Vàng SJC lao dốc trước áp lực bán tháo trên thị trường toàn cầu: Sáng 6/8, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) và 4 ngân hàng thương mại nhà nước niêm yết giá bán vàng miếng SJC ở mức 79 triệu đồng/lượng. Mức giá này giảm 800.000 đồng so với phiên hôm qua.
Cùng chiều với SJC, các doanh nghiệp cũng đồng loạt giảm mạnh giá mua vào 1,2 – 1,3 triệu đồng, về mức 77 triệu đồng/lượng. Riêng Mi Hồng chỉ giảm 300.000 đồng, xuống mức 78 triệu đồng/lượng. Ở chiều bán, thị trường đã điều chỉnh giá về mức 79 triệu đồng/lượng như giá vàng bình ổn.
Sáng nay, giá vàng giao ngay thế giới niêm yết trên Kitco neo ở mức 2.409 USD/ounce. Vàng nhẫn SJC 99,99 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ sáng nay giảm 100.000 đồng so với chốt phiên hôm qua, lên mức 76,15 – 77,45 triệu đồng/lượng.
Chứng khoán phục hồi: Thị trường chứng khoán phiên giao dịch ngày 6/8 mở phiên đã tăng điểm mạnh do tâm lý nhà đầu tư đã ổn định hơn. VN-Index phục hồi một nửa số điểm đã mất trong phiên vốn hóa thị trường HOSE mất khoảng 8 tỷ USD hôm qua, vượt mốc tâm lý 1.200 điểm.
Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index tăng 22,21 điểm (1,87%) lên 1.210,28 điểm với 383 mã tăng, 58 mã giảm và 49 mã đứng giá. Chốt phiên tại sàn Hà Nội, HNX-Index cũng tăng 3,75 điểm (1,68%) lên 226,46 điểm với 128 mã tăng, 56 mã giảm và 41 mã đứng giá. Do tâm lý nhà đầu tư vẫn còn dè dặt sau phiên giảm sốc hôm trước nên thanh khoản sụt giảm mạnh. Tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE chỉ hơn 16.300 tỷ đồng, giảm khoảng 7.500 tỷ đồng so với phiên trước.
Điểm trừ là khối ngoại cũng vẫn bán ròng phiên thứ 2 liên tục trên sàn HOSE với tổng giá trị bán ròng gần 732 tỷ đồng.
Lãi suất cho vay giảm gần 1% từ đầu năm: Báo cáo Thủ tướng tại cuộc họp chiều 5/8, Ngân hàng Nhà nước cho biết từ đầu năm, cơ quan này đã có các giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng, phục hồi sản xuất, kinh doanh, kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động hệ thống tín dụng.
Theo báo cáo, lãi suất với các khoản vay và tiết kiệm tiếp tục giảm. Đến cuối tháng 6, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3% một năm, giảm 0,96% so cuối năm 2023. Còn lãi suất tiền gửi bình quân là 3,59% một năm, giảm 1,08%.
Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống phục hồi từ cuối tháng 3, tăng dần qua các tháng, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm ngoái, đạt 6% tính đến hết quý II. Tại cuối tháng 7, dư nợ tín dụng gần 14,33 triệu tỷ đồng, tăng 14,99% so với cùng kỳ 2023 và tăng 5,66% so với cuối năm ngoái.
TP.HCM lần đầu bán hàng lưu động quy mô lớn: TP.HCM sẽ bán hàng bình ổn lưu động tại 15 địa điểm, với nhiều sản phẩm giảm giá đến 80%, nhằm kích cầu tiêu dùng và chia sẻ gánh nặng với người dân.
Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết trước đây, chương trình bán hàng lưu động chỉ diễn ra vào dịp Tết và tại các khu công nghiệp với quy mô nhỏ, chưa phát huy tối đa lợi ích. Năm nay, thành phố mở rộng chương trình với quy mô lớn hơn. Chương trình kết hợp các nhà sản xuất và doanh nghiệp bình ổn, nhắm vào các khu vực có thu nhập trung bình – thấp, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong bối cảnh sức mua yếu, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế thành phố.
TP.HCM kỳ vọng chương trình sẽ tiếp cận khoảng 300.000 người, thu hút 100.000 lượt khách tham quan và 50.000 lượt mua hàng, với doanh thu ước tính hàng chục tỷ đồng.
Xuất khẩu tôm, cá đồng loạt tăng mạnh: Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam, 7 tháng qua đạt kim ngạch xuất khẩu gần 2 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng xuất khẩu tôm hùm chủ yếu sang thị trường Trung Quốc đạt 145 triệu USD tăng gấp gần 3 lần cùng kỳ năm trước.
Đối với mặt hàng cá tra, xuất khẩu trong tháng 7 tăng đến 23%; lũy kế 7 tháng đạt trên 1 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc vẫn là thị trường mục tiêu số 1 của cá tra Việt Nam, với giá trị 317 triệu USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Một mặt hàng quan trọng khác là cá ngừ, xuất khẩu 7 tháng qua đạt 555 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt xuất khẩu sang các thị trường chính là Mỹ, Trung Quốc, EU đều tăng trưởng 2 con số trong tháng 7.
Xuất khẩu hồ tiêu tăng hơn 40%: Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), mặc dù sản lượng hồ tiêu xuất khẩu 7 tháng năm 2024 giảm nhẹ 2,2% nhưng do giá xuất khẩu giữ ở mức cao nên kim ngạch xuất khẩu tăng đến 40,8% so với cùng kỳ.
Cụ thể, trong tháng 7, Việt Nam xuất khẩu được 21.771 tấn hồ tiêu các loại; bao gồm tiêu đen đạt 19.371 tấn, tiêu trắng đạt 2.400 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 7 đạt 129,9 triệu USD, giảm 22,7% về lượng, giảm 7,9% về giá trị so với tháng trước nhưng tăng 43,7% về lượng và 128,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen trong tháng 7 đạt 5.861 USD/tấn, tiêu trắng đạt 7.558 USD/tấn, tăng lần lượt 15,7% đối với tiêu đen và 9,2% đối với tiêu trắng so với tháng trước. Lũy kế 7 tháng 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 164.357 tấn hồ tiêu các loại; trong đó, tiêu đen đạt 145.330 tấn, tiêu trắng đạt 19.027 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 764,2 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2023, lượng xuất khẩu giảm 2,2% nhưng kim ngạch xuất khẩu lại tăng đến 40,8%.
Giá dầu tăng do lo ngại căng thẳng leo thang ở Trung Đông: Giá dầu thô thế giới tăng khoảng 1% trong phiên giao dịch chiều 6/8, do lo ngại căng thẳng leo thang ở Trung Đông đe dọa nguồn cung dầu mỏ trên thế giới. Ngoài ra, ngành dịch vụ của Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ và mỏ dầu Sharara của Libya cắt giảm sản lượng cũng là những yếu tố tác động tới thị trường.
Giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 76 xu Mỹ (1%) lên 77,06 USD/thùng vào lúc 13 giờ 38 phút (giờ Việt Nam). Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn cũng tăng 92 xu Mỹ (1,26%) lên 73,86 USD/thùng. Vào thứ Hai, cả hai loại dầu này đều giảm khoảng 1%, trong bối cảnh các thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm.
Những lo ngại về sản lượng tại mỏ dầu Sharara của Libya giảm 300.000 thùng/ngày cũng thúc đẩy giá dầu đi lên. Sản lượng tại mỏ dầu này, một trong những mỏ lớn nhất của đất nước, đã giảm khoảng 20% do các cuộc biểu tình. Bên cạnh đó giá dầu tăng cũng diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán châu Á phục hồi mạnh mẽ sau khi lao dốc vào thứ Hai (5/8).
Lượng khách hàng đặt mua ô tô điện tại Đức giảm 47%: Theo khảo sát 348 đại lý xe từ đầu năm 2024 đến nay của Hiệp hội Thương mại Ô tô Đức (ZDK), lượng khách hàng tư nhân đặt mua ô tô điện đã giảm 47% so với cùng kỳ năm 2023.
Đơn đặt hàng plug-in hybrid (xe sử dụng song song động cơ điện và động cơ đốt trong – PHEV) cũng đã giảm 37%. Ngược lại, nhu cầu về ô tô chạy bằng dầu diesel và xăng đã tăng 24%.
ZDK không kì vọng tình hình trên sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm nay. Theo Hiệp hội này, nguyên nhân chính khiến nhu cầu về ô tô điện sụt giảm là vấn đề giá thành cao so với xe sử dụng động cơ đốt trong.
Xu thế này cũng thể hiện rõ ở phân khúc xe công ty, nơi yếu tố cảm xúc đóng vai trò thứ yếu trong việc mua hàng. Chẳng hạn, 27% số đại lí được khảo sát cho biết đối tượng khách hàng doanh nghiệp bị cản trở do giá mua cao hoặc thuế cao, trong khi 23% đại lí cho rằng giá bán lại không chắc chắn của ô tô điện là một trở ngại khác.