TGĐ công nghệ Uber toàn cầu Thuận Phạm: “Làm việc chăm chỉ, đừng trông chờ vào bất kỳ ai”

740
Mới đây, Thuận Phạm đã tới Việt Nam và có buổi nói chuyện, gặp gỡ với sinh viên cũng như cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam.

Tổng giám đốc Công nghệ Uber toàn cầu Thuận Phạm khuyên các bạn trẻ Việt Nam muốn khởi nghiệp, đừng trông chờ vào bất kỳ ai ngoài chính bản thân mình. Ngoài ra, không nên nghĩ quá nhiều về con đường khởi nghiệp bởi bạn không thể biết con đường đó là gì.

Không phải ai cũng biết, đằng sau sự thành công của Uber có dấu ấn rất lớn của một người Việt. Ông chính là Thuận Phạm, CTO (Chief Technology Officer) Uber hay Tổng giám đốc công nghệ của Uber toàn cầu. Với một doanh nghiệp công nghệ như Uber thì công nghệ chính là xương sống, là nền tảng của mọi dịch vụ. Chính vì thế, vị thế của vị giám đốc công nghệ người Việt tại Uber là không phải bàn cãi.

Mới đây, Thuận Phạm đã tới Việt Nam và có buổi nói chuyện, gặp gỡ với sinh viên cũng như cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam.

Làm việc chăm chỉ

Trở thành Tổng giám đốc Công nghệ của startup có giá trị nhất thế giới (cao điểm lên tới 68 tỷ USD), câu chuyện riêng của Thuận Phạm cũng nhiều màu sắc không kém gì chính Uber.
Ông Thuận Phạm tự mô tả mình “là một người bình thường nhưng nhờ làm việc chăm chỉ và may mắn mà có được thành công” tại một startup công nghệ có giá trị nhất nhì thế giới.

Về lời khuyên dành cho các startup, ông Thuận nói rằng để startup thành công, trước tiên là phải sẵn sàng vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Muốn phát triển nhanh, phải chấp nhận sai lầm và vượt qua sai lầm một cách nhanh chóng.

“Trong giai đoạn đầu, hãy tìm ra vấn đề của xã hội mà mình có thể giải quyết và làm việc đó tốt nhất. Các bạn trẻ khởi nghiệp không nên quá lo lắng hay tập trung vào việc gọi vốn mà nên dốc toàn lực vào việc giải quyết những vấn đề mà trước đó chưa ai làm được”, ông chia sẻ.

Theo Thuận Phạm, điều quan trọng nhất đối với một startup là dám thử những điều mới, không chờ đợi và dám đón nhận mọi vấn đề, kể cả thất bại, để rút ra bài học và tiếp tục tiến lên.

Đi đôi với việc thử làm mới, Tổng giám đốc Công nghệ của Uber cũng khuyên các startup tại Việt Nam tập trung vào phát triển sản phẩm và giải quyết được những nhu cầu của xã hội càng sớm càng tốt.

“Đừng nghĩ rằng lập startup vì có trong tay vài công nghệ gì to bự, hãy khởi nghiệp khi bạn cảm thấy cần phải giải quyết một vấn đề nào đó. Nếu làm tốt, người dùng sẽ truyền tai nhau ủng hộ và sẽ có người đầu tư cho công ty của bạn. Ngoài ý chí muốn làm điều đó, cần có tinh thần không e ngại thất bại”, ông Thuận nhấn mạnh.

Thuận Phạm nói rằng có rất nhiều nhà đầu tư ở ngoài kia, họ đang cần những ý tưởng tốt, khả thi và phù hợp với nhu cầu thị trường. Nếu bạn có những cái đó, tiền sẽ tự động chảy vào.

Đừng nghĩ quá nhiều

“Lời khuyên của tôi là không nên nghĩ quá nhiều về con đường khởi nghiệp vì bạn không thể biết con đường đó là gì. Trước đây 25-30 năm, khi mới tốt nghiệp, tôi hoàn toàn không biết rằng mình sẽ như bây giờ. Cách đây 4 năm, khi tôi mới gia nhập Uber, nếu cứ tính toán quá nhiều thì tôi cũng sẽ không làm được gì”, ông chia sẻ.

Ngoài ra, người đàn ông này cũng khuyên các bạn trẻ Việt Nam muốn khởi nghiệp thì “đừng trông chờ vào bất kỳ ai ngoài chính bản thân mình”.

“Startup ở Mỹ hay bất kỳ nơi đâu trên thế giới cũng vậy, không ai dựa vào Chính phủ. Đó là chuyện kinh doanh. Chính phủ không cần thiết đầu tư cho startup vì nó quá rủi ro mà chỉ tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho mọi doanh nghiệp”, ông nói thêm.

Đây là điều kiện, cơ sở để giúp các doanh nghiệp cạnh tranh dựa trên ý tưởng, chất lượng hàng hóa và dịch vụ của họ. Những doanh nghiệp nào có ý tưởng tốt, chất lượng sản phẩm đứng đầu thì sẽ vươn lên và thành công. Ngược lại, những doanh nghiệp không có chất lượng tốt sẽ bị đào thải bởi thị trường.

Các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp công nghệ nói riêng tồn tại là để giải quyết nhu cầu của xã hội. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp công nghệ. Những doanh nghiệp này phải có lý do tồn tại rõ ràng chứ không phải sinh ra chỉ để sinh ra.

Khi được hỏi về cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang được xem như một xu hướng phát triển tại Việt Nam, ông Thuận Phạm cho rằng, bản chất của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 là sự thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Chính phủ có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Với các doanh nghiệp công nghệ, chúng ta phải tìm cách gia tăng giá trị hơn nữa với các sản phẩm và dịch vụ của mình. Đồng thời, làm mới sản phẩm dịch vụ của mình để nâng cao chất lượng và mở rộng dịch vụ.

Nói tóm lại, đối với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tạo ra sự đổi mới và tiến bộ. Đặc biệt phải tạo ra giá trị và đem lại dịch vụ tốt hơn cho khách hàng.

Về lời khuyên dành cho các startup, ông Thuận nói rằng để startup thành công, trước tiên là phải sẵn sàng vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Muốn phát triển nhanh, phải chấp nhận sai lầm và vượt qua sai lầm một cách nhanh chóng.

Diệu Phan


1.200 người xử lý hơn 30.000 chuyến đi mỗi ngày

Phạm Thuận cùng mẹ đã rời khỏi Việt Nam vào những ngày ngày cuối năm 1979, khi ông vừa lên 10 tuổi. Đến Mỹ, việc đầu tiên ông nghĩ là học, phải học để thoát nghèo và nó là con đường duy nhất lúc ấy.

Ông đã trải qua nhiều vất vả trên quãng đường mưu sinh trước khi được nhận vào khoa máy tính tại Đại học MIT danh giá hàng đầu nước Mỹ. Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc ở những cương vị quan trọng tại nhiều công ty công nghệ hàng đầu ở thung lũng Sillicon như Silicon Graphics, DoubleClick, VMware… Trước đó, để có tiền học và sinh hoạt, vào các ngày cuối tuần, ông làm việc cho cửa hàng rửa xe trong thành phố đến 16 giờ mỗi ngày.

Năm 2013, Uber cần tìm kiếm một người giàu kinh nghiệm để hỗ trợ quản lý công nghệ cho Uber. Thông qua những người bạn, CEO của Uber là Travis Kalanick biết về Thuận Phạm. Và sau một cuộc phỏng vấn 2 tuần ròng rã với tổng thời gian lên đến 30 giờ đồng hồ, Thuận Phạm đã chính thức trở thành Giám đốc Công nghệ của Uber toàn cầu.

Dưới sự chèo lái của CTO Thuận Phạm, sau 4 năm gắn bó, Thuận Phạm đã phát triển đội ngũ kỹ thuật của Uber từ 40 người lên 1.200 người và vận hành nền tảng xử lý hơn 30.000 chuyến đi mỗi ngày cho hàng triệu người tại 450 thành phố trên toàn thế giới.

Khi nhắc về những ngày tháng lênh đênh để mưu sinh, Thuận Phạm chia sẻ ông không đầu hàng hoàn cảnh mà rất rất bình tĩnh. “Nó cũng như cuộc hành trình của một startup. Ngay cả khi bạn mất tất cả trong một ngày, bạn vẫn có thể xây dựng lại tất cả nếu giữ được sự bình tĩnh”.

10 kỹ sư Việt đang làm việc tại Uber

Vị Tổng giám đốc công nghệ Uber toàn cầu cũng chia sẻ rằng, trong bộ phận kỹ thuật của Uber hiện nay có khoảng hơn 10 kỹ sư người Việt. Đây đều là những người lao động có tay nghề cao. Uber đánh giá các kỹ sư bằng ba tiêu chí là kinh nghiệm, năng lực và giá trị mà các kỹ sư này đem lại cho công ty.

Chia sẻ về nhóm kỹ sư người Việt đang làm việc cho Uber, ông Thuận Phạm đặc biệt tự hào với một nữ kỹ sư người Việt đã và đang leo lên rất nhanh trong bậc thang của các kỹ sư làm việc tại Uber.