Thái Lan nới lỏng các giới hạn để người dân và doanh nghiệp “sống chung với dịch” từ ngày 1-9-2021

336
Mở cửa các sân bay là một trong những giải pháp nằm trong chiến lược "Sống chung với COVID-19" của Chính phủ Thái Lan. Ảnh: Internet
Tiêu điểm:

Thái Lan nới lỏng các giới hạn để người dân và doanh nghiệp “sống chung với dịch” từ ngày 1-9-2021

Từ ngày mai 1-9, quán ăn, cửa hàng làm đẹp và cắt tóc tại Thái Lan sẽ được hoạt động trở lại, trong khi chính quyền cũng sẽ nới lỏng việc đi lại cho người dân và doanh nghiệp – theo Bangkok Post.
So với kế hoạch công bố trong tuần rồi, những thay đổi lần này là bước đi khá táo bạo đối với một đất nước từng thực hiện chính sách “không Covid” với các biện pháp truy vết và cách ly triệt để.  Với các thay đổi mới, những người có thu nhập thấp và hộ tự doanh có cơ hội sống còn qua dịch.
“Những biện pháp này sẽ giúp đất nước chuẩn bị dần trở lại bình thường mới để cùng chung sống với COVID-19”, người phát ngôn của Trung tâm quản lý tình hình dịch COVID-19 (CCSA) Thái Lan nói.
Đối với các quán ăn, nhà hàng, thực khách sẽ không cần phải tiêm ngừa đầy đủ hay xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 7 ngày để vào quán. Quy định này sẽ bắt buộc từ tháng 10-2021. Dù vậy, các hàng quán vẫn phải đảm bảo thông khí, giãn cách xã hội, cho nhân viên tiêm ngừa và xét nghiệm hằng tuần. Nhà hàng trong không gian kín chỉ đón 50% năng lực chứa khách, riêng nhà hàng ngoài trời thì 75%.
Trong khi đó, các cơ sở như làm đẹp, cắt tóc, massage chỉ hoạt động giới hạn và cung cấp một số dịch vụ như cắt tóc, massage chân. Những cơ sở khác như rạp phim, thể thao… vẫn chưa được mở cửa.
Các hạn chế đi lại giữa các tỉnh sẽ bãi bỏ, thậm chí giữa các tỉnh đang có dịch. Các hãng hàng không cũng được chở khách nội địa trở lại nhưng chỉ với 75% số ghế.
Việc tụ tập nơi công cộng sẽ bị hạn chế tối đa 25 người ở các vùng đỏ (vùng dịch nghiêm trọng) và cần chính quyền cho phép. Lệnh giới nghiêm vẫn áp dụng sau 9 giờ tối đến 4 giờ sáng. Người dân vẫn được yêu cầu làm từ xa đến ngày 14-9.
Các cửa khẩu biên giới với Lào, Campuchia, Myanmar và Malaysia cũng đang được xem xét và nới lỏng để các xe hàng được thông thương giữa các nước.
Thái Lan bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế sau khi số ca nhiễm mới giảm gần 30% trong những ngày qua. Từ con số trung bình trên 20.000 ca cách đây hai tuần, hôm 31-8 Bộ Y tế Thái Lan cho biết nước này ghi nhận thêm 14.666 ca bệnh mới sau 24 giờ, trong khi số ca hồi phục và xuất viện là 19.250. Số ca tử vong cũng giảm dần, trong ngày là 190.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,7 – 57,4 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng mỗi lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với hôm trước. Chênh lệch giá hai đầu vẫn giữ 700.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.813 USD/ounce, giảm 3,8USD, tương đương 0,21% so với chốt phiên trước.
2/ Infographic: Toàn cảnh kinh tế-xã hội Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2021
3/ Theo thông tin được lãnh đạo tỉnh Cà Mau chia sẻ tại diễn đàn nông sản 970 ngày 31/8, giá tôm, cá, mực tại khu vực Cà Mau hiện đang giảm 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Theo đó, đại dịch đã tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt khiến người nuôi tôm đang bị thua lỗ. Hiện tôm sú, thẻ chân trắng trong tỉnh được thu mua với giá từ 60.000-200.000 đồng một kg (tùy loại), giảm 20-30% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất tăng trung bình khoảng 10%. Được biết, trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có hơn 40 nhà máy chế biến thủy sản, với sản lượng tôm chế biến khoảng 150.000 tấn một năm. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp có đủ năng lực và đáp ứng mô hình sản xuất “3 tại chỗ” chỉ đáp ứng dưới 50%.
4/ Theo Beef Central (Brazil), chuyến tàu chở 14.000 con bò từ Brazil đã khởi hành và được kỳ vọng cập cảng Thị Vải Việt Nam vào cuối tháng 9. Được biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam nhập khẩu bò sống từ Brazil theo thỏa thuận xuất khẩu cấp chính phủ 2 nước. Beef Central cho biết, trong nhiều năm qua, Brazil đã có nhiều nỗ lực để có thể xuất khẩu gia súc sống của mình sang Việt Nam. Tuy nhiên, tại Việt Nam, bò nhập từ Brazil sẽ phải đối diện sự cạnh tranh gay gắt từ bò nhập Úc. Vì hiện bò Úc vào Việt Nam với thuế suất ưu đãi bằng 0 %, trong khi đó, bò Brazil phải chịu thuế nhập khẩu 5%. Trước đó, Việt Nam đã từng nhập khẩu thịt bò Brazil nhưng đến năm 2017 thì đã quyết đừng ngừng nhập vì phát hiện gian lận trong cấp giấy chứng nhận chất lượng thịt.
5/ Theo báo cáo tài chính hợp nhất mới công bố, Vietnam Airlines (HVN) đã ghi nhận lỗ lũy kế lên đến 17.772 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ và lần đầu tiên âm vốn chủ sở hữu hơn 2.750 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu thuần quý II vẫn tăng 9% lên gần 6.537 tỷ đồng, nhưng các chi phí cố định lớn đã khiến doanh nghiệp bị lỗ gộp hơn 3.497 tỷ, cao hơn mức lỗ 2.865 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Vietnam Airlines đã lý giải dịch Covid-19 là nguyên nhân tiếp tục gây ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp đến ngành hàng không toàn cầu. Tổng doanh thu của công ty mẹ giảm 26,5% so với cùng kỳ quý II/2020. Điểm sáng hiếm hoi là tiết giảm đáng kể chi phí bán hàng và chi phí tài chính.
6/ Theo báo cáo thị trường nhà ở TP. HCM của Savills Việt Nam cho thấy, làn sóng Covid-19 lần thứ tư đã và đang khiến nguồn cung căn hộ chào bán bị thu hẹp, giá vẫn neo cao. Theo đó, thị trường bất động sản Việt hiện đang bị phủ sóng bởi nhà trung – cao cấp và bất động sản hàng hiệu, dẫn tới nhiều sức ép cho thị trường ở phân khúc nhà giá thấp. Chung cư dưới 2 tỷ đồng một căn sẽ được nhiều người tìm mua song chiếm chưa đến 10% rổ hàng và sẽ tiếp tục hạn chế trong thời gian tới. Savills đánh giá, thị trường chung cư đang chứng kiến xu hướng nhà bình dân, giá rẻ ngày càng dạt ra xa trung tâm thành phố, thậm chí tiến về các địa bàn vệ tinh của TP. HCM. Trong vài năm tới, căn hộ bình dân có thể chỉ còn xuất hiện phổ biến tại khu vực dạt biên của TP. Thủ Đức và huyện Nhà Bè.
7/ Theo WSJ, hàng chục máy bay của hãng hàng không United Airlines (Mỹ) có nguy cơ bị ngừng bay cho đến đầu năm 2022, liên quan đến sự cố hỏng động cơ máy bay Boeing 777 của hãng này hồi tháng 2 vừa qua. United Airlines đã kỳ vọng được phép khai thác trở lại máy bay Boeing 777 vào mùa hè này, song điều này là không khả thi trong bối cảnh các nhà chức trách Mỹ đang cân nhắc nhiều yêu cầu mới đối với dòng Boeing 777 trang bị động cơ PW400. Trong khi đó, các nhà quản lý Mỹ có thể sẽ tiến hành thêm một cuộc kiểm tra về cánh động cơ máy bay và đề xuất một số điều chỉnh mới, qua đó tránh nguy cơ vỏ bọc động cơ máy bay bị rơi ra trong trường hợp cánh quạt bị gãy. United Airlines hiện là hãng hàng không Mỹ duy nhất khai thác máy bay Boeing dùng động cơ PW4000 và đang sở hữu 52 chiếc.
Máy bay Boeing 777 của hãng hàng không United Airlines. Ảnh: AFP
8/ Chính phủ Australia hiện đang xem xét việc thắt chặt quy định về dịch vụ ví điện tử của những gã khổng lồ công nghệ như Apple và Google. Theo đó, chính phủ nước này sẽ “xem xét cẩn thận” việc đưa ra các quy định và khuyến nghị mới, sau khi nhận báo cáo do chính phủ ủy quyền về việc tìm hiểu liệu hệ thống thanh toán nước này có bắt kịp với những tiến bộ công nghệ và những thay đổi trong nhu cầu của người dùng hay không. Được biết, các dịch vụ như Apple Pay, Google Pay và WeChat Pay của Trung Quốc, vốn đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, hiện không được chỉ định là hệ thống thanh toán của Australia, nên nằm ngoài hệ thống quản lý. Commonwealth Bank of Australia đã ước tính các giao dịch ví điện tử tăng hơn gấp đôi trong năm tài chính tính đến tháng 3/2021, lên 2,1 tỷ AUD và đã kêu gọi các nhà quản lý giải quyết “các vấn đề cạnh tranh” và các tác động an toàn của việc sử dụng ví điện tử.
9/ Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI), các công ty của nước này đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, giá nguyên liệu thô tăng và việc tăng lãi suất. Cuộc khảo sát đối với 310 công ty lớn và nhỏ cho thấy 81,6% cho rằng giá nguyên liệu đầu vào tăng là yếu tố hàng đầu gây khó khăn cho việc kinh doanh, 80,6% cho rằng do sự bùng phát trở lại của các ca mắc Covid-19 và 67,7% cho rằng lãi suất tăng. Trong khi đó, gần 48% các công ty được khảo sát cho rằng do ảnh hưởng biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường khác, 46,8% cho rằng do bất đồng thương mại Mỹ – Trung Quốc. KCCI cho biết các công ty có thể đã bị sụt giảm thu nhập mặc dù doanh thu tăng do chi phí nguyên vật liệu tăng. Nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này hiện cũng tiếp tục bị ảnh hưởng bởi diễn biến đáng quan ngại của đại dịch Covid-19 với trên 1.000 ca mắc mới hàng ngày trong 54 ngày liên tiếp.
10/ Chỉ còn vài tuần nữa iPhone 13 sẽ chính thức ra mắt nhưng các nhà máy Foxconn ở Trung Quốc, nơi sản xuất một nửa số iPhone cho toàn cầu, vẫn đang chật vật với tình trạng thiếu lao động. Theo đó, các nhà máy ở Trịnh Châu của Foxconn ở tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc, nơi sản xuất một nửa số iPhone trên thế giới, đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động lên tới 200.000 công nhân. Trong khi đó, iPhone 13 dự kiến ra mắt vào giữa tháng 9. Được biết, các nhà máy này đã công bố đợt tuyển dụng mới với mức thưởng cao kỷ lục. Đây được coi là đợt tuyển dụng lớn nhất từ trước đến nay kể từ khi dịch bệnh xảy ra chỉ vài tuần trước đợt dịch mới iPhone ra mắt vào tháng 9. Măm 2020, 27 nhà máy Foxconn tại Trung Quốc có khoảng 810.000 công nhân. Năm nay, con số này có thể sẽ tăng cao kỷ lục.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Đảm bảo chất lượng với các sản phẩm từ Thuận Nam