Thị trường bất động sản Trung Quốc đối diện với “quả bom” nợ xấu mới

114
Trong ảnh là một phần dự án khổng lồ xây 39 tòa nhà trên đảo nhân tạo ở thành phố Đam Châu, tỉnh Hải Nam của Evergrande. Tập đoàn này có trên 1.300 dự án ở 280 thành phố khắp Trung Quốc, phần lớn không đúng tiến độ xây dựng. Ảnh: Reuters

Làn sóng người mua nhà từ chối thanh toán các khoản vay thế chấp mua nhà ở các dự án chậm hoàn thiện đang lan rộng ở Trung Quốc, khiến tỷ lệ nợ xấu trong mảng bất động sản có thể tăng 3-5 lần. Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ ước tính “quả bom nợ Evergrande” mới có thể lên đến 220 tỉ đô la.

Phản ứng của người vay mua nhà sẽ làm suy giảm triển vọng kinh doanh của các ngân hàng ở Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng của các đợt phong tỏa chống Covid trong hơn ba tháng qua.

Người dân Trung Quốc đang “mắc kẹt” với những dự án bất động sản dang dở đã yêu cầu chính quyền các cấp sớm hành động ngay, trong tháng 7 này hoặc tháng tới. Tình trạng này khiến các nhà đầu tư thêm phần lo ngại về những bất ổn của thị trường bất động sản vốn chiếm đến 25% nền kinh tế Trung Quốc. Kế đến, nhà đầu tư cũng thêm lo lắng về sức khỏe của các ngân hàng vốn gặp khó khăn trong năm qua do phải cáng đáng nợ xấu và vỡ nợ của mảng nhà đất. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã bán tháo cổ phiếu ngành ngân hàng và  bất động sản, khiến chỉ số CSI300 Bank giảm tới 3,3% trong ngày 14-7.

Các khoản vay mua nhà thuộc các dự án xây dựng dang dở đã đạt 1.500 tỉ nhân dân tệ (khoảng 220 tỉ đô la). Quả bom nợ xấu có thể bùng nổ bất cứ lúc nào nếu các cuộc biểu tình hay phản đối của người mua nhà ở các thành phố lớn ngày càng mở rộng.

Các khoản vay mua nhà hiện chiếm gần 20% tổng các khoản vay. Dòng tiền tại các dự án ở các thành phố lớn đã bị ảnh hưởng trong các đợt phản đối vừa qua của người dân. Trang Caixin của Trung Quốc nói trong tuần rồi, người mua nhà ở 20 dự án đã dừng thanh toán. Đầu tuần, con số này lên đến 100 và có thể chạm mốc 200 vào cuối tuần. Chủ các dự án này gồm gồm các công ty nổi danh China Evergrande Group và Sinic Holdings.

Từ tháng 9-2021, chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần nỗ lực ngăn chận “quả bom nợ” Evergrande chực chờ phát nổ khi số nợ của Evergrande lên đến 300 tỉ đô la cuối năm rồi. Tổng giá trị toàn sản của tập đoàn khoảng 2.000 tỉ nhân dân tệ, tức dưới 300 tỉ đô la, và nằm rải rác khắp các mảng, như bất động sản, xe điện, internet và truyền thông, công viên giải trí, bóng đá…

Tình hình không lạc quan

Nhà chức trách Trung Quốc đã họp khẩn với các ngân hàng khi người dân từ chối thanh toán với các dự án bị đình trệ, Bloomberg đưa tin hôm 14-7. Truyền thông Trung Quốc đưa tin chính quyền một số nơi cũng gặp gỡ và đối thoại với người mua nhà trong tuần này, nhưng không nói rõ chi tiết.

“Mối quan tâm chính yếu hiện này là tình trạng này kéo dài và phát triển theo chiều hướng xấu khi người mua nhà thấy tốc độ dự án quá chậm chạp, không đúng tiến độ. Lúc đó, tình hình thật bi quan, nếu không nói là bi đát”, nhà phân tích Shujin Chen thuộc hãng chứng khoán Jefferies nói với Reuters.

Các căn hộ bán trước hiện đang là tài sản thế chấp của người mua nhà tại ngân hàng. Nhưng người cho vay vẫn có khả năng lỗ nặng do các dự án không biết khi nào sẽ hoàn thành. Thời gian chờ đợi quá dài cũng có thể làm giảm giá trị của bất động sản hình thành trong tương lai.

Nhà phân tích tài chính Xiaoxi Zhang thuộc hãng nghiên cứu Gavekal Dragonomics của Trung Quốc nói rằng: “Trong điều kiện thị trường hiện tại thì khó có thể bán được căn hộ”.

Một nhà quản lý quỹ cũng cho biết các ngân hàng sẽ không nhận lại 100% vốn chủ sở hữu nếu họ tịch biên các dự án dở dang. “Tình trạng trì trệ sẽ xóa sổ đến một nửa vốn chủ sở hữu của ngân hàng. Các khoản vay này còn tệ hơn tình trạng nợ dưới chuẩn”, nhà quản lý đề nghị không nói tên nhận định. Ông cũng đề cập cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn trong mảng nhà đất ở Mỹ vào năm 2007.

Các nhà đầu tư cá nhân kéo đến trụ sở của Evergrande ở Thâm Quyến để đòi tiền hồi tháng 9-2021. Ảnh: AFP/Jiji

Rủi ro hệ thống

Bốn ngân hàng quốc doanh lớn ở Trung Quốc có mức nợ mua nhà lớn nhất gồm: Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Công thương Trung Quốc. Theo dữ liệu của Jefferies, tham gia lĩnh vực nợ xấu tiềm năng còn có Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc, Ngân hàng Thương gia Trung Quốc và Ngân hàng Công nghiệp.

Ba trong số các ngân hàng này đã không trả lời yêu cầu bình luận từ Reuters. Bốn ngân hàng còn lại khẳng định rằng các khoản vay của họ tại các dự án nhà chưa hoàn thành hay bị trì hoãn là “tương đối nhỏ và rủi ro có thể kiểm soát được”.

Nhà đầu tư và các doanh nghiệp đang thúc giục nhà chức trách Trung Quốc sớm can thiệp để giải quyết cuộc khủng hoảng, bởi các hãng xây dựng có thể dừng hoạt động trong thời gian tới do thanh khoản của họ bị suy giảm. “Ổn định xã hội và ổn định tài chính sẽ bị đe dọa trong tình huống xấu nhất”, nhà phân tích Zhang thuộc Gavekal Dragonomics cho biết:

ANZ cho biết các nhà chức trách có thể can thiệp vào việc phân bổ nguồn vốn để hỗ trợ và thúc đẩy các dự án xây dang dở hoàn thành sớm hơn. Ngân hàng này khuyến cáo các ngân hàng và các nhà phát triển bất động sản thuộc sở hữu cần đóng một vai trò tích cực hơn.

Riêng Morgan Stanley nhận định: “Các nhà hoạch định chính sách sẽ cần phải gửi đi những tín hiệu rõ ràng và mạnh mẽ rằng họ sẵn sàng giải cứu trong tình hình xấu nhất để kiềm chế rủi ro hệ thống, tức các hãng bất động sản và ngân hàng có thể sụp đổ dây chuyền”.

Ricky Hồ / BSA

Lithium giữ giá cao, các kim loại khác để sản xuất pin xe điện bị giảm giá nhẹ