Thiên đường kế tiếp cho du mục số?

    232
    Ở ngôi nhà tôi sống tại thành phố Las Vegas, Austin, một người thuê phòng trong cùng căn hộ vừa trở về sau thời gian ở Cộng hòa Dominica.  Austin trở về Las Vegas để làm vài thủ tục giấy tờ cho công ty của anh, rồi nhanh chóng trở lại Dominica chỉ một tuần sau đó. Khoảng 10 tháng trong năm, Austin ngồi làm việc ở Dominica, Costa Rica, Mexico, và chỉ trở về Mỹ để thăm gia đình.
    Những người như Austin được xem là dân du mục thời đại số: họ là những người làm việc từ xa, freelancer rong ruổi mọi ngóc ngách của thế giới và kiếm sống từ bất cứ nơi đâu có kết nối internet mạnh.
    Năm 2018, khi tôi đến Bali, Indonesia lần đầu, nhiều ngôi nhà trong làng đều được những bạn làm nghề phát triển phần mềm, quảng cáo, làm tư vấn tâm lý qua mạng… thuê. Từ nhiều năm trước, Indonesia đã là mái nhà mà dân du mục số chọn lựa. Tuy nhiên, vì lý do nào đó, chính phủ Indonesia vẫn buộc những du khách này sử dụng chế độ visa du lịch như thường lệ. Nhiều người bay khỏi Bali mỗi 30 ngày để bắt đầu lại thời gian “du lịch”. Một số người có quốc tịch châu Âu hay Mỹ có thể ở Indonesia tối đa ba tháng với thủ tục gia hạn rườm rà. Có lần một người bạn tôi có quốc tịch Mỹ sống ở West Java phải đi chuyến xe bus 6 tiếng đồng hồ đến một văn phòng gia hạn visa và ngồi chờ 4 tiếng để đóng một con dấu gia hạn.
    Tuy nhiên, thời tiết tốt, thực phẩm sạch, khí hậu trong lành, nơi cư trú an toàn và người dân thân thiện đã khiến Bali luôn là thiên đường của người du mục số, dù nhiều rào cản giấy tờ bất tiện. Trên diễn đàn du lịch, mọi người thường chuyền tay nhau địa chỉ hay số liên lạc của các dịch vụ gia hạn visa, một trong những nghề ăn nên làm ra của các công ty du lịch tại Indonesia.
    Nhưng đại dịch Covid-19 đã thay đổi thế giới, trong đó có cả cách thức nhiều người đi du lịch, cũng như buộc nhiều quốc gia phải thay đổi chính sách lưu trú để cứu nền du lịch kiệt quệ vì Covid-19. Năm 2020, khi mắc kẹt ở Chile, tôi tìm một “điểm đến” để bản thân có thể làm việc. Khi ấy, rào cản không chỉ là đại dịch, mà còn vì đại sứ quán gần như đóng cửa toàn bộ hoặc không cấp visa du lịch. Đầu tiên, tôi đến Panama, quốc gia được gọi là “thiên đường nghỉ hưu” của người Mỹ và Canada. Khi ấy giữa đỉnh cao đại dịch, Panama đã mở cửa lại đường bay và dịch vụ, vì nền kinh tế quốc gia này phụ thuộc phần lớn vào dịch vụ vận tải và hàng không. Dịch vụ xét nghiệm Covid-19 có ngay tại sân bay, các điều khoản xét nghiệm, cách ly, miễn trừ cách ly nhanh chóng được quy định rõ ràng, mở đường cho quốc gia này hoạt động trở lại trong khi toàn bộ Trung Mỹ và Nam Mỹ vẫn đóng cửa. Khi đáp chuyến bay đến Panama City, nhiều người cùng bay với tôi là dân Chile, Argentina, người Mỹ muốn đến vùng khí hậu ấm và chi phí lưu trú giá rẻ hơn.
    Tuy nhiên, sau hai tháng ở Panama, tôi gặp rào cản với chất lượng internet. Tôi làm việc qua mạng với các công ty tại Việt Nam, Singapore và học online chương trình của Mỹ. Công việc đòi hỏi đường truyền internet chất lượng cao. Tuy nhiên, tôi chỉ có thể có internet tốt trong trung tâm thành phố lớn. Khi rời Panama City về một làng chài nhỏ để chơi lướt sóng, internet của tôi gần như không thể dùng để gọi thoại video. Công việc phần nhiều bị đứt đoạn.
    Vài tháng sau, tôi bay đến Mexico, ở bang Nayarit và lưu trú khoảng bốn tháng. Mexico “hào phóng” cho các du khách có visa Mỹ và visa Schengen thời hạn đến 180 ngày lưu trú trên visa du lịch. Mexico có những bang hoàn toàn do băng đảng ma túy cai trị, nhưng cũng có những bang rất an toàn cho người du lịch. Trong thời gian ở Mexico, tôi thường ở Mexico City, Puerto Vallarta (bang Jalisco) và Punta de Mita (bang Nayarit). Các nơi này nền kinh tế phụ thuộc vào du khách nước ngoài. Wifi tại khách sạn, nhà thuê tôi chọn đều có tốc độ cao. Phương tiện công cộng giá rẻ và dễ sử dụng. Mexico cũng có thực phẩm, rau quả và nền ẩm thực cực kỳ phong phú và hấp dẫn. Là một người làm việc từ Việt Nam, tôi gói ghém chi tiêu mỗi tháng tại những nơi này vào khoảng 500 USD, và tôi có thể chơi lướt sóng gần như suốt năm.
    Trong căn hộ tôi sống có hai người bạn khác. Một người làm giáo viên dạy tiếng Anh qua mạng cho các học viên từ Trung Đông, châu Á. Một người làm nhân viên marketing cho công ty từ Thụy Điển. Từ bãi biển bên bờ Thái Bình Dương ở Mexico, họ vẫn đều đặn làm việc mỗi ngày và tận hưởng cuộc sống chậm rãi bên bờ biển.
    Giữa năm 2020, Georgia là một trong những quốc gia tiên phong cấp visa một năm cho người làm việc qua internet ở bất kỳ nơi nào trên thế giới nếu họ có thu nhập 2.000 USD/tháng trở lên. Bước đi của Georgia được cho là kịp thời và nhanh chóng (giữa năm 2020) khi nhiều quốc gia châu Âu xung quanh bước vào đỉnh điểm dịch bệnh và nhiều người không muốn sống ở quê hương vì tình trạng cách ly kéo dài triền miên.
    Thời gian gần đây, Thái Lan và Indonesia bắt đầu thảo luận về visa cho người làm nghề du mục số. Trước đó, du mục số ở Bali hay Thái Lan làm việc trong “vùng xám” của visa du lịch mà họ sử dụng khi lưu trú tại quốc gia này.  Không hề có hạng mục visa cho người du mục số như Georgia vừa áp dụng.
    Vài năm trước, khi còn làm việc tại Đông Nam Á, là một người dân từ Việt Nam, quốc gia thuộc ASEAN, tôi gần như không thể tìm ra hạng mục visa nào cho mình lưu trú hơn 30 ngày ở những địa điểm mà tôi muốn. Tôi không thể đăng ký xin visa thăm thân nhân hay visa nghệ sĩ để có thể lưu trú 6 tháng đến 1 năm tại Indonesia. Tôi cũng không thể xin visa làm việc tại Thái Lan nếu không phải nhân viên làm việc toàn thời gian cho một công ty nào ở nước này. Tương tự, Malaysia, Philippines đều đòi hỏi nhiều điều kiện mà người làm việc tự do như tôi gần như không thể thỏa mãn điều kiện lưu trú lâu dài hơn 30 ngày. Kết quả, tôi đã “du hành” vòng quanh Đông Nam Á suốt ba năm trời trong quy định cứ 30 ngày phải bay qua một quốc gia khác, để đảm bảo mình luôn đi lại đúng luật và có thể sống ở nơi mình muốn.
    Đại dịch Covid-19 đã thay đổi bộ mặt của giới chuyên nghiệp. Nhiều công việc trước đây không thuê người làm việc từ xa giờ đã chấp nhận nhân viên làm việc từ bất cứ địa điểm nào. Du mục số sẽ là xu hướng không thể đảo ngược, cũng như quá trình chuyển đổi số Việt Nam đang theo đuổi. Tôi tin rằng đến một thời điểm, người du mục số không cần phải tiếp tục đi lại trong những vùng xám của thủ tục visa hay vất vả với những rào cản không chấp nhận người làm việc tự do qua mạng.
    Chúng tôi đang trở thành một lực lượng lao động, và visa du mục số có thể là lời giải cho những vùng đang kiệt quệ vì mất nguồn du khách do Covid-19. Chỉ cần những quốc gia điểm đến tích cực tìm kiếm giải pháp về quy định thuế, quy định lưu trú, thủ tục nhập cảnh… để những người làm việc từ xa có thể chọn đó là “thiên đường việc làm” của cộng đồng dân du mục mới.
    Khải Đơn
    Sài Gòn chở cơm đi ăn mì