Thị trường 24/7: Giá vàng biến động mạnh; Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục trượt dài

Giá vàng biến động mạnh: Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, SJC nâng giá vàng miếng lên 90,1 – 93,1 triệu đồng, tăng 1,8 triệu đồng mỗi lượng so với hôm qua. 4 nhà băng quốc doanh cũng nâng giá vàng miếng bán ra thị trường lên 93,1 triệu đồng một lượng.

Tuy nhiên, mức giá kỷ lục này không giữ được lâu. Lúc 10h, mỗi lượng vàng miếng tại SJC giảm 800.000 đồng về 89,3 – 92,3 triệu đồng. PNJ niêm yết giá vàng miếng tại 89,3 – 92,3 triệu một lượng.

Vàng nhẫn trơn cũng biến động lên xuống và xác lập kỷ lục mới, tiến sát 92 triệu một lượng. SJC niêm yết nhẫn trơn tại 88,8 – 91,5 triệu đồng một lượng. PNJ mua bán nhẫn trơn tại 89,5 – 91,7 triệu.

Giá vàng trong nước biến động liên tục theo diễn biến của kim loại quý trên thị trường quốc tế. Mỗi ounce vàng có thời điểm xác lập kỷ lục 2.944 USD sau đó lại đảo chiều giảm về vùng 2.920 USD vào lúc 10h theo giờ Hà Nội.

Giá USD lập đỉnh hơn 25.660 đồng: Giá USD trên thị trường chính thức hôm nay tăng vọt lên 25.660 đồng/USD, vượt mức đỉnh thiết lập hồi tháng 11/2024.

Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố đã liên tục tăng mạnh trong 6 phiên gần nhất, ghi nhận mức kỷ lục 24.522 đồng/USD vào ngày 11/2. Diễn biến này đã đẩy trần tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng lên đến 25.748 đồng/USD.

Hôm nay, Vietcombank tăng giá giao dịch ngoại tệ này thêm 90 đồng/USD, hiện niêm yết ở mức 25.260 – 25.650 đồng/USD (mua – bán). Tương tự, VietinBank cũng nâng giá mua – bán USD lên 25.288 – 25.648 đồng/USD; BIDV niêm yết ở mức 25.300 – 25.660 đồng/USD, tăng thêm 100 đồng so với phiên liền trước.

Trong khi đó, trên thị trường tự do, tỷ giá USD đang giao dịch ở mức 25.670 – 25.760 đồng/USD (mua – bán), tăng 90 đồng ở chiều mua và80 đồng ở chiều bán so với kết phiên liền trước.

Sàn Temu vẫn chưa được phép hoạt động tại Việt Nam: Ngày 10/2, báo Công Thương dẫn lời ông Hoàng Ninh – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) – cho biết: Temu vẫn trong thời gian chờ xin cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Theo quy định, khi nền tảng thương mại này hoàn thiện đủ và hợp lệ hồ sơ mới xem xét cấp phép hoạt động.

Năm 2024, Temu gây “náo loạn” thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam khi đưa ra hoạt động khuyến mãi “khủng” giảm giá đến 70%, 80% thậm chí 90%. Ngoài ra, Temu còn cung cấp cho khách hàng cơ hội kiếm được “tín dụng”, sau đó chuyển thành các giao dịch mua trong tương lai, đi kèm là quà tặng miễn phí.

Theo Nghị định số 85/2021/NĐ-CP, thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam phải thực hiện việc đăng ký hoạt động thương mại điện tử với Bộ Công Thương và thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam hoặc chỉ định đại diện ủy quyền của mình tại Việt Nam.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục trượt dài: Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam hiện chỉ còn 399 USD/tấn, mức thấp kỷ lục trong nhiều năm gần đây. Trong khi đó, gạo cùng phẩm cấp của Pakistan là 404 USD/tấn, Ấn Độ là 413 USD/tấn và Thái Lan là 431 USD/tấn.

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay giá gạo thế giới liên tục đi xuống nhưng gạo Việt Nam giảm mạnh nhất do Philippines, thị trường tiêu thụ chính của gạo Việt Nam đang đẩy mạnh một loạt chính sách nhằm hạ giá gạo.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2024 Philippines tiêu thụ đến 46,1% trong tổng số 9 triệu tấn gạo xuất khẩu của Việt Nam; đứng thứ 2 là Indonesia với 13,2% và Malaysia xếp thứ 3 với 7,5%.

Giá cà phê tiếp tục tăng mạnh: Đêm qua 10/2, giá cà phê robusta trên sàn London (Anh) kỳ hạn tháng 5/2025 tăng 133 USD, tương đương 2,39%, lên 5.697 USD/tấn. Mức giá này chỉ thấp hơn kỷ lục vào ngày 31/1 là 37 USD/tấn.

Thị trường đổ dồn sự chú ý về mặt hàng arabica trên sàn New York (Mỹ) khi giá các kỳ hạn đồng loạt tăng mạnh từ 5,51 – 6,15%. Chẳng hạn, kỳ hạn tháng 5/2025 tăng đến 537 USD, tương đương 6,15%, lên mức cao kỷ lục 9.280 USD/tấn.

Tại các tỉnh Tây nguyên, giá cà phê dao động quanh mức 131.500 đồng/kg. Nhiều nông dân cho biết, thay vì bán hết cùng lúc như những năm trước thì năm nay chỉ bán ra khoảng 40 – 60% sản lượng, do kỳ vọng giá sẽ còn tăng.

Elon Musk hỏi mua lại OpenAI: Một nhóm nhà đầu tư do Elon Musk dẫn đầu vừa đưa ra đề nghị mua lại OpenAI, công ty mẹ của ChatGPT, với mức giá 97,4 tỷ USD, theo WSJ.

Động thái bất ngờ này làm đảo lộn kế hoạch chuyển đổi OpenAI thành công ty vì lợi nhuận của Altman, bao gồm dự án liên doanh trị giá 500 tỷ USD mang tên “Stargate” để đầu tư vào hạ tầng AI. Hiện Altman và Musk đang đối đầu trên cả mặt trận pháp lý lẫn định hướng phát triển của OpenAI.

Musk và Altman đồng sáng lập OpenAI vào năm 2015 với tư cách là một tổ chức từ thiện. Tuy nhiên, sau khi Musk rời công ty vào năm 2019 và Altman trở thành CEO, OpenAI đã lập ra một công ty con vì lợi nhuận để huy động vốn từ Microsoft và các nhà đầu tư khác.