Thị trường 24/7: Lãi suất tiết kiệm đồng loạt tăng; Năng lực vận tải biển Á – Âu có thể giảm 20%

TIÊU ĐIỂM:

Startup Nhật thử nghiệm thuốc mọc răng

Startup Toregem Biopharma sẽ triển khai các thử nghiệm lâm sàng vào tháng 9 về phương pháp điều trị đầu tiên có thể giúp người trưởng thành mọc lại răng.

Toregem Biopharma đặt mục tiêu đưa thuốc kháng thể ra thị trường vào năm 2030 cho những bệnh nhân bị mất một số hoặc toàn bộ răng từ khi sinh ra – một tình trạng được gọi là chứng mất răng bẩm sinh. Công ty khởi nghiệp trực thuộc Đại học Kyoto hy vọng sẽ sử dụng sản phẩm này cho người trưởng thành bị mất răng.

Kháng thể nhắm vào một loại protein cụ thể có tác dụng ức chế sự phát triển của răng. Được thử nghiệm trên động vật như chuột, loại thuốc này kích thích sự phát triển của chồi răng trong hàm, khiến răng mới hình thành.

Những người mắc chứng mất răng bẩm sinh chiếm khoảng 0,1% dân số. Tương tự với những người bị mất răng trong tai nạn, họ thường được cấy ghép răng implant đeo hoặc răng giả ở tuổi trưởng thành.

Katsu Takahashi, nhà đồng sáng lập Toregem và nhà nghiên cứu đưa ra phương pháp này, nói rằng ông muốn đây là “lựa chọn thứ ba” sau răng tự nhiên và răng giả.

Toregem chuẩn bị bắt đầu thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn 1 do bác sĩ hướng dẫn để đảm bảo rằng thuốc này an toàn. Thử nghiệm sẽ bắt đầu với 30 nam giới trưởng thành khỏe mạnh và khó có khả năng mọc thêm răng ngay cả khi thuốc có tác dụng.

Nếu mọi việc suôn sẻ, các kế hoạch sẽ chuyển sang thử nghiệm Giai đoạn 2 vào năm 2025 để đánh giá hiệu quả, với phương pháp điều trị được thực hiện cho những bệnh nhân từ 2 đến 7 tuổi mắc chứng mất răng bẩm sinh.

Toregem hy vọng sẽ cung cấp loại thuốc kháng thể này với giá 1,5 triệu yen (9.800 USD) và được bảo hiểm y tế chi trả.

Theo Nikkei Asia

Ricky Hồ


 

Các ‘đại gia’ mua ròng 16 tấn vàng trong 1 tháng: Theo dữ liệu công bố mới nhất từ ​​Hội đồng vàng thế giới (WGC), nhu cầu vàng của ngân hàng trung ương các nước tiếp tục biến đổi thị trường khi lượng mua chính thức tăng ròng 16 tấn trong tháng 3.

Dữ liệu mua hàng cập nhật hàng tháng được công bố chưa đầy một tuần sau khi WGC công bố xu hướng nhu cầu vàng trong quý đầu tiên, cho thấy các ngân hàng trung ương đã mua 290 tấn – khởi đầu mạnh mẽ nhất trong lịch sử các năm được ghi nhận.

Tuy nhiên, không chỉ các ngân hàng trung ương mới tham gia vào hoạt động mua vàng. WGC lưu ý rằng Quỹ dầu mỏ nhà nước Cộng hòa Azerbaijan cũng đã mua 3 tấn vàng mỗi ngày. Trong tháng 3, Ngân hàng trung ương Nga đã mua 3 tấn vàng. Trong khi Cộng hòa Séc và Cộng hòa Kyrgyzstan mỗi nước tăng dự trữ thêm 1 tấn.

Lãi suất tiết kiệm đồng loạt tăng: Tính tới ngày 6/5, có hơn chục ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm trong vòng một tháng qua, trong đó phần lớn điều chỉnh vào đầu tháng này. Không có nhà băng nào giảm lãi suất từ đầu tháng đến nay.

Đơn vị tăng lãi suất mạnh nhất là CBBank với mức tăng 0,9%, áp dụng cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Bên cạnh đó, nhiều nhà băng khác như Sacombank, TPBank, VIB, BVBank, Shinhan Bank, GPBank, BacABank cũng tăng lãi suất tiết kiệm từ 0,1% tới 0,5%. Ngoài ra, cũng có nhà băng vừa điều chỉnh tăng vừa điều chỉnh giảm lãi suất, tùy vào từng kỳ hạn, như tại Oceanbank.

Đợt tăng lãi suất tiết kiệm lần này ghi nhận tại các nhà băng quy mô vừa và nhỏ, chưa có sự tham gia của các ngân hàng tư nhân lớn hay nhóm quốc doanh. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên lãi suất tiết kiệm được điều chỉnh tăng đồng loạt sau hơn một năm đi xuống liên tục.

Cá ngừ Việt thất thế trước Thái Lan tại thị trường Trung Đông:  Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), năm 2023 là một năm không thành công không chỉ của các nhà xuất khẩu (XK) cá ngừ Việt Nam mà còn của Thái Lan tại thị trường Trung Đông. XK cá ngừ của Thái Lan sang khối thị trường này giảm 21% về giá trị và 27% về khối lượng so với năm 2022.

Tuy nhiên, bước sang năm 2024, XK cá ngừ của Việt Nam và Thái Lan sang Trung Đông đang có xu hướng phục hồi. Đáng chú ý, trong khi XK cá ngừ của Việt Nam sang khối thị trường này tăng trưởng không ổn định, XK của Thái Lan lại đang tăng trưởng liên tục và ngày càng cao. Theo số liệu thống kê của Hải quan Thái Lan, XK cá ngừ của nước này sang Trung Đông trong 2 tháng đầu năm đạt gần 124 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023.

VASEP nhận định, những năm qua, mặc dù các DN Việt nam đã nỗ lực mở rộng quy mô thị trường tại Trung Đông nhưng thị phần của Việt Nam vẫn thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan. Quốc gia Đông Nam Á này đang hơn hẳn Việt Nam về năng lực sản xuất và điều kiện NK nguyên liệu.

Đồng Tháp xuất khẩu 15 tấn củ sen đầu tiên sang Nhật Bản: Ngày 7/5, tại huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp), Công ty Cổ phần thực phẩm Sen Đại Việt phối hợp với Hội Ngành hàng Sen Đồng Tháp tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô sen đầu tiên sang thị trường Nhật Bản. Đây là một trong chuỗi hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024.

Thị trường Nhật Bản được đánh giá là khó tính, các tiêu chuẩn rất khắt khe. Qua nhiều lần đàm phán và gửi mẫu, Công ty Cổ phần thực phẩm Sen Đại Việt đã ký kết được đơn hàng xuất khẩu củ sen đông lạnh sang Nhật Bản theo công nghệ IQF. Cùng với lô hàng xuất khẩu tại buổi lễ công bố (khoảng 15 tấn, trị giá gần 1 tỷ đồng), dự kiến trong năm 2024, công ty sẽ xuất khẩu thêm sang đối tác Nhật Bản khoảng 8 container, với giá trị đơn hàng gần 7 tỷ đồng. Nguồn nguyên liệu được thu mua từ Đồng Tháp và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL.

Hơn 160 doanh nghiệp Việt có mặt tại hội chợ ẩm thực Thaifex: Hội chợ về thực phẩm và đồ uống Thaifex – Anuga Asia 2024 tổ chức tại trung tâm triển lãm IMPACT Muang Thong Thani ở Bangkok (Thái Lan), diễn ra từ 28/5 – 1/6. Sự kiện thu hút hơn 3.200 công ty từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo đại diện đơn vị tổ chức, năm nay sẽ có hơn 160 công ty đến từ Việt Nam có mặt tại sự kiện để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm thực phẩm, đồ uống, nông sản, thủy hải sản…

Hội chợ Thaifex tổ chức thường niên bởi công ty Koelnmesse kết hợp với Cục xúc tiến Thương mại quốc tế Thái Lan (DITP) và Phòng thương mại Thái Lan (TCC). Thaifex 2024 có 11 sảnh trưng bày giới thiệu nhiều loại cà phê, trà, đồ uống, thực phẩm cao cấp, dịch vụ ăn uống, công nghệ thực phẩm, thực phẩm đông lạnh, trái cây, rau quả, thịt, gạo, hải sản, đồ ngọt và bánh kẹo.

Quang cảnh hội chợ Thaifex 2023 từ trên cao. Ảnh: Thaifex.

Singapore yêu cầu dán nhãn sử dụng năng lượng bắt buộc: Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore (NEA) mở rộng chương trình dán nhãn năng lượng bắt buộc (MELS) và Tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu (MEPS) cho sản phẩm máy nước nóng gia dụng và tủ lạnh bảo quản thương mại từ 1/4.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, các quy định này nhằm cho phép người tiêu dùng và doanh nghiệp lựa chọn các sản phẩm tiết kiệm năng lượng hơn, giảm thiểu chi phí sử dụng năng lượng và đóng góp vào nỗ lực thực hiện cam kết trung hòa cacbon của Singapore.

Máy nước nóng là thiết bị sử dụng nhiều năng lượng thứ 3 trong các hộ gia đình tại Singapore, chỉ đứng sau máy điều hòa không khí và tủ lạnh, chiếm 10% mức tiêu thụ năng lượng của một hộ gia đình thông thường. Còn tủ lạnh bảo quản thương mại, là thiết bị thiết yếu trong các cơ sở thực phẩm, và là một trong những thiết bị tiêu tốn nhiều năng lượng nhất trong các bếp ăn.

Giá cà phê tiếp tục lao dốc: Thị trường London nghỉ lễ, chỉ có sàn New York mở cửa và giá cà phê tiếp tục giảm mạnh với mức giảm lên đến 3 con số. Kỳ hạn tháng 7 giảm 122,1 USD xuống còn 4.307 USD/tấn. Kỳ hạn tháng 9 giảm 109 USD còn 4.283 USD/tấn và tháng 12 giảm 100 USD/tấn xuống 4.271 USD/tấn.

Giá cà phê Tây nguyên giảm thêm 1.000 đồng/kg. Tại Đắk Nông và Đắk Lắk còn 100.000 đồng/kg, Gia Lai 99.500 đồng/kg, Kon Tum và Lâm Đồng 99.000 đồng/kg.

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 4 xuất khẩu cà phê đạt sản lượng 148.000 tấn, kim ngạch 572 triệu USD; dù giảm đến 9,5% về sản lượng nhưng tăng tới hơn 42% về kim ngạch. Lũy kế 4 tháng đầu năm xuất khẩu cà phê của Việt Nam lên đến 726.000 tấn và kim ngạch 2,5 tỷ USD, lượng chỉ tăng 1% nhưng giá trị tăng đến 40%.

Năng lực vận tải biển Á – Âu có thể giảm 20%: Tập đoàn vận tải biển Maersk ngày 6/5 cho biết tình trạng gián đoạn hoạt động vận chuyển container trên Biển Đỏ đang gia tăng và được dự đoán có thể làm giảm tới 20% năng lực vận tải biển giữa khu vực Viễn Đông và châu Âu trong quý II/2024.

Kể từ tháng 12/2023, Maersk và các hãng tàu khác đã phải chuyển hướng tàu đi vòng qua Mũi Hảo Vọng của châu Phi để tránh các cuộc tấn công của lực lượng Houthi tại Biển Đỏ. Điều này khiến thời gian vận chuyển kéo dài hơn, đẩy giá cước vận tải lên cao.

Trong một thông báo gửi đến khách hàng ngày 6/5, Maersk cho biết khu vực rủi ro đã mở rộng, buộc các tàu phải kéo dài hành trình hơn, dẫn đến việc mất thêm thời gian và chi phí để đưa hàng hóa đến đích. 

Một phát ngôn viên của Maersk nhận định tình hình ở Biển Đỏ vẫn diễn biến phức tạp. Tập đoàn vận tải biển Đan Mạch này tuần trước cho biết tình trạng gián đoạn vận chuyển được dự đoán sẽ kéo dài ít nhất đến cuối năm. Trong khi đó, hãng tàu Hapag-Lloyd của Đức có vẻ lạc quan hơn, khi tin rằng tình hình này có thể được khắc phục trước cuối năm 2024.