Đi chợ thế giới: Kể câu chuyện sản phẩm bằng QR Code

136
Trong những cuộc hội thảo, gặp gỡ các đối tác tại Thaifex 2023, do Hội DN HVNCLC tổ chức, nhiều nội dung liên quan đến câu chuyện sản phẩm, thương hiệu, tiếp thị, thị trường đã được chuyên gia chia sẻ.
Chiều ngày 24/5, trong Hội thảo về: “Kinh tế xanh và định hướng phát triển sản phẩm bền vững của Việt Nam”, do Hội DN HVNCLC phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan tổ chức tại Trung tâm Hội nghị IMPACT, ông Chokchai Kolsrichai “chủ chợ” Talaad Thai Market, đã có những chia sẻ về kinh nghiệm cạnh tranh của doanh nghiệp Thái.
Trước tiên, về nông sản thực phẩm, ông Chokchai Kolsrichai cho hay tại chợ Talaad Thai Market chia làm hai loại, tươi và đã chế biến. Về trái cây, rau củ tươi, người Thái chú ý thời vụ. chẳng hạn như mùa mưa, bắp cải là món người Hoa rất hay dùng thì Trung Quốc bị mất mùa nên đó là lúc người Thái bung hàng ồ ạt qua thị trường này. Còn với thực phẩm chế biến, hình thức phải đẹp, hấp dẫn đã đành nhưng sản phẩm phải kể được câu chuyện trong đó.
Ông Chokchai nói rằng, phải nên kể chuyện về sản phẩm và kể bằng… QR code. Khách hàng chỉ cần nhấp vào QR Code của sản phẩm là toàn bộ “cuộc đời” từ nguyên liệu cơ bản đầu tiên cho đến sản xuất, chế biến… đều rõ mồn một.
Chia sẻ thêm về điều này, ông Nguyễn Thành Huy, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan lý giải, vì sao hàng Việt Nam chưa chiếm lĩnh được thị trường Thái dù một số ngành, sản phẩm Việt Nam đủ tốt, chất lượng chấp nhận được và giá cạnh tranh? Là do chúng ta kể chuyện chưa hay thậm chí không hề kể câu chuyện về sản phẩm.
“Việt Nam có nhiều đặc sản vùng miền, trong đó có không ít sản phẩm có chỉ dẫn địa lý được thế giới công nhận, do đó trong việc truyền thông, giới thiệu sản phẩm của mình cần lan tỏa được câu chuyện về sản phẩm, con người, vùng đất cho khách hàng rõ, bán cho ai, bán như thế nào…”, ông Huy nói.
Ông Huy cho biết thêm, trong thời gian tới, tôi đề xuất doanh nghiệp Việt Nam tận dụng các sản phẩm của chính mình, kể những câu chuyện về những vùng nguyên liệu quý của mỗi doanh nghiệp để tạo ra những dấu ấn riêng cho các sản phẩm, và từ đó tận dụng để thâm nhập thị trường ngách, tạo ra một bản sắc riêng để có thể ghi dấu ấn cho các sản phẩm Việt Nam trên thị trường nước ngoài.
Thông tin thêm về cách kể câu chuyện sản phẩm bằng QR Code, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC cho biết: Như cách mà công ty QP Foods “kể chuyện” thật “lịch lãm & thu hút”. Trưng bày những nguyên liệu được “sấy đông khô” bắt mắt đến mức phải thốt lên, đẹp quá, như còn sống và tươi nguyên. Những loại rau gia vị và những miếng cá, tôm, thịt, cà, hẹ… lại có đầu bếp giỏi đến nấu tại chỗ thành bún cá, bún riêu, phở bò… bốc khói, thơm lừng mời khách. Chứng kiến các thương nhân Âu, Mỹ đến dùng thử và suýt soa vì món ăn nóng hổi thơm ngon và tròn vị. Họ gật gù nhìn dòng chữ “The beautiful kitchen of the world” và ắt là hài lòng vì câu chuyện mà họ trãi nghiệm: đẹp về hình thức, thơm ngon và  đậm vị.
Cũng theo bà Vũ Kim Hạnh, thật trùng hợp, khi nghe những góp ý nhẹ nhàng của bà Jariya Chirathivat, đại diện của Central Group tại Việt Nam, sau khi chăm chú xem nhãn và cầm trên tay chai mật ong lên men của các bạn trẻ khởi nghiệp ở bản Thổ: “Sản phẩm các em rất quí, hình thức đẹp rồi nhưng cần tạo điều kiện trải nghiệm, cần một đội ngũ marketing hiểu kỹ sản phẩm và chuyên nghiệp để khiến chúng tôi dừng lâu, xem kỹ và bị thu hút rồi tìm hiểu kỹ để mua”.
Hội thảo do Hội DN HVNCLC tổ chức tại Thái Lan bàn về kinh tế xanh, phát triển bền vững cũng như kinh nghiệm xây dựng mô hình này
DN Việt gặp gỡ đại diện của Central Group

Đi hội chợ không chỉ là tìm cơ hội bán hàng
Trong tọa đàm về “Tìm hiểu kinh nghiệm làm kinh tế xanh và xây dựng sản phẩm bền vững của Thái và xây dựng sức canh tranh cho sản phẩm xanh và bền vững của Việt Nam”, bà Vũ Kim Hạnh cho rằng: “Đến Thaifex mà chỉ triển lãm hàng và tìm cơ hội bán hàng, tìm thị trường mới là mới làm 50% công việc. Một nửa còn lại là đi học từ chính các doanh nghiệp cùng triển lãm, thu thập thông tin nghiên cứu thị trường, dự các hội thảo của hội chợ và tổ chức đi thăm (Study tour) các tổ chức, công ty đối tác, các nhà phân phối… của Thái.
Nhìn nhận điều này, ông Phạm Đình Ngãi – CEO & Founder Mật hoa dừa Sokfarm (Trà Vinh) cho hay, doanh nghiệp mình lần thứ 2 tham dự Hội chợ THAIFEX Anuga tại Thái Lan, có 3 mục đích chính. Đầu tiên là kết nối lại với những đối tác từ Thaifex 2022, thứ hai là giới thiệu dòng sản phẩm mật hoa dừa cô đặc và sản phẩm nước tương lên men từ mật hoa dừa. “Bởi tôi được biết đây là những sản phẩm mà trong tương lai người ta có thể thay thế cho đường, hoàn toàn tự nhiên, tốt cho sức khỏe”.
“Mục đích cuối cùng là tìm hiểu thêm về xu hướng tiêu dùng những dòng sản phẩm nay, và nhất là những thiết bị, máy móc, công nghệ để làm ra sản phẩm này đạt tiêu chuẩn”, Phạm Đình Ngãi nói.
Trong khi đó, ông Hà Tiến Phước, Trưởng phòng Marketing Công ty Cổ phần Lai Phú cho rằng, thực tế khi tham dự Thaifex, doanh nghiệp luôn tìm cách cho khách hàng dùng thử, trải nghiệm sản phẩm của mình, để họ có sự nhận xét, đánh giá khách quan.
“Những ngày qua, sản phẩm của chúng tôi được khách Hàn Quốc, Ấn Độ quan tâm nhiều, nhất là mặt hàng pudding trái cây, bánh cookies kem trái cây (xoài, chanh dây, thơm, sầu riêng). Trong khi đó khách Châu Âu lại muốn hợp tác sản xuất sản phẩm nước trái cây có thạch nha đam hoặc thạch dừa. Ngoài ra có khách cũng muốn sử dụng thêm thạch trân châu cho các loại nước. Một số khách Philippines  quan tâm tới nước trái cây đặc thù của Việt Nam như nước vải thạch dừa, nước chanh dây thạch dừa, nước dưa lưới thạch dừa…
Trong những ngày diễn ra Thaifex 2023, đoàn doanh nghiệp thuộc Hội DN HVNCLC cũng có nhiều chuyến đi tìm hiểu thực tế tại hội chợ, tại các trung tâm, siêu thị, hệ thống phân phối lớn của Thái Lan, như đi thăm Central group, Siam Paragon, thăm chợ đầu mối trái cây Talaad Thái…
Khách mời hội thảo
Gian hàng mật hoa dừa của Phạm Đình Ngãi

Khách quốc tế tại gian hàng Lai Phú
Trong đó có những doanh nghiệp HVNCLC, HVNCLC – Chuẩn hội nhập, và các doanh nghiệp đang tham gia Dự án IPSC (Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam – USAID IPSC) do Hội DN HVNCLC triển khai thực hiện.
Trần Quỳnh – Sỹ Nam