Thiên nhiên cho sữa

41
Anh Trần Văn Phương, giám đốc HTX nông nghiệp Xóm Đồng 2, tại khu vườn vú sữa bơ hồng
Là người từng trồng nhiều loại trái cây như bưởi, cam… anh Phương tiên phong trồng 50 cây (2.000m2) vú sữa bơ hồng và bắt đầu dẫn dắt HTX Xóm Đồng 2 tìm con đường mới.
Mùa này, vú sữa bơ hồng ở Thới An Hội chín từng đợt và sẽ kéo dài tới qua Tết. Mỗi năm chỉ cho trái một vụ, ra hoa vào tháng 4 đến cuối tháng 10 âm lịch trong năm mới bắt đầu thu hoạch. Sản lượng trái bình quân mỗi ha khoảng 25-30 tấn/năm.
Hồi trước, vào tháng 10 còn mưa nên dễ bị nứt trái. Anh Trần Văn Phương, Giám đốc HTX nông nghiệp Xóm Đồng 2, huyện Kế Sách, Sóc Trăng khắc phục bằng cách rải vụ, cho trái thu hoạch trễ hơn một tháng) nên thời gian thu hoạch trái kéo dài đến tháng 3 âm lịch năm sau.
Mưa cuối mùa, gió chướng thổi, trái có vị ngọt thanh và không còn bị nứt trái nữa. Riêng vườn vú sữa của gia đình anh Phương, trong năm 2021 thu hoạch gần 40 tấn, lợi nhuận ròng khoảng 400 triệu đồng.
“Tới khi chọn được vú sữa bơ hồng, tìm cách rải vụ, khắc phục tình trạng nứt trái mới dám chia sẻ kinh nghiệm để HTX mở rộng diện tích trồng vú sữa bơ hồng lên 21 ha/36,5 ha”, anh Phương nói, “đã nhứt” là sản lượng vú sữa bơ hồng của HTX trên 100 tấn/năm, 30-40% sản lượng trái cung ứng cho công ty Vina T&T, giá bán 40.000 – 42.000 đồng/kg và số còn lại cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng trái cây cao cấp – giá bình quân 30.000 đồng/kg. Trước đây, mọi trái cây đều bán qua thương lái – không có gì chắc chắn; HTX chuyển đổi cách canh tác, đủ điều kiện làm mã vùng trồng. Có mã vùng trồng thì việc cung ứng xuất khẩu thuận lợi hơn. “Vui hơn nữa là sáu hộ nghèo, mỗi hộ chỉ có chừng 2.000 – 6.000 m2, nhờ học cách làm ăn bài bản nên cây trái ngon lành, cuộc sống đã khá hơn. Chưa kể 15-20 lao động nông thôn có thu nhập đều đều theo lịch bao trái, chăm sóc, thu hoạch vú sữa (từ 300 – 500.000 đồng/ngày công).
Năm 2018, huyện Kế Sách xuất khẩu vú sữa tím sang thị trường Mỹ, giờ đây có thêm vú sữa bơ hồng, vú sữa tím tứ quý (cho trái quanh năm)… Trái vú sữa bơ hồng được nhiều người sành điệu ưa chuộng do thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu tạo hương vị khác biệt so các loại trái vú sữa khác. Hơn nữa, cách HTX bảo đảm cho test mẫu thoải mái, cam kết nhận lại hàng nếu chất lượng không đạt thực sự đã tạo lòng tin cho người mua đi bán lại lẫn người dùng.
HTX sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh; cây khỏe, trái được bao bọc từ nhỏ nên không mất nhiều công sức, chi phí phun xịt thuốc. HTX áp dụng kỹ thuật bao trái hai lớp, chấp nhận làm thủ công, cứ một lớp túi có một lớp xốp trong khi những nơi khác chỉ bao lớp xốp hoặc bao bằng bọc nilong. Lớp xốp làm mát cho trái, chống được ánh nắng trực tiếp, màu da đẹp. Đẹp từ ngoài da và được minh chứng bằng kết quả kiểm định an toàn, anh Phương tâm đắc khi vú sữa bơ hồng của Kế Sách bước vào siêu thị trong và ngoài nước.
Vú sữa bơ hồng của HTX vừa được xét chọn OCOP 4 sao, anh Phương nói chứng nhận OCOP này có “dược tính” vì giúp cho các thành viên HTX tự tin hơn khi bán sản phẩm thay vì phải òn ĩ thương lái như xưa.
Để xuất hàng đi Mỹ, có hai mã số cho vú sữa bơ hồng và một mã số cho vú sữa tím. Hiện nay, một công ty mua vú sữa OCOP 4 sao của HTX bán sang Thái Lan.
Người ta nói huyện Kế Sách có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp nên vú sữa bơ hồng cho trái to, màu sắc đẹp, vị ngọt tự nhiên, cộng với sự cần mẫn bao trái nên giữ được màu sắc tươi ngon. HTX có kho bãi, được đầu tư 100 triệu đồng, để hàng chờ xuất được bảo quản trong kho mát (100 m2)… Khi ăn không bị dính mủ hay chảy nước nên khách rất thích. Anh Phương cũng nghĩ như vậy.