Thâm hụt ngân sách do phòng dịch ở Trung Quốc tăng ba lần

100
Thâm hụt ngân sách lớn của Trung Quốc, bao gồm cả thâm hụt của chính quyền trung ương và địa phương, đã lên đến mức 6.660 tỷ nhân dân tệ (944 tỷ USD) trong 10 tháng đầu năm, tăng gần gấp ba lần so với một năm trước – theo tính toán của CNN Business dựa trên dữ liệu từ Bộ Tài chính Trung Quốc.
Nhà kinh tế trưởng Zhao Wei của hãng chứng khoán Sinolink Securities, ước tính thâm hụt tài khóa nói chung của Trung Quốc có thể vượt mức 10.000 tỷ tệ (1.400 tỷ USD) trong năm 2022 này – mức lớn nhất trong lịch sử.
Trong những năm trước, chi tiêu của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc được hỗ trợ từ doanh thu bán đất, thường chiếm hơn 40% tổng thu ngân sách của họ. Nhưng đợt suy sụp của thị trường nhà ở đã làm giảm hẳn nguồn thu này. Trong 10 tháng đầu năm 2022, doanh số bán đất đã giảm 26% so với một năm trước đó.
Tài chính của chính quyền địa phương cũng đang căng thẳng do các nguồn thu thuế giảm trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế yếu và các biện pháp giảm thuế cho các doanh nghiệp.
Trung Quốc đã miễn giảm hơn 3.700 tỷ tệ (524 tỷ USD) tiền thuế cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 trong năm nay. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3% trong ba quý đầu năm.
Đồng thời, chi phí liên quan đến xét nghiệm Covid cũng là con số rất lớn. Dữ liệu chính thức cho thấy chi tiêu chăm sóc sức khỏe liên quan đến Covid-19 tăng 13%, lên 1.750 tỷ tệ (245 tỷ USD) trong 10 tháng đầu năm 2022, mức tăng lớn nhất trong tất cả các khoản chi tiêu của chính phủ.

Hàng triệu “đại bạch” bị mất việc

Chính sách zero Covid trao quyền cho đội ngũ nhân viên phòng chống dịch được người dân đại lục gọi là “đại bạch” (大白) với bộ đồ phòng hộ màu trắng, cồng kềnh. Từng được ca ngợi như những người hùng khi dịch bùng phát, giờ đây lực lượng “bạch vệ” này được xem là hình ảnh của kẻ xấu trong cuộc chiến không khoan nhượng trước Covid của Trung Quốc.
Các trạm kiểm soát dịch khắp Trung Quốc được gỡ bỏ, người dân vui mừng. Nhưng một vấn đề mới xuất hiện: hàng triệu đại bạch bị mất việc!
Sun Si làm việc tại một trạm kiểm dịch Covid-19 tại một thị trấn nhỏ ở Trung Quốc. Cô có được nguồn thu nhập ổn định trong khi các bạn sinh viên đồng trang lứa chật vật tìm việc trong đại dịch.
Nhưng cô và nhiều đồng nghiệp khác đã nhận quyết định nghỉ việc trong tuần rồi khi Bắc Kinh bắt đầu gỡ bỏ một số biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Sun, 21 tuổi, quê ở tỉnh An Huy, trần tình: “Chúng tôi rất ngạc nhiên khi người ta gỡ bỏ tất cả các trạm kiểm dịch địa phương cấp kỳ như vậy. Tất cả những người như tôi sẽ tìm việc làm mới. Hy vọng sẽ có nhiều công việc hơn khi mở cửa trở lại”.
Người dân ở Trung Quốc đang vui mừng với việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch hà khắc trước đây. Nhưng với những người kiếm được thu nhập khi làm đại bạch, các vụ sa thải hàng loạt có thể biến lực lượng tuyến đầu của thời chống dịch trở thành những nạn nhân mới.
“Tôi có thể quay lại Thượng Hải hoặc Hàng Châu để làm việc vì các biện pháp phòng Covid ở đó đã nới lỏng”, Qing Yun, một bà mẹ hai con làm việc cùng Sun tại trạm kiểm soát hiện đã đóng cửa, cho biết.
Không có số liệu chính thức về đội quân bạch vệ này – những người được tuyển dụng trong thời kỳ phòng dịch khắc nghiệt. Con số có thể lên đến nhiều triệu, nếu có thể nói là hàng chục triệu ở khoảng 38.000 thị trấn, huyện lỵ khắp Trung Quốc.
Ban đầu, các đại bạch này là các chuyên gia y tế hoặc sinh viên tình nguyện. Số lượng đội quân bạch vệ này ngày càng tăng vọt khi chính sách phòng chống dịch ngày càng siết chặt. Họ có thể là nhân viên cộng đồng, lính cứu hỏa, tài xế taxi, cảnh sát và nhân viên an ninh. Đội ngũ thực thi lệnh phong tỏa này cũng là đối tượng bị trút giận, bị mọi người ghê tởm.
Nhà phân tích chính trị Dan Macklin sống tại Thượng Hải nói rằng: “Hầu hết các đại bạch có được việc làm mới trong bối cảnh công ăn việc làm khan hiếm. Ngay từ đầu, họ miễn cưỡng trở thành đội ngũ thực thi chính sách zero Covid”.
Đối với một số người, đó là công việc bán thời gian. Nhưng với nhiều người, họ không có khoản thu nhập nào khác ngoài trợ cấp 150 – 800 nhân dân tệ (khoảng 500.000 – 2,7 triệu đồng) cho một ngày làm việc tại các chốt kiểm dịch. Tuy vậy, một số nói rằng chính quyền vẫn còn nợ tiền lương của họ bởi chi phí phòng chống Covid đã làm cạn kiệt ngân sách địa phương.
“Khoản thu nhập 150 tệ mỗi ngày là tốt với tôi và nhiều người khác khi phải làm nội trợ ở nhà hoặc đang thất nghiệp. Không có nhiều cơ hội kiếm thêm thu nhập giữa lúc dịch bệnh thế này”, Sun nói.
Một bác sĩ tại một bệnh viện công gần Thượng Hải cho biết giờ đây ông không cần phải đi thực hiện các xét nghiệm PCR hay phân phối các bộ test kit. “Có thêm thu nhập cũng tốt bởi tiền lương ở bệnh viện công không cao. Nhưng chúng tôi cũng cảm thấy nghề nghiệp của mình bị hạ thấp… Giờ đây thật nhẹ người khi chính phủ đã quyết định bỏ xét nghiệm PCR”.
Con dê tế thần?
Đại bạch từng được giao nhiệm vụ thực thi các mệnh lệnh luôn thay đổi bất thần của các cấp chính quyền. Họ cũng phải chịu trách nhiệm nếu không ngăn được tình trạng lây lan, bùng phát các ca nhiễm. Giờ đây, đội ngũ tuyến đầu thở phào nhẹ nhõm khi bỏ được bộ hazmat cồng kềnh, không thực thi các đợt xét nghiệm, không phải giải quyết tất cả các yêu cầu và thậm chí khiếu nại của dân cư.
Eric Lu, chuyên gia về tài chính của chính quyền địa phương của hãng China Securities International có trụ sở tại Hồng Kông, nói: “Thường có sự không thống nhất về các biện pháp kiểm soát Covid giữa chính phủ trung ương và chính quyền các địa phương do sự mơ hồ trong các văn bản. Các hướng dẫn mới nhất giờ cung cấp thông tin rõ ràng hơn, cụ thể hơn. Vì thế, chúng ít bị diễn giải và triển khai một cách cục bộ. Giới lãnh đạo cấp cao thường đặt mục tiêu kiểm soát được Covid, trong khi giữ vững ổn định kinh tế và xã hội. Đạt được cả hai mục tiêu là rất khó”.
Chính sách kiểm soát hà khắc khiến công chúng phẫn nộ. Các cuộc đụng đổ giữa người dân và lực lượng đại bạch đã nổ ra. Một số đã bị tố cáo là quá nặng tay với cư dân.
Nhân viên trung tâm kiểm dịch Zhang không bao giờ chắc chắn cô ấy có quyền lực pháp lý nào – nếu có – để kiểm soát đám đông. “Chúng tôi không có quyền buộc mọi người phải cách ly nên chúng tôi có xu hướng sử dụng sức mạnh thuyết phục và tránh đối đầu trực tiếp. Đôi khi mọi người mất kiên nhẫn hoặc thậm chí tức giận với chúng tôi. Nhưng tôi có thể hiểu điều đó. Các chính sách thay đổi hàng ngày.”
Kiki Wang, 31 tuổi, nhân viên ngân hàng ở Thượng Hải, lại có thiện cảm với lực lượng tuyến đầu. Tuy vậy, cô không cảm thấy buồn khi phải chia tay các đại bạch. “Tôi không nghĩ họ có lỗi trong tất cả những mớ hỗn độn do chính sách phòng dịch gây ra. Tôi cảm thấy vui vì cuộc sống đang trở lại bình thường”.
Còn kỹ sư IT Eden Wu chỉ nói rằng “đại bạch chỉ làm công việc của mình và họ buộc phải tuân theo mệnh lệnh. “Vẫn có người xấu, nhưng các cuộc đối đầu giữa dân chúng và đại bạch là những trường hợp cực đoan”.
Khi Covid bùng phát, lực lượng tuyến đầu đã giành được lời khen ngợi của công chúng vì họ đã góp phần kiểm soát được các đợt bùng dịch. Nhưng khi chính sách zero Covid kéo dài, nhiều người đã xem đại bạch là tay sai của chính quyền – thậm chí còn so sánh họ là Hồng vệ binh trong các cơn hỗn loạn của Cách mạng Văn hóa cách đây cả nửa thế kỷ.
“Họ đã từng là anh hùng, người thực thi chính sách và được hưởng lợi từ việc này. Nhưng họ cũng là con dê tế thần, nạn nhân của chính sách zero Covid. Đại bạch tượng trưng cho tính thay đổi của quyền lực nhà nước. Họ được trọng dụng khi còn thích hợp cho các mục tiêu to lớn và bị tước đi quyền lực khi không còn cần thiết nữa”, nhà phân tích chính trị Macklin nhấn mạnh.

Ricky Hồ / BSA