Thị trường chuyên cơ riêng cho doanh nhân: Cho thuê hay bán đứt?

740
Phi Cơ Riêng - Ảnh: whothailand
Số doanh nhân Việt Nam đủ giàu để sắm máy bay riêng đang tăng lên. Tuy nhiên, để sắm được, giữ được và biến “cái hộp sắt biết bay” làm ra tiền chứ không phải xay tiền, là một câu chuyện dài.
Từ “bầu Đức” đến chủ tịch Hoà Phát Trần Đình Long, hay tỷ phú Trịnh Văn Quyết đều có chung một “giải pháp”: mua rồi bán và đi thuê lại khi cần!
Từ thương vụ đầu tiên của “bầu Đức”…
Một chiếc phi cơ riêng đang đợi cất cánh – Ảnh: AviationVoice
Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức là người khơi mào cho xu hướng mới của giới nhà giàu Việt Nam: mua máy bay riêng.
Bầu Đức bỏ hơn 5 triệu USD để mua chiếc máy bay Beechcraft King Air 350 do Hoa Kỳ sản xuất năm 2005, có hơn 3.000 giờ bay. Loại máy bay phản lực cánh quạt hai động cơ loại nhỏ, thân dài hơn 10m, sải cánh 15m, buồng lái có chỗ cho hai phi công, sức chở tối đa 11 người. Ông tốn thêm 2 triệu USD cho tiền thuế, bảo dưỡng kỹ thuật và tổ lái… Người lái cho ông chủ Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) là phi công Nguyễn Thành Trung, nguyên phó tổng giám đốc Vietnam Airlines.
Bầu Đức nhiều lần giãi bày rằng, ông mua máy bay cá nhân không phải vì “chơi sang”, mà vì yêu cầu công việc, bởi các dự án của HAGL giờ là các cánh đồng bạt ngàn nằm rải rác khắp Đông Nam Á. King Air 350 đáp ứng nhu cầu đi lại cơ động trong tầm bay trên dưới 2.000km.
Năm 2016, ông bầu đã bán lại “con cưng” của mình cho công ty Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines) – hãng hàng không vừa được cục Hàng không Việt Nam cấp phép khai thác tàu bay cuối tháng 7/2019. Giá cả không được tiết lộ, lý do cũng vậy, nhưng người ta tin rằng King Air 350 đã quá già cỗi. Lúc bầu Đức sang lại, chiếc phi cơ này đã quá 11 tuổi.
Người ta sau đó nói ông chủ HAGL sắm phi cơ phản lực Legacy 600 “xịn” hơn nhiều có giá 27,5 triệu USD để thay chiếc King Air 350 cũ kỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia hàng không nói rằng, ông đã thuê lại chiếc Legacy 600 này từ Vietstar.
Tháng 7/2018, vụ vỡ đập thuỷ điện Xe Pian Xe Namnoy diễn ra ở Attapeu, Lào. Tập đoàn HAGL đã điều trực thăng đến giải cứu 26 công nhân của họ đang mắc kẹt. Tổng giám đốc Võ Trường Sơn sau đó đã xác nhận HAGL thuê trực thăng của công ty Lao Skyway thực hiện vụ giải cứu này.
Chiếc trực thăng Sikorsky S-76 – Ảnh: heavy.
… Đến những vụ mua bán chóng vánh
Bầu Đức có thể được xem là người đầu tiên và người sở hữu lâu nhất một máy bay cá nhân – trong gần chín năm, nói cách khác ông là người có sức chơi và chịu chơi nhất. Các vụ mua máy bay còn lại của giới đại gia Việt thường là mua rồi nhanh chóng cho thuê lại hay bán đi, vì nhiều lý do khác nhau.
Năm 2010, ông Trần Đình Long, chủ tịch HĐQT tập đoàn Hoà Phát, bỏ ra khoảng 5 triệu USD, đã bao gồm thuế, để sắm chiếc trực thăng EC135B1. Khác với bầu Đức, ngay sau đó ông Long ký hợp đồng cho công ty Trực thăng miền Bắc thuê lại chiếc máy bay của mình. Khi nào cần sử dụng, ông Long lại đi thuê máy bay của mình theo giờ.
Năm 2011, hai ông Cao Văn Sơn và Cao Tiến Đoan của công ty Hành Tinh Xanh có hai đơn nhập hàng riêng biệt tới 14 chiếc máy bay, gây xôn xao báo chí một dạo. Đến năm 2013, do thủ tục, chỉ có bốn chiếc của ông Sơn được cấp phép nhập, trong đó có hai máy bay siêu nhẹ hai người lái trị giá 2 triệu USD/chiếc do Cộng hoà Czech sản xuất, hai chiếc trực thăng 14 triệu USD/chiếc do Hoa Kỳ sản xuất.
Năm 2015, hai ông Sơn – Đoan có màn đòi nợ “kinh động” không kém ở Thanh Hoá.
Tập đoàn FLC mua hai trực thăng vào năm 2014 với tham vọng là hãng đầu tiên khai thác dịch vụ trực thăng bay đến các điểm du lịch mà FLC đang khai thác và quản lý. Tuy nhiên, tháng 5.2018, tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã chuyển nhượng hai trực thăng này cho một đối tác khác (không tiết lộ). Các nhân vật cấp cao của FLC chỉ nói rằng: “Chúng tôi nhận thấy dịch vụ sử dụng trực thăng tại Việt Nam còn gặp nhiều bất cập do phải xin phép đường bay. Thông thường thời gian xin phép đường bay mất một tuần, nên đã mất đi tính cơ động. Do đó, chúng tôi quyết định không khai thác dịch vụ này”.
Thị trường máy bay cá nhân tại Việt Nam?
Một chiếc phi cơ riêng tại sân bay Seletar, Singapore – Ảnh: The Straits Times
Năm 2011, Eurocopter thuộc European Aeronautic Defense & Space Co. đã lập một công ty chuyên về thị trường trực thăng cho Việt Nam với tên Vinacopter, đặt văn phòng chính tại Hong Kong và chi nhánh tại Hà Nội.Chủ tịch Hoà Phát Trần Đình Long là khách hàng đầu tiên của Vinacopter.
Lúc đó, trên thị trường có khoảng 20 trực thăng, hai thuộc sở hữu cá nhân và 18 dùng trong dịch vụ thăm dò và khai thác dầu khí. Giám đốc thương mại Vinacopter Jussi Hoikka khi đó lạc quan dự báo đến năm 2020, số trực thăng tại Việt Nam sẽ tăng nhanh và đạt 100 chiếc, phần lớn là số do các tập đoàn tư nhân sở hữu. Thị trường phát triển không như ý muốn, ông Hoikka hiện giờ chuyển sang làm việc ở Philippines.
Dòng trực thăng ít thông dụng với hoạt động hàng không dân dụng. “Người khai thác gặp nhiều khó khăn, tốn kém trong việc thuê phi công, bảo dưỡng kỹ thuật… Trường hợp của Hoà Phát và FLC là ví dụ cụ thể nhất”, một chuyên gia hàng không tại TP.HCM, nhận định.
Không thích hợp cho số đông hành khách, không thích hợp cho cả các đại gia sở hữu như đồ trang sức, dòng máy bay cá nhân thích hợp cho các hãng khai thác thị trường ngách. Cuối tháng 7 vừa rồi, hãng hàng không lưỡng dụng Vietstar được cấp phép khai thác máy bay (AOC) đối với dòng Embraer Legacy 600 và Beechcraft King Air B300. Với tầm bay thẳng đến 8 giờ và sức chứa tối đa 11 hành khách, Legacy 600 thích hợp để cho thuê đối với các tập đoàn Việt Nam đang mở rộng hoạt động trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Riêng King Air B300 là tàu cánh quạt với tám chỗ ngồi, lại thích hợp cho thị trường Đông Nam Á.
Chiếc phi cơ riêng hiệu Beechcraft King Air 350 của bầu Đức – Ảnh: kienthuc.net
“Các loại trực thăng và máy bay cỡ nhỏ thích hợp với các hãng khai thác thị trường vận chuyển dành cho doanh nhân. Vietstar là hãng đầu tiên khai thác cả hai thị trường hàng không chuyên dụng và dân dụng sẽ tận dụng tốt. Tập đoàn Thiên Minh trước đây khai thác thuỷ phi cơ cho các tour thăm vịnh Hạ Long và đồng bằng sông Cửu Long, sẽ có thể đi theo hướng này khi được cấp phép”, vị chuyên gia trên nói.
Bên cạnh đó, ngắm cảnh hay chụp ảnh cưới, cứu trợ đặc biệt và y tế khẩn, đang là nhu cầu “nóng” đối với các thành phố lớn ở Việt Nam. Đầu tháng 5 vừa rồi, ứng dụng chia sẻ xe FastGo phối hợp với công ty Trực thăng miền Bắc, khai trương dịch vụ chia sẻ trực thăng để ngắm cảnh Hà Nội và vịnh Hạ Long từ trên cao, với giá 2,9 triệu đồng/khách cho một tour bay 12 phút.
“Tất cả các nhu cầu mới này sẽ giúp thị trường khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, thay vì mua để sở hữu riêng, giới giàu có Việt Nam sẽ mua để cho thuê nhiều hơn, vì tính hiệu quả đầu tư số tiền lớn vào tài sản biết bay này”, vị chuyên gia trên ví von.

Máy bay mới HondaJet đang được để ý
Các đại gia Việt Nam đang để ý đến các chiếc HondaJet của hãng Honda, Nhật Bản. Cuối tuần rồi, một nữ doanh nhân Việt kiều Mỹ đang làm việc tại TP.HCM, đã đăng trên trang cá nhân ảnh cô và các bạn đi thăm hãng sản xuất HondaJet tại tiểu bang Bắc Carolina. Cô nói “đã có những trải nghiệm đáng nhớ trên dòng máy bay mới”, nhưng không khẳng định người mua là ai, và chỉ nói rằng nhóm bạn của cô sẽ mua chiếc này.
HondaJet là loại máy bay nhẹ sáu chỗ, với giá từ 4,5 triệu USD/chiếc, dành cho doanh nhân, được Honda dồn sức phát triển từ năm 1986. Với thân bằng vật liệu composite, cánh bằng hợp kim nhôm, động cơ gắn trên cánh, HondaJet được cho là cấu hình có thể bay nhanh nhất, động cơ yên ắng nhất, và tiết kiệm nhiên liệu nhất, trong các dòng máy bay cá nhân. HondaJet có khả năng bay quãng đường 2.000km.
Theo thông báo trên trang của HondaJet, công ty Thai Aerospace Services có trụ sở ở sân bay Don Mueang tại Bangkok sẽ phụ trách thị trường Thái Lan, Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác.
Trực thăng làm phương tiện giao thông công cộng
FastGo nghiêng về dịch vụ vận chuyển du khách ngắm cảnh Hà Nội và miền Bắc từ trên cao.Trong khi đó, Uber và các tập đoàn trên thế giới đang có hướng sử dụng trực thăng làm phương tiện di chuyển công cộng trong tương lai.
Tháng 8/2018, tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản, Uber đã hé lộ dự án UberAir sẽ trở thành một phần của giao thông công cộng vào năm 2030. Uber sẽ hợp tác với cơ quan Hàng không vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) để phát triển loại trực thăng chạy bằng điện và có tốc độ bay khoảng 320km/h.
Sydney, Dallas và Los Angeles sẽ là những thành phố đầu tiên trên thế giới có dịch vụ UberAir bằng trực thăng, nếu bạn cần di chuyển vào năm 2020.Sau hai năm đầu thử nghiệm, UberAir sẽ quyết định mở rộng hơn hay không.Nếu thành công, UberAir sẽ trở thành phương tiện giao thông công cộng phục vụ cho Thế vận hội Los Angeles 2028. Bên cạnh ba cái tên trên, các thành phố ở Pháp, Brazil, Ấn Độ và Nhật Bản cũng nằm trong danh sách tiềm năng.
Tuy nhiên, Singapore, Australia và New Zealand đã bắt đầu thử nghiệm từ năm ngoái việc dùng trực thăng như là phương tiện giao thông công cộng.Tất nhiên, ban đầu hành khách vẫn là giới doanh nhân.

Ricky Hồ (Theo TGHN)