Thị trường 24/7: Giá xăng xuống dưới ngưỡng 22.000 đồng/lít; Cước tàu biển bất ngờ tăng mạnh

Giá xăng xuống dưới ngưỡng 22.000 đồng/lít: Theo quyết định của liên bộ Công Thương-Tài chính, giá các mặt hàng xăng dầu đồng loạt đi xuống từ 15 giờ ngày hôm nay (6/6).

Cụ thể, xăng E5 RON92 giảm 618 đồng/lít, về ngưỡng 21.141 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 542 đồng/lít, giá mới là 21.977 đồng/lít. Dầu diesel cũng giảm 325 đồng, xuống ngưỡng 19.422 đồng/lít; dầu hỏa giảm 374 đồng, xuống mức 19.557 đồng/lít và dầu mazut giảm 253 đồng, giá mới là 17.285 đồng/kg.

Về quỹ bình ổn (BOG), liên bộ quyết định không trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu. Đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết tính đến thời điểm trước điều chỉnh giá, số dư quỹ bình ổn (BOG) tại doanh nghiệp là 3.077 tỷ đồng, giữ nguyên trong 3 kỳ công bố gần đây.

Giá cà phê Robusta vượt Arabica: Theo số liệu của Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), trong tháng 5, các doanh nghiệp xuất khẩu được 71.569 tấn cà phê nhân Robusta, với đơn giá 3.920 USD/tấn và 6.831 tấn cà phê Arabica, đơn giá 3.888 USD/tấn,

Như vậy, giá cà phê Arabica xuất khẩu thấp hơn Robusta tới 32 USD/tấn. Ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh (doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân tốp 7 niên vụ 2022-2023), nói rằng đây là điều chưa từng có trong lịch sử hơn 50 năm của ngành cà phê thế giới.

“Thực ra, giá cà phê Robusta đã vượt cà phê Arabica được một thời gian nhưng hiện nay mới được ghi nhận trong báo cáo thống kê vì thời gian qua các doanh nghiệp giao hợp đồng cũ với giá cũ” – ông Thông giải thích.

Theo VICOFA, Việt Nam chủ yếu sản xuất cà phê Robusta (chiếm hơn 94% diện tích và sản lượng) còn cà phê Arabica (chủ yếu giống Catimo) chiếm tỷ trọng thấp.

Chính phủ yêu cầu rút giấy phép DN vàng không xuất hóa đơn điện tử: Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5. Trong đó, liên quan đến việc triển khai hóa đơn diện tử, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong mua, bán vàng. Hoàn thành chậm nhất trước ngày 15/6.

“Quyết liệt triển khai hóa đơn điện tử; kiên quyết rút, thu hồi ngay giấy phép kinh doanh đối với các doanh nghiệp, đơn vị không thực hiện đúng quy định về hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng”, Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ.

Trong việc quản lý thị trường vàng, Chính phủ cũng yêu cầu NHNN khắc phục ngay tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, không để vàng hóa nền kinh tế và ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Thaco Agri lần đầu có lãi: CTCP Nông nghiệp Trường Hải (Thaco Agri) – công ty con của Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (Thaco) – vừa công bố thông tin tài chính năm 2023 với lợi nhuận sau thuế đạt hơn 41,5 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên công ty này báo lãi kể từ khi công bố thông tin.

Trước đó,Thaco Agri lỗ lần lượt hơn 868 tỷ đồng và 513 tỷ đồng trong năm 2022 và 2021. Khoản lãi khởi sắc trong năm 2023 đã giúp vốn chủ sở hữu của Thaco Agri tăng hơn 26%, đạt 14.300 tỷ đồng.

Thaco Agri đang nắm 84.000 ha đất tại 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Trong đó, tại Tây Nguyên (Việt Nam) hơn 9.000 ha; tại huyện Lumphat, huyện Koun Mom, tỉnh Rattanakiri và huyện Snuol, tỉnh Kratie (vương quốc Campuchia) gần 44.000 ha. Bên cạnh đó, còn có 27.000 ha đất tại 2 tỉnh Attapeu và Sekong (Lào).

Cước tàu biển bất ngờ tăng mạnh: Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, từ cuối tháng 5 đầu tháng 6, cước tàu biển đi nhiều tuyến bất ngờ tăng mạnh và đồng loạt. Ông Phan Minh Thông – TGĐ Công ty CP Phúc Sinh cho biết tính đến đầu tháng 6 này, cước tàu ở nhiều tuyến đều tăng thêm đến 100% so với thời điểm tháng 3. Đặc biệt, hàng đi Mỹ tăng hơn gấp đôi, container 40 feet hồi tháng 3 là 2.950 USD thì nay tăng lên tới 7.350 USD.

Bà Nguyễn Thị Kim Huyền, Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty Global Maritime Services, xác nhận: trước đây, các hãng tàu báo giá cước cho thời gian 15 ngày đến 1 tháng thì nay chỉ báo giá theo tuần. Cước tàu đang tăng nhanh và liên tục, thậm chí có thể thay đổi ngay trong ngày.

Nguyên nhân được cho là do Mỹ lên kế hoạch áp thuế mạnh lên nhiều loại hàng hóa Trung Quốc kể từ tháng 8. Chính vì vậy, các nhà xuất khẩu Trung Quốc và cả nhập khẩu của Mỹ muốn đẩy mạnh việc xuất nhập khẩu trước thời hạn trên nhằm tránh bị đánh thuế. Phía các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã trả giá cao hơn để lấy chỗ trên tàu.

Xuất khẩu mì ăn liền của Hàn Quốc tiếp tục tăng trưởng: Báo cáo của Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc cho biết, nông sản xuất khẩu của nước này đạt 3,96 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 1-5/2024, so với 3,68 tỷ USD ghi nhận một năm trước đó.

Sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ mặt hàng mì ăn liền, với xuất khẩu tăng 36,2% lên mức 486,2 triệu USD do nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc, Mỹ và Đông Nam Á. Tiếp theo là đồ ăn nhẹ, với giá trị xuất khẩu là 291,6 triệu USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái do có nhiều sản phẩm được cung cấp cho các nhà bán lẻ lớn của Mỹ, bao gồm cả Costco Wholesale.

Nhu cầu toàn cầu đối với các sản phẩm đồ uống Hàn Quốc cũng tăng, đặc biệt là ở thị trường châu Á, với lượng hàng xuất khẩu tăng 13,1% lên 269,7 triệu USD. Xuất khẩu kim chi – món ăn truyền thống của Hàn Quốc thường được làm từ bắp cải lên men, đã tăng 6,4% trong cùng kỳ, đạt 70,7 triệu USD.

Nhà đầu tư rút tiền khỏi các quỹ ESG: Theo số liệu nghiên cứu của ngân hàng Barclays, khách hàng đã rút ròng khoảng 40 tỷ đô la Mỹ khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu ESG trên toàn cầu trong năm nay. Đây là quý đầu tiên chứng kiến dòng tiền bị rút ròng khỏi các quỹ ESG.

Trong tháng 4, lượng vốn rút ròng khỏi các quỹ cổ phiếu ESG đạt mức cao kỷ lục khoảng 14 tỷ đô la. Diễn biến này đánh dấu sự đảo ngược đối với một lĩnh vực mà các nhà đầu tư đổ xô rót tiền vào trong những năm gần đây. Nhà đầu tư bị thu hút bởi các tuyên bố cho rằng các quỹ này có thể giúp thay đổi thế giới tốt đẹp hơn đồng thời có thể tạo ra lợi nhuận nhiều hơn.

Nhiều quỹ ESG bị ảnh hưởng do hoạt động kém hiệu quả của các lĩnh vực như năng lượng sạch vàọ cũng bỏ lỡ cơ hội thu lợi nhuận cao từ các công ty nhiên liệu hóa thạch mà quỹ chủ động tránh né đầu tư.

Meta bị khiếu nại tại 11 nước EU liên quan đến chính sách bảo mật: Ngày 6/6, một nhóm bảo vệ quyền riêng tư có trụ sở tại Vienna (Áo) đã đệ đơn khiếu nại Tập đoàn Meta tại 11 nước thuộc Liên minh châu Âu, cho rằng những thay đổi chính sách bảo mật dự kiến của hãng công nghệ Mỹ sẽ cho phép công ty sử dụng trái phép dữ liệu cá nhân để huấn luyện các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI).

Nhóm NOYB đệ đơn khiếu nại sau khi Meta mới đây thông báo từ ngày 26/6 tới sẽ thay đổi chính sách quyền riêng tư, theo đó cho phép công ty sử dụng các bài đăng cá nhân, ảnh riêng tư hoặc dữ liệu theo dõi trực tuyến trong nhiều năm qua cho công nghệ AI của Meta.

Theo nhóm NOYB, sau khi kiểm tra kỹ lưỡng hơn, nhóm phát hiện Meta có kế hoạch sử dụng tất cả dữ liệu người dùng công khai và không công khai mà công ty thu thập từ năm 2007 cho “mọi kiểu công nghệ AI chưa xác định hiện tại và tương lai”. Nhóm này lưu ý công nghệ AI chưa xác định có thể lấy dữ liệu cá nhân từ bất kỳ nguồn nào và chia sẻ bất kỳ thông tin nào với “các bên thứ ba” chưa xác định và tất cả dữ liệu được dùng mà không có sự xác nhận của người dùng theo yêu cầu của pháp luật.