Thái Lan mở cửa với thế giới bên ngoài với khung thử nghiệm Phuket Sandbox

544
Máy bay của hãng Silk Air đang đáp xuống sân bay quốc tế Phuket. Các hãng hàng không Đông Nam Á và quốc tế đã nhanh chóng nối liệu nhiều chuyến bay hay mở đường bay mới đến hòn đảo nghỉ dưỡng này từ ngày 1/7/2021. Ảnh: Manly Miles
Tiêu điểm:

Thái Lan mở cửa với thế giới bên ngoài với khung thử nghiệm Phuket Sandbox

Du khách các nước đang đếm ngược thời gian đến ngày 1/7 tới khi khung thử nghiệm Phuket (Phuket Sandbox) bắt đầu có hiệu lực, cho phép người nước ngoài đã tiêm ngừa vaccine đầy đủ được phép nhập cảnh Thái Lan. Tín hiệu lạc quan ban đầu từ cơ chế thử nghiệm Phuket đã khiến các địa phương khác ở Thái Lan thúc giục chính phủ trung ương sớm mở cửa các hòn đảo nghỉ dưỡng có điều kiện tương tự như Phuket.
Sau nhiều nỗ lực trầy trật và nhiều phép thử khác nhau để mở cửa biên giới và hồi phục kinh tế, cuối cùng Thái Lan cũng chạm đến sự kiện quan trọng này: chính thức mở cửa với thế giới sau gần 18 tháng đóng cửa biên giới và vật lộn với dịch bệnh.
Khung thử nghiệm Phuket có sự đóng góp của cả chính quyền trung ương lẫn địa phương và cộng đồng doanh nghiệp Phuket. Hồi đầu năm, các hiệp hội khách sạn và lữ hành hoạt động tại Phuket đã từng đề xuất tự đóng góp để mua vaccine tiêm cho toàn bộ dân số khoảng 450.000 người. Doanh nghiệp Phuket hy vọng việc đạt được miễn dịch cộng đồng sớm sẽ giúp quá trình hồi phục nền kinh tế của hòn đảo nhanh hơn. Tuy nhiên, chính phủ trung ương đã hành động sớm hơn ngoài mong đợi với việc uy tiên nguồn vaccine Thái Lan có được cho cư dân tại hòn đảo.
Hiện chính phủ Thái Lan chỉ công nhận bốn loại vaccine: Pfizer, Moderna, AstraZeneca và Sinovac. Khách được phép nhập cảnh tại sân bay và bến tàu ở Phuket nếu có giấy chứng nhận đã tiêm đầy đủ một trong các loại vaccine trên và có xét nghiệm Covid-19 âm tính. Du khách được miễn cách ly, nhưng sẽ phải lưu lại tại Phuket trong 14 ngày mới có thể đi sang các địa phương khác.
Sau Phuket, đảo Koh Samui ở tỉnh Surat Thani cũng sẽ mở cửa đón khách quốc tế từ ngày 15/7 theo khung thử nghiệm tương tự có tên là “Samui Plus”.
Trong khung này, nếu khách chỉ đến chơi từ 1-3 ngày, họ phải ở tại khách sạn, được phép rời phòng và sử dụng các tiện nghi của nơi lưu trú. Nếu ở lâu đến 4-7 ngày, du khách có thể đi du lịch khắp đảo Koh Samui. Nếu ở trên 8 ngày, khách có thể đến thăm đảo Koh Phangan và Koh Tao.
Sau khi Phuket tuyên bố mở cửa từ đầu tháng 7, hơn 10 hãng hàng không Đông Nam Á và thế giới đã nối lại các chuyến bay đến hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng này. Hãng Air France – KLM nói sẽ mở thêm tuyến bay mới Amsterdam – Phuket từ tháng 10 năm nay đến tháng 3 năm sau để chuẩn bị đón dòng khách đi nghỉ đông từ châu Âu.
Các địa phương khác cũng quyết ganh đua với Phuket. Tám hiệp hội du lịch hàng đầu của Thái Lan đã đưa ra kế hoạch “Hành trình du lịch khép kín” nhằm giúp thành phố Pattaya có thể đón khách từ ngày 1/8. Tuy vậy, Koh Larn – hòn đảo gần 6km2 ở ngoài khơi Pattaya, thuộc địa giới của tỉnh Chon Buri – dự định sẽ đón khách sớm hơn, có thể song song với Samui Plus.
Thành công của Phuket Sandbox sẽ giúp tiến trình mở cửa và tái hòa nhập với thế giới tại 10 địa phương khắp Thái Lan sẽ diễn ra nhanh hơn. Chính phủ Thái Lan tuần rồi đã tuyên bố rằng sẽ mở cửa hoàn toàn đất nước cho du khách đã tiêm vaccine từ giữa tháng 10 tới, sau khi chính phủ đã đảm bảo được nguồn cung vaccine .
Việt Nam trong tuần rồi cũng thành lập nhóm nghiên cứu Phú Quốc Sandbox theo mô hình học hỏi từ Phuket Sandbox: tạo khung thử nghiệm để đảo Phú Quốc là nơi đầu tiên của Việt Nam mở cửa đón du khách quốc tế và dùng Phú Quốc Sandbox làm mô hình mở cửa cho các tỉnh thành khác.

Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng hiện đang ở mức 56,5 – 57,1 triệu đồng/lượng, tăng thêm 300.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào – bán ra. Chênh lệch hai đầu vẫn giữ mức 600.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.786,5 USD/ounce, tăng tới 22,7 USD, tương đương 1,29% so với chốt phiên trước.
2/ Sau khi các nhà máy sản xuất phân bón Việt đáp ứng thừa nhu cầu tiêu thụ trong nước đã bắt đầu chinh phục thị trường xuất khẩu. Sau hơn 8 năm tham gia thị trường, thì đây là lần đầu tiên xuất khẩu phân bón của Việt Nam đạt khối lượng và kim ngạch cao nhất. Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải Quan, tính từ đầu năm đến ngày 15/6, xuất khẩu phân bón đạt 615.710 tấn, với 212,867 triệu USD, tăng 49% về lượng và tăng 1,76 lần về trị giá. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử xuất khẩu phân bón đạt con số cao kỷ lục như vậy. Các loại phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia và chiếm 37% trong tổng lượng và 39% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Sản phẩm Đạm Cà Mau. Ảnh: BizLive
3/ CTCP Phúc Long Heritage, đơn vị sở hữu chuỗi Phúc Long Coffee & Tea vừa thông báo sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại Mỹ. Cửa hàng sẽ mở cửa trong tháng 7 tại khu vực Garden Grove, California (Mỹ). Tuy nhiên, Phúc Long hiện vẫn chưa nêu rõ thời gian và địa điểm cụ thể của cửa hàng tại Mỹ. Garden Grove là nơi cư ngụ của nhiều người Mỹ gốc Việt với trung tâm dọc theo Đại lộ Garden Grove ở phía tây Đường Brookhurst. Theo Điều tra Dân số Hoa Kỳ năm 2010, tổng số người gốc Việt tại đây vào khoảng 47.300 người, chiếm gần 28% tổng dân số. Phúc Long không phải là đơn vị đầu tiên có kế hoạch tiến vào thị trường Mỹ. Trước đó, trong năm 2018, chuỗi trà sữa BoBaPop đã mở cửa hàng tại thành phố Gaithersburg. Đến năm 2019, thương hiệu này thông báo mở cửa hàng thứ hai tại Los Angeles.
4/ Vietnam Airlines cho biết, gói hỗ trợ tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng đã hoàn tất toàn bộ thủ tục pháp lý cần thiết và dự kiến có thể giải ngân vào đầu tháng 7/2021, với điều kiện hãng này vẫn phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp tự thân và đàm phán với các nhà cung ứng để ứng phó với đại dịch Covid-19. Được biết, phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với quy mô 8.000 tỷ đồng đang được triển khai các bước cần thiết theo quy định. Vietnam Airlines cho biết dịch bệnh phức tạp và kéo dài đã ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng và trầm trọng thêm tình hình tài chính của hãng. Nếu không có các giải pháp quyết liệt và đồng bộ, Vietnam Airlines sẽ bị thua lỗ hơn 20.000 tỷ đồng. Dự kiến 6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines bị lỗ trên 10.000 tỷ đồng.
5/ Cục Quản lý lao động ngoài nước đã thống nhất với cơ quan chức năng Nhật Bản về việc áp dụng biện pháp xử lý đối với các tổ chức giám sát Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam có số lượng, tỷ lệ thực tập sinh bỏ trốn cao. Căn cứ trên số lượng và tỷ lệ thực tập sinh bỏ trốn trong các năm từ 2016 đến 2019, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người đi làm việc ở nước ngoài và các tổ chức giám sát Nhật Bản sẽ bị áp dụng biện pháp phòng chống thực tập sinh bỏ trốn, bao gồm Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thái Nguyên (Batimex); Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu 3-2 Hoà Bình (Hogamex); Công ty cổ phần ITC Quốc tế (International ITC); Công ty cổ phần xúc tiến đầu tư MH Việt Nam (MH Viet Nam). Theo thống kê trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 34.912 lao động đạt 38,79% kế hoạch năm 2021, trong đó Nhật Bản là thị trường có số lao động sang làm việc đông nhất với 18.355 người.
6/ Trong phiên đấu giá đặc biệt vừa qua tại thành phố Perth thuộc bang Tây Australia, 1kg vải tươi Việt Nam “thượng hạng” nhập khẩu được mua với giá lên tới 3.000 AUD (khoảng 53 triệu VND). Được biết, những quả vải này được tuyển chọn từ lô hàng 17 tấn vải tươi đầu tiên của vụ mùa 2021 vừa cập bến và phân phối tại bang Tây Australia, địa phương có nền kinh tế mạnh nhất của quốc gia. Năm nay dự kiến là một năm hứa hẹn đối với thị trường vải Việt Nam tại Australia. Chỉ tính riêng Công ty 4wayfresh, đơn vị nhập khẩu nông sản Việt Nam hàng đầu tại Australia, trong tuần này sẽ có thêm 1 container 40ft vải tươi cập cảng ở bang Tây Australia và 3 container nữa sẽ đến trong tổng thể kế hoạch nhập khẩu 100 tấn vải cho vụ mùa năm nay.
7/ Các ngân hàng Cuba đã chính thức áp dụng quy định được công bố trước đó 10 ngày về việc ngừng tiếp nhận tiền mặt gửi bằng đồng USD. Biện pháp này nhằm đối phó với lệnh cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính do Mỹ áp đặt chống lại đảo quốc Caribbean khiến hơn 1 năm qua hệ thống ngân hàng Cuba không thể thực hiện các giao dịch bằng USD với các ngân hàng quốc tế. Tuy nhiên, biện pháp này không áp dụng đối với các giao dịch bằng chuyển khoản hoặc tiền mặt của các loại tiền tệ khác và chỉ áp dụng đối với đồng USD. Được biết, thời hạn của biện pháp này sẽ phụ thuộc vào việc xóa bỏ các biện pháp trừng phạt đang ngăn cản hoạt động bình thường của các thủ tục xuất khẩu.
8/ Ngân hàng Trung ương Bồ Đào Nha mới đây đã cấp giấy phép hoạt động cho các sàn giao dịch tiền mã hóa địa phương. Đây là lần đầu tiên các sàn giao dịch được cấp phép hoạt động kể từ khi Bồ Đào Nha ban hành luật mới đầu năm 2021. Được biết, Bồ Đào Nha hiện là một trong những quốc gia châu Âu thân thiện với tiền mã hóa. Quốc gia này đã trở thành “thiên đường” đối với nhà đầu tư và giao dịch khi thu nhập từ tiền mã hóa không bị đánh thuế, trừ khi khoản này đến từ hoạt động kinh doanh chuyên nghiệp. Trong một tuyên bố chính thức, Ngân hàng Trung ương Bồ Đào Nha đã công nhận Criptoloja và Mind The Coin là “các nhà cung cấp dịch vụ tài sản số”.
Ảnh minh họa: Internet
9/ Bộ Nông nghiệp Brazil đã thừa nhận rằng nước này đang phải đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, khiến các nhà sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn trong việc gieo trồng và thu hoạch một số loại ngũ cốc, đặc biệt là ngô. Tình trạng hạn hán ảnh hưởng mạnh đến nông dân Brazil và tác động không nhỏ đến giá cả nông sản trên phạm vi toàn cầu do quốc gia Nam Mỹ này là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu thực phẩm lớn nhất thế giới. Theo dự báo của chính phủ Brazil, hạn hán sẽ khiến thu hoạch ngũ cốc trong niên vụ 2021-2022 sụt giảm khoảng 10 triệu tấn so với niên vụ trước đó, xuống còn 262 triệu tấn. Cây trồng bị ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là ngô với sản lượng dự kiến đạt 96,4 triệu tấn, giảm 6% so với niên vụ 2020-2021.
10/ Theo Nikkei, cuộc khủng hoảng thiếu tiền mặt hiện đang nổ ra ở Myanmar trong bối cảnh các ngân hàng siết chặt việc rút tiền kể từ sau cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 2, ảnh hưởng tới hoạt động của toàn bộ nền kinh tế. Tình trạng bế tắc này ít có khả năng sớm được giải quyết, bởi Ngân hàng Trung ương Myanmar không có ý định bơm tiền mặt ra thị trường, do lo ngại tình trạng lạm phát và người dân ồ ạt đổi sang USD. Dịch vụ ngân hàng tại Myanmar đã bị đình trệ xuất phát từ việc các đơn vị này tham gia phong trào phản đối cuộc binh biến hồi tháng 2. Người dân cũng như giới doanh nghiệp lúc này vẫn lo ngại rằng một khi đã gửi tiền mặt vào ngân hàng, họ sẽ không thể rút ra. Lo ngại này càng thúc đẩy người dân liên tục tìm cách rút tiền.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Màng bảo quản sinh học giúp nông sản Việt đi xa