Thị trường 24/7: Giá USD tự do lại tăng vọt; Xuất khẩu gạo lần đầu cán mốc kỷ lục 5 tỷ USD

VN Index vượt mốc 1.230 điểm: Nhóm cổ phiếu giao dịch nổi bật nhất phiên hôm nay gồm có VHM, VCB, VIC, POW, MSN, HVN, HPG, REE, VIB, VJC, GEX, CTG, VTP, DGC, HAG. Theo thống kê, nhóm 15 mã này góp hơn 6 điểm tăng cho chỉ số. Ở chiều ngược lại, chỉ số chịu tác động tiêu cực nhất từ mã BID.

Dù dòng tiền vẫn đứng ngoài thị trường, nhưng trong bối cảnh các mã cổ phiếu vốn hóa lớn đồng loạt được kéo xanh, VN Index dễ dàng kết phiên với số điểm tăng tương đối khả quan. Cụ thể, chỉ số này kết phiên 25/11 tăng 6,6 điểm (tương đương 0,54%) lên 1.234,7 điểm.

Thanh khoản phiên hôm nay tiếp tục đứng mức thấp với 497,8 triệu cổ phiếu khớp lệnh, tương đương giá trị giao dịch đạt 11.954 tỷ đồng. Điểm tích cực phiên hôm nay là việc khối ngoại tiếp tục mua ròng nhẹ phiên thứ 2 liên tiếp trên sàn HoSE. Thống kê, phiên hôm nay khối ngoại mua ròng 64 tỷ đồng trên sàn HoSE.

Giá USD tự do lại tăng vọt: Tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam so với USD được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố áp dụng trong phiên 25/11 ở mức 24.292 đồng/USD, giảm 3 đồng so với phiên giao dịch cuối tuần trước.

Dù vậy, trên thị trường tự do sáng nay, tỷ giá USD ghi nhận tăng mạnh so với phiên trước, hiện được giao dịch ở mức 25.740 – 25.840 đồng/USD, tương ứng tăng 90 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.

Ở chiều ngược lại, trên kênh giao dịch chính thức, các ngân hàng lại giảm nhẹ giá USD. Tỷ giá USD tại Vietcombank, ngân hàng có doanh số giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống, đang niêm yết ở mức 25.167 – 25.506 đồng/USD (mua và bán), giảm 6 đồng ở chiều mua vào và 3 đồng ở chiều bán ra so với cuối tuần trước. Trong khi đó, giá mua đồng USD tại BIDV hiện giảm 9 đồng còn 25.200 đồng/USD và giảm 3 đồng ở chiều bán ra xuống 25.506 đồng/USD.

Xuất khẩu gạo lần đầu cán mốc kỷ lục 5 tỷ USD: Theo số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan VN, tính đến ngày 15/11, xuất khẩu gạo của VN đã vượt số lượng 8 triệu tấn, gần tương đương với con số kỷ lục 8,1 triệu tấn của năm 2023. Đáng chú ý hơn là kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên trong lịch sử vượt 5 tỷ USD. Đạt được thành tích này nhờ giá gạo xuất khẩu đạt mức cao ngay từ đầu năm, giá bình quân 626 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cập nhật từ Hiệp hội Lương thực VN (VFA), giá gạo thế giới đang tăng trở lại trong tuần qua và gạo VN vẫn duy trì mức cao nhất thế giới. Cụ thể, gạo 5% tấm xuất khẩu của VN đang ở mức 522 USD/tấn, tăng 4 USD so với đầu tuần. Tương tự, gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan cũng tăng 3 USD lên mức 490 USD/tấn, gạo Pakistan tăng 3 USD lên 458 USD/tấn và Ấn Độ tăng 2 USD lên 450 USD/tấn.

Thị trường gạo gây bất ngờ cho giới quan sát bởi trước đó, việc Ấn Độ – nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới – “mở kho” gây lo ngại về giá gạo. Thế nhưng thực tế thì ngược lại, giá gạo thế giới vẫn tăng.

Cảnh báo rủi ro đối với mặt hàng kính nổi xuất sang Mỹ: Theo tin từ Cục Phòng vệ thương mại, ngày 22/11, Bộ Thương mại Mỹ đã tiếp nhận đơn yêu cầu điều tra, áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các sản phẩm kính nổi nhập khẩu từ Trung Quốc và Malaysia. Đơn kiện được nộp bởi các công ty Vitro Flat Glass, LLC và Vitro Meadville Flat Glass, LLC.

Phạm vi sản phẩm bị đề nghị điều tra, áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp là các sản phẩm làm từ thủy tinh soda-vôi-silica được sản xuất bằng cách làm nổi một dải thủy tinh nóng chảy liên tục trên một bồn thiếc mịn (hoặc một kim loại lỏng khác có mật độ lớn hơn kính nóng chảy), làm nguội kính trong lò ủ và cắt thành các kích thước phù hợp.

Từ vụ việc này, Cục Phòng vệ thương mại khuyến cáo, các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và xuất khẩu kính nổi và các sản phẩm liên quan đến kính nổi phù hợp mô tả như trên sang Mỹ cần theo dõi sát diễn biến của vụ việc.

Quy mô kinh tế Đông Nam Á dự báo vượt Nhật Bản vào 2029: Theo báo cáo của Ngân hàng HSBC, quy mô nền kinh tế Đông Nam Á (gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) khoảng 4.000 tỷ USD vào 2023. Mức này đứng thứ 5 thế giới sau Mỹ, Trung Quốc, Đức và Nhật Bản.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo khu vực này tăng trưởng nhanh nhất thế giới 5 năm tới, bình quân 4,7%. Với tốc độ. này, theo tính toán của HSBC, các nước Đông Nam Á sẽ vượt Nhật Bản về quy mô kinh tế vào năm 2029. Thời điểm đó, khu vực này vẫn duy trì vị trí thứ 5 top các nền kinh tế lớn nhất, trong khi Ấn Độ lên vị trí thứ 4 và Nhật Bản đứng thứ 6.

HSBC lưu ý tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á không phải nhờ nhân khẩu, vì tỷ trọng trong dân số toàn cầu đã đạt đỉnh vào 2012, ở mức 8,59% và sẽ giảm dần còn 8,33% giai đoạn 2024 – 2035. Nhà băng này lý giải chìa khóa nằm ở chất lượng tăng trưởng cải thiện thông qua đổi mới, sáng tạo và vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng Bitcoin chững lại gần mốc 100.000 USD: Bitcoin đã phục hồi và giao dịch ở mức 98.065 USD vào lúc 7h53 sáng 25/11 tại Singapore, khi việc ông Trump chọn Giám đốc điều hành quỹ đầu cơ Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính đã giúp cải thiện tâm lý trên thị trường toàn cầu.

Chiến lược gia thị trường Matt Maley tại Miller Tabak + Co, cho biết các nhà đầu tư lo ngại bitcoin “sẽ phải tạm nghỉ sau khi về cơ bản đã thử ngưỡng 100.000 USD”, đồng thời cho biết sự lạc quan xung quanh đồng bitcoin “đang trở nên cực đoan”.

Chính quyền sắp tới của ông Trump được coi là một động lực cho tiền điện tử trên khắp Phố Wall. Tổng giá trị thị trường tài sản kỹ thuật số đã tăng khoảng 1.000 tỷ USD kể từ chiến thắng của ứng cử viên đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử hôm 5/11.