Giá vàng nhẫn bất ngờ tăng vọt: Trong khi giá vàng miếng SJC duy trì sự ổn định – Công ty SJC và Tập đoàn Doji niêm yết ở mức 74,98 triệu đồng/lượng mua vào và 76,98 triệu đồng/lượng bán ra – thì giá vàng nhẫn sáng nay (21/6) tăng vọt so với hôm qua.
Vào khoảng 10 giờ 30 phút, vàng nhẫn của Công ty SJC niêm yết 74,1 triệu đồng/lượng mua vào và 75,7 triệu đồng/lượng bán ra; tăng 550.000 đồng/lượng ở cả hai chiều. Giá vàng nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng tại Doji đang ở mức 75,1 – 76,3 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra; tăng 700.000 đồng/lượng chiều mua và 650.000 đồng/lượng chiều bán.
Vàng nhẫn của Mi Hồng sáng nay được mua vào với giá 73,7 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 74,7 triệu đồng/lượng; tăng 500.000 đồng/lượng chiều mua và bán so với hôm qua, chênh lệch giá mua – bán khoảng 1 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới giao ngay trên sàn Kitco vào sáng 21-6 quanh mức 2.360,82 USD/ounce; tăng 27,47 USD/ounce so với hôm qua.
Tiền vẫn đổ vào ngân hàng tăng bất chấp lãi suất thấp: Ngân hàng Nhà nước vừa công bố lượng tiền gửi của cá nhân, tổ chức của tháng 3 tăng lên mức dương so với mức âm hồi tháng 2.
Theo đó, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 104.000 tỷ đồng, lên 6,627 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên so với cuối năm 2023, các tổ chức kinh tế gửi tiền vào hệ thống tín dụng vẫn ghi nhận mức âm 3,14% (tháng 2 âm 4,66%, tháng 1 âm 2,41%). Trong khi đó, lượng tiền gửi của khách hàng cá nhân tiếp tục tăng thêm 39.000 tỷ đồng so với cuối tháng 2, lên 6,676 triệu tỷ đồng, tương ứng mức tăng 2,2% so với cuối năm 2023.
Như vậy, tính đến cuối tháng 3, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm 214.000 tỷ đồng, còn cá nhân tăng 144.000 tỷ đồng. Tổng phương tiện thanh toán tính đến cuối tháng 3 tăng 0,09%, thêm 14.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023, lên 16,012 triệu tỷ đồng. Trước đó, tháng 2, tổng phương tiện thanh toán vẫn ở trạng thái âm, giảm 0,53% so với cuối năm 2023, ở mức 15,914 triệu tỷ đồng. Vào thời điểm tháng 3, lãi suất huy động tiền đồng của hệ thống ngân hàng vẫn ở mức thấp, dao động từ 2 – 5%/năm ở các kỳ hạn.
Việt Nam xuất siêu 8,4 tỷ USD sau 6 tháng: Theo tin từ Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt gần 189 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 giảm 11,3%).
Nông sản tiếp tục là điểm sáng về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 18,21 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm. Các thị trường xuất khẩu cơ bản có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao, nổi bật là thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 369,59 tỷ USD, tăng 16,03% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thặng dư với xuất siêu ước đạt 8,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,4 tỷ USD) và chủ yếu do đóng góp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô (xuất siêu 19,27 tỷ USD).
Hàng Việt hút khách tại hội chợ Mafbex 2024: Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho biết, tại hội chợ thực phẩm đồ uống Manila (Mafbex 2024), một trong những hội chợ thực phẩm đồ uống lớn nhất Philippines diễn ra hồi giữa tháng 6, một số sản phẩm của Việt Nam được người tiêu dùng rất thích thú.
Một số sản phẩm sữa của TH True Milk đã có mặt trong hệ thống siêu thị lớn tại Philippines từ nhiều năm qua, nhưng những sản phẩm này cũng chưa được nhiều người tiêu dùng chú ý. Tuy nhiên, qua hội chợ lần này, người tiêu dùng Philippines được trải nghiệm nếm thử không chỉ các sản phẩm sữa mà còn nhiều sản phẩm đồ uống khác của TH True Milk.
Ngoài ra, nhiều sản phẩm nông sản khác của các doanh nghiệp Việt Nam như cà phê, hồ tiêu, hạt điều, dầu ăn, bánh phở… được Thương vụ Việt Nam hỗ trợ trưng bày, giới thiệu cũng đã nhận được sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng và người mua hàng Philippines. Philippine là thị trường có tiềm năng không nhỏ với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
Vinamilk góp mặt trong danh sách Fortune khu vực ASEAN: Tạp chí Fortune (Mỹ) lần đầu công bố danh sách Fortune 500 Southeast Asia 2024, trong đó, Vinamilk thuộc nhóm 150 doanh nghiệp và là đại diện duy nhất của ngành sữa Việt Nam trong bảng xếp hạng này.
Danh sách Fortune 500 Đông Nam Á được xây dựng dựa trên các tiêu chí chính về doanh thu và lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó là các khảo sát, đánh giá toàn diện về quy mô công ty, người lao động, đóng góp cho kinh tế – xã hội trên cơ sở các báo cáo chính thức, được kiểm toán.
Năm nay, 500 doanh nghiệp nằm trong bảng xếp hạng đến từ các quốc gia “đầu tàu” của khu vực như Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Campuchia và Philippines.
Với doanh thu hơn 2,5 tỷ USD, Vinamilk lọt top 150 doanh nghiệp đứng đầu của bảng xếp hạng, đồng thời là công ty sữa duy nhất của Việt Nam góp mặt trong danh sách này.
Central Retail đưa vải thiều Việt Nam vào hệ thống bán lẻ tại Thái Lan: Ngày 21/06/2024, tại Trung tâm Thương mại CentralwOrld (Bangkok, Thái Lan), Central Retail đã tổ chức khai mạc “Sự kiện quảng bá vải thiều từ Việt Nam”.
Với giá bán khuyến mãi hấp dẫn, 399bath/kg, giảm còn 299 bath/kg (tương đương 200 ngàn đồng/kg), qua đó tạo điều kiện để người tiêu dùng Thái dễ dàng mua sắm, trải nghiệm và tích cực ủng hộ trái vải thiều của Việt Nam, góp phần xây dựng thương hiệu cho quả vải thiều của Việt Nam tại thị trường quốc tế.
Với mùa vải Việt Nam đang ở vụ cao điểm, Tops tổ chức “Sự kiện vải thiều từ Việt Nam”, kéo dài từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 7 tại 32 cửa hàng Tops Food Hall và Tops Market trên khắp Thái Lan, giới thiệu quả vải Việt Nam chất lượng cao và đầy hương vị đến người tiêu dùng Thái. Đây là năm thứ 7 liên tiếp, Tops quảng bá vải thiều Việt Nam tại Thái Lan.
Trung Quốc chi 1,7 tỷ USD nhập khẩu nông sản Việt: Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, số liệu ước tính của Tổng cục Hải quan, nửa đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt 3,4 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sầu riêng, thanh long, chuối và nhãn là những loại trái cây đóng góp lớn cho tăng trưởng xuất khẩu rau quả.
Các thị trường chủ lực ghi nhận tăng 10-50% so với cùng kỳ 2023, trừ Hà Lan giảm mua. Trong đó, Trung Quốc, Thái Lan và Hàn Quốc vẫn là những thị trường lớn, khi tới hết tháng 5, các quốc gia này đã tăng 30-60% kim ngạch nhập khẩu so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, Thái Lan chi 74,5 triệu USD và Hàn Quốc là 136 triệu USD. Riêng Trung Quốc, 5 tháng nước này đã mua 1,7 tỷ USD nông sản Việt, tăng 33% so với cùng kỳ 2023.
Sầu riêng là mặt hàng đang được thị trường tỷ dân ưa chuộng. Cơ quan chức năng của Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn tất đàm phán kỹ thuật và sẽ sớm ký kết Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh.
Giá cà phê bất ngờ tăng mạnh trở lại: Giá cà phê robusta trên sàn London đêm qua bất ngờ tăng mạnh, có thời điểm tăng tới 225 USD/tấn. Chốt phiên, kỳ hạn tháng 7 tăng 169 USD lên 4.374 USD/tấn, kỳ hạn tháng 9 tăng 116 USD lên 4.176 USD/tấn, kỳ hạn tháng 11 tăng 112 USD lên 4.001 USD/tấn.
Giá cà phê arabica trên sàn New York cũng tăng mạnh, kỳ hạn tháng 7 tăng 86,9 USD lên 5.080 USD/tấn, kỳ hạn tháng 9 tăng 90,2 USD lên 5.051 USD/tấn và kỳ hạn tháng 12 tăng 81,4 USD lên 5.010 USD/tấn.
Tại Brazil, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 tăng 115,5 USD lên 6.370 USD/tấn, trong khi kỳ hạn tháng 9 giảm nhẹ 13,2 USD xuống 6.170 USD/tấn và kỳ hạn tháng 12 cũng giảm 37,4 USD xuống 6.070 USD/tấn.
Giá cà phê Tây nguyên tăng bình quân 1.500 đồng/kg, tại Đắk Nông 124.000 đồng/kg, Đắk Lắk 123.500 đồng/kg, Gia Lai 123.000 đồng/kg, Kon Tum và Lâm Đồng 122.500 đồng/kg.