tìm cách chuyển đổi khỏi ngành sản xuất xe thuần túy trong bối cảnh áp lực thuế quan gia tăng và sự cạnh tranh ngày càng tăng.

“Không có vô lăng hoặc bàn đạp. Tôi hy vọng mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp”, tỷ phú Elon Musk phát biểu tại sự kiện. Khách dự sự kiện được Musk mời lái thử một trong 50 chiếc xe không người lái, bao gồm 20 chiếc CyberCab và cả Model Y hoàn toàn tự động.

Musk cho biết CyberCab sẽ được bán với giá dưới 30.000 đô la và việc sản xuất sẽ bắt đầu “trước năm 2027”. Dù vậy, Musk nói rằng có vẻ “hơi lạc quan về khung thời gian”.

Quá trình thương mại hóa taxi tự hành gặp khó khăn

Việc Tesla tiết lộ kế hoạch xe taxi robot dự kiến ​​sẽ là chất xúc tác chính cho ngành công nghiệp xe tự hành đang phải vất vả thương mại hóa công nghệ mới. Nhưng cuộc đua dự kiến ​​sẽ nóng lên khi các hãng xe Trung Quốc tìm cách ra mắt dịch vụ taxi robot tại nước ngoài và giành thị phần của Tesla.

Hãng xe Mỹ cũng đã giới thiệu các nguyên mẫu của một xe buýt tự hành và robot hình người Optimus tại sự kiện We, Robot.

Riêng Musk cho biết phiên bản xe tự lái hoàn toàn, không cần giám sát của con người (FSD) sẽ có mặt trên đường phố Texas và California vào năm tới.

Tesla đã nghiên cứu công nghệ lái xe tự hành ngay từ những ngày đầu thành lập. Quá trình thương mại hóa công nghệ này trở nên cấp thiết hơn khi Tesla phải đối mặt với biên lợi nhuận giảm trong bối cảnh nhu cầu xe điện suy yếu, cạnh tranh gia tăng và thuế quan tại Mỹ và châu Âu đang bóp nghẹt lợi nhuận của hãng xe.

Tesla đã bốn lần báo giảm lợi nhuận theo quý liên tiếp, bao gồm cả quý 2-2024 gần đây.

Hồi đầu tháng 10-2024, mẫu xe nhỏ gọn Model 3 của Tesla không còn được bán trên trang web của hãng tại Mỹ.

CEO Dan Ives của hãng chứng khoán Wedbush Securities nói rằng Model 3 có giá khoảng 39.000 đô la và xe sử dụng pin lithium iron phosphate (LFP) có nguồn gốc từ Trung Quốc. Rõ ràng, mẫu xe này nằm trong tầm ngắm thuế quan gần đây của chính quyền Biden đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Chiếc Tesla có giá thấp nhất hiện có giá khoảng 42.500 đô la trước khi được khấu trừ thuế.

Chính quyền Biden đã áp thuế nhập khẩu 100% đối với xe điện và 25% đối với pin xe điện và khoáng sản quan trọng từ Trung Quốc.

“Một mặt, điều này bảo vệ các hãng xe Mỹ trước làn sóng xe điện giá rẻ của Trung Quốc tràn vào thị trường. Các hãng Mỹ sẽ gặp mối đe dọa cạnh tranh lớn từ BYD, Nio, Xpeng và các hãng khác. Tuy nhiên, công nghệ pin và linh kiện có nguồn gốc từ Trung Quốc trở thành mặt trận mới”, Ives nói.

Đối đầu công nghệ Mỹ – Trung vẫn tiếp diễn

Sự kiện We, Robot đã được phát trực tiếp trên mạng xã hội Trung Quốc, trở thành chủ đề thảo luận sôi nối trên Weibo và các nền tảng mạng xã hội ở Trung Quốc.

Nhưng địa chính trị có thể làm phức tạp bất kỳ nỗ lực nào của Tesla nhằm đưa taxi không người lái của mình đến nền kinh tế lớn nhất châu Á.

Hồi tháng 9, Bộ Thương mại Mỹ đã đề xuất lệnh cấm phần mềm xe tự hành của Trung Quốc ở cấp độ 3 trở lên, hay “tự động hóa có điều kiện”.

Hôm 8-10, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đã “bày tỏ mối quan ngại sâu sắc” về lệnh cấm được đề xuất trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo.

Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ không trả đũa bằng cách không phê duyệt hệ thống lái tự động hoàn toàn FSD của Tesla, vì hệ thống này được phân loại là Cấp độ 2. Bắc Kinh sẽ chủ yếu nhắm vào các xe có hệ thống tự lái Cấp độ 3 trở lên, một nhân vật am hiểu vấn đề nói với Nikkei Asia.

“Tuy vậy, taxi robot của Tesla là một trường hợp khác với FSD. Xe taxi robot liên quan đến việc thu thập dữ liệu nhiều hơn và nhạy cảm hơn. Tesla không có khả năng được phép vận hành dịch vụ xe taxi robot tại Trung Quốc trong thời gian tới”.

Ngay cả khi Tesla được bật đèn xanh để đưa xe taxi robot của mình vào Trung Quốc, Tesla sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các hãng đối thủ tại địa phương đã thử nghiệm và vận hành xe taxi robot trong nhiều năm qua.

Chẳng hạn, Apollo Go của Baidu hiện đang cung cấp dịch vụ xe taxi robot tại hơn 10 thành phố. Họ cung cấp các chuyến đi hoàn toàn không có tài xế tại Vũ Hán, Bắc Kinh, Trùng Khánh và Thâm Quyến, trong khi ở các địa điểm khác, xe taxi có tài xế an toàn. Trong quý 2, Apollo Go đã cung cấp 899.000 chuyến đi, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xe tự lái được phân thành sáu cấp độ:

  • Cấp độ O: Con người tự lái hoàn toàn.
  • Cấp độ 1: Xe được hỗ trợ một tính năng, người lái phải điều khiển hầu hết.
  • Cấp độ 2: Xe được hỗ trợ nhiều tính năng, tài xế phải luôn giám sát và sẵn sàng tiếp quản.
  • Cấp độ 3: Xe được tự động hóa nhiều hơn, nhưng cần có người ngồi sau tay lái, và người này phải sẵn sàng can thiệp nếu cần.
  • Cấp độ 4: Xe hoạt động trong khu vực địa hình xác định trước, người lái có thể can thiệp trong một số tình huống, và khả năng xử lý tình huống của xe rất cao.
  • Cấp độ 5: Xe tự lái ở mọi địa hình, khả năng xử lý tình huống của xe là hoàn hảo.

Theo Nikkei Asia, Synopsys

Ricky Hồ / BSA Media

Sở chứng khoán Tokyo hỗ trợ kỳ lân châu Á lên sàn