Thái Lan đương đầu với cú đúp thâm hụt thanh toán vãng lai và đồng baht trượt giá

297
Đồng baht đã mất 10,3% giá trị trong năm nay và chạm đáy sâu nhất trong 3 năm qua. Dự kiến, đồng tiền này sẽ tiếp tục trượt và chạm đáy vực sâu nhất kế từ năm 2000. Ảnh: Bangkok Post
Tiêu điểm:

Thái Lan đương đầu với cú đúp thâm hụt thanh toán vãng lai và đồng baht trượt giá

Thái Lan đang tiến gần đến tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai, vốn rất hiếm hoi, vào cuối năm nay khi mất đi nguồn thu hàng tỉ đô la từ du lịch. Điều này cũng tạo thêm áp lực cho đồng baht đang yếu đi vốn đang nằm trong danh sách theo dõi “lũng đoạn tiền tệ” của chính phủ Mỹ.
Khả năng trượt đáy lớn nhất kể từ năm 2000
Nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á có thể thâm hụt thanh toán đến 10,3 tỉ đô la, tương đương 2% GDP, kể từ lần thâm hụt đầu tiên vào năm 2013 – theo ước đoán của Hội đồng phát triển và kinh tế quốc gia (NEDC).
Đồng baht đang là loại tiền tệ chính ở châu Á có sức khỏe suy sụp mạnh nhất trong năm qua. Sự suy yếu này cho thấy sức tàn phá của Covid đến nền kinh tế Thái Lan. Sự biến mất của gần 40 triệu du khách do các tác động của dịch cũng khiến 60 tỉ đô la doanh thu của ngành này bốc hơi.
“Triển vọng tăng trưởng kém, đặc biệt bởi sự phụ thuộc lớn vào ngành du lịch, đã tác động đến tâm lý của mọi người đối với đồng baht. Rất là bình thường khi thấy thặng dư cán cân thanh toán trở thành thâm hụt tài khoản vãng lai trong những tháng gần đây, làm triệt tiêu sự hỗ trợ cho đồng tiền này”, theo đánh giá của Dhiraj Nim, chiến lược gia về thị trường hối đoái của ngân hàng Australia & New Zealand Banking Group.
Đồng baht đã trượt mất 10,3% giá trị trong năm nay và xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua và đang trên đà trượt xuống đáy thấp nhất kể từ năm 2000, theo các dữ liệu do Bloomberg tổng hợp. Hội đồng chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) nhận định: “Đồng baht giờ đây luôn “trữ” trong mình tính rủi và thiệt hại do những yếu tố nội tại của nền kinh tế”.
Triển vọng kinh tế ngày càng xấu đi và dịch càng lan mạnh khiến nhà đầu tư đã rút hơn 3,34 tỉ đô la ra khỏi thị trường chứng khoán Thái Lan, khiến đồng tiền càng bị thêm nhiều sức ép. BoT đã giảm bớt 0,7% dự báo tăng trưởng của GDP và Thống đốc BoT Sethaput Suthiwartnarueput trong tuần đã kêu gọi chính phủ chi thêm 1.000 tỉ baht, gần 30 tỉ đô la, cho gói cứu trợ nhằm vực dậy nền kinh tế đang hụt hơi.
Con đường hồi phục đầy gập ghềnh
Ngân Standard Chartered Bank dự báo nền kinh tế Thái Lan tiếp tục tăng trưởng năm thứ hai liên tiếp bởi quá trình hồi phục “lúc trồi lúc lặn”. Trong khi đó, Nomumar Holdings cho rằng thâm hụt tài khoản vãng lai sẽ kéo dài ít nhất là đến quí 2-2022. Cả hai ngân hàng này mong đợi rằng BoT sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9 tới.
Nomura dự báo rằng đồng baht tiếp tục xuống tỉ giá 34 baht ăn 1 đô la trong tương lai gần, trong bối cảnh ngân hàng trung ương có thể hạ lãi suất và thâm hụt thanh toán càng nhiều hơn do triển vọng rất yếu của ngành du lịch – nhóm chuyên gia do hai nhà kinh tế hàng đầu Charnon Boonnuch và Euben Paracuelles của Nomura viết trong báo cáo tuần này.
Nomura cũng cho rằng thâm thủng tài khóa sẽ tăng từ 6,4% lên 10,1% trong năm tài khóa năm nay kết thúc vào tháng 9-2021 bởi thu ngân sách kém và vay mượn của chính phủ tăng để tung ra các gói cứu trợ kinh tế. Tỉ lệ nợ công trên GDP có thể tăng chạm mức 70% trong tháng 9 tới do các khoản vay ngày càng lớn.
Đồng baht cũng có thể phải đương đầu với các nguy cơ từ biến động thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt là khi Quĩ Dự trữ Liên bang (Fed) có khuynh hướng tiến gần hơn đến chính sách siết chặt quản lý tiền tệ – nhà kinh tế Nim của ANZ nhận định. “Hạ thấp số ca nhiễm có thể đảo ngược được tình thế của đồng tiền này”, ông nói.
Xuất khẩu Thái Lan đã tăng 20,27% trong tháng 7 rồi, so với cùng kỳ năm ngoái sau khi đã tăng kỷ lục 43,8% trong tháng 6 trước đó. Trong thông cáo hôm 23-8, Bộ trưởng Thương mại Jurin Laksanawisit mức tăng này vượt mức mong đợi, nhưng đợt dịch mới nhất tại Thái Lan sẽ ảnh hưởng đến các đơn hàng giao trong hai tháng 8 và 9-2021. Trước đó, hãng Reuters chỉ dự báo xuất khẩu Thái Lan chỉ tăng 19,7% trong tháng 7-2021. Các số liệu của Bộ Thương mại cho thấy xuất khẩu đã tăng 16,2% trong 7 tháng đầu năm, trong khi nhập khẩu tăng 28,7%. Tuy vậy, Thái Lan vẫn có mức thặng dư mậu dịch đến 2,6 tỉ đô la trong bảy tháng.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,45 – 57,15 triệu đồng/lượng, không đổi so với cuối tuần trước, chênh lệch giá hai đầu vẫn 700.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.785,6 USD/ounce, tăng nhẹ 4,9 USD, tương đương 0,28% so với chốt phiên trước. Theo giới phân tích, thị trường vàng đang bị tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau như nền kinh tế toàn cầu đối mặt với lạm phát gia tăng và sự phục hồi chậm lại do đại dịch Covid-19.
2/ Infographic: Du lịch quốc tế tồi tệ hơn trong đầu năm 2021
3/ Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tôm là mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của thủy sản. Theo đó, 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu tôm đạt 2,2 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ, các thị trường chính như CPTPP, Mỹ, EU đều tăng hai con số từ 15% đến 34% (trừ Trung Quốc). Tuy nhiên, thành quả này khó có thể đạt được quý cuối năm vì tới nay, nhiều nhà máy chế biến tôm đã giảm công suất hoặc dừng hoạt động để phòng chống dịch bệnh đúng lúc đón nhận tín hiệu tốt từ nhiều thị trường nhập khẩu. Được biết, Mỹ là thị trường nhập khẩu đơn lẻ lớn nhất của tôm Việt Nam với nhu cầu nhập khẩu khá ổn định kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Hơn thế nữa, tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ ngày càng cạnh tranh tốt hơn khi Ấn Độ (nguồn cung tôm lớn nhất của Mỹ) gặp nhiều rào cản do dịch bệnh gây ra trong thời gian qua.
4/ Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), nhập khẩu hạt điều vào Thụy Sĩ liên tục tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2020, trong đó, hạt điều nhập từ Việt Nam có mức tăng trưởng cao. Theo đó, nhập khẩu hạt điều của Thụy Sĩ từ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 777 tấn, trị giá 6,52 triệu USD, tăng 40,4% về lượng và tăng 35,6% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2020. Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Thụy Sĩ tăng từ 38,58% trong 6 tháng đầu năm 2020 lên 53,16% trong 6 tháng đầu năm 2021. Như vậy, hạt điều Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh lớn tại thị trường Thụy Sĩ. Trong nửa đầu năm 2021, Thụy Sĩ đã tăng nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam, Bờ Biển Ngà, Benin, nhưng giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, Hà Lan.
5/ Hãng chế tạo máy bay Boeing hôm 23-8 đã thông báo lập văn phòng đại diện mới tại Hà Nội (Việt Nam) và Jakarta (Indonesia). Theo đó, đây là văn phòng đại diện đầu tiên của Boeing tại Việt Nam. Mặc dù Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng Boeing vẫn tin tưởng sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam. Việc mở văn phòng tại Hà Nội là khẳng định cam kết của Boeing trong đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật cho ngành hàng không Việt Nam.  Ngoài ra, Sự có mặt của Boeing tại Indonesia và Việt Nam góp phần giúp tập đoàn này đạt các mục tiêu tăng trưởng trong mảng kinh doanh máy bay thương mại, quốc phòng và dịch vụ.
6/ Tập đoàn Vingroup cho biết Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh VinFast và Gotion High-Tech Co., Ltd. (Trung Quốc), một trong những tên tuổi hàng đầu thế giới trong lĩnh vực năng lượng sạch, đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác. Theo thỏa thuận, VinFast và Gotion High-Tech sẽ cùng triển khai nghiên cứu, phát triển, sản xuất pin LFP và nghiên cứu kế hoạch xây dựng nhà máy Giga sản xuất pin LFP đầu tiên tại Việt Nam. Gotion High-Tech là doanh nghiệp sở hữu hàng ngàn bằng sáng chế và ứng dụng công nghệ được cấp phép. Được biết, pin LFP hiện là công nghệ pin phổ biến nhất trên thị trường xe điện toàn cầu, với điểm vượt trội về độ an toàn, tuổi thọ cao, không sử dụng các nguyên liệu hiếm, có nguồn cung hạn hẹp hay phải khai thác trong điều kiện chưa đảm bảo về an toàn lao động, gây tác động môi trường.
7/ Chính phủ Ấn Độ đã hạ thuế nhập khẩu cơ bản dầu đậu nành và dầu hướng dương thô và tinh chế từ 15% xuống 7,5%, khi quốc gia tiêu thụ dầu thực vật nhiều nhất thế giới nỗ lực hạ nhiệt giá cả đã tăng lên gần mức cao kỷ lục. Theo đó, việc giảm thuế có thể tăng lượng nhập khẩu các loại dầu trên trong tháng 9, dù không thể gia tăng mạnh khi việc giảm thuế chỉ được áp dụng trong thời gian ngắn, đến ngày 30-9. Được biết, Ấn Độ chủ yếu nhập dầu đậu nành và dầu hướng dương từ Argentina, Brazil, Ukraine và Nga; và có thể đáp ứng hơn 2/3 nhu cầu dầu ăn thông qua nhập khẩu nhưng lại đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát đà tăng giá ở trong nước trong vài tháng qua. Sau khi giảm thuế, dầu đậu nành và dầu hướng dương nhập khẩu sẽ chịu mức tổng mức thuế là 30,25%, trong đó bao gồm thuế nhập khẩu cơ bản 7,5% và các loại thuế khác.
Ảnh minh họa: Internet
8/ Ngày 23/8, Chính phủ Nhật Bản cho biết nước này sẽ bắt buộc các doanh nghiệp phải giảm 12 loại sản phẩm bằng nhựa dùng một lần từ tháng 4-2022 nhằm thúc đẩy các sản phẩm tái chế và giải quyết vấn đề ô nhiễm biển. Động thái này căn cứ vào một đạo luật vừa có hiệu lực từ tháng 6 nhằm cắt giảm rác thải nhựa tại các nhà hàng và cửa hàng bán lẻ. Các chủ doanh nghiệp phải có thể chọn biện pháp thực hiện, trong đó có việc chấp nhận đóng phí khi sử dụng các loại sản phẩm trên và chuyển đổi sang các sản phẩm tái chế. Ngoài ra, các chủ doanh nghiệp cũng sẽ được đề nghị triển khai các hình thức như tặng điểm cho những khách hàng từ chối sử dụng những món đồ gây ô nhiễm môi trường nói trên, và biến việc hỏi khách hàng xem có cần sử dụng đồ nhựa hay không thành câu hỏi chuẩn khi tiếp khách.
9/ PayPal cho biết hôm 23-8 rằng trong tuần này sẽ bắt đầu cho phép người dùng ở Vương quốc Anh mua, sở hữu và bán tiền kỹ thuật số thông qua nền tảng thanh toán trực tuyến này lần đầu tiên. Theo đó, công ty thanh toán trực tuyến của Mỹ này sẽ cho phép các khách hàng ở Anh lựa chọn từ bốn loại tiền số, bao gồm Bitcoin, Ethereum, Litecoin và Bitcoin Cash. Các loại tiền này sẽ có mặt trên cả ứng dụng và trang web của PayPal, dự kiến bắt đầu trong tuần này, và tất cả khách hàng đủ điều kiện đều có thể sử dụng dịch vụ tiền số nói trên trong vài tuần tới. PayPal cho biết một phần về tiền số sẽ được bổ sung vào nền tảng này, hiển thị giá các đồng tiền trong thời gian thực. Trước đó, hồi tháng 4, Venmo, dịch vụ thanh toán di động thuộc sở hữu của PayPal, đã bắt đầu cho phép người dùng ở Mỹ mua, nắm giữ và bán tiền số thông qua ứng dụng này.
10/ Theo Hiệp hội Bảo hiểm Trung Quốc, chính phủ dự tính sẽ thành lập công ty hưu trí quốc gia vốn điều lệ gần 11,2 tỷ NDT (1,72 tỷ USD) giữa bối cảnh dân số nước này đang già hoá nhanh. Theo đó, 17 tổ chức tài chính sẽ góp cổ phần vào công ty này. Trong đó, bộ phận quản lý tài sản của nhóm 5 ngân hàng lớn nhất nước, mỗi đơn vị sẽ đóng góp 1 tỷ NDT, tương đương 8,97% cổ phần. Ngoài ra, công ty môi giới lớn nhất Trung Quốc – Citic Securities, Taikang Life Insurance; và công ty đầu tư thuộc Uỷ ban Giám sát và Quản lý tài sản Nhà nước cũng sẽ tham gia. Trung Quốc hiện sắp sửa phải đối mặt với cuộc khủng hoảng hưu trí khi tốc độ già hoá dân số tại nước này tăng, trong khi đó, nhóm người trong độ tuổi lao động cùng tỷ lệ sinh giảm, theo kết quả điều tra dân số 10 năm công bố một lần hồi tháng 5.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
NTJ dẫn đầu xu hướng với bộ sưu tập mới