Thị trường gạo Thái Lan trở nên “hỗn loạn” sau lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ

Nông dân trồng lúa ở tỉnh Khon Kaen, miền trung Thái Lan. Ảnh: Nikkei Asia

Thị trường mua bán gạo trong nước của Thái Lan đã trở nên “hỗn loạn” sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ do các nhà buôn đầu cơ tích trữ, khiến nguồn gạo xuất khẩu trở nên hiếm hoi. Bên cạnh đó là tình trạng các nhà xuất khẩu Thái Lan liên tục đòi tái đàm phán với bạn hàng nước ngoài về giá cả của các hợp đồng đã ký trước đây.

Giá gạo xay xát nội địa của Thái Lan đã tăng gần 20% trong tuần trước lên 21.000 baht (597 đô la) mỗi tấn, tăng từ mức 17.000 baht trong vài tuần trước đó.

Tình trạng này đã đẩy giá xuất khẩu gạo trắng chuẩn 5% của Thái Lan – bao gồm gạo 5% tấm – lên 610 đô la/tấn – mức giá kỷ lục trên toàn cầu trong 11 năm qua. Dù chính phủ Thái Lan không có kế hoạch hạn chế xuất khẩu gạo, nhưng các nhà xuất khẩu Thái Lan vẫn không muốn bán ra do nguồn cung không đảm bảo.

Thái Lan thường sản xuất khoảng 20 triệu tấn gạo xay xát, một nửa trong số đó được tiêu thụ trong nước. Nửa còn lại thường được xuất khẩu.

Chookiat Ophaswongse, chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, nói với Nikkei Asia: “Thái Lan chưa bao giờ bị khan hiếm nguồn cung như hiện nay, bởi chúng tôi có rất nhiều gạo dư thừa hàng năm. Nhưng năm nay, thị trường gạo Thái Lan hỗn loạn vì các nhà xuất khẩu không thể đưa ra bất kỳ báo giá nào vì họ lo ngại về biến động giá và không bảo đảm nguồn cung”.

Một số nhà xuất khẩu đã tái thương thảo với khách hàng nước ngoài về giá cả của các hợp đồng mua bán gạo đã ký trước đây. Tuy vậy, việc tái thảo luận các điều kiện đã ký có thể làm tổn hại đến danh tiếng quốc tế của các hãng buôn gạo Thái Lan.

Ấn Độ đã công bố lệnh cấm xuất khẩu gạo hôm 20-7. Lệnh cấm này gây lo ngại về lượng gạo dự trữ giảm và khuyến khích các nhà nhập khẩu gạo lớn tìm kiếm gạo từ các nhà xuất khẩu chính khác, bao gồm Thái Lan và Việt Nam.

Việc tích trữ dự kiến sẽ đẩy giá gạo Thái Lan xuống mức kém cạnh tranh và cướp đi cơ hội vàng để tăng lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan do sự vắng bóng của gạo Ấn Độ trên thị trường quốc tế. Các nhà xuất khẩu Thái Lan miễn cưỡng cam kết giao dịch nếu không thể đảm bảo giao hàng ở mức giá phù hợp với các cam kết trước đó. Một thương nhân tại một công ty thương mại quốc tế có trụ sở tại Bangkok cho biết, làm như vậy sẽ gây ra tổn thất ngay lập tức.

Ngoài giá tăng do tích trữ, thời tiết khô hạn El Nino có khả năng hạn chế vụ thu hoạch và ngăn cản Thái Lan xuất khẩu nhiều gạo hơn trong năm nay và năm tới. El Nino dự kiến sẽ dẫn đến lượng mưa ít hơn vào tháng 9 và tháng 10, khi các cánh đồng bị khô hạn và cần được bổ sung nước tưới. Vì thế, sản lượng vụ mùa vào tháng 11 có thể bị giảm. Hơn nữa, lượng mưa thấp hơn do El Nino có thể sẽ làm giảm mực nước tại các hồ chứa lớn, cung cấp năng lượng cho hệ thống thủy lợi và rất quan trọng đối với việc gieo trồng trái vụ.

Hiện chưa có ước tính sản lượng chính xác, nhưng Bộ Nông nghiệp chỉ dự báo rằng niên vụ 2023/24 (tháng 11-tháng 10) của Thái Lan sẽ thấp hơn dự kiến.

Do nguồn cung khan hiếm và tích trữ, Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan duy trì mục tiêu xuất khẩu năm 2023 ở mức 8,5 triệu tấn do nước này khó có thể tận dụng lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ.

Ricky Hồ / BSA Media